“Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn…” – Bùi Văn Nam Sơn

“VẬY ĐÓ BỖNG NHIÊN MÀ HỌ LỚN…”

 (ROUSSEAU VỚI TUỔI DẬY THÌ VÀ TUỔI THANH NIÊN)

BÙI VĂN NAM SƠN

Con người không là trẻ con mãi được! Trình tự tự nhiên đưa ta ra khỏi tuổi thơ vào một thời điểm nhất định. Như những gợn sóng trên mặt biển báo hiệu một cơn bão xa, sự thay đổi bắt đầu bằng lời thì thầm của những say mê vừa chớm nở.

Song hành là những thay đổi về thể chất. Khuôn mặt phát triển với đường nét định hình. Cằm lún phún, giọng vỡ, tiếng nói chưa như người lớn nhưng không còn là trẻ con nữa. Đôi mắt, cửa sổ của tâm hồn, long lanh hơn, với nhiều ánh lửa. Đã qua rồi lứa tuổi trước 15: “đời dịu mềm như nguyệt trước rằm” (Huy Cận/Học sinh)…

TUỔI DẬY THÌ “TÌM BẠN KẾT DUYÊN”…

Biến cố quan trong nhất trong tiểu sử của mỗi đời người, theo Rousseau, là sự xuất hiện của tính dục. Cuộc sống sinh vật “không nghe hoa bướm gọi bên mình” bắt đầu nhường chỗ cho những tình cảm nhân loại. Thân thể, giác quan, não bộ đã phát triển; bây giờ là lúc biết lắng nghe. Trước nay, đứa trẻ chỉ được giáo dục cho chính mình và bởi chính mình. Từ bây giờ, cần được giáo dục cho một cuộc sống với những người khác, trong mối quan hệ xã hội ngày càng rộng mở. Trước hết là tình bạn: “buổi chiều đầu họ tìm bạn kết duyên / trong sân trường tưởng dạo giữa Đào viên” (Huy Cận/Tựu trường). Rồi: “một hôm trận gió tình yêu lại / đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ!” (Huy Cận/Học sinh). Tình bạn, tình yêu, tình gia đình… trở thành động lực điều chỉnh. Mục tiêu là sự phát triển cảm xúc và hoàn thiện nhân cách.

CÁC CẤP ĐỘ KINH NGHIỆM

Tâm hồn trẻ em bị giới hạn ở cấp độ thấp về kinh nghiệm. Chúng biết sự vật, nhưng không biết mối quan hệ với những sự vật khác và với con người. Chúng chưa biết chính mình, nên chưa thể phán đoán về người khác. Nói khác đi, đứa trẻ chưa thể có kinh nghiệm xã hội và tôn giáo. Và cũng chính vì thế, chúng chưa thể hiểu và đánh giá ý nghĩa cuộc đời. Thế giới của tinh thần, luân lý, nghệ thuật, triết hoc – những mối quan tâm nâng con người lên khỏi cấp độ hoang dã – tuy sẵn sàng hé mở nhưng hầu như vẫn còn khép kín. Cho đến tuổi 15, cậu Émile chưa biết gì nhiều về lịch sử, phong tục hay xã hội. Tất nhiên, cậu có năng lực khái quát hóa, nhưng với cấp độ trừu tượng ít ỏi.

TỪ “TRẬN GIÓ TÌNH YÊU”

Như đã nói, theo Rousseau, mọi trải nghiệm và tình cảm cao nhất hình thành nhờ sự xuất hiện của đời sống tính dục. Khi con người thấy mình có nhu cầu kết bạn với người khác (cùng giới hay khác giới), họ không còn là một sinh thể cô lập. Mọi mối quan hệ với giống loài, và mọi xúc cảm của tâm hồn ra đời cùng với nhu cầu này. Đời sống tính dục làm nảy sinh vô vàn những tình cảm đi kèm với nó như những tình cảm “hạng nhì”. Trong số những cảm thức ấy phải kể đến cảm thức về cái đẹp và cái cao cả, về quan hệ giữa người với người trong đời sống xã hội, luân lý và tín ngưỡng.

CHỨC NĂNG ĐÍCH THỰC CỦA NHÀ GIÁO DỤC

Khi chàng Émile có ý thức về sự phụ thuộc của mình vào người khác, chàng mới buộc phải bắt đầu tìm hiểu về chính mình và về các mối quan hệ với người khác.

Bàn về giáo dục trong giai đoạn này (từ 15-20 tuổi), Rousseau viết: “Chính ở lứa tuổi này, người thầy giáo tài giỏi bắt đầu chức năng đích thực của mình với tư cách là nhà quan sát và triết nhân biết rõ nghệ thuật khám phá trái tim trong khi nỗ lực hun đúc nó”.

Trước hết là biết ngăn ngừa những đam mê xấu. Tiếp theo là vun bồi những xúc cảm cao cấp: tình bạn, thiện cảm, lòng biết ơn, lòng yêu công lý, yêu cái thiện và yêu con người. Muốn vậy, phải nghiên cứu thấu đáo bản tính tâm lý, xã hội và luân lý của con người. Những chủ đề này, như đã biết, không chỉ được dạy và học gián tiếp qua sách vở mà cần trải nghiệm trong đời sống thực.

Đánh thức những tình cảm bên trong quan trọng hơn và đi trước việc truy tìm những nguyên nhân bên ngoài. Chính sự phát triển và tích hợp bên trong nội tâm mới mang lại ánh bình minh thật sự cho thế giới tinh thần, luân lý, nghĩa vụ, nghệ thuật, tôn giáo, triết học… Nhiệm vụ đích thực của giáo dục là vun bồi, tích hợp, rèn tập những tình cảm, xúc cảm, ham mê nội tâm ấy hơn là khám phá hay quan sát thực tại, bởi chính chúng mới mang lại ý nghĩa, giá trị và sự hữu dụng cho những hiện tượng bên ngoài. Ranh giới giữa văn minh và dã man là mức độ phong phú hoặc nghèo nàn của trải nghiệm nội tâm.

CHƯƠNG TRÌNH HỌC

Chương trình học chủ yếu cho giai đoạn thanh niên này là tri thức về bản tính con người và trật tự xã hội, ngày nay có thể phân loại thành tâm lý học, xã hội học và đạo đức học. Nhưng cũng không phải bằng sách vở cho bằng những kinh nghiệm nồng nàn trong quan hệ với những con người và hoàn cảnh sống thật. Về văn học, Rousseau chuộng dạy và học cổ văn. Trong giai đoạn này, cổ tích, truyền kỳ lại cần thiết cho việc vun bồi đạo đức. Tôn giáo cũng quan trọng, nhưng ông thích tôn giáo tự nhiên, đánh động lòng người chứ không phải giáo điều và tín lý.

GIÁO DỤC NỮ GIỚI

Émile đã trưởng thành, cần tìm người bạn đời cho chàng! Vì thế, phần cuối của tác phẩm dành cho việc giáo dục nữ sinh. Tiếc thay, đây lại là phần yếu nhất của quyển sách, bởi ông hoàn toàn bỏ rơi đường lối giáo dục cá nhân luận chỉ dành cho nam sinh.

“Toàn bộ nền giáo dục cho nữ sinh phải đặt trong quan hệ với nam sinh. Làm hài lòng nam giới, hữu ích cho nam giới, mang lại danh giá cho nam giới, được nam giới yêu thương, dạy dỗ nam giới khi còn nhỏ, chăm sóc khi lớn, an ủi, làm cho cuộc sống nam giới dễ chịu và ngọt ngào là những nghĩa vụ của phụ nữ mọi thời và cần dạy cho họ từ thuở còn thơ”!

Phụ nữ vẫn cần rèn luyên thể chất như nam giới, nhưng để giữ vẻ yêu kiều và sức khỏe sinh sản hơn là cho sự phát triển tự thân. Từ đó dễ hình dung các chủ trương khác của Rousseau: dạy nữ công, gia chánh, trang điểm, múa, hát, vâng lời và siêng năng, cam chịu những cưỡng chế, bất công trong gia đình, dạy sùng bái tín ngưỡng ngay từ lúc còn thơ. Theo ông, con gái phải theo tín ngưỡng của mẹ; vợ theo tín ngưỡng của chồng. Về mặt đạo đức, dùng công luận để hướng dẫn, và căn cứ vào cảm xúc của chồng để điều chỉnh hành vi, lời ăn tiếng nói!

Ta thấy, trong giáo dục nam giới, Rousseau bắt đầu bằng chủ trương tự nhiên luận cấp tiến bao nhiêu thì trong giáo dục nữ giới, ông bảo thủ và nệ cổ bấy nhiêu!

Quan niệm về nữ giới nói chung và giáo dục nữ giới nói riêng là chủ đề tranh luận gay gắt ở châu Âu suốt thế kỷ 18 và 19. Từ Rousseau đến Kant, Hegel…, bước tiến bộ khá chậm chạp với nhiều định kiến khó gột rửa. Nhờ quan niệm rộng hơn và đầy đủ hơn về “con người”, triết học giáo dục sẽ chứng kiến một cuộc “cách mạng” trong tư duy về nữ giới và nữ quyền.

Ngoài sự hạn chế hiển nhiên nhưng không kém lạ lùng do việc phủ nhận nhân cách độc lập của phụ nữ, không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc của Rousseau đối với triết học giáo dục hiện đại. Chúng ta sẽ tiếp tục bàn về ảnh hưởng ấy.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây