Đánh thức vai trò cá nhân nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc hiện nay

Đánh thức vai trò cá nhân nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc hiện nay
Ảnh: internet

Trong danh sách của Hội NSNA Việt Nam hôm nay, dễ nhận thấy đã xuất hiện khá nhiều cá nhân đoạt được các tước hiệu cao ở trong nước và quốc tế. Để giành được một tước hiệu ấy, chúng ta hiểu rằng mỗi người nghệ sĩ đều phải trải qua một quá trình nỗ lực phấn đấu đầy cố gắng, hi sinh. Họ tích luỹ được cả một kho kinh nghiệm thực tế đầy sống động. Nhiều người trong số họ đã từng giữ những trọng trách ở một thời kì nào đó trong quá khứ. Và, nhiệt tâm của họ vẫn không ngừng âm ỉ cháy.

Nhưng quan sát từ bên ngoài, hay đi sâu tìm hiểu nội tâm một số cá nhân nghệ sĩ có tước hiệu, dường như họ đã không giấu được vẻ đơn độc tựa cái cây mọc giữa hồ, hoặc lầm lũi giống một đầu xe lửa không toa kéo, nằm đợi chơ vơ trên một sân ga… Câu hỏi đặt ra: Hội NSNA cố gắng vun vén, xây dựng những nghệ sĩ mang tước hiệu cao để làm gì, khi mà sau đó lại như bỏ quên không dùng đến họ?

Kỉ nguyên số đem lại lợi thế cho mọi người, khi một bức ảnh từ điện thoại của bà nội trợ thoáng chốc đã có thể lan đến khắp mọi ngõ ngách của thế giới phẳng. Những nghệ sĩ nhiếp ảnh một thời đi tiên phong, không ngại tốn kém để đưa hình ảnh quê hương đất nước giới thiệu với bạn bè quốc tế, thì nay đã có thể phải cân nhắc nhằm nghĩ đến những ý tưởng thiết thực, hữu ích hơn cho sự lớn mạnh của nhiếp ảnh nước nhà. Giữa thời đại có sự phân công lao động với trình độ chuyên môn hóa sâu, thì Hội NSNA Việt Nam cần phải khuyến khích các nghệ sĩ hàng đầu thêm một lần dấn thân để đứng ra làm trụ cho các trường phái nhiếp ảnh bung nở. Ví dụ “cách đi” của NSNA Dương Quốc Định, hoặc “cách làm” của NSNA Bá Hân, mỗi người có một dáng nét khác nhau, nhưng tựu trung, họ có niềm đam mê khác biệt và thu phục được sự công nhận, tôn trọng từ nhiều người.

Gắn cho nghệ sĩ một tước hiệu, thì đồng thời phải để người nghệ sĩ nhận ra trọng trách: phận làm cây tùng, cây bách nếu không hướng đến việc vươn cành, buông lá nhằm che chắn cho sự trường tồn của một cánh rừng, thì người ta có thể tính ra hạn mức tuổi thọ cho cái cây đơn lẻ ấy. Chỉ khi quy nạp được những nghệ sĩ ưu tú nhất cùng góp sức vào cho một mục tiêu cao đẹp chung, thì khi đó nhiếp ảnh Việt Nam mới tránh được lãng phí, mới có được sự kế tục phát triển trong hài hoà và lành mạnh.

Trích “Thúc bách tạo dựng dòng ảnh chủ đạo cho nền nhiếp ảnh nghệ thuật nước nhà” của Vũ Kim Khoa

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây