Ông Cả khom người bên chiếc hòm gian hí húi viết. Ông gửi thư cho mấy người bà con. Ở đầu trang giấy ít khi quên viết mấy dòng này: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – Trường Kỳ Kháng chiến – Độc lập Tự do Hạnh phúc. Rồi đến: Nay Cả tôi có mấy lời xuống gọi là… Mãi ông mới nói hẳn vào câu chuyện ông muốn nhờ vả họ.
Ấy là câu chuyện tản cư. Ông muốn cho vợ con dời làng xuống miền biển. Người ta đồn dưới ấy yên ổn hơn. Chứ trên này nhốn nháo lắm. Có bận giặc nó đã sấn sang đến con đê Tam Tổng làng ông rồi. Người như ông thì chẳng bao giờ ông để nước đến chân mới chịu nhảy, con lợn mới chê cám, ông đã đoán trước được là nó sắp nóng sốt, ông đem ngay bùn trát vào mình nó, nấu cháo chua cho nó ăn còn gỡ được nổi, huống hồ đến cái việc tày đình này mà ông lại không chịu lo toan trước được hay sao?
Thế là ông Cả liền đem giấy ra viết một lúc ba cái thư. Một cái cho người con rể thứ nhất của ông ở bộ đội. Một cái cho người nay mai thành con rể thứ ba của ông ở cơ quan. Rặt nói về chuyện đi cả. Còn cái sau rốt ông đang viết đấy: Tôi tính để bu các cháu và các cháu xuống thổ các ông nương nhờ tiên tổ đằng nhà, chóng ra thì đôi mươi ngày, mà lâu ra Tây nó cứ bí bét mãi chả năm ba năm thì lúc đó chúng tôi xin có lời thưa lại, chúng tôi sẽ kiếm nơi khác, không dám phiền…
Câu này xem ra ông Cả cho là cần nhất; ông thêm thắt mãi rồi mới hạ bút ngoáy hai chữ: Cả ký; khác hẳn trước kia thời Pháp thuộc, khi ông còn làm Tư Lẫm thì bất kỳ gửi giấy má gì cho ai về việc công hay việc tư thế nào ông cũng ký ba chữ Le Tư Lẫm thật to thật nắn nót.
Hôm mới rồi, người con rể thứ nhất của ông ở bộ đội về thăm nhà – anh Huyên – bảo rằng muôn sự khó khăn, rắc rối cho mình chỉ do cái bọn Tây thực dân phản động cả. Tức là do ở những tên giặc đi cướp phá làng mạc thôn xóm mình mà thôi. Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời giặc Pháp có thương dân mình. Anh Huyên bảo thế. Anh còn nói thêm:
– Nó sắp đánh Liên khu Ba một trận to. Vùng này cần phải để ý hơn cả, vì vùng này có con đường số 1 và con sông Đáy chạy qua. Bộ đội đã tính kế rồi. Năm nay quyết đánh cho chúng nó phải thua liểng xiểng. Thua hơn năm ngoái, chứ không để chúng nó dám coi thường làm khổ dân ta.
– Thế thì nay mai xác Tây cứ là chôn nhọc.
– Phải việc lắm! Chú cái lối “quân thù” định làm nhục chúng tớ là chúng tớ chẳng chịu rồi.
Mấy người trong xóm thấy anh Huyên về, sang chơi góp chuyện vậy. Ai nấy đều cùng một ý rằng không chịu nhục. Đại để có nhiều người bàn:
– Nó cũng là người mình cũng là người, tự nhiên nó bắt mình phải khom lưng bẩm lậy nó, để nó sai phái, coi mình không bằng một con chó thì tủi nhục gì hơn cái tủi nhục ấy nữa. Nói đâu xa, ngay đến sự đi hầu nó nào đã xong: mở miệng là nó chửi mình, cất tay là nó đánh mình! Chỉ những đánh, những chửi, những hà hiếp. Khổ như thế đến con chó, nó cũng không chịu ép một bề được huống chi con người ta? Mà nghĩ cho cùng thì những thằng Tây ấy, thằng giặc ấy hung dữ độc ác uống máu người lấy làm ngon lành như ta uống bát nước chè tươi thế thì so với dân ta chúng nó còn thua kém nhiều. Chúng nó có xứng đáng làm Người đâu? Chúng nó chỉ là những con vật dữ tợn. Người thì người ta không ai chịu để những con vật ấy sai khiến làm nhục nổi. Đè nén nhau, ức hiếp nhau là không xong rồi. Bát cơm ở trong tay người ta thì không có cái lý gì lại sang đè người ta ra mà cướp không được!
Quá quẩn lắm thì… cứ là đánh! Đánh nó mạnh bao nhiêu mình bớt khổ bấy nhiêu. Không đánh nó, nó cũng chẳng tha gì mình. Còn ai đã được vào cái việc đi thì hãy quang gánh quảy ra mà đi tắt. Giặc có dử thính bảo ở lại cũng chẳng nên hám, chẳng nên thèm. Nằm lại làng nhỡ rồi giặc nó bắt làm Tề thì tưởng nhục cả với cái giếng đình, với cái trụ sở làng, với cái cổng xây của xóm.
Sự thể là thế đấy.
Ông Cả vừa đánh cái gianh để quây vườn cải vừa nghĩ lơ mơ. Ông nhìn ra ngoài bờ ruộng.
Hôm nay trời cao. Ngọn nói Tranh càng rõ mồn một; vàng vàng màu nắng như một đụn rơm vài mươi mẫu, soai soải ở sau nhà ông. Chết! Giặc nó lần về tới đây, đặt khẩu súng máy trên ngọn hoặc nấp trên những lùm cây chỗ bắn thẳng về xóm thì thôi, thật rầy quá là rầy! Ông lim dim mắt ngắm những rẫy chè xẻ bậc cao thấp chạy ngang ở núi.
Đứng xa, người ta thấy những rẫy chè ấy giống như trăm nghìn nếp răn hằn rõ trên một tảng trán thật to thật rộng. Ông Cả chớp mắt luôn vài cái. Mày ông díu lại. Ông luồn vội tay vào nách gãi sồn sột. Rồi ông lại đưa tay lên cào cào cằm. Lòng dạ ông lúc này nó bổi hổi bồi hồi chẳng ra sao cả. Viết thư thì viết, chứ còn cái bảo trông đợi ở hai thằng con rể, chúng nó tìm chỗ cho bố mẹ vợ chúng nó đi tản cư thì ông không trông đợi cho lắm rồi. Vả lại chúng nó là “người làm việc” thì nói hết nhẽ ra tất chúng nó phải xếp việc công lên trên việc tư chứ.
Nhưng chú Xung báo với ông Cả rằng:
– Ở dưới ấy yên hàn hơn, giá anh Bang – người con rể thứ ba của ông – anh ấy tìm lấy một nơi gần gần cơ quan để hai bác và các cháu xuống thì vẫn là hơn. Chỗ người Chính phủ người ta đã đóng thì không phải chỗ thường rồi. Không phải chỗ giặc nó dám bén mảng lớn rồi. Cùng ra chăng nữa, hôm tăm động dạng thế nào cũng vẫn cứ là “được thông tin, được báo cáo” trước.
Ông Cả cũng đã nghe nhời chú Xung đấy. Tuy thế nhưng ông tin ở cái giấy gửi cho người bà con hơn.
Nhà người ta rộng rãi sầm uất lắm lắm. Cối đá lỗ cứ hàng chục tảng xếp bộn cả góc vườn. Dăm ba gian nhà ngang bỏ không, chỉ để xếp đồ vặt vãnh. Bu con cái Cả bất quá chỉ ở hết một hai gian là cùng. Còn cái sân gạch ngót sào ấy thôi thì lũ trẻ thỏa sức mà nô đùa. Bao giờ “ta tổng tấn công độc lập hoàn toàn” đâu đấy ắng lặng tiếng súng là ông sẽ cho vợ con ông về, về chọc lợn ăn mừng. Bấy giờ, Chính phủ mới mở sổ ra: ai tuân lệnh Chính phủ triệt để tản cư, ai có “dã man làm loài lang sói” đi Việt gian, ai hay ai dở bấy giờ mới là lúc tính đến. Tự nhiên ông vui hẳn lên. Ông tặc lưỡi:
– Đâu sẽ có đó!
Kham khổ thì cả nước cùng kham khổ, trầy trật chứ riêng tư gì ai? Thời buổi này ai là cái người được nhàn? Ừ, hãy hỏi thế cái đã! Đoạn, ông lại chân vách vác vồ ra đồng đập bờ vạ.
Nắng phơn phớt êm ả chốc chốc lại bừng lên dịu xuống. Những miếng đất ải mịn thớ màu nâu sẫm bở dần trong nắng, trông ngon mắt như những tấm bánh mật vừa lành vừa ngọt. Đó đây: đồng trong, đồng ngoài xì xòm tiếng gầu rồi nước từng dịp đều đều. Tiếng tay người làm cỏ sa gốc lúa róc rách không dứt. Mấy anh trai khom khom người đang quai bờ lườn, ngửng lên thấy ông Cả, họ hẩy nhau rúc rích cười. Có tiếng bỡn cợt ông:
– Thấy về làm ấm nước ra đến nơi mà nửa buổi rồi đấy thầy ạ.
– Thầy nghe xem con có tốt giọng không nhé.
Chị em du kích Thái Bình,
“Ca lô” đội lệch vừa xinh vừa ròn.
Người ta nhắc chuyện chồng con,
Lắc đầu quầy quậy: em còn giết Tây (1).
Tiếng hát lên cao, rung vang. Tiếng cười không gượng gạo, phá ra, ngân theo. Ông Cả cũng cười. Những nỗi lo lắng về đi về ở phút trước bây giờ ông Cả quên sạch. Ngay bây giờ chỉ biết có chuyện lam làm đồng áng đã. Khi nào đi thật, việc hãy hay. Còn ở làng buổi nào, ngày nào thì người và vật còn “giệt”, còn “họ” ở giữa đồng buổi ấy.
Hai tiếng một, thỉnh thoảng súng lớn lại rời rạc giọt nện trong quãng không. Ình ình… ình ình…
Bà Cả nhìn về đằng Đông, chúm môi nói với chồng:
– Đấy! Đấy! Thầy mày chả rộn mãi lên bắt xuống dưới ý nữa đi! Nó đang nhùng nhoàng tấn công dưới bể đấy. Bể Đông là ở nẻo Đông chứ còn ở đâu nữa.
Ông Cả lặng ngắt. Ông đang vợi dần mắm trong chum sang cái cong cái hũ. Có mấy tiếng súng máy ục ục điểm thêm. Bà thôi ru con, chùn chân ghìm võng lại nghểnh tai nghe ngóng:
– Nó bắn quá là bắn, thầy nó nghe mà xem. Chỉ hãi cho thằng Bang nhỡ ra thì… chả biết có biết đường biết lối mà mà…
– Người ta chết đến nơi cả đấy! – Ông Cả lừ vợ.
– Đi thì vẫn là việc nên rồi, nhưng giá nó khẩn ngay kia. Tôi chỉ ngại mỗi điều rằng ngoài người ta nói. Mẹ con tôi đi, thiết lấy thân mẹ con tôi; thầy nó ở lại nhà, thúng phân đóm mạ thầy nó phải quần quật một mình hai sương một nắng… Rồi đến mùa, mẹ con tôi mới lại lũ lượt kéo về, thì cái tiếng ngồi mát ăn bát đầy là khó đối khó đáp lắm kia. Mà rồi nếu xóm làng vẫn vui vẻ lam làm, chẳng sao hết; mình mình chạy thôi, coi thế sao tiện? Ấy đấy, thế nào rồi họ cũng bảo mình hởi của, tiền giời thóc đống gì mà động một tý đã rẩng của.
Ông Cả lại lặng ngắt. Một nhát ông mới thủng thẳng:
– Tùy! Cái đó mặc ý bu mày! Nhưng tao là tao không chịu cho Tây nó bắt tao ngồi đập ruồi ở đống rác rồi! Công ấy tao để tao xay thóc tao giã gạo cho nhà tao.
Chuyện “đập ruồi” ông Hai Nhạ kể cho ông Cả nghe. Ông Cả nhớ mãi. Mỗi khi muốn tỏ cho người ta biết là ông ghét Tây, ức Tây, ông Cả lại nói lửng lơ thế.
Mấy hôm trước, ông định sẽ cho vợ con ông đi, nhưng bây giờ thì sự định đi ấy đã dìu dịu rồi. Không phải ông chóng thay đổi ý, nhưng nó có lắm điều vấp váp lắm, khiến ông phải nghĩ ngợi nhiều. Ông thì ông chẳng thích nghĩ ngợi nhiều như thế. Chẳng béo bổ gì mà chỉ tổ sọm người đi thôi. Cái gì cũng vậy, vài câu qua loa, xem ý ai duỗi ra là ông Cả mặc. Công việc còn ngập lên đến mắt đấy, hơi đâu mà đi lý sự. Lý sự lắm chỉ có mà mất việc!
Buổi mai hôm nay, nhằm lúc ông Cả mải việc ở ngoài đồng, bà cụ mẹ vợ ông xuống tìm con gái. Bà Cả bê cái sề rau lợn về đến cổng đã thấy cụ te tái ở sân. Cụ đang dựng mấy cái nong cái nia ở dưới đất dựa lên vách. Bà cụ lẩm bẩm:
– Chết mất thôi! Như nhà hoang, nhà không có liền bà thế này này…
Bà Cả cười:
– U vừa lên?
Cụ không trả lời câu bà Cả hỏi, chỉ nhìn cái cầu chày gạo.
– Giã xong, ta lấy nạng ta chống nó lên chứ để mỏ chày ở trong cối thế kia trông sao được. Người ta cười, người ta không cười vào mặt cho đâu.
Rồi cụ ngả sang chuyện đi chuyện ở. Bà cụ nói:
– Tao nghe người ta bảo, chứ anh ấy cũng chẳng nói cho tao rõ là anh ấy sắp lo cho mẹ con nhà mày tản cư tản cung đi nơi khác, nên tao vội xuống hỏi vợ chồng nhà mày xem đầu cuối ra làm sao? – Cụ ngừng lại một tý rồi tiếp – Ra làm sao thì cũng ở như vợ chồng nhà mày cả. Chứ phận tao nó đã đành đi một phận rồi, ở với thằng anh mày đấy, làm cái sồi cái vải được đượng nào hay đượng ấy. Công việc thì lực tao chỉ lo được có chừng ấy thôi, dựng vợ gả chồng cho chúng bay thì nay mai cũng có cháu có chắt đến nơi rồi. Sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ. Mấy lại, cũng chẳng phải cái việc tao phải lý đến chuyện nhà mày mà bảo lý. Có nhiều vợ chồng ăn nhiều. Có ít ăn ít. Không có chăng nữa, chẳng bảo tao đốn lương đốn của nổi cho mày. Cho nên, bảo giữ vợ chồng ở lại, tao cũng không bảo giữ, mà bảo đi tao cũng chẳng bảo đi. Tao chỉ nghĩ một nỗi là còn tổ tiên ông bà ông vải đấy, còn ruộng nương nhà cửa đất cát đấy, đã bỏ làng mà đi thì có đi được mãi mãi mới bõ cái công đi; mới nên đi; chứ hôm trước hôm sau lại bồng bế dắt díu nhau về thì tao tưởng… – Cụ nhả xong miếng trầu rồi lại nói – Tao chẳng sống được nhiều nhặn gì nữa đâu; mà gái thì cũng chỉ có mình mày thôi, mày liệu bảo với chồng mày thế nào thì mày bảo. Mẹ gần con, con gần mẹ nó vẫn hay hơn. Chứ ở trên tao, tao chẳng chạy đâu sất.
Đoạn, bà cụ kéo dải thắt lưng thấm nước mắt. Bà Cả cũng vắt nước mũi. Chiều tối ông Cả về, bà kể cho chồng nghe. Ngay lúc đó, ông Cả chẳng bảo sao, ông thét con gái ra gỡ mấy con cá diếc ông vừa lấy vè bừa vụt được ở ngoài ruộng. Đợi con chạy khuất xuống bếp kho niêu cá, trên này ông Cả mới bắt đầu nói:
– Bà muốn thế nào tao cũng chiều được ý bà. Ở tao cũng không khẩn, mà đi tao cũng chẳng khẩn. Chỉ có cái rằng hễ giặc nó tràn về đây thì mấy mẹ con bu mày không phải chạy đi đâu cả! Cứ lên “tăng-sê” nhà bà mà ẩn! Đã có bà! Còn tao thây xác tao!…
Ông Cả nói thế thôi. Rồi ông vơ lấy tờ báo nằm bò ra giường lẩm nhẩm đọc thầm từng chữ. Trên đĩa đèn dầu, ngọn lửa hắt ánh lửa nhập nhòe vào một bên mặt ông Cả. Một khổ mặt xương xẩu, nhiều hõm trũng nhiều đường răn. Ông mới bốn ba, bốn tư mà trông như người đã ngoài năm mươi. Bà Cả thường bảo chồng bà vất vả. Ông ta luôn chân luôn tay. Rửa hết lớp bùn này thì lại phải dầm xuống ruộng bùn khác. Kể cả từ bé, ông không được mấy tý nhàn. Da mặt ông sàm sạm, nâu xỉn như màu cái liềm trấu chạt những đất. Anh cán bộ ở huyện về mượn nhà ông mở lớp huấn luyện bảo rằng nước da ấy không xấu, không khó nhìn đâu mà còn đáng quý là đằng khác, Nó quý ở chỗ chịu được sương gió, đã dày dạn nắng mưa. Nó quý ở chỗ là nước da của những người chịu làm chứ không muốn dông dài ăn sẵn. Nước da của ông Cả cũng như nước da của ông Phó Sênh, của bà Lý Pha, của ông Hai Nhạ, của anh Tộc, của chị Thơm, của cái Yểng, thằng Giá.
Người ở cái làng này thế tất. Thế tất! Lại không ai giàu hơn ai mấy, sàn sàn nhau hết. Khác hẳn nhiều nơi của cải chỉ thu vào trong một vài nhà. Những tòa nhà gạch ngất nga ngất nghểu giữa những tòa nhà tre lụp xụp vây quanh. Nom vậy, tưởng như chỉ một mảng tường của những tòa nhà ấy rơi xuống, cũng đủ làm cho những mái rạ kia nát mê nát mau ra rồi. Đã có bận anh Tộc ví như thế.
Trong phiên họp nông dân ngày nọ, nhân khi thảo luận về sự cấy cày làm ăn của vùng, ông Cả thưa với hội đồng rằng:
– Đồng ta đồng đĩa, nông lòng trũng đất, chưa nắng đã khô, chưa mưa đã cả. Cho nên hễ khô mới khô đến đại hạn; mà cả thì cả đến trắng nước. Chiêm nó không ra chiêm hẳn, còn ghé mùa. Hạt thóc ở thiên hạ họ coi chẳng vào đâu, ta một vụ; ít lúa, nên ta mới thấy làm khó khăn. Cứ bảo sao một gồi rơm một mô rạ ta cũng quý, khốn những cỏ hiếm, tre cỗi, lá xơ xác thế thì làm gì ta không phải gặt dài rơm để lấy thức cho trâu ăn, làm gì ta không phải cắt rạ đến tận gốc để lấy cái đun.
Ông Hai Nhạ cho rằng, ruộng ít người nhiều thì vất vả đứt đi rồi. Cấy thì rét đến chết cò, thóc ngâm mạ không sao nứt nanh được. Mà gặt thì nóng nóng đến đổ mồ hôi đá ra, và lại gặt mò, nước ngập ngang bụng, đỉa bọ nhâu nhâu hơn cá bọt. Ấy thế mà những ngày làm ải đồng lại cao, treo lên như mai rùa: nước tát bắc bậc năm ba nhòng chưa lên được tới ruộng. Những đêm rét tê chân cóng tay ông Cả phải khoác chăn đi tranh nhòng cắm gầu giữ phần thì thật là cơ cực. Bà Cả cũng thương chồng, nhưng bà có bảo có gieo neo thế mới có bát mà ăn…
Ông Chánh Đán đến chơi nghe thấy câu ấy, ông ta liền kéo ngang sang chuyện tản cư. Ông ấy nói:
– Phải! Mới có bát mà ăn… chứ bây giờ tản cư thì to chuyện lắm.
Ông Cả vặn lại ông Chánh Đán, ông Chánh bảo:
– Người ta khác, mình khác. Mình không cắn gót người ta! Người ta tỉnh, người ta thóc ăn đong như thế mà dám chạy được bằng ấy ngày giời lên tiền nghìn tiền vạn cả chứ chuyện chơi đâu, mình thì nhà cửa, ruộng nương, thóc lúa là không thể vác theo được rồi. Của nổi đã vậy của chìm lại chả có! Tiêu món gì, lo món nào trong vòng trăm bạc thôi ta đã phải bán thóc! Đấy! Như người ở làng gì người ta phải tản cư người ta nói đấy: cơm ăn có ngữ, mỗi bữa mỗi người mỗi nắm. Nắm nhỉnh hơn cái trứng ngỗng một tý. Rồi thì gì cũng tốn, hột thóc, hột gạo, cái dưa cái mắm, cái củi cái lửa, nhất nhất cứ là phải đong, phải mua tất. Có xúc được ở trong cót, có vợi được ở trong chum, trong vại hay là rít ở đống ở đụn ra được nữa đâu. Chết! Giá tiền có giắt đầy má gianh, đùm đầy vòi khố đi chăng nữa, tưởng cũng chả lại, chả xuể được với cách ăn tiêu như sấm thế.
Chánh Đán còn nói thêm rằng mất người ông ta cũng sót, nhưng mất của ông ta còn sót hơn. Của còn để lại cho con cho cháu.
Đại để câu chuyện Chánh Đán là vậy… Bà Cả nghe đến đâu đầu gật gật đến đấy. Bà chêm một câu:
– Dễ cũng có nhẽ.
Ông Cả lừ vợ. Ông tợm hụm chè tươi thoang thoảng thơm mùi nảy bưởi. Ông chưa nói ngay. Ông còn nghĩ. Lâu lâu ông Cả mới cất tiếng, mặt ngoảnh nhìn ra phía cây bòng lốm đốm trắng hoa:
– Bảo rằng người ta khác mình khác, chứ vậy khác ở chỗ nào? Độ nọ, ứa người chạy người không mà sao vẫn sống được đến bây giờ? Mấy năm giời rồi chứ ít ỏi gì. Họ cũng rượng nương thóc lúa như mình cả đấy, sao dạo tháng trước họ cũng dám tản cư về làng mình; tay làm hàm nhai chẳng chết đói người nào cả. Có cái rằng bây giờ gặp lúc “Tổ quốc hữu sự” thế vầy, đã là cái bổn phận con dân trong Tổ quốc thì ta phải ăn ở cho nó ra cái bổn phận của ta chứ. Khổ mà kêu, mà không chịu kham khổ được thì còn gì là đáng quý nữa.
Chánh Đán chép miệng:
– Ấy cũng là bàn thử điều hơn lẽ thiệt mà nghe cho nó râm rả câu chuyện thôi đấy chứ.
– Ông ở lại coi của, thế nhỡ giặc nó phá nhà đốt thóc ông, ông có ra ông giữ nổi tay nó không? Liệu ông có dám bảo với nó là của này ông đã sang tên cho con cái ông rồi không?
– Nó về, thế chết nào được tới đây. Chúng nó mà về được tới đây thì thiên hạ toi nghiệp cả hay sao?
Nhưng đến lúc ông Cả nhắc lại bận giặc tràn về gần làng thì ông Chánh Đán cười hềnh hệch:
– Thấy bà Cả nhà ta không muốn đi nên tôi mới dựa ý nói láo quáo vậy cho vui chứ Tây nó mà tới thực, thì tôi cũng cút mẹ tôi ngay từ lúc nó còn ở đẩu đâu cơ chứ. Chầu nó chả chạy thở chẳng được là gì đấy thôi!
Ông ta lại cười hềnh hệch. Ra đến cổng, ông Chánh còn ngoái cổ đứng lại nói:
– Đi thì ông bà cũng còn nhẩn nha chứ gì? Này, hay ta hãy hượm, ta kiếm chút thằng cu để nó giỗ chạp cái đã.
Người trong xóm đều biết ông bà Cả hiếm hoi. Có người đùa rằng ông Cả muốn lấy thêm vợ bé, ông đã dấm sẵn món nào rồi nên chỉ giục bà ấy đi tản cư để ở nhà ông tiện việc xoay xỏa. Chả biết ông Cả có thích lấy vợ hai hay không, như hễ con cái hoặc vợ ông hỏi ướm ông là ông lừ cho một cái rõ dài. Rồi ông thét trẻ, sai trẻ làm việc này việc nọ. Một bận, ông Cả bảo bà Cả:
– Chẳng giai thì gái vậy. Sau này già, bu mày đừng lo không có ai nuôi. Đã có Chính phủ, Chính phủ sẽ mở cái “vườn nuôi bô lão”. Vạ gì phải lo! Tao, tao cũng chẳng cần có con giai nối dõi nối giòng. Chết đi, hai năm mươi đi rồi thì còn về mà hít khói được đầy ra đấy.
Bà Cả nghe chồng nói, đầu bà cũng gật gật. Từ lúc ấy bà vui hẳn lên.
Nhưng hôm nay thì ông Chánh Đán về rồi, trẻ mỏ vắng nhà, bà lại nhắc đến chuyện ấy. Bà bảo ông:
– Như người ta, thầy nó hãy khoan khoan cái việc đi đã, để tôi rốn lại nhà tôi xem, tôi lo cho; ở quanh làng không được thì tìm chỗ người thiên hạ vậy. Gì cũng thế, có tay tôi vào về sau này làng nước họ đỡ nói; mà nó mới phải nhẽ…
Bao giờ bà Cả nói tới chuyện vợ hai vợ ba thì ông Cả cũng có một hai câu đã định sẵn để trả lời. Chẳng hạn như:
– Ừ! Rồi cưới, cưới về để nó lấy bu mày!
Hoặc là:
– Giặc nó bắn nhùng nhoàng kia kìa! Chạy, bu mày có khênh được nó đi theo không?
Nhưng lúc này đây, ông đang phờ người ra nghĩ. Que đóm cháy gần đến tay ông, ông vẫn chưa biết. Bà Cả cứ lải nhải kể lể:
– … Mẹ con tôi đi thầy nó lại nhà, tôi còn ruột gan nào nữa mà người ta còn đương bảo mong sống lấy một mình…
Ông Cả xoay phắt người lại, trợn trừng trợn trạc:
– Tao không sẵn cơm!…
Ông ngỡ vẫn bầy nhầy chuyện vợ lẽ con thêm. Ruột người ta đang rối lên quá mớ bòng bong thế vậy mà nay còn thế nọ mai còn thế kia! Nhà thì nhà ngói nào phải nhà tre mà bảo mời xóm mời làng đến khiêng giùm đi được. Vả lại, đây xuống bể đến hai, ba ngày đường vã chứ nào có ít đường đất! Mà bu con nhà chúng nó đã đi đến đâu đâu, nhất đán bây giờ rời làng xuống đấy chả rõ mẹ con có biết đường biết lối mà làm ăn không đây? Có hiểu cách cư xử đối đãi cho vừa lòng người ta không hay lại cứ tưởng như ở làng, quen thói nhủng nhà nhủng nhẳng tựa giống chó cắn quanh thôi? Hễ cái Sào, cái Nao ăn nói thõng thượt, dấm dẳm học nết kẻ đi lấy nợ là về ông quyết chẳng buông tha rồi.
Ngồi bên chuồng lợn canh rau con sề đẻ, ông Cả lan man nghĩ niềm gần nỗi xa. Con lợn đang cắn ổ. Nó sắp đẻ.
Vào cái dạo này nó đẻ thật chỉ làm khó việc cho ông. Giá có muốn đi tất phải bán non cho người ta, rất mực là hao hụt đồng tiền. Hơn nữa, giờ ai ai họ cũng đang phải mắt nước mắt sau thế, liệu họ có chịu mua cho không kia chứ. Ấy là chưa kể đến cái tật hư nó hay giẫm chết con.
Ông Cả ngồi bó củi, cằm dụi xuống đầu gối. Đầu ông lúc chúi về đằng trước lúc ngửa về đằng sau nhấp nha nhấp nhổm. Nhưng khi vãn công việc, vắng vẻ riêng mình ông, ông lại ngồi so vai rụt cổ lử khử như con cò bợ vậy. Hai con mắt gườm gườm…
Ra đi bây giờ thì cũng rầy! Đi là bỏ làng, bỏ nơi quê cha đất tổ đi sống nhờ thiên hạ rồi còn gì! Ruộng vườn nhà cửa phải để lại tất. Bán cũng không bán được, người ta nói cho. Và lại, xưa nay ông cha nhà mình đâu đã đến nỗi phải bán sạch cơ nghiệp ngay một lúc đi như kẻ đem gán nợ, kẻ bị cắm đất thế bao giờ?
Ông nghĩ đến mấy gian nhà ngói, nhà ngang, cái chuồng trâu, cái sân gạch, cái tường hoa… bể nước, ao cá, vườn chè, vườn chuối và những sanh nồi, mâm, thau… to nhỏ đủ hạng.
Ôi chao! Còn lắm lắm.
Đây kìa, ở ngoài ngõ, chỗ hai đống to có phủ rạ kín là hai chiếc thuyền mười lăm thước cả. Quá đấy vài ngũ, có những cây mít cây bòng quanh năm sẵn quả. Thế rồi, còn những ngọn cau cũng quả tròn nầm nẫm… những cây sắn nếp sắn tơ đầy vỏ… và những thân xoan vừa to vừa thẳng đẵn sẻ làm cột nhà, hoặc đóng giường cửi đều tổ gỗ cả rồi.
Ông Cả thở dài.
Đằng sau nhà, tiếng con Sồm chốc lại nhát gừng sủa lóng vào trong các bụi. Thỉnh thoảng con trâu sừng gọng lại thở phì phì. Nó khua chuồng suốt đêm. Sừng nó cụi vào gióng kêu kềnh kệch. Chung quanh, bên nhà chị Biền, bác Hóc tiếng chày gạo vẫn thình thịch, thình thịch đều đều. Điểm thêm tiếng cái Khay rì rầm, lọt sang: “… chín nhăm chày, chín sáu chày, chín bảy chày…”
Cái giọng bằng phẳng không thay đổi ấy tan dần trong tiếng vù và theo gió thoảng lại:
… Tý… ù… tý…. ù… ù…
Ông Cả lại thở dài.
Những cảnh ấy, những tiếng ấy, quen mắt quen tai ông quá, thế mà giờ phải dứt áo ra đi thì…
Ông đưa tay lên gãi gãi mép… Một lát, bỗng ông đứng thẳng dậy chậc lưỡi nói bâng quơ:
– Đâu sẽ có đó!
Đoạn ông vào nhà vớ lấy thanh mã tấu lách mình qua vườn, lẩn ra ngoài điếm. Gió rộ tới một cơn. Có vài tiếng sung rơi lõm bõm. Tiếng tù và lại gợn lên. Lần này, nghe xa xôi và khơi gợi hơi nhiều:
Tù ù… tú tù… ù ù… ù…
Cứ tin ở cái mồm lão Chánh Đán thì có ngày chết không kịp ngáp, có ngày bỏ mẹ!
Giặc nó vừa nhảy dù xuống cánh đồng Nam xong!
Đứng ở làng dắng thẳng, chỉ một thôi dài là tới cánh đồng ấy. Sau hôm thoát chết về, một ngày ông Cả trừng mắt lên với bà Cả tới năm, bảy lượt. Ông hỏi vợ:
– Liệu bu mày còn bảo nấn ná ngày một, ngày hai được nữa hay không?
Con cái có nhắc đến nhời Chánh Đạn, ông Cả sa sầm mặt xuống quát:
– Bay có thóc giống đổ ra ăn không đã rồi bay hãy nghe hắn. Con chó trước khi nằm ổ nó biết quay vài vòng rồi nó mới chịu nằm hẳn, chứ Chánh Đán à, Chánh Đán thì thì…
Không rõ vì sao ông Cả ghét Chánh Đán thế. Bây giờ hắn chết rồi, song ông Cả vẫn bảo hắn hãy còn nhiều “cái đầu óc tàn tích” lắm, chuyện với hắn chẳng thà mình chuyện với đầu gối còn hơn.
Hôm giặc lần tới làng thì Chánh Đán ốm. Hắn không chạy kịp. Hay hắn không muốn chạy thì chả biết. Tây xông vào nhà hắn vớ được hắn. Chúng nó bắt Chánh Đán uống luôn một lúc một vốc thuốc. Toàn những viên thuốc vàng vàng, trắng trắng. Chánh Đán khóc lóc, lạy van xin Tây rằng hắn là người trước có công với “Chính phủ Pháp”. Nhà hắn có công với nước “Đại Pháp”. Hiện hai thằng con hắn còn đi lính khố đỏ ở bên Tây chưa về. Hắn chỉ cả lên khung ảnh có hình các con hắn dận giày đinh ngồi bên lọ hoa. Chúng nó hỏi Chánh Đán:
– Mày có muốn gặp các con mày ở bên Tây không?
Chánh Đán vội gật. Mấy thằng giặc liền cười ngặt nghẽo. Rồi chúng cứ vừa cười, vừa đổ ét-săng vào mồm Chánh Đán, bật lửa đốt. Đoạn thằng Tây lai lại bảo Chánh Đán:
– Đấy! Các quan lớn đã cho mày sang Tây để mày gặp các con mày rồi đấy!
Người em Chánh Đán nấp ở trên gác bục nom thấy vậy về kể chuyện lại cho mọi người nghe thế. Còn chị Mái và cái Lênh tuy bò được về đến làng nhưng cũng cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ như người ốm đứng vậy. Chị Mái bây giờ ngồi đâu cũng chảy nước ra. Chị ta giấu, nhưng có người bảo hôm ấy chúng nó lấy nước hoa chúng nó bôi đầy đầu, đầy người chị Mái. Thoạt nghe thế, ai chả ngỡ chúng nó thương chị Mái; ấy vậy mà cứ một quãng đường chúng nó lại xúm vào dằn chị Mái ra hiếp một lần.
Bận đó, kể cả chị Mái, cái Lênh lẫn Chánh Đán, cả thầy giặc hiếp mất năm người và giết mất bốn người. Toàn những người ở lại làng không chịu chạy cả. Xóm ông Cả không sao, nhưng những người ở trong xóm giữa không nhà nào là không có bóng dáng chúng nó đi qua đập phá lung tung. Riêng cổng ông Miêu, ông ta bổ tre dấp ngõ và rẫy đất đầy lối đi nên chúng nó không vào. Về nom nhà ông Miêu cười tít mắt. Ông ta nói:
– Bố bảo chúng nó cũng không dám bén mảng tới nhà tôi? Cu cậu kiềng mà lị. Thấy ngõ dấp rồi, đất diếc rẫy bừa bít lên là các cậu cáy mìn! Kỳ thật có chó gì mìn, có chó gì lựu đạn! Ủng hộ tuốt rồi!… Nhưng, rồi ra là tôi cũng cố kiếm lấy dăm quả mìn tự động tôi dắt mẹ nó vào cánh cổng; chơi chính trị nhau một phen! Làng dưới có người họ còn lấy lưới quét họ choàng vào thằng nhảy dù họ còn bổ chết được nữa là… Mà cũng đếch ai như làng mình cơ! Chả ra cái giống quỷ gì! Động là chạy tiệt. Bỏ cả làng cả nước! Không làng ứ, không nhờ có đất làng thì… thì con Vàng cũng bán xới.
Ông Cả ngẫm thấy đúng thế đấy. Người ta nói là nói bằng thật, chứ kể cứ cả như dân thì dễ mà giặc nó đã chịu rút lui về Bồng Lạng ngay cho đấy! Các anh bộ đội, các anh ấy cũng khiếp thật! Hăng hái mà lại gan góc đáo để. Trên cái ngọn núi Tranh Chè chín chín cây thông ấy là các anh bộ đội các anh ấy nhơi nhơi lên quay ra vật nhau tay đôi với giặc! Hết keo này đến keo khác. Già nửa buổi chưa thôi. Bà Cả và trẻ nhỏ chạy sang Đước, Mụa nên không được xem chứ ông Cả hôm đó lần về thu vén nhà cửa ông nom rõ mồn một. Bác Đồng và ông Cả đếm được mười thằng Tây lăn ngoẻo xuống chân núi. Chốc lại dăm đứa, chốc lại vài đứa. Cứ xam xám nhờ nhờ như thúng phân bắc một, lăn xuống lông lốc. Nom sướng mắt lắm. Ông Cả chưa được trông thấy cảnh nào đâm giặc vãi máu ra mà lại nhàn lại nhanh như chớp thế bao giờ.
Về sau xem báo Công Dân, người ta đăng có chú bé liên lạc víu cổ thằng quan ba cướp được hòm tài liệu rồi lăn xuống núi, thì bác Đồng trừ đi một, bác bảo: “Vậy ra rơi có chín thằng thôi”. Ấy là đứng về nẻo ông Cả, bác Đồng thì chỉ nhìn thấy được chừng ấy đứa chết, chứ người khác ở phía khác họ lại thấy non non hai mươi thằng kia. Người ta còn đồn: có ba trăm thằng nhảy dù thì đã chết ngay trận ấy mất hai trăm thằng. Chết nhiều quá nên chúng phải chôn cả vào trong nhà. Đóng ở đâu là chúng đào đất nền nhà lên, vùi quàng vùi xiên xác xuống, rồi vội bắc bếp lên trên đun.
Anh Hộ bị chúng bắt đi theo trốn về được kể chuyện rằng hôm ấy chúng nó bị bộ đội ta đuổi mãi, đến tận miễu Thổn. Khi thằng quan ba trúng đạn chết, những tên sống sót liền vứt ráo đồ đạc, bỏ chạy. Thấy anh Hộ đứng lại chúng nó mắng anh:
– Bố tiên nhân nhà mày! Mau lên! Không Việt Minh nó bắn cho bỏ mẹ cả bây giờ!…
Đó! Tinh thần bộ đội người ta “triệt để” thế kia chứ! Ông Cả gạt ngay bốn thùng thóc đem ủng hộ. Nhưng các anh bộ đội cảm ơn, không nhận. Lợn gà, rau gạo chẳng thiếu thức gì nữa rồi. Các anh ấy nói:
– Các cụ, các ông, các bà có lòng quý hóa thế, chúng tôi cảm động lắm nhưng giá chúng tôi được ở đây lâu thì chúng tôi xin cương quyết… chẳng dám làm khác đâu ạ…
Rồi các anh ấy cười. Nhiều lúc lại ồm ồm hát vang nhà. Vui vui đáo để.
Hôm các anh ấy đi, người nhớn trẻ con ra tiễn đến ngã tư điếm. Khối người lo lộ ra mặt:
– Các anh ấy không ở làng nữa, thì mình cũng tản cư thôi. Đây với vị trí Bồng Lạng của chúng nó xa nhau là bao?
Đúng vậy, chả mấy ngày là giặc không câu “moóc-chiê” ù ù vồng về qua làng. Mới vồng qua thôi, nhưng cũng đủ nháo lên với nhau rồi. Tàu bay thì cứ vè vè suốt ngày như đi chợ trên đầu. Cái nọ đi, cái kia về. Trông ngứa mắt lắm.
Từ hôm giặc thua chạy về Bồng Lạng, ông Cả cứ hay nhìn rặng núi xanh mà lắc đầu. Có lúc đang cuốc ở ngoài đồng ông cũng lắng tai nghe ngóng. Tuy làm thì làm đấy, song công việc chả được như dạo nọ. Sáng ra, sợ giặc mò về sớm, nửa buổi mới dám bắt đầu đi. Chiều thì thả trâu được một lúc, nghe ra hôm hôm rồi là rửa chân tay hối hả về nhà.
Bà Cả cũng thôi dệt vải. Go bìa tháo ra đem cất sạch. Chỉ đề ngoài ít củi cho cái Nao ngày kéo nhì nhằng vài búp thôi. Giờ dói ra rồi lại chẳng bõ ngày nọ chạy Tây: cuộn bò cắt vải chả kịp. Bây giờ ngồi kể lại chuyện lớp chạy thứ nhì ấy, mắt mũi bà Cả lại nhớn nhác lên. Bà xuýt xoa như phải bỏng:
– Chết! Chết! Hãi đâu mà hãi quá quẩn là hãi! Tôi nghĩ nếu chạy chuyến nữa thì về rồi ra đến ăn vàng cũng chả lại được người. Rất là những sự bất ưng cả.
Bà Cả nói, ông Cả đứng gần chỉ ấm ứ. Ông buông thõng:
– Ừ! Cứ đừng phải đi đâu sất! Chuyến này thì rổi không bất ưng! Lúc nào, nó đánh nó truyền đơn cho bu mày biết trước!
Bà Cả cười khành khạch. Khi nào bà cười như thế là bà đã bắt đầu nghe thủng nhời nhẽ chồng rồi. Ông Cả vốn biết tính vợ, song ông còn nói thêm. Ông bảo:
– Không lo mà đi đi thì rồi nước mắt cũng chả còn để mà khóc đâu. Cái giống giặc ngày ấy nó thương gì ai? Trẻ không tha già chẳng bỏ. Bu mày cứ tưởng như bu mày là Tây nó thôi không bắt ghẹo nữa đấy? Lại còn con cái Nao nữa, con gái mười bảy, mười tám tuổi đầu thế, nó mà lôi tuột đi bôi nước hoa thì rồi ăn làm sao nói làm sao được với thằng Bang?… Đó nọ, không lên xóm trên mà xem cái Mái, cái Lênh!…
Còn bà cụ nữa, bà cụ giữ à? Liệu bà cụ đền ông được một người y hệt mẹ Cả nó không? Chạy nhăng chạy sằng quanh vùng này, làng nọ sang làng kia như bữa trước là ông không dại thế nữa rồi. Anh Huyện bộ anh ấy bảo vùng này như một cái túi. Có sao thì bí kế chạy: không như ở dưới bể, làng người ta đường ngang lối dọc sầm uất cứ như mắc cửi cả một lượt, cá mú tôm tép rơi ngoài bãi tựa lá tre lá hóp ngập ngõ ra mà không ai buồn hôi buồn nhặt. Xuống đấy rồi bu con nhà nó kiếm cách sau. Nhì nhằng cái xa con cửi thêm cặp vào được đồng nào hay đồng ấy. Thóc gạo cũng chẳng phải lo mấy, hết, ông lại chuyển xuống cho. Củi lửa thì đã có chỗ. Dưới đó đồng người ta rộng, người ta sẵn cái đun, cắt rạ không ai người ta thèm cắt tận đâu, mình nói với họ, họ cho giả lại lấy năm sào một mẫu, mẹ con chịu khó ra cắt về thì rồi cũng tiềm tiệm đủ dùng. Chỗ ăn chỗ ở cũng vậy, gặp cái lúc nước nhà đương bước khó khăn thế vầy không ai người ta nỡ… Tiếng rằng đây với đấy một hai ngày đường thật nhưng vẫn là trong cái nước Việt Nam nhà mình cả mà thôi. Người ta còn vào Nam bộ và sang mãi đến nước gỉ nước gì ấy nữa, mê man nào là đường đất đò giang thì sao? Bác Binh Vầu đấy! Ấy thế mà rồi họ vẫn về được tới làng cả. Ôi chao! Đi cho biết đó biết đây. Vả lại lớp này đi thì cả nước cùng đi chứ riêng gì ai. Tản cư là kháng chiến. Mình cũng phải gom góp chút đỉnh gì vào với Tổ quốc, trong cái lúc “quân thù nó khởi hấn” nước mình chứ. Đã là “bổn phận thì phải ăn ở cho ra cái bổn phận”.
Hôm sau, ông Cả nhận được thư của anh Bang ở dưới bể gửi về. Còn tin anh Huyên vẫn mù mịt. Ông ngồi lẩm bẩm đọc thầm. Cứ như nhời nhẽ thằng Bang thì là đi được đấy. Chả tiện ở gần cơ quan thì ở nhờ nhà ông Quỹ Nam vậy. Anh Bang còn cẩn thận giục ông ấy vội lấy dăm mẫu rồi hãy cho cả nhà đi, nhưng điều này ông đã tính đến từ lâu rồi. Bu con nhà nó đi, ông ở lại nhà là ông tính chuyện làm đổi công. Ít người chăm nom ta ăn ít. Bù đi bỏ lại, mỗi sào chỉ lấy bốn thùng thôi. Tháng Năm yên ắng ra, cho mẹ con nhà nó về gặt là vừa… Ông Cả như đã thấy vẽ ra trước mắt cảnh những đon lúa, những gánh lúa nặng khượt người, rún rẩy bên vai rồi… Ông mủm mỉm cười một mình. Ông xé mẩu giấy vẽ vẽ ngoáy tai.
Bà Cả thấy chồng xem xong thư rồi mà mãi không nói gì, bà hỏi, ông cười bảo:
– Thằng Bang nó bảo dưới ấy muỗi đốt người không kêu lắm lắm. Nó cứ bay từng đám bâu theo người, bu mày có hãi không?
Bà Cả chép miệng:
– Đi chỗ đồng đất nước người vậy, thế nào mà mình chả phải chịu… Xuống dưới ấy, để tôi đòi thằng Ván cái mùng nó mượn cho ông ngày ông còn sống, mắc cho trẻ mỏ nó nằm. Chị Đàng chị ấy bảo nó vẫn ở dưới bể…
– Biết nó ở đâu mà tìm? Tiếng rằng cũng bể cả đấy nhưng nhà cửa người ta như rừng ấy chứ, bu mày cứ lo sao cho cái Sáo nó đừng ươn mình ươn mẩy, những đứa nhớn đừng sứt mẻ đứa nào là được rồi. Trên này có đông quá lắm, tao, tao cũng xuống. Mùng màn thì thây mặc! Còn người, còn của!…
Sau đấy hai hôm, ông Cả bắt được giấy của ông Quỹ Nam. Ông ta nhận lời rồi.
Ừ, vậy chứ, ông Cả đợi nhất tin này đây. Muốn gì thì gì, lần này vợ chồng ông Cả quyết chí rồi.
– Đi!
– Đi ráo! Đi cho biết đó biết đây.
Thế rồi, gặp ai ông Cả cũng nói chuyện đi. Có người lắc đầu, ông giơ tay ra dứ dứ: “Có tiền đùm tiền giắt ở đâu, gửi ai thì nói đi, nói trước cho con nó biết, kẻo rồi Tây nó dớ được lại quá kiểu anh chôn tiền bị cấm khẩu”. Ông hất hàm cả với bác Đồng: “Luôn thể chứ?” Bác Đồng chưa hiểu, hỏi lại, thì ông nói như phân trần: “Tản cư mà! Nó ở kia, mình ở đây, không đi nhỡ nó ùa về nó mở ban tề ban tung, gọng kìm mình lại, vòng vây mình lại thì bỏ mẹ! Tớ là tớ không có cái lối ăn ở hai mang: bò chết thui bò, trâu chết thui trâu như đứa khác được rồi. Giờ mà lại định bắt tớ ngồi Tư Lẫm thì tớ chả chơi! Chả chơi!”
Rồi tự nhiên ông lại kể chuyện gạt thóc từ ngày xửa ngày xưa, nào khi làm Tư Lẫm ông bị “chúng nó” bắt phải quạt thóc rê thóc nộp huyện sã cả cánh tay… Và chuyện thằng lục sự vào nhà ông thấy cái quần đậu của cái Nao phơi ở giữa sân, nó cũng hầm hầm quát mắng là xược, là bỉ mặt nó, rồi thét lính tịch luôn cái quần của con bé… Chuyện Xã Ải thiếu thóc bị lính cơ lấy mất con mắt bên trái… Chuyện… còn lắm lắm, không ai nhớ xuể.
Ông Cả lại bảo:
– Phúc mà được Cụ Hồ đổi đời đổi trào lưu đi cho thế, chứ Pháp thuộc nó còn ở đây đến bây giờ thì dân huyện này còn là chán cơ cực! Thằng huyện Long, thằng lục Đàm, thằng thừa Trạc là chúng nó không để cho còn cái khố mà đeo đâu!
Thế rồi đang chuyện ấy ông lại quay nói về chuyện đi. Ông gãi gãi cằm, thần mặt ra một lúc, sau mới tiếp:
– Để thu xếp xong mọi việc, tôi cũng phải đưa bu con nó xuống đến dưới ấy xem sao, rồi có lộn về mình cũng đã được yên lòng yên dạ.
Tinh mơ sáng hôm nay, bà Cả và trẻ mỏ đi xuống bể rồi. Chỉ có bác Đồng đi kèm với lũ đàn bà con gái ấy thôi. Ông Cả sợ nỏ sào ruộng làm dở, ông phải ở nhà. Ông định bụng tối tối ông sẽ sang hàng xóm ngủ nhờ. Ở nhà ông thấy nó làm sao ấy: vừa văng vắng lại vừa buồn buồn. Mấy lại cũng chả còn cái gì đáng tiền, cái gì quý nữa mà bảo ông phải nằm canh cửa. Xanh nồi, mâm thay thì ném xuống ao lâu rồi. Đàn lợn, đàn gà ông bán hôm nọ, cùng ngày với hôm đánh đụng con Sồm. Thóc lúa cũng đã chia ra làm ba phần, hai phần ông đem trộn cát đào hầm chôn cẩn thận, phần sét lại ông mang quây trong nhà ngói khóa cửa kỹ lượng rồi. Còn con trâu sừng gọng hễ động dạng làm sao là ông đánh nó theo ông.
Cả ngày hôm ấy, ông Cả chẳng ngồi đâu đứng đâu được lâu, được nóng chỗ: ông chạy sang nhà người này tìm quyển Mười điều kháng chiến hoặc quyển Đời sống mới nằm bò ra giường đọc được vài trang; ông lại bò sang nhà người khác kiếm bát nước nóng sì sụp húp chán; rồi ngồi thơ thẩn vê thuốc lào hút vặt; có lúc lại lo lắng đếm từng tiếng súng rùng rùng dội mạnh một.
Nhưng ngay hôm sau, ông Cả đã lại khăn trùm đầu, dây buộc bụng vác bừa ra bờ mê rồi.
Con trâu phì phò nhoài mình rút từng bước chân một, ông Cả bặm chặt môi, lặng lẽ bì bõm theo sau. Bùn ngập đến bắp chân ông, bùn bắn lên tới mình, tới đầu, tới mặt người và vật. Qua những bụi mưa bay van vát, bóng ông Cả nét cạnh mờ nhạt đi lẫn với màu đất, nhác trông như một hình người nhào nặn bằng bùn.
Chốc chốc ông lại giật thừng giục trâu. Những tiếng quát “đi”, “vắt” vừa nhanh vừa nhẹn, nghe thành thạo gọn gàng như người đã quen quát từ bao năm bao tháng nay rồi…
Thôn Nhuộng, một vụ cấy 49
—————-
1. Một đoạn văn vần của Hạnh trong tập Lòng quê.