ASEAN với vai trò tạo dựng môi trường hòa bình, phát triển

ASEAN với vai trò tạo dựng môi trường hòa bình, phát triển
Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức Lễ thượng cờ ASEAN nhân kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ASEAN, ngày 7/8/2020. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nhân kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, nguyên Phó Tổng Thư ký ASEAN Hoàng Anh Tuấn khẳng định, bất chấp các khó khăn thách thức, trong 55 năm qua ASEAN đã đạt được những thành tựu quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Với tư cách nguyên Phó Tổng Thư ký ASEAN, xin ông khái quát về quá trình hình thành, phát triển, thành tựu và đóng góp nổi bật của tổ chức này đối với hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới?

Kể từ khi ra đời cách đây vừa tròn 55 năm (8/8/1967 – 8/8/2022), ASEAN đã có nhiều đóng góp nổi bật đối với hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, cụ thể là:

Thứ nhất, đóng góp quan trọng nhất của ASEAN là giúp tạo ra một môi trường hòa bình an ninh và ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trong quan hệ giữa các nước thành viên với nhau. Trước khi ASEAN ra đời, Đông Nam Á khi đó được xem là “khu vực Balkan” của Đông Á với các bất ổn xuất phát từ chiến tranh, xung đột và sự nghi kỵ trong quan hệ giữa các quốc gia.

Trải qua 55 năm tồn tại, ASEAN đã giúp tạo dựng một môi trường hòa bình, ổn định trong quan hệ giữa các quốc gia thành viên thể hiện qua việc không có chiến tranh hay xung đột lớn trong quan hệ liên quốc gia giữa các thành viên ASEAN. Nhờ vậy mà các thành viên có điều kiện tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao vị thế quốc gia của từng thành viên cũng như của cả khối ASEAN ở khu vực Đông Á, châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.

Thứ hai, một điểm sáng quan trọng của ASEAN là thành tích trong phát triển kinh tế. Trước đại dịch Covid-19, ASEAN được xem là một khu vực phát triển kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 5,5%/năm, tổng GDP đạt 3.300 tỷ USD – lớn thứ năm trên thế giới. Theo dự báo, đến năm 2030, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Nhờ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục, mức sống của người dân ASEAN không ngừng được cải thiện.

Thứ ba, vị thế của ASEAN ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới không ngừng được cải thiện. ASEAN hiện được xem là tổ chức khu vực thành công thứ hai trên thế giới chỉ sau EU. Hiện có 96 quốc gia ngoài ASEAN đã bổ nhiệm Đại sứ bên cạnh Ban thư ký ASEAN. ASEAN hiện có quan hệ đối tác với 11 quốc gia, trong đó có hai nước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và tám nước có quan hệ đối tác chiến lược.

Tính đến nay, có 43 quốc gia/thực thể ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ASEAN (TAC) và danh sách này ngày càng được mở rộng. Ngoài ra, các cường quốc lớn ngoài khu vực ngày càng coi trọng và đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN và họ coi việc thắt chặt quan hệ với ASEAN là một trong những ưu tiên quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình.

Thách thức trước mắt đối với ASEAN? Cần làm gì để xây dựng cộng đồng trong những năm tới và viễn cảnh ASEAN trong tương lai?

Trong 55 năm tồn tại và phát triển, ASEAN liên tục phải đối mặt với các khó khăn, thách thức, từ củng cố nội trị ở bên trong, đến thách thức phát triển và sức ép an ninh từ bên ngoài. Và cũng chừng đó thời gian, ASEAN học được cách thức hợp tác, thích ứng với sự thay đổi của môi trường bên trong và bên ngoài để không chỉ tồn tại, mà ngày càng cố kết và phát triển mạnh mẽ hơn.

Hiện nay ASEAN đang phải đối mặt với bốn thách thức lớn, đó là: (i) Phục hồi nền kinh tế ASEAN sau đại dịch Covid-19; (ii) Xử lý thách thức từ sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt là cạnh tranh Trung-Mỹ, mà hệ quả có thể dẫn đến sự chia rẽ giữa các thành viên cũng như trong nội bộ từng nước ASEAN; (iii) Xử lý các thách thức từ cuộc xung đột Nga-Ukraina như khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng và lạm phát phi mã; (iv) Xử lý các thách thức chính trị và an ninh tiềm tàng như chính biến ở Myanmar, vấn đề Biển Đông, các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu…

Bất chấp các khó khăn thách thức, trong 55 năm qua ASEAN đã đạt được những thành tựu quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột là Cộng đồng An ninh-Chính trị, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội. Ưu tiêu trước mắt của ASEAN là thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu xây cộng đồng ASEAN vào năm 2025.

Hướng tới tương lai, ASEAN cần tập trung xây dựng tầm nhìn mới cho mình trong giai đoạn sau 2025, trong đó cần tập trung vào các điểm cốt lõi sau:

Về chính trị-an ninh, lòng tin chiến lược trong ASEAN cần phải được củng cố và nâng lên một tầm cao mới. ASEAN cần tăng cường đoàn kết, củng cố vai trò trung tâm và sự cố kết chính trị để trở thành một trung tâm quyền lực, có vai trò và ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, ASEAN cần tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc và đan xen lợi ích trong quan hệ với các đối tác quan trọng ở khu vực và trên thế giới.

Về kinh tế, ASEAN cần tăng cường sự gắn kết, hình thành một thị trường chung, các nền kinh tế liên kết với nhau chặt chẽ từ thương mại đến chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đưa ASEAN trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn và quan trọng hàng đầu thế giới.

Về văn hóa-xã hội, ASEAN cần xây dựng và hình thành bản sắc văn hóa chung, hình thành cộng đồng năng động, tự cường và đùm bọc lẫn nhau, trong đó lợi ích và hạnh phúc của người dân được đặt ở vị trí trung tâm.

“Kể từ khi tham gia ASEAN cách đây 27 năm (28/7/1995-28/7/2022), Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực cũng như nâng cao ảnh hưởng và vị thế của ASEAN ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới”.

Viet Nam da chinh thuc tro thanh mot thanh vien trong ASEAN min - ASEAN với vai trò tạo dựng môi trường hòa bình, phát triểnViệt Nam đã chính thức trở thành một thành viên trong ASEAN vào ngày 28/7/1995. (Nguồn: TTXVN)

Xin ông cho biết về quá trình tham gia của Việt Nam đối với tổ chức ASEAN và các đóng góp nổi bật?

Kể từ khi tham gia ASEAN cách đây 27 năm (28/7/1995- 28/7/2022), Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực cũng như nâng cao ảnh hưởng và vị thế của ASEAN ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới, cụ thể là:

Thứ nhất, Việt Nam đã hội nhập nhanh và sâu vào tiến trình liên kết ASEAN. Khi ASEAN kết nạp Việt Nam năm 1995 và sau đó tiếp tục mở rộng cho các nước Lào, Campuchia và Myanmar tham gia, lúc đó có lo ngại rằng trong ASEAN sẽ hình thành hai nhóm mới, một nhóm là các nước ASEAN-6 gồm các quốc gia phát triển hơn, và nhóm còn lại là CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) gồm các nước ASEAN kém phát triển hơn. Tuy nhiên, Việt Nam đã đi đầu nhóm này với tốc độ phát triển và năng lực hội nhập cao, và do đó giúp ASEAN mau chóng san bằng khoảng cách phát triển.

Hai là, Việt Nam cũng mau chóng phát huy khả năng lãnh đạo và dẫn dắt ASEAN vượt qua nhiều khó khăn thách thức.

Năm 1998, chỉ ba năm sau khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN-6 với nhiều sáng kiến và quyết định quan trọng giúp các nước ASEAN và Đông Á vượt qua khó khăn của Cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính châu Á 1997-1998. Tiếp đó, trong vai trò chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã để lại dấu ấn với Chương trình hành động Hà Nội nhằm thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020, đưa ASEAN trở thành một cộng đồng hướng ra bên ngoài, sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Việt Nam cũng đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng, như mở rộng Hội nghị Cấp cao Đông Á cho Mỹ và Nga cùng tham gia, và đề xuất thiết lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng họp ba năm một lần giữa ASEAN với các đối tác quan trọng trên thế giới.

Trong vai trò chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã tổ chức thành công hàng loạt hội nghị quan trọng của ASEAN dưới hình thức trực tuyến trong bối cảnh ASEAN và thế giới phải đương đầu với đại dịch Covid-19 và Việt Nam đã đưa ra hàng loạt sáng kiến đề xuất quan trọng được các nước thành viên ASEAN khác ủng hộ như sáng kiến lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, Quỹ phòng chống Covid-19, Khung phục hồi tổng thể ASEAN…

Ba là, Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất quan trọng giúp thúc đẩy tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột, cũng như tham gia tích cực công việc của Nhóm các nhân vật nổi tiếng, Đại diện cao cấp của các nước ASEAN trong việc xây dựng Tầm nhìn của cộng đồng ASEAN sau năm 2025.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có những đóng góp tích cực trong việc nâng cao hình ảnh và vị thế của ASEAN trong khu vực, tăng cường quan hệ của ASEAN với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, EU… Đặc biệt, việc nâng cấp Quan hệ ASEAN với Trung Quốc và Australia từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện đều có sự đóng góp tích cực của Việt Nam.

(thực hiện)

Đỗ Xuân Thông

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây