Văn Học Nghiên Cứu

Lê Hưng Tiến: Những con chữ tái sinh – Tác giả: Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Ngày 8/8 mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra buổi ra mắt tập thơ ‘Những con chữ tái sinh’ của nhà thơ trẻ Lê Hưng Tiến do NXB Hội Nhà văn ấn hành, với sự có mặt của nhiều nhà văn, nhà thơ.

Tôi còn nhớ vào một đêm cuối hạ đầu thu cách đây gần chục năm, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo gọi điện thoại cho tôi từ một quán rượu, bảo xuống ngay để gặp một cây bút trẻ ở phía Nam mới ra chơi Hà Nội, có giọng thơ khá lạ.

Tôi phóng xe máy đến, thấy một chàng trai trẻ đang ngồi nhâm nhi với anh Tạo, gương mặt khá hứng khởi. Đó là Lê Hưng Tiến, sinh năm 1981 ở Ninh Thuận là một thầy giáo dạy nhạc, vừa sáng tác nhạc, vừa làm thơ. Anh là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2007 và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014. Sau 18 năm dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, Lê Hưng Tiến về làm giảng viên tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

Những con chữ của nỗi cô đơn

Năm 2002, Lê Hưng Tiến in một tập ca khúc có tựa đề “Xanh mãi cây đời” ở NXB Thuận Hóa; Năm 2006 in tiếp tập ca khúc thứ hai “Đề tặng một giấc mơ” do Hội VHNT Ninh thuận xuất bản và trở thành hội viên trẻ nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 2007, anh in tập thơ “Chân dung ảo” NXB Hội Nhà văn; năm 2011, anh in tiếp một trường ca cũng ở NXB Hội Nhà văn.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi tiếp xúc, thấy Lê Hưng Tiến là một người thơ mộc mạc, giản dị, dễ bộc bạch, gần gũi và rất say mê thi ca. Chỉ phải cái anh đọc thơ rất khó nghe do giọng miền trong hơi nặng, và do thơ anh là thơ tự do không mượt mà vần điệu trôi chảy. Dường như, anh đang cố làm mới chữ nghĩa và lạ hóa thi ca, nên thơ của anh không phải thứ thơ để nghe bằng tai mà là thứ thơ phải đọc bằng mắt. Có cảm giác, anh đang cố vượt qua hệ hình cũ của thơ trữ tình (dạng thơ vần luật lấy cảm xúc làm gốc) để tiếp cận hệ hình mới của thơ đương đại (thơ tự do lấy nghĩ suy làm gốc). Vậy là anh đã tự chọn cho mình con đường đầy gian truân, khó nhọc để thơ mình là “Những con chữ tái sinh” cũng là tên tập thơ song ngữ mới in của anh.

Nhà thơ Lê Hưng Tiến.

Trong tập thơ mới này, hình tượng “những con chữ” luôn trở đi trở lại như một ám ảnh trong thơ Lê Hưng Tiến: “Thời gian giãn nở/ Tôi đốt mình cháy xuyên màn đêm/ Những con chữ dật dờ sống sót/ Những con chữ giành giựt sự sống cho nhau/ Những con chữ bị thiêu rụi trong cái chết tức tưởi/ Những con chữ í ới bầy đàn oán than/ Và những con chữ đôi lúc biết trước số phận của mình/ Tất thảy chỉ sự giãn nở thời gian…/ Mỗi khi ban mai lên đồng/ Tôi cày xới được vụ mùa thơ thở/ Những con chữ bắt đầu tái sinh/ Đòi mặt trời mọc hướng đằng chân/ Không có lối cỏ đi về của gió/ Và tôi bắt đầu bơ vơ giữa thời gian giãn nở”.

Cùng với “Những con chữ tái sinh” là nỗi cô đơn của người viết, một cô đơn đối mặt tận cùng với sáng tạo, một cô đơn chỉ được thắp sáng bằng chính mỗi câu thơ. Tất nhiên rồi, người viết luôn luôn là một thực thể cô đơn cho đến tận cùng của nghĩa này nhưng Lê Hưng Tiến lại thấy tiếc khi “nỗi cô đơn không được nhân loại tôn thờ” và anh “thương tiếc cô đơn đã ra đi” trong những câu thơ này: “Cô đơn tôi giấu trong đất/ Mưa đổ lúc mặt trời mọc/ Những bầy chim sải cánh tìm nhau/ Cô đơn tôi gói trong tiếng nói/ Thinh không vỡ vụn từng mảnh ghép ý tưởng/ Chẳng có ai lắp ráp được con lắc thời gian/ Cô đơn tôi bỏ hoang vào trang giấy trắng /Những con chữ í ới gọi mùa mưa mắt/ Đòi thời đại chuyển đổi kiếp trong ngữ điệu số/ Cô đơn tôi dắt đi cùng tâm tưởng/ Ai đốt nỗi buồn cho khói hun hút thời xuân/ Bàng bạc rỗng/ Những ngày cô đơn lên giá/ Tôi đánh đổi nhiều phí cảm xúc/ Thương tiếc đời chữ ra đi từ cõi bình minh/ Mộ chữ ai đáu/ Thế giới vẫn sinh sôi triệu triệu tín ngưỡng/ Nhưng cô đơn lại không được nhân loại tôn thờ”.

Qua bài thơ trên, ta thấy Lê Hưng Tiến chính là người tôn thờ nỗi cô đơn của những con chữ, và đồng thời anh cũng tôn thờ thứ thơ của loại hình ngôn ngữ nghiêng về phía những suy tư cảm nghiệm về đời sống con người và xã hội như bài thơ “Những ngày cô đơn lên giá” với những khoảnh khắc sau: “Những khoảnh rỗng vô hồn/ Tôi đốt mỗi bước đi không số/ Cô đơn bắt đầu lên giá/ Cơm bụi lớn từ quán trọ/ Quần áo lớn từ các dịch vụ không số/ Ly cà phê sữa cũng lớn từ bão đêm/ Con mắt phố thèm giọng nói xe cộ/ Động đậy trong ký ức/ Giữa tiếng nói sinh viên vẫn thiếu một mình/ Tôi loay hoay cho ngày thôi lớn/ Chỉ là giả hờ cho đêm nhỏ lại/ Nhưng cô đơn vẫn lên giá thị trường”.

Sự thay đổi của tư duy và hệ hình sáng tạo

Nỗi cô đơn đã trở thành một biểu tượng trong thơ Lê Hưng Tiến, nỗi ám ảnh ấy đến với anh ngay cả khi ngồi bên cây đàn piano để chơi những bản nhạc cổ điển nổi tiếng của những nhạc sĩ thiên tài của thế kỷ ánh sáng, để mong mang lại những giây phút thanh bình cho tâm hồn mình: “Tôi hái cô đơn trên từng ngón phím piano tơ ngẫu/ Âm thanh vỡ vụn rơi từng khối đá trắng dã/ Những ngọn nắng săm soi vào khu cấm vận không gian/ Những nốt nhạc cũng săm soi vào khu bảo tồn trí tưởng/ Ánh sáng bắt đầu thủng thỉnh trong căn trọ cất giấu nhiều đáy hồn tận/ Khi mười đầu ngón phím piano chảy máu/ Mặt trời rụng từng trái tim đau/ Thời đại mới bắt đầu săm soi vào vùng kín của nhiều thế kỷ trước/ Chất vấn những vết sẹo trinh nguyên/ Chất vấn bản thể và tính thể/ Chất vấn tâm linh/ Chất vấn dòng Magma xáo trộn lẫn lộn nhiều không gian thế kỷ/ Chất vấn những tên tuổi dám đánh đổi thời đại mới này/ Vivaldi, Bach, Mozart, Beethoven, Tchaikovsky, Wagner, Haydn, Brahms, Schubert, Schumann, Glinka,…/ Căn trọ nhỏ với nhiều cái tên bí mật vỡ vọng/ Những ngón phím piano đan luồng ánh sáng/ Thêu thùa cô đơn/ Thêu thùa tội thấu cảm/ Thêu thùa những ngõ ngách thời đại mang váy vó phố phó xẩm mặt/ Thêu thùa những ý tưởng nhảy lò cò trong khu bảo tàng tiếng nói/ Thêu thùa những cái tên cái tuổi làm mắt ướt khao mùa” (thơ Lê Hưng Tiến- “Căn trọ nhỏ với cây đàn piano cũ”).

Bìa tập thơ “Những con chữ tái sinh” của nhà thơ Lê Hưng Tiến.

Trả lời câu hỏi “Tại sao anh lại viết thơ?”, nhà thơ Lê Hưng Tiến chia sẻ: “Tôi viết thơ là để đánh thức những con tinh- binh-thơ nghĩ về sự tồn tại ngã thể con người. Những con tinh binh này có dồi dào năng lượng sống hay không, hoặc chất lượng chết của chúng ra sao, đòi hỏi tự thức con người về thế giới của chúng sẽ như thế nào trong môi trường chuyển động nhiều biến cố thời cuộc. Thơ cũng vậy, như mặt trận sa mạc trải qua nhiều hành trình chiến đấu sống còn của những con tinh binh để đem về cuộc người làm nên ngã thể sáng tạo. Sự sáng tạo đó cần phải thay đổi mới tư duy, hệ hình để ta có thể mang lại những con tinh binh khỏe khoắn, hiệu quả, và luôn thích ứng với sự tồn tại mới của thời đại”.

Còn với câu hỏi “Tại sao anh theo đuổi thi ca ư?”, Lê Hưng Tiến cho rằng: “Chẳng qua là tôi muốn những con tinh- binh-thơ luôn khỏe mạnh, đầy nghị lực và sống trong lòng mình nhiều khát vọng, kể cả tham vọng để chiến thắng sự sáng tạo mới ở ngã thể con người, nên tôi mới làm thơ để nuôi dưỡng chúng thôi, chứ không theo đuổi gì cả cho thi ca”.

Chính vì sự sáng tạo mới ở ngã thể nhân bản của con người cho nên Lê Hưng Tiến trong bài thơ “Tôi chưa bao giờ bật khóc như thế” viết trước sự đau thương vì một người con gái không quen biết đã mất sau một tai nạn giao thông bất ngờ trên đường mà anh từng chứng kiến, đã gợi lên trong anh những câu thơ đầy ám ảnh: “Tôi luôn gọi sáng tạo thức dậy/ Bình mình không có lý gì ửng nắng/ Nhiều bài thơ ra đời khoảnh khắc ấy/ Gội sạch từng cái tên làm vỡ mùa nghi thức/ Tôi hiến dâng mình cho mỗi cái tên THƠ định danh/ Sống hay chết đều trở về lòng đất/ Thơ cũng vậy. Cũng có mộ phần của riêng nó/ Và tôi đã khóc cho nhiều bài thơ như thể/ Tôi luôn yêu những cái nhạy cảm/ Vì tạo hóa đã cho mình cái của ngã thể/ Nhưng tôi cũng khóc nhiều cái nhạy cảm ấy/ Bởi đất trời là con Tạo quanh quẩn vòng thử thách chưa qua/ Như buổi sáng nay/ Tôi đã bật khóc như thể/ Như thể chưa từng ra đời mỗi bình minh/ Mỗi bình minh là mỗi bài thơ khác/ Mỗi bài thơ khác là sự tồn tại cái khác/ Nhưng cái khác có thể sẽ chết đi/ Và có thể tồn tại trong thế giới khác/ Thế giới khác cũng mất đi một phần con người/ Như buổi sáng nay/ Một cô gái không biết tung tích/ Như bài thơ không biết tên mình/ Giã từ cõi sống trong một chuyến xe qua/ Một cô gái bỏ lại thế giới này/ Một bài thơ bỏ lại thế giới khác/ Cả hai đều bỏ lại sự khác biệt tồn tại/ Như bỏ quên nghi thức để mùa chuyển kiếp đau thương”.

Thơ Lê Hưng Tiến là như vậy, anh đang cố gắng hết mình để làm mới những con chữ và đưa vào đó một cách biểu cảm mới, một cách nói mới, một cách vận động những ngữ hình mới trong thi ca. Có thể đây là những thử nghiệm trong trường sáng tạo của anh trong việc từ bỏ các thể loại thơ có vần, có nhạc điệu của những khuôn hình cũ. Vấn đề quan trọng, để có thơ hay luôn luôn là một đòi hỏi, một thách thức sống còn đối với mỗi một nhà thơ, nhất là khi người thơ ấy đang tìm cho mình lối đi mới cho riêng mình. Để cho thi ca không trở nên xa lạ với con người và chia sẻ với những ước mơ, khát vọng và đau khổ của mỗi số phận thì đấy luôn là cái đích hướng tới của sự sáng tạo chân-thiện-mỹ. Mong rằng Lê Hưng Tiến sẽ đạt được điều này trong thời gian tới.

 

 

 

0 BÌNH LUẬN