Bài phát biểu nổi tiếng về sách vẫn còn nguyên giá trị sau gần 100 năm
Bài phát biểu ngắn trên đài phát thanh của giáo sư Mỹ William Lyon Phelps đã truyền cảm hứng đọc sách cho người nghe và trở thành một trong những bài phát biểu hay nhất bằng tiếng Anh mọi thời đại.
William Lyon Phelps (1865-1943) là một nhà giáo dục, nhà phê bình văn học và tác giả nổi tiếng người Mỹ. Ông đã giảng dạy khóa học đầu tiên về tiểu thuyết hiện đại ở Mỹ. Những buổi diễn thuyết của ông trước nhà thờ thành phố Huron có 800-1000 khán giả đến nghe. William Lyon Phelps cũng là giáo sư giảng dạy tại Đại học Yale trong 41 năm và thường xuyên được mời làm giám khảo Giải thưởng Pulitzer về văn học.
Ngày 6/4/1933, ông có một buổi nói chuyện trên chương trình phát thanh, hoạt động quen thuộc sau khi nghỉ hưu. Bài phát biểu “Điều thú vị của những cuốn sách” của ông sau đó đã trở nên nổi tiếng và thường xuyên được trích dẫn trong những phân tích về văn hóa đọc cũng như nghệ thuật sử dụng từ ngữ.
Trong bài phát biểu dài chưa đầy 600 từ, Phelps đã nêu bật giá trị tinh thần mà những cuốn sách mang lại và kiến thức rộng lớn được lưu trữ trong sách. “Thói quen đọc sách là một trong những nguồn tài nguyên vĩ đại nhất của nhân loại”, ông khẳng định khi mở đầu bài phát biểu.
Ông cho rằng: “Sách là của dân, do dân, vì dân. Văn học là phần bất tử của lịch sử; nó là phần tốt nhất và bền vững nhất của nhân cách”. Ông thậm chí còn lập luận rằng những cuốn sách giống như những người bạn ở góc độ nào đó còn có lợi thế hơn với những người bạn bằng xương bằng thịt, và “chúng ta có thể thưởng thức các giá trị xã hội thật sự bất cứ khi nào mình muốn”.
Ông cho biết bản thân dành phần lớn thời gian trong một căn phòng có 6.000 cuốn sách, và nhiều cuốn đã đọc đến hai lần. Ông cho rằng, một cuốn sách thực sự cho phép người đọc tiến vào tâm trí ai đó, chạm đến những suy nghĩ sâu thẳm nhất.
“Những vĩ nhân đã qua đời nằm ngoài tầm với của chúng ta, và vĩ nhân còn sống hầu như không thể tiếp cận được; còn đối với bạn bè và người quen, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy họ. Nhưng trong thư viện cá nhân, bạn có thể trò chuyện với Socrates hoặc Shakespeare, Carlyle hoặc Dumas, Dickens hoặc Shaw, Barrie hoặc Galsworthy bất cứ lúc nào”, Phelps lập luận.
Ông khuyên mọi người nên có giá sách của riêng mình và hãy bắt đầu sưu tập sách ngay từ khi còn trẻ.
“Không nên lắp cửa, cửa kính hoặc để khóa; chúng phải được đặt tự do và dễ mở bằng tay cũng như xem bằng mắt. Loại tranh tường tốt nhất chính là sách, chúng đa dạng về màu sắc và hình thức hơn bất kỳ loại giấy dán tường nào, hấp dẫn hơn về thiết kế”, ông Phelps đưa ra lời khuyên.
Ông Phelps nêu lý do cho việc nên sở hữu sách. “Một cuốn sách mượn giống như một vị khách đến chơi nhà. Bạn không thể để nó bị tổn thương, không thể cầm một cách bất cẩn, không thể đánh dấu trang, không thể lật trang một cách quen thuộc”, ông ví von.
Phelps liệt kê một cách khéo léo các ưu điểm khi người đọc thực sự sở hữu một cuốn sách cho riêng mình. “Nhưng những cuốn sách của riêng bạn thuộc về bạn; bạn đối xử với họ bằng sự thân mật và trìu mến chứ không phải hình thức. Sách vốn là để sử dụng chứ không phải để trưng bày; bạn không nên sở hữu cuốn sách nào mà chính bạn không dám đánh dấu trang, hoặc ngần ngại khi mở ra và úp lên bàn”.
Theo ông, một lý do chính đáng để đánh dấu những đoạn yêu thích trong mỗi cuốn sách là để dễ nhớ hơn những thông tin hay và tham khảo chúng một cách nhanh chóng. “Trong những năm sau này, nó giống như việc đi thăm lại một khu rừng nơi bạn đã từng mở ra một con đường. Bạn có được niềm vui khi đặt chân lên vùng đất quá khứ, quan sát khung cảnh trí thức cũng như bản thân mình trước kia”, ông ví von.
Gần 100 năm đã trôi qua, song những giá trị của bài phát biểu “Điều thú vị của những cuốn sách” vẫn còn nguyên vẹn. Ông Phelps đã truyền lại niềm đam mê, cảm xúc khi người đọc tiến vào thế giới trong sách và chìm đắm trong đại dương của tâm trí. Những lời nhắn nhủ của ông về văn hóa đọc, về vai trò của sách, về xây dựng thư viện của riêng người đọc… không chỉ dừng lại ở những thính giả trong buổi phát thanh hôm đó, mà đã vươn đến các thế hệ về sau.
Những năm đầu thế kỷ 21 đã chứng kiến sự bùng nổ của truyền thông hiện đại. Phim ảnh, trò chơi, mạng xã hội… đang khiến nhiều người dần dần xa rời văn hóa đọc. Tuy nhiên, gắn liền với sự ra đời của chữ viết, việc đọc vẫn có những nét đặc trưng riêng biệt mà không có hình thức nào thay thế được.
Khi chúng ta một mình trên bãi biển, giữa đồng cỏ, dưới hiên nhà, có gì bầu bạn tốt hơn là một cuốn sách? Cầm sách trên không chỉ là hành động đọc, mà còn là cách chúng ta khiến tâm hồn mình bình yên hơn.
Tùng Anh
Theo History