Đôi nét về đồ đá văn hóa Phùng Nguyên

Đôi nét về đồ đá văn hóa Phùng Nguyên

Đôi nét về đồ đá văn hóa Phùng Nguyên

Trong phổ hệ các văn hóa cổ đại ở lưu vực sông Hồng, Bắc bộ Việt Nam: Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn thì văn hóa Phùng Nguyên có một vị trí đặc biệt quan trọng. Văn hóa Phùng Nguyên là cội nguồn, cốt lõi của sự phát triển văn hóa các giai đoạn muộn hơn.
Văn hóa Phùng Nguyên là giai đoạn mở đầu cho quá trình hình thành dân tộc và quốc gia của người Việt cổ. Nhiều nhà nghiên cứu coi Phùng Nguyên như một giai đoạn mở đầu cho quá trình hình thành nhà nước đầu tiên: Nước Văn Lang ở miền Bắc Việt Nam.
Di chỉ Phùng Nguyên được lấy làm tên xác lập cho nền văn hóa Phùng Nguyên tọa lạc tại xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ – cái nôi của vùng đất tổ Hùng Vương. Di chỉ Phùng Nguyên đã được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện và khai quật nhiều lần, trên diện tích rộng khoảng 4.000m2 trong những năm từ 1959 đến 1970.
Cho tới nay, hơn 60 di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên đã được phát hiện. Các di tích này phân bố trong phạm vi rộng khắp châu thổ Bắc Bộ, chủ yếu là dọc theo lưu vực các con sông lớn: như sông Hồng, sông Lô, sông Thao, sông Đà, sông Đáy… tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh…
Niên đại văn hóa Phùng Nguyên được xác định từ khoảng 4.300 năm đến khoảng 3.500 – 3.400 năm cách ngày nay (Di chỉ Xóm Rền (Phú Thọ) thuộc giai đoạn giữa, có niên đại C14 là 4.190 ± 50 BP). Các nhà nghiên cứu chia sự phát triển liên tục của văn hóa Phùng Nguyên qua 3 giai đoạn: sớm – giữa và muộn. Ở giai đoạn muộn, người Phùng Nguyên đã tràn xuống cư trú ở vùng đồng bằng thấp ven vịnh Hà Nội. Di chỉ Văn Điển, Tân Triều (Thanh Trì – Hà Nội) và gần đây đã phát hiện di chỉ Phùng Nguyên muộn tại di tích Đàn Xã Tắc (Đống Đa – Hà Nội)… đã xác thực điều đó.
Về di tích, cơ bản văn hóa Phùng Nguyên bao gồm các loại hình: di chỉ cư trú. Có những di chỉ có diện tích rộng 2 – 3 vạn m2 như: Phùng Nguyên (Phú Thọ), Văn Điền (Hà Nội)… Di chỉ cư trú kết hợp với xưởng chế tác công cụ và đồ trang sức bằng đá: Hồng Đà (Phú Thọ), Tràng Kênh (Hải Phòng), Bãi Tự (Bắc Ninh)… Di chỉ cư trú – mộ táng: Lũng Hòa, Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Xóm Rền (Phú Thọ)…
Nhiều di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên đã được các nhà khảo cổ trong và ngoài nước khai quật nhiều lần và nghiên cứu kỹ lưỡng, nhiều vết tích của nền nhà, lỗ chôn cột, bếp lửa, hố đất đen… đã được ghi nhận trong tầng văn hóa của nhiều di tích.
Về hiện vật, văn hóa Phùng Nguyên được xác định nằm trong khung niên đại sơ kỳ thời đại đồng thau. Vào giai đoạn này, đồ đồng mới chỉ manh nha hé lộ khi trong tầng văn hóa chưa tìm thấy những hiện vật đồng định hình mà mới phát hiện những cục xỉ đồng, dây đồng, mảnh đồng nhỏ… Sự có mặt của xỉ đồng là bằng chứng xác đáng nhất chứng minh cho việc đúc đồng tại chỗ. Người Phùng Nguyên đã biết tới nghề luyện đồng, dần dần đã nắm chắc được kỹ thuật luyện đồng để truyền lại cho chủ nhân các lớp văn hóa tiếp sau.
Đồ đá mới chính là đỉnh cao của sự tiến bộ, người thời văn hóa Phùng Nguyên đã nắm chắc được nhiều tri thức về các loại chất liệu đá, giá trị sử dụng và những kỹ thuật tương thích cho từng loại nguyên liệu đá. Gắn liền với sự tồn tại của văn hóa Phùng Nguyên là sự phát triển phổ biến của đồ đá. Trong mọi nơi cư trú của người cổ, ngoài đồ gốm ra thì hầu như tài sản chính của họ là đồ đá ở dạng công cụ sản xuất, vũ khí và đồ trang sức.
2 1 - Đôi nét về đồ đá văn hóa Phùng Nguyên
Người thời văn hóa Phùng Nguyên đã sử dụng nhiều loại nguyên liệu đá như: Bazalt, Diabazer, Spilite, Silic, đá sa thạch, diệp thạch… Nhưng đặc trưng nhất, tạo nên sự khác biệt nổi bật của đồ đá văn hóa Phùng Nguyên so với các văn hóa khác là việc sử dụng phổ biến đá ngọc Nephrite để chế tác các loại hình di vật chủ chốt, từ công cụ sản xuất (rìu, đục…) tới các loại hình di vật thể hiện đời sống tinh thần (đồ trang sức), vũ khí hay vật thể hiện quyền lực (nha chương, qua, giáo…).
Người Phùng Nguyên đã sử dụng thuần thục các kỹ thuật chế tác đồ đá: ghè đẽo, cưa, khoan, tiện, mài, đánh bóng…. kể cả trên đá ngọc Nephrite có độ rắn rất cao. Điều đó chứng tỏ đã đạt tới đỉnh cao của trình độ chế tác đồ đá.
Công cụ sản xuất bằng đá thời văn hóa Phùng Nguyên với các loại hình: rìu, bôn, đục, dao, liềm, lưỡi cưa, mũi khoan… thường được mài nhẵn, có kích thước nhỏ, đa dạng và đồ trang sức bằng đá rất phổ biến trong đời sống cư dân. Các nhà khảo cổ học cho rằng do hình thành và phát triển những công xưởng chuyên sản xuất đồ trang sức như Hồng Đà, Bãi Tự, Tràng Kênh với trình độ kỹ thuật chế tác cao và điêu luyện mới sản xuất ra các loại sản phẩm như: vòng đeo, vật đeo, hạt chuỗi các loại… Đặc biệt các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở Tràng Kênh (Hải Phòng) bộ dụng cụ chuyên dùng trong chế tạo đồ trang sức bằng đá Nephrite bao gồm: mũi khoan đá, cưa đá, các loại bàn mài, rìu, đục, đột tròn…
Vòng đá Phùng Nguyên với nhiều kiểu mặt cắt đa dạng: tròn, chữ nhật, bán nguyệt, thấu kính nhưng đặc trưng nhất là vòng có mặt cắt hình chữ T, xung quanh có những đường gờ tiện nổi song song. Vòng đá khá phổ biến trong các di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên nhưng chỉ là các mảnh vòng, hầu như chưa tìm thấy một tiêu bản vòng đá nguyên vẹn. Vật đeo hình đuôi cá khá phổ biến trong đồ trang sức văn hóa Phùng Nguyên, nhưng độc đáo nhất vẫn là vật đeo hình tượng người đàn ông duy nhất tìm thấy ở di chỉ Văn Điển (Hà Nội).
Một loại hình hiện vật “đá” đặc biệt mới chỉ phát hiện được trong văn hóa Phùng Nguyên là “nha chương”. Đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng “nha chương” là vật thể hiện quyền lực. “Nha chương” mới chỉ phát hiện được ở di chỉ Phùng Nguyên và Xóm Rền với số lượng không nhiều, chúng đều được chế tác bằng đá ngọc Nephrite với trình độ kỹ thuật cao và điêu luyện.
Có thể nhận thấy : Với những đặc trưng nổi bật về chất liệu đá ngọc Nephrite, với trình độ kỹ thuật chế tác đạt đến đỉnh cao đã sáng tạo ra một số ít loại hình cổ vật độc đáo ở miền Bắc Việt Nam, chúng được gọi là đồ đá thời văn hóa Phùng Nguyên vẫn đang thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu khảo cổ trong và ngoài nước.
Mặc dù ở nước ta đã có nhiều cuộc khai quật phát hiện được đồ đá thời văn hóa Phùng Nguyên, nhưng thực tế thu được không nhiều hiện vật còn nguyên vẹn. Hiện chỉ có Bảo tàng Lịch Sử Quốc gia Việt Nam, một vài bảo tàng tỉnh phía Bắc có trưng bầy một số hiện vật đồ đá thời văn hóa Phùng Nguyên, nhưng số lượng hiện vật rất ít so với các loại hình cổ vật khác.
Các nhà khảo cổ cho rằng các tiêu bản “nha chương” và đồ đá công cụ sản xuất, trang sức thuộc văn hóa Phùng Nguyên có thể so sánh về mặt loại hình tương đương với những tiêu bản tương tự ở di tích Tam Tinh, Kim Sa (Tứ Xuyên, Trung Quốc) về mặt niên đại. Ở Trung Quốc đã có không ít “nha chương”, đồ đá cổ được làm giả tinh xảo để đáp ứng nhu cầu những người thích sưu tập đồ đá.
Đã thành quy luật khi cổ vật đã qúy, hiếm thì ắt sẽ có nơi, có người làm giả để kiếm lời.
3 - Đôi nét về đồ đá văn hóa Phùng Nguyên 4 - Đôi nét về đồ đá văn hóa Phùng Nguyên 5 - Đôi nét về đồ đá văn hóa Phùng Nguyên
TS.Vũ Quốc Hiền
P.GĐ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây