Bảo vệ cuộc sống và quyền của phụ nữ

Dù thế giới đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả nhất định nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giới, song vẫn tồn tại những khoảng cách mà không hành động mạnh mẽ hơn thì thế giới có thể phải mất thêm hàng trăm năm nữa mới đạt được bình đẳng giới hoàn toàn.

Nu quan nhan Viet Nam tham gia luc luong gin giu hoa binh Lien hop quoc min - Bảo vệ cuộc sống và quyền của phụ nữNữ quân nhân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Cần thúc đẩy đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái

Trong phát biểu nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, cần hành động trên nhiều mặt để bảo đảm, nâng cao quyền của phụ nữ. Bởi theo người đứng đầu Liên hợp quốc, các dự báo mới nhất cho thấy, sẽ cần thêm 300 năm để đạt được bình đẳng giới hoàn toàn khi tiến bộ về quyền của phụ nữ trên thế giới đang bị thụt lùi.

Cảnh báo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc được đưa ra khi các cuộc khủng hoảng như xung đột quân sự ở Ukraine, tình trạng khẩn cấp về khí hậu ở nhiều nơi trên thế giới… diễn ra thì phụ nữ và các bé gái là đối tượng chịu tác động đầu tiên và nghiêm trọng nhất. Quyền của phụ nữ đối với thân thể và quyền tự chủ đối với cuộc sống của họ đang bị phủ nhận. Điều này càng thể hiện rõ qua các thống kê như cứ 10 phút lại có 1 phụ nữ hoặc 1 bé gái bị thành viên trong gia đình hoặc bạn tình sát hại và cứ 2 phút lại có 1 phụ nữ tử vong khi đang mang thai hoặc sinh nở. Điều đáng nói, đa số những trường hợp tử vong này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số thế giới nhưng lại phải chịu thiệt thòi hơn nam giới như tỷ lệ có việc làm trong độ tuổi lao động thấp hơn, thu nhập thấp hơn so với nam giới… Phụ nữ hiện nay đã chiếm khoảng 25% trong tổng số đại biểu quốc hội trên thế giới nhưng còn rất xa mới đạt mục tiêu bình đẳng giới.

Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ gia tăng, trong khi khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế bị giảm. Trên thế giới, mỗi phút có một bà mẹ chết do thiếu các dịch vụ sinh đẻ. Hàng trăm nghìn phụ nữ chết vì bệnh HIV/AIDS mỗi năm. Liên hợp quốc nhấn mạnh, bình đẳng giới và cải thiện địa vị của phụ nữ là những nhân tố quan trọng để phát triển bền vững.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, vào dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, thế giới phải cam kết làm tốt hơn, phải đảo ngược những xu hướng tồi tệ hiện nay, đấu tranh vì cuộc sống và quyền của phụ nữ và các bé gái ở khắp mọi nơi. Ông khẳng định, đây là một trong những ưu tiên cốt lõi của ông và là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Liên hợp quốc.

Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc cho biết năm nay, Ngày Quốc tế Phụ nữ tập trung vào mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới. Trên thế giới, nam giới hiện có thể làm việc trực tuyến nhiều hơn nữ giới tới 21% và tỷ lệ này là hơn 50% ở những nước có thu nhập thấp. Tuy nhiên, ngay cả những nước giàu nhất thế giới, thực trạng này cũng tồn tại vì những định kiến dựa trên giới tính và thành kiến lịch sử. Trong ngành công nghệ, tỷ lệ nam giới làm việc gấp đôi nữ giới. Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), tỷ lệ này còn cao hơn rất nhiều, gấp tới 5 lần.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là kết quả của nhiều thế kỷ mà tư tưởng gia trưởng, phân biệt đối xử và định kiến thống lĩnh. Từ năm 1901, nữ giới chỉ chiếm 3% trong số những người đoạt giải thưởng Nobel lĩnh vực khoa học. Trong khi đó, trên không gian mạng, nữ giới, trong đó có cả các nhà khoa học và nhà báo, thường là mục tiêu của những phát ngôn kỳ thị và lạm dụng giới tính.

Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh, cần hành động trên nhiều mặt để đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái có thể đóng góp đầy đủ cho tri thức của thế giới thông qua khoa học và công nghệ; phải phá bỏ các rào cản, từ dữ liệu mang tính phân biệt đối xử tới các định kiến ngăn cản các bé gái học các môn khoa học ngay từ khi còn nhỏ. Theo ông Antonio Guterres, bình đẳng giới không thể tự có mà cần được ưu tiên và theo đuổi. Cách tiếp cận này đang mang lại kết quả ở Liên hợp quốc, nơi đang có chiến lược riêng vì sự bình đẳng giới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ, đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái là cách đảm bảo nhất để nâng cao tinh thần cho tất cả mọi người, các cộng đồng và các nước cũng như để đạt được mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.

Mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ

Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Việt Nam hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền và phát huy cao độ vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Chủ trương xuyên suốt này được cụ thể hóa bằng các khuôn khổ pháp lý, chính sách của Nhà nước.

Việt Nam thời gian qua liên tục bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý làm cơ sở giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới như Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, 7 bộ luật, 161 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 15 pháp lệnh, trong đó có khoảng 45 bộ luật, luật có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Chính phủ ban hành 1.413 nghị định; xem xét lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 ban hành cùng Nghị quyết số 28/NQ-CP. Với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò, tầm quan trọng và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Bằng những nỗ lực không ngừng suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới. Điều này thể hiện rõ nhất ở sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Việt Nam hiện đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Đại hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý.

Hiện nay, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng. Trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII hiện nay có 19 thành viên nữ (9,5%), Quốc hội khóa XV đạt tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu, cao nhất từ trước đến nay. Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh có 16% đồng chí nữ, hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 29% đại biểu nữ… Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%.

Là một quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân nói chung và người phụ nữ nói riêng, song đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ về bảo vệ các quyền của phụ nữ, sớm đạt mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về bình đẳng giới.

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây