Công nghiệp hóa tại Việt Nam cần vượt “bẫy” gia công lắp ráp

Công nghiệp hóa tại Việt Nam cần vượt
Ông Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - phát biểu tại hội thảo khoa học - Ảnh: HỮU HẠNH

Việt Nam cần tiên phong phát triển một số ngành công nghiệp mới dựa trên lợi thế quốc gia như con đường mà Nhật Bản, Hàn Quốc từng làm, hay chỉ dừng lại ở việc trở thành công xưởng của thế giới?”.

Đó là vấn đề mà ông Nguyễn Xuân Thắng – giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương – đặt ra tại hội thảo khoa học “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thành ủy TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng 28-7.

Không để Việt Nam thành công xưởng lắp ráp

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là phương thức quan trọng để đưa Việt Nam thành một nước phát triển có thu nhập cao.

Tuy nhiên thời gian qua, quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam chủ yếu dựa vào khai thác nguồn tài nguyên, sử dụng nhiều lao động; gia công lắp ráp, nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu. Quy mô và năng lực của nền công nghiệp quốc gia trên thực tế còn nhỏ. Theo ông Thắng, nếu tiếp tục tình trạng này, Việt Nam sẽ không tránh khỏi nguy cơ trở thành nước gia công lắp ráp cho nước khác.

Bên cạnh đó Việt Nam xác định hội nhập chính là phương thức để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng việc thực hiện ra sao, “đi cùng với người khổng lồ như thế nào cho hiệu quả”. Cơ chế chính sách hiện nay chưa ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp nước ngoài.

“Tôi từng chất vấn các doanh nghiệp nước ngoài, họ vào đây chỉ nghĩ đến chuyện kinh doanh ở Việt Nam lâu dài mà không nghĩ đến việc cho các doanh nghiệp Việt Nam cùng lớn mạnh”, ông Thắng nói.

Tình hình hiện nay là các bên phải phụ thuộc lẫn nhau để cùng có lợi, không phải cứ ưu đãi để thu hút doanh nghiệp nước ngoài đến lấp đầy các khu công nghiệp trong khi doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được.

Ông đặt câu hỏi Việt Nam cần đi tiên phong phát triển một số ngành công nghiệp mới dựa trên lợi thế quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc từng làm, hay chỉ dừng lại ở việc trở thành công xưởng của thế giới.

“Nếu không cẩn thận, chúng ta trở thành nơi lắp ráp cho người khác. Giá trị gia tăng họ thu, còn mình chịu trách nhiệm gia công”, ông Thắng nói.

Do đó Việt Nam cần vượt qua “bẫy” gia công lắp ráp. Các khu vực doanh nghiệp trong nước không chỉ chú trọng chế tạo linh kiện, mà phải nắm bắt cơ hội phát triển các dịch vụ tích hợp vào các sản phẩm cũng như các dịch vụ khác.

Bên cạnh đó chiến lược phát triển nguồn nhân lực cần đặt trọng tâm vào phát triển khả năng sáng tạo, tư duy phản biện, năng lực tự giải quyết vấn đề, hình thành kỹ năng số, làm việc nhóm, học tập liên tục thông qua Internet.

Phải sản xuất có tính tự chủ

Ong Tran Tuan Anh truong Ban Kinh te Trung uong phat bieu ket luan hoi thao min - Công nghiệp hóa tại Việt Nam cần vượt "bẫy" gia công lắp rápÔng Trần Tuấn Anh – trưởng Ban Kinh tế Trung ương – phát biểu kết luận hội thảo – Ảnh: HỮU HẠNH

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Trần Tuấn Anh – trưởng Ban Kinh tế Trung ương – cho rằng các xu thế mới và biến động của thế giới đặt ra vấn đề cần phải thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Qua các ý kiến, ông Trần Tuấn Anh cho rằng các đại biểu thống nhất mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ nhân dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng.

“Cần phải chuyển đổi tư duy phát triển, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực, đẩy mạnh sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ”, ông Tuấn Anh nói.

Bên cạnh đó Việt Nam cần ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghiệp trong nước lớn mạnh, đổi mới thu hút FDI theo hướng có chọn lọc, chất lượng cao và bảo đảm yêu cầu về liên kết với doanh nghiệp trong nước.

Trong tiến trình đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò là nền tảng, động lực quan trọng hàng đầu; nguồn nhân lực chất lượng cao là những những nhân tố đột phá chiến lược.

TIẾN LONG – THẢO LÊ

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây