BƯỚC ĐÀ NẴNG TRÊN HÀNH TRÌNH LÊ VĂN HIẾN

Bộ Trưởng Lê Văn Hiến

BƯỚC ĐÀ NẴNG TRÊN HÀNH TRÌNH LÊ VĂN HIẾN

Giai đoạn đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Lê Văn Hiến gắn liền với thành phố Đà Nẵng quê ông, cụ thể là vào những năm 1927 – 1945, từ khi ông tham gia thành lập Chi bộ đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Quảng Nam (năm 1927) đến khi ông trở thành vị Chủ tịch cách mạng lâm thời của thành phố Đà Nẵng vào những ngày hào hùng Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong tham luận này, dựa chủ yếu vào các thành quả nghiên cứu lịch sử địa phương Đà Nẵng, đồng thời qua một số tài liệu hiện đang lưu giữ tại các kho lưu trữ và các hồi ức của những người cùng thời với ông, chúng tôi xin trình bày một số nét chính về ông trong thời kỳ này: “Thời kỳ Đà Nẵng” hay “Bước Đà Nẵng” của Lê Văn Hiến.

le van hien - BƯỚC ĐÀ NẴNG TRÊN HÀNH TRÌNH LÊ VĂN HIẾN

Các Đại biểu dự Hội thảo  Khoa học

“Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến với Cách mạng Việt Nam”                                                                         

 

  1. Buổi đầu gieo hạt giống đỏ

Lê Văn Hiến “xuất thân từ một gia đình nghèo ở xóm Cây Thông, phường Phước Ninh, Đà Nẵng”[1], cha là một công nhân khuân vác, sau hàng chục năm trời làm lụng vất vả, nặng nhọc đã mắc bệnh lao, phải ở nhà nương tựa vào vợ con. Mẹ ông tảo tần buôn bán, vừa nhờ cậy vào bà con để lo cho gia đình và chu cấp cho ông ăn học. Những ngày còn thơ bé, Lê Văn Hiến học tại Đà Nẵng, cho đến năm 1920, vừa 16 tuổi ông đậu bằng sơ đẳng tiểu học và được người dì (em ruột của mẹ ông) và hai người chị, do thấy ông ham học và học khá,“bèn góp lại mỗi người một ít” cho ông ra Huế học, nhưng chỉ hai năm sau “ vì hoàn cảnh gia đình nghèo túng”, ông “phải đành bỏ dở việc học, tìm việc làm để kiếm sống”[2]. Ông thi vào ngạch công chức bưu điện và bắt đầu đi làm tại Bưu điện Đà Nẵng từ năm 19 tuổi.

Sinh ra trên mảnh đất “nhượng địa Tourane”, “đất trực trị, nhưng không có dân trị”, thể hiện tính chất “thực dân 100% của Pháp”[3], từ tấm bé, Lê Văn Hiến đã căm ghét những viên quan cai trị người Pháp. Mặt khác, Đà Nẵng và rộng ra là Quảng Nam là quê hương của nhiều văn thân và sĩ phu yêu nước nổi tiếng: Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Thái Phiên, Trần Cao Vân… Chính những tấm gương yêu nước của các bậc tiền bối đó đã như ngọn lửa đỏ nung nóng tâm hồn yêu nước và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong ông.

Hai năm học ở Huế, Lê Văn Hiến “học ở trường Dòng nhưng trọ tại nhà Hội Quảng Nam”. Ở đây ông đã “gặp một số khá đông con cháu nhiều nhà cách mạng quê Quảng Nam”, được đọc nhiều bài thơ yêu nước, “chép thành tập và học thuộc lòng”. Những năm 1926, 1927, phong trào học sinh bãi khoá bùng nổ mạnh ở Huế. Một số học sinh ở Huế đã vào Đà Nẵng tìm ông, nhờ ông quyên tiền ủng hộ cuộc bãi khoá của học sinh Huế. Do có nhiều quan hệ trong giới công chức, Lê Văn Hiến liền đến từng nhà, gặp từng người mà ông nhận xét là có tinh thần yêu nước để quyên góp, và được bao nhiêu tiền ông liền gửi ra Huế ủng hộ học sinh bãi khoá.

Tại Huế, thực dân Pháp đàn áp dữ dội phong trào bãi khóa của học sinh, đóng cửa một số trường học. Nhiều học sinh Quảng Nam và Đà Nẵng đang học tại Huế bị đuổi học. Vừa lúc đó, đồng chí Đỗ Quang, phái viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, gặp gỡ một số học sinh tại Nhà hội Quảng Nam, vận động thành lập Ban Vận động Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (HVNCMTN) Quảng Nam rồi liên lạc với Lê Văn Hiến, đưa các thành viên trong Ban vận động từ Huế vào Đà Nẵng hoạt động. Lê Văn Hiến mượn được ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Tùng để Ban vận động HVNCMTN Quảng Nam mở trường – thường gọi là trường Cự Tùng – để dạy học (ban đầu dạy cho một số ít trẻ em, sau mở thành 5 lớp bậc tiểu học, bên ngoài là dạy học, bên trong là hoạt động cách mạng). Chính trong thời gian này, qua sự tuyên truyền vận động của Đỗ Quang, Lê Văn Hiến đã giác ngộ cách mạng và trở thành một trong 05 đồng chí đầu tiên của Chi bộ HVNTN Quảng Nam tại Đà Nẵng, thành lập vào tháng 9-1927, do đồng chí Đỗ Quang làm Bí thư.

Sau khi Chi bộ đầu tiên của HVNCMTN ở Đà Nẵng ra đời, thực hiện chỉ thị của Tổng bộ HVNCMTN, Lê Văn Hiến cùng các đồng chí trong Chi bộ tích cực quyên góp tiền để đưa 03 đồng chí Lê Quang Sung, Đỗ Quỳ và Phan Thêm đi huấn luyện ở nước ngoài, tiếp tục kết nạp hội viên, tổ chức một Chi bộ mới ở Đà Nẵng và một Chi bộ ở Hội An. Và khi đã có 03 Chi bộ, vào đầu năm 1928, ông tham gia Hội nghị thành lập Tỉnh bộ HVNCMTN Quảng Nam tại Giếng Bộng (Đà Nẵng), được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh bộ và được cử đi dự Hội nghị Kỳ bộ HVNCMTN Trung Kỳ mở rộng vào tháng 4-1928, tại Đà Nẵng. Lê Văn Hiến lại cùng các đồng chí của mình lo công tác tổ chức hội nghị. Ông mượn một cái quán ở gần Giếng Bộng làm chỗ hội họp. Các đại biểu dự hội nghị (Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Quảng Trị, Thanh Hóa…) được sắp xếp ở ngay tại nhà của ông ở gần ngôi đình làng Phước Ninh. Hội nghị đề ra chương trình hoạt động, bàn về công tác phát triển hội viên. Cũng tại hội nghị này đã có một số ý kiến đề cập tới vấn đề thống nhất hai tổ chức HVNCMTN và Tân Việt, tuy nhiên theo Lê Văn Hiến đây mới chỉ là những gợi ý (phải đợi đến hai năm sau, hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mới hoàn thành xuất sắc việc này: hợp nhất cả 03 tổ chức cộng sản để thành lập Đảng cộng sản Việt Nam).

Sau Hội nghị Kỳ bộ Trung Kỳ mở rộng tại Đà Nẵng, theo Chỉ thị của Tổng bộ, các tổ chức HVNCMTN ở Trung Kỳ ráo riết chuẩn bị kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5. Trên địa bàn Đà Nẵng, nhiều loại truyền đơn cách mạng được rải ở nhiều nơi, trong đó Lê Văn Hiến “nhận nhiệm vụ rải truyền đơn ở bãi tập gần đồn khố đỏ và dọc theo đường phố lớn từ chợ Hàn xuống nhà bưu điện…”[4]. Ông đồng thời được giao nhiệm vụ tuyên truyền vận động tổ chức kết nạp vào HVNTNCM “một người đang ở trong hàng ngũ quân đội tay sai”, sau này là đồng chí Nguyễn Phiên.

Tháng 3-1929, Kỳ bộ Trung Kỳ chủ trương tách Chi bộ Đà Nẵng ra khỏi Tỉnh bộ Quảng Nam. Sau sự kiện này, Tỉnh bộ Quảng Nam hướng sự phát triển hội viên vào các vùng nông thôn. Chi bộ Đà Nẵng ra sức phát triển các tổ chức quần chúng như hội ái hữu, hội nữ công, tổ chức dạy nghề, vận động và tổ chức một số cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân, học sinh. Cũng trong thời gian này, tại Đại hội HVNCMTN, được tổ chức tại Hồng Kông, do bất đồng chính kiến, đoàn đại biểu Bắc Kỳ bỏ đại hội ra về, rồi phát đi Tuyên ngôn thành lập Đảng Cộng sản.  Đồng chí Lê Văn Hiến nhớ lại:“Tin tức không được đầy đủ, rõ ràng, anh em chúng tôi đều phân vân. Riêng tôi, cũng như đồng chí Đỗ Quang và một số anh em khác, hồi đó đã được nghe, được biết về đồng chí Vương (tức là đồng chí Nguyễn Ái Quốc) và dành cho đồng chí Vương một niềm tin sâu sắc. Theo lời anh em từ ngoài Bắc vào kể lại, chúng tôi được biết rằng trong cuộc hội nghị nói trên không có mặt đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Chúng tôi bèn rút ra kết luận: Việc giải tán Thanh niên cách mạng đồng chí hội để thành lập Đảng cộng sản là việc rất trọng đại, phải chờ quyết định chính thức của trên”[5]. Các Tỉnh bộ Hội VNCMTN ở Trung Kỳ vẫn tiếp tục các hoạt động, song lúc bấy giờ một trường hợp xấu đã xảy ra: Tú Đàn, đại biểu của HVNCMTN Quảng Trị đi dự hội nghị Kỳ bộ về đến Quảng Trị thì bị địch bắt; do không chịu nỗi sự tra tấn của địch, Tú Đàn đã khai báo nhiều đồng chí, trong đó có cả những đồng chí có công đầu trong việc gieo hạt giống cách mạng trên mảnh đất Tourane – Đà Nẵng như Đỗ Quang và Lê Văn Hiến. Trong hoàn cảnh đó, Lê Văn Hiến và Thái Thị Bôi liền tổ chức đám cưới (hai đồng chí quen biết nhau từ những ngày học ở Huế và tình yêu nảy nở từ khi đồng chí Thái Thị Bôi từ Huế về lại Đà Nẵng) rồi cùng rời Đà Nẵng vào Nha Trang để tạm lánh địch và tiếp tục hoạt động.

[1] Lê Văn Hiến: Buổi đầu gieo hạt. Dẫn theo: Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng và Hội văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng: Buổi đầu gieo hạt, tập Hồi ký, tr 103. Ông sinh ngày  15-09-1904, mất ngày  15-11-1997, quê gốc ở làng An Nông, tổng An Lưu, huyện Hoà Vang, nay thuộc phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

[2] Lê Văn Hiến: Buổi đầu gieo hạt. Sdd, tr 103.

[3] Nguyễn Sơn Trà : Trên đất nhượng địa. Sđd, tr 162.

[4] Lê Văn Hiến: Buổi đầu gieo hạt. tr 108

[5] Lê Văn Hiến: Buổi đầu gieo hạt. Sđd, tr 110.

Một Đại biểu của Đà Nẵng đọc tham luận tại cuộc Hội thảo

Untitled 1 min - BƯỚC ĐÀ NẴNG TRÊN HÀNH TRÌNH LÊ VĂN HIẾN

  1. Trong cao trào đấu tranh dân chủ 1936 – 1939

Vào Nha Trang, ngôi nhà của vợ chồng Lê Văn Hiến – Thái Thị Bôi trở thành “nơi liên lạc của tổ chức cách mạng”, các đồng chí từ Nam ra, ngoài Bắc vào thường ghé lại và là địa điểm phân phát tài liệu tuyên truyền vận động cách mạng cho một số tỉnh ở như Phan Rang, Phan Rí, Tháp Chàm, Đà Lạt…Lê Văn Hiến kể lại rằng: mùa Xuân năm 1930, đồng chí Lê Quang Sung từ Sài Gòn ra Nha Trang báo cho vợ chống ông biết một tin quan trọng: Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Tin ấy làm cho hai vợ chồng ông “vô cùng phấn chấn”, càng tích cực hoạt động. Song theo đến ngày 3-11- 1930, cả Lê Văn Hiến và Thái Thị Bôi đều bị thực dân Pháp bắt. Tòa án thực dân ở Nha Trang xử ông “5 năm tù, 5 năm biệt xứ” và tuyên án Thái Thị Bôi một năm tù. Ông bị đi đày ở nhà ngục Kon Tum và đến năm 1933 ông bị giải về nhà lao Quảng Nam.

Ngày 3-1-1935, hết hạn 5 năm tù, ông về lại Đà Nẵng trong “Tình hình chính trị ở Pháp có nhiều thuận lợi. Một số chính trị phạm ở các nhà lao Ban Mê Thuột, Lao Bảo, Côn Đảo lần lượt về. Tiếp đến năm 1936, Mặt trận Bình dân nắm chính quyền ở Pháp. Quyết định ân xá chính trị phạm ở Đông Dương được công bố. Đợt này đến đợt khác, chính trị phạm được tha về”, “ Hướng đấu tranh chính trị công khai được đặt ra”[1]. Đầu năm 1936, ông ra Huế tham dự Đông Dương Đại hội và được gặp các đồng chí lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ như: Nguyễn Chí Diễu, Phan Đăng Lưu, Trịnh Quang Xuân, Bùi San và nhà văn Hải Triều; sau đó được Xứ ủy Trung Kỳ trực tiếp giao nhiệm vụ  thành lập ở Đà Nẵng “một cơ quan phát hành, phổ biến sách báo tiến bộ, đồng thời cũng là cơ quan liên lạc của Đảng”[2]. Ông liền cùng Thái Thị Bôi và Nguyễn Sơn Trà đứng ra thành lập một hiệu phát hành sách báo ở Đà Nẵng và Hiệu sách Việt Quảng đã ra đời, do Thái Thị Bôi làm chủ hiệu. Địa điểm ban đầu của hiệu sách Việt Quảng ở đường Quait Courbet (Bạch Đằng), sau dời về đường Avenue du Musée (Trần Phú) và cuối cùng là đường Verdun (Trần Hưng Đạo). Từ khó khăn ban đầu, Việt Quảng đã vươn lên trở thành một trung tâm phát hành sách báo tiến bộ, tạo được không khí tấp nập về kinh doanh và công khai hoạt động chính trị, là địa điểm liên lạc và đứng chân của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và các đồng chí trong Nam ngoài Bắc qua lại Đà Nẵng, là đầu mối chỉ đạo nhiều cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Đà Nẵng và Quảng Nam.

Sau này, trong một bài viết về Thái Thị Bôi, Lê Văn Hiến cung cấp những thông tin rất quí, theo đó trong lúc bấy giờ, ông cùng với Nguyễn Sơn Trà “tham gia chi bộ Đảng Xã hội Pháp (SFIO) tại Đà Nẵng để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đấu tranh chính trị công khai sắp diễn ra”[3]. Và nhằm để cung cấp tư liệu  cho Mặt trận bình dân Pháp đấu tranh đòi cải thiện chế độc chính trị ở Đông Dương,  ông đã viết tập hồi ký “Ngục Kon Tum”, tố cáo chế độ tù đày dã man của thực dân Pháp, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân cả nước trong thời kỳ đấu tranh dân sinh, dân chủ 1936 – 1939. Thái Thị Bôi là người cộng tác với ông để hoàn thành tác phẩm này.

Từ mùa Xuân năm 1937, phong trào cách mạng ở Trung Kỳ về cơ bản đã phục hồi. Xứ uỷ lâm thời Trung Kỳ đã liên lạc với Trung ương. Đồng chí Nguyễn Chí Diễu được Trung ương Đảng cử vào củng cố và chỉ định lại Xứ uỷ Trung Kỳ. Xứ uỷ Trung Kỳ chọn Đà Nẵng làm nơi đứng chân và nhiều lần tổ chức họp Xứ ủy tại đây. Cũng trong thời gian này, một sự kiện khá quan trọng xảy ra với nhân dân Đà Nẵng, đó là cuộc đón tiếp phái đoàn chính trị do Nghị sĩ Đảng xã hội Pháp J. Godart dẫn đầu sang Đông Dương với nhiệm vụ tìm hiểu tình hình và tiếp nhận nguyện vọng của nhân dân tại đây. Lịch sử gọi sự kiện này là Cuộc đón tiếp Godart.

Theo chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, Lê Văn Hiến đã cùng với các đồng chí của mình tập trung sức cho việc tổ chức cuộc đón tiếp, mà thực chất là cuộc tập hợp lực lượng mạnh mẽ, đấu tranh đòi các quyền lợi về dân sinh, dân chủ dưới hình thức đón tiếp, đưa Dân nguyện lên phái đoàn của Chính phủ cánh tả Pháp. Ban tổ chức được cử ra gồm: Lê Văn Hiến, Trịnh Quang Xuân, Phan Bôi, Nguyễn Sơn Trà… Hiệu sách Việt Quảng là trung tâm chỉ đạo cuộc tập hợp, biểu dương lực lượng này. Các thành viên trong ban vận động chia nhau đi gặp thợ thuyền, công tư chức, học sinh, chị em các chợ, ngư dân… tuyên truyền để mọi người tham gia buổi đón tiếp. Mặt khác, Lê Văn Hiến nhờ Jean Boneau – Thư ký chi nhánh Đảng xã hội Pháp ở Đà Nẵng, can thiệp với Tòa đốc lý cho phép nhân dân thành phố tổ chức cuộc đón tiếp phái bộ J.Godart.

Ngày 28-7-1937, J.Godart cùng vợ và các thành viên trong phái bộ từ Huế vào Đà Nẵng. Trên đường Quait Courbet, hàng nghìn đồng bào thành phố và nông thôn đứng chật cả hai bên. Đây là lần đầu tiên ở Đà Nẵng, cơ sở cách mạng huy động được một lực lượng đông đảo quần chúng xuống đường, khí thế và trật tự. Thợ cơ khí mang phù hiệu cái búa, lực lượng khuân vác cầm bao tải, thợ may mang phù hiệu cái kéo, ngư dân mang phù hiệu hình con cá, tiểu thương đội nón lá quai đen, trên nón dán khẩu hiệu xin giảm thuế, nữ sinh mặc áo dài trắng mang phù hiệu cây bút và đặc biệt công nhân khuân vác mang trên vai chiếc khăn lót vai rất đặc trưng.

Sau này, Lê Văn Hiến kể lại: “ Phái đoàn Godart đến Đà Nẵng, tiếp xúc ngay với quần chúng trong tiếng hoan hô vang dậy: “Mặt trận bình dân muôn năm! “Mặt trận bình dân muôn năm!”. Khi phái đoàn qua trước cửa khách sạn Morin (Morin Frères),  một nhóm vài chục tên thực dân Pháp dẫn đầu là tên Tutier (chủ đồn điền) chạy ra hô to: “A bas politique de la rue! A bas Godart! (Đã đảo chính trị xuống đường! Đả đảo Gô-đa!)”[4]. Song trước khí thế của quần chúng, nhóm thực dân này phải rút vào khách sạn.

Tại phòng khách của Tòa đốc lý Đà Nẵng, đoàn đại biểu nhân dân do Lê Văn Hiến và Phan Bôi dẫn đầu đã bày tỏ nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và trao tận tay Godart bản Dân nguyện được viết rất cụ thể và công phu.

Tất nhiên, chúng ta không hề ảo tưởng, đặt hy vọng về sự thay đổi lớn trong chính sách thuộc địa của Chính phủ cánh tả Pháp, vào Phái bộ J. Godart, song sau những năm tháng nghẹt thở bởi chính sách bắt bớ, đàn áp của nhà thực dân Pháp, cuộc xuống đường đón tiếp phái bộ J. Godart đã trở thành một cuộc biểu dương chính trị công khai của quần chúng, tạo bầu không khí sôi động bao trùm thành phố, trong đó Hiệu sách Việt Quảng – Lê Văn Hiến – Thái Thị Bôi và các đồng chí của mình đã đóng vai trò trung tâm, quan trọng.

Sau cuộc đón tiếp phái hộ Godart, theo chỉ đạo của Xử ủy Trung Kỳ, Lê Văn Hiến và các đồng chí của mình đã tích cực tuyên truyền rộng rải trong nhân dân, vận động cử tri bầu cử cho Phan Thanh (ứng cử viên của Mặt trận Dân chủ Đông Dương) vào Viện Dân biểu Trung Kỳ khóa III (tổ chức vào tháng 8-1937). Phan Thanh ứng cử ở hạt Đại Lộc – Hòa Vang (một trong 05 hạt bầu cử ở Quảng Nam lúc bấy giờ) và thắng cử áp đảo ứng cử viên do Phái 1884 của Ngô Đình Diệm đưa ra. Và tiếp theo là cuộc vận động chống các dự án thuế do Khâm sứ Trung Kỳ đưa ra vào năm 1938… Song trong thời gian này Thái Thị Bôi lâm bệnh nặng. Lê Văn Hiến hết lòng lo cho vợ, chữa trị theo Tây y rồi Đông y, nhưng bệnh của Thái Thị Bôi vẫn ngày một nặng và chị đã qua đời vào ngày 23-8- 1938. Đám tang của Thái Thị Bôi được đông đảo nhân dân tiễn đưa. Từ Huế, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã gửi vào một bài Điếu văn đầy cảm kích, thương tiếc người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi của thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là thời gian Việt Quảng gặp khó khăn, bị vỡ nợ, dẫn đến việc Lê Văn Hiến lại phải ra tòa và bị 6 tháng tù giam.

Hiệu sách Việt Quảng mất Thái Thị Bôi và vắng Lê Văn Hiến vẫn tiếp tục hoạt động. Nguyễn Sơn Trà, thay Lê Văn Hiến là chủ hiệu sách[5] vẫn tiếp tục viết một số sách phục vụ kịp thời yêu cầu chính trị và mở nhà xuất bản “Tư tưởng mới” để phát hành các sách “Giai cấp là gì?”, “Chính phủ là gì?”, “Mặt trận bình dân Pháp đi đến đâu?”. Riêng tập hồi ký “Ngục Kon Tum” của Lê Văn Hiến vừa in xong đã bị Khâm sứ Trung kỳ cấm phát hành, nhưng cuốn sách quí đó đã được phát hành theo con đường nội bộ của Đảng khắp Bắc – Trung – Nam[6]. Tuy nhiên hiệu sách Việt Quảng không thể tồn tại lâu hơn được nữa. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ Hai bùng nổ từ ngày 1- 9-1939, bắt đầu lan rộng ở châu Âu. Tháng 5-1940, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa Hiệu sách Việt Quảng. Cả Lê Văn Hiến và Nguyễn Sơn Trà đều bị bắt. Ở lần bị bắt thứ ba này, Lê Văn Hiến lại bị thực dân Pháp giam giữ trong 5 năm, cho đến sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), ông mới được thả tự do.

  1. Trong vai trò một nhà lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền trên thành phố quê hương

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Thường vụ Trung ương Đảng đã  kịp thời ra bản chỉ thị lịch sử ”Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12-3-1945) xác định rõ ”Cao trào chống Nhật cứu nước dẫn đến thắng lợi trực tiếp của Tổng khởi nghĩa”.  Ngày 11-3-1945, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (Quảng Ngãi) nổ ra và giành thắng lợi đã tạo ra thế mới cho phong trào cách mạng ở các tỉnh ven biển Nam Trung Kỳ. Tháng 5- 1945, Việt Minh tỉnh Quảng Nam được thành lập. Tháng 6- 1945, Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam mở rộng chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển lực lượng vũ trang,  xây dựng các đội du kích vũ trang của tỉnh. Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định cử Huỳnh Ngọc Huệ, Tỉnh ủy viên trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng lực lượng trong thành phố. Chính lúc đó, Lê Văn Hiến cùng với nhiều tù chính trị khác đã lần lượt ra tù. Bọn Nhật ở Đà Nẵng biết Lê Văn Hiến là một nhân vật có ảnh hưởng ở thành phố, nên khi ông vừa ra tù, chúng liền đến mời ông ra tham gia chính phủ Trần Trọng Kim. Thành ủy Đà Nẵng phải tạm thời đưa ông vào Quảng Nam tạm lánh một thời gian.

Tháng 7- 1945, Mặt trận Việt Minh thành Thái Phiên được thành lập và khẩn trương phát triển các đoàn thể cứu quốc, tự vệ cứu quốc, tuyên truyền phổ biến chương trình Việt Minh và vận động lực lượng thanh niên Phan Anh của chính phủ Trần Trọng Kim ngả về phía cách mạng. Ngày 16-8-1945, Hội nghị Việt Minh thành Thái Phiên họp mở rộng, cử ra Ủy ban khỏi nghĩa thành phố và Lê Văn Hiến được bầu làm Trưởng ban khởi nghĩa.

Lúc này, tàn quân Nhật ở các tỉnh đổ về Đà Nẵng rất đông, khoảng từ 3000 tên[7], đang chờ xuống tàu về nước. Viên tư lệnh quân Nhật phụ trách quân khu Đà Nẵng, chỉ huy toàn bộ lực lượng quân Nhật từ Bình Định trở ra Đà Nẵng đã tìm cách liên hệ với lực lượng của Việt Minh để thu xếp việc tập kết quân đội Nhật được an toàn. Đại diện cho Mặt trận Việt Minh thành Thái Phiên, Lê Văn Hiến đã gặp viên tư lệnh Nhật để thương lượng, yêu cầu quân Nhật án binh bất động, không can thiệp vào việc nội bộ của Việt Minh. Phía Nhật chấp nhận yêu cầu với điều kiện du kích Quảng Ngãi không tấn công quân Nhật. Trên tinh thần đó, Thành bộ Việt Minh Thái Phiên đã cử ông vào gặp Tỉnh ủy Quảng Ngãi, dàn xếp các việc để tạo thuận lợi cho Đà Nẵng giành chính quyền[8].

Từ ngày 22- 8- 1945, lần lượt các tổng, xã ở vùng ngoại ô thành phố tổ chức  khởi nghĩa. Ở trung tâm thành phố, theo kế hoạch sẽ tổ chức khởi nghĩa vào ngày 23-8-1945 song phải hoãn, vì phải chờ Lê Văn Hiến về thông báo kết quả. Đúng 12 giờ khuya ngày 25-8-1945, Thành bộ Việt Minh đang họp thì Lê Văn Hiến từ Quảng Ngãi về, ông tham gia cuộc họp bàn tiếp công việc khởi nghĩa và được giao  thêm một trọng trách khác: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành Thái Phiên. Giờ phát lệnh khởi nghĩa được quyết định. Theo đó, đúng 8 giờ sáng ngày 26-8-1945, khi tiếng còi tầm thành phố vang lên làm hiệu lệnh khởi nghĩa, các lực lượng cách mạng ở các công sở, địa phương ở trung tâm thành phố liền tổ chức treo cờ, giăng biểu ngữ, tổ chức mít tinh, công bố lệnh khởi nghĩa, tuyên bố thủ tiêu bộ máy cai trị của chế độ cũ. Các công sở như Tòa án, Kho bạc, sở Liêm phóng, sở Công chánh, sở Hỏa xa…được các lực lượng đại diện chính quyền cách mạng tiếp quản. Với tư cách là Trưởng ban khởi nghĩa, Chủ tịch cách mạng lâm thời thành phố, được lực lượng vũ trang và quần chúng hộ tống tiến, Lê Văn Hiến đến Tòa Thị chính, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thân Nhật (lúc đó do Nguyễn Khoa Phong làm Thị trưởng). Một lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên cột cờ Tòa Thị chính và đến 9 giờ sáng, cờ đỏ sao vàng được treo khắp thành phố, báo tin mảnh đất ”nhượng địa Tourane” đã hoàn toàn trở về với Tổ quốc Việt Nam độc lập. Đây có lẽ là những thời khắc quan trọng nhất và vẻ vang nhất, in sâu trong tâm trí của Lê Văn Hiến cho đến khi ông từ biệt cuộc đời này.

Qua nghiên cứu những hoạt động của Lê Văn Hiến ở Đà Nẵng như trên, chúng tôi xin nêu ra một số điểm đáng lưu ý sau:

  1. Trong vòng 18 năm hoạt động, từ năm 1927 đến năm 1945, có 10 năm ông phải ở trong lao tù của thực dân Pháp, gần 2 năm ở Nha Trang, thời gian ông hoạt động tại Đà Nẵng chỉ 6 năm nhưng đó là quãng thời gian rất quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của ông, mở đầu tại Đà Nẵng và kết thúc tại Đà Nẵng, để lại dấu ấn rất đậm nét trong lịch sử của thành phố quê hương ông. Vì vậy, có thể khẳng định thời kỳ 1927 – 1945 là “Thời kỳ Đà Nẵng” hay là “Bước Đà Nẵng” trên hành trình hoạt động cách mạng của Lê Văn Hiến.
  2. Khả năng hoạt động công khai, tổ chức và hoạt động kinh tài của Lê Văn Hiến thể hiện rõ nhất trong thời kỳ 1936- 1939. Cùng với Thái Thị Bôi và Nguyễn Sơn Trà, ông là người sáng lập Hiệu sách Việt Quảng, xây dựng Việt Quảng trở thành trung tâm liên lạc và chỉ đạo đấu tranh công khai của nhân dân Đà Nẵng. Nhìn lại lịch sử trong cả nước trong thời kỳ này, phong trào ở một số nơi như Hà Nội, Sài Gòn và Huế rất sôi động, song chưa nơi đâu xuất hiện một trung tâm “đa chức năng” như Việt Quảng. Đó là nhờ sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, song phải kể đến tài tổ chức, tính năng động sáng tạo của Lê Văn Hiến – Thái Thị Bôi và các đồng chí của ông. Vai trò “ngọn cờ” của ông lại thể hiện rất rõ trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám – 1945. Và các tố chất này sẽ được phát sáng hơn trong các bước tiếp theo trong cuộc đời cách mạng của ông.
  3. Hiện nay vẫn có ý kiến cho rằng chuyến đi gặp Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đề nghị du kích Quảng Ngãi ngừng tấn công quân Nhật (tháng 8-1945) của Lê Văn Hiến là không cần thiết, những trắc trở trong chuyến đi này của ông làm chậm thời gian khởi nghĩa của Đà Nẵng, và hơn nữa, trước đó Tỉnh ủy Quảng Nam đã cử một đồng chí trong Tỉnh ủy đi vào Quảng Ngãi để thương lượng với Tỉnh ủy Quảng Ngãi về việc này. Thực tế, quân Nhật từ các nơi đổ về Đà Nẵng ngày càng đông, với vũ khí trong tay, ở hai phủ, huyện trên đất Quảng Nam[9] đã xảy việc quân Nhật xả súng vào các đoàn biểu tình của nhân dân, thì chuyến đi Lê Văn Hiến vào Quảng Ngãi với các nội dung nêu trên là rất cần, nhằm để tránh xảy ra đổ máu cho lực lượng khởi nghĩa của thành phố. Và thực tế đã chứng minh, Đà Nẵng khởi nghĩa trong tình hình quân Nhật đang ở đây rất đông, nhưng đã không có những va chạm đáng tiếc và không một giọt máu nào phải đổ ra trong những ngày sôi động và hào hùng đó./.

Đà Nẵng, ngày 03-12-2008

BX

[1] Lê Văn Hiến: Chí lớn. Sđd, tr 26.

[2] Lê Văn Hiến: Chí lớn. Sđd, tr 26.

[3] Lê Văn Hiến: Chí lớn. Sđd, tr 27.

[4] Lê Văn Hiến: Chí lớn. Sđd, tr 30.

[5] Lúc này hiệu sách Việt Quảng đổi tên thành Việt Quang.

[6]  Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng, 1996, tr 68.

[7]  Số liệu quân Nhật ở Đà Nẵng chưa thống nhất, có sách ghi 5.000 ngàn tên, có sách ghi 3000 tên.

[8] Trong chuyến đi này, khi trên đường về lại Đà Nẵng, Lê Văn Hiến đã gặp phải một số du kích Quảng Ngãi, họ nghi ông làm chỉ điểm cho Nhật nên bắt trói ông lại và… chuẩn bị xử bắn. Trong hoàn cảnh thật trớ trêu đó, ông  đã bình tĩnh giải thích và yêu cầu được gặp Tỉnh ủy Quảng Ngãi rồi chết cũng được vì có việc quan trọng cần gặp. Tỉnh ủy Quảng Ngãi biết tin, kịp thời can thiệp và ông đã kịp về để lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại thành phố quê hương.

[9] Phủ Điện Bàn và huyện Đại Lộc.

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây