Giới thiệu khái quát tỉnh Ninh Thuận
Diện tích đất tự nhiên là 3.360,1 km2. Tỉnh hiện có 5 đơn vị hành chính cấp huyện, thị, gồm thị xã Phan Rang – Tháp Chàm và các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Phước.
A. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH NINH THUẬN
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý
Ninh Thuận là tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có địa giới chung với các tỉnh Khánh Hoà ở phía Bắc, Bình Thuận ở phía Nam, Lâm Đồng ở phía Tây, phía Đông là biển Đông.
2. Đặc điểm địa hình
Địa hình Ninh Thuận thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, bởi đây là vùng đất cuối của dãy Trường Sơn với nhiều dãy núi đâm ra biển. Lãnh thổ tỉnh được bao bọc bởi 3 mặt núi: phía Bắc và phía Nam là 2 dãy núi cao chạy sát ra biển, phía Tây là vùng núi cao giáp tỉnh Lâm Đồng. Tỉnh Ninh Thuận có 3 dạng địa hình: núi, đồi gò bán sơn địa, đồng ven biển. Vùng đồi núi chiếm 63,2% diện tích của tỉnh, chủ yếu là núi thấp, cao trung bình từ 200 – 1.000 m. Vùng đồi gò bán sơn địa chiếm 14,4% diện tích tự nhiên, vùng đồng bằng ven biển chiếm 22,4% diện tích đất tự nhiên.
3. Khí hậu
Ninh Thuận nằm trong vùng khô hạn nhất nước, có nền khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng là khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh từ 670 – 1.827 mm. Nhiệt độ trung bình năm là 270C, trong năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 9 – 11, mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 8 năm sau. Lượng mưa trung bình từ 700 – 800 mm/năm ở Phan Rang và tăng dần theo độ cao ở vùng núi. Độ ẩm 75 – 77%. Năng lượng bức xạ lớn, khoảng 160 kcal/cm2/năm. Tổng lượng nhiệt bình quân năm khoảng 9.500 – 10.0000C..
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất
Tài nguyên đất của Ninh Thuận không nhiều. Đất đai phần lớn là đồi núi, độ dốc cao, tầng đất mỏng, đá lẫn và lộ đầu ít đến nhiều. Tổng diện tích đất có khả năng nông nghiệp toàn tỉnh khoảng 101,8 nghìn ha đất canh tác, hiện đã sử dụng 60,4 nghìn ha. Diện tích đất nông nghiệp có khả năng mở rộng thêm khoảng 46 nghìn ha.
Tổng quỹ đất lâm nghiệp có khoảng 200 nghìn ha, đến năm 2000 đã sử dụng 157,3 nghìn ha. Diện tích đất lâm nghiệp có khả năng mở rộng thêm khoảng 50 nghìn ha.
Đất chưa sử dụng và sông suối, núi đá không rừng cây có 104,1 nghìn ha, trong đó có trên 19.200 ha đất bằng, có thể khai thác 17.000 ha để trồng cây lương thực và cây hàng năm; trên 72.500 ha đất đồi núi chưa sử dụng có thể khai thác khoảng 60.000 ha để trồng rừng, cây lâu năm. Diện tích mặt nước chưa sử dụng có khoảng 800 ha, có thể khai thác khoảng trên 700 ha để nuôi trồng thuỷ sản.
2. Tài nguyên biển
Bờ biển Ninh Thuận dài 105 km với vùng lãnh hải rộng trên 18.000 km2, có 3 cửa khẩu ra biển là Đông Hải, Cà Ná, Khánh Hải. Vùng biển Ninh Thuận là một trong bốn ngư trường lớn nhất và giàu nguồn lợi nhất về các loài hải sản của cả nước, nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và phát triển công nghiệp khai thác thuỷ sản và khoáng sản biển.
Vùng biển Ninh Thuận có trên 500 loài cá, tôm, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao như cá mú, hồng, thu, ngừ, tôm hùm, mực ống, mực nang…Tổng trữ lượng cá, tôm khoảng 120 nghìn tấn, trong đó cá đáy có 70 – 80 nghìn tấn, cá nổi 30 – 40 nghìn tấn, khả năng khai thác hàng năm 50 – 60 nghìn tấn.
Nằm trong vùng có nhiệt độ cao, cường độ bức xạ lớn, Ninh Thuận có điều kiện lý tưởng để sản xuất muối công nghiệp. Khả năng diện tích làm muối có thể tới 3.000 – 4.000 ha, tập trung ở khu vực Đầm Vua, Cà Ná, Quán Thẻ và vùng ven biển thị trấn Khánh Hoà, sản lượng thu hoạch hàng năm có thể đạt 400 – 500 nghìn tấn.
Bờ biển Ninh Thuận có các bãi tắm nổi tiếng như Ninh Chữ, Cà Ná.
3. Tài nguyên rừng
Rừng của Ninh Thuận có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển các ngành kinh tế – xã hội và cải tạo môi trường sinh thái, là một thế mạnh cần khai thác trong thời kỳ tới. Đất lâm nghiệp của tỉnh Ninh Thuận có 157,3 nghìn ha, bao gồm rừng tự nhiên là 152,3 nghìn ha, rừng trồng có 5 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng là 46,8% diện tích rừng. Trữ lượng gỗ của tỉnh gần 11 triệu m3 và có 2,5 triệu cây tre nứa. Rừng sản xuất có 58,5 nghìn ha, trữ lượng 4,5 triệu m3 gỗ, rừng phòng hộ đầu nguồn có 98,9 nghìn ha, trữ lượng gỗ khoảng 5,5 triệu m3.
4. Tài nguyên khoáng sản
Khoáng sản ở Ninh Thuận tương đối phong phú về chủng loại: nhóm khoáng sản kim loại có wolfram ở Krông Pha, núi Đất; molipđen ở Krông Pha, núi Đất (4.000 tấn); thiếc gốc ở núi Đất (24.000); nhóm khoáng sản phi kim loại có thạch anh tinh thể ở núi Chà Bang, Mộ Tháp I, Mộ Tháp II; cát thuỷ tinh ở Thành Tín, sét gốm ở Vĩnh Thạnh…; muối khoáng thạch anh ở Cà Ná, Đầm Vua, sô đa ở Đèo Cậu…; nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng có cát kết vôi ở Sơn Hải, Cà Ná, Mỹ Tường, Thái An, Cà Ná – trữ lượng 2,5 triệu tấn CaO; sét phụ gia, đá xây dựng…
Hiện nay chủ yếu mới khai thác đá, đất sét, cát làm vật liệu xây dựng; khai thác muối khoáng để sản xuất muối công nghiệp, khai thác nước khoáng ở Tân Mỹ. Các khoáng sản làm nguyên liệu cho vật liệu xây dựng còn tiềm năng, có thể khai thác để sản xuất xi măng, làm gạch ngói, đá xây dựng.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch
Ninh Thuận có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Bờ biển Ninh Thuận có nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng, tắm được quanh năm như Bình Tiên, Ninh Chữ, Cà Ná và nhiều sông suối phục vụ du lịch như suối Vàng, thác Tiên, nhiều tháp Chàm như Pôklong Grai (Tháp Chàm), tháp Pôrômê (Ninh Phước) Nơi đây còn lưu giữ bảo tồn nhiều công trình văn hoá kiến trúc cổ Chămpa gắn với các lễ hội văn hoá dân tộc Chăm. Sự đa dạng về địa hình tạo ra nhiều vùng sinh thái có những thắng cảnh độc đáo như đèo Ngoạn Mục, vịnh Vĩnh Hy, suối nước nóng, thác Tiên…thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch văn hoá kết hợp với sinh thái nghỉ dưỡng.
2. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế
Ninh Thuận là vùng đất nổi tiếng về các di tích văn hoá Chămpa và các tiềm năng kinh tế phong phú khác. Ngư trường Ninh Thuận là một trong bốn ngư trường lớn của cả nước có nhiều loại hải sản quý và sản xuất được quanh năm. Bờ biển dài có nhiều bãi tắm đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch, vừa thuận lợi để phát triển sản xuất muối công nghiệp quy mô lớn. Bên cạnh đó, khoáng sản ở Ninh Thuận cũng khá phong phú và đa dạng, trong đó phải kể đến một số loại có trữ lượng cao, chất lượng tốt thuận lợi cho khai thác công nghiệp như đá granít, cát silíc, nước khoáng.
B. MIỀN NÚI, VÙNG SÂU, VÙNG XA TỈNH NINH THUẬN
Toàn tỉnh có 6 huyện, 1 thành phố với 65 xã, phường, thị trấn; có 01 huyện nghèo Bác Ái theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; có 37 xã khu vực miền núi vùng đồng bào dân tộc, trong đó có 15 xã khu vực III, 7 xã khu vực II và 15 xã khu vực I; thôn đặc biệt khó khăn có 73 thôn; có 2 xã vùng Bãi ngang ven biển. Có 124 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Bác Ái: 37 thôn; Ninh Sơn: 22 thôn; Ninh Phước: 22 thôn; Thuận Nam: 13 thôn; Thuận Bắc: 23 thôn; Ninh Hải: 6 thôn; thành phố Phan Rang – Tháp Chàm: 1 thôn).
Dân số toàn tỉnh có 639.487 người, nam 322.365 người (50,41%), nữ 317.122 người (49,59%); có 36 dân tộc; đồng bào dân tộc thiểu số có 146.226 người, nam 72.207 người (49,38%), nữ 74.019 người (50,62%); trong đó, dân tộc Chăm có 75.115 người (nam 37.211 người, nữ 37.904 người), dân tộc Raglai có 63.907 người (nam 31.314 người, nữ 32.593 người), dân tộc Hoa có 2.394 người (nam 1.258 người, nữ 1.136 người), các dân tộc thiểu số ít người khác 4.810 người (nam 2.424 người, nữ 2.386 người).
Theo quyết định 964/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính Phủ, tỉnh Ninh Thuận có 1 huyện nằm trong danh sách địa bàn ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020.