Giới thiệu khái quát huyện Đức Linh

huyện Đức Linh - Tỉnh Bình Thuận

Giới thiệu khái quát huyện Đức Linh

  1. Vị trí địa lý

Đức Linh nằm trên ranh giới vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ của Việt Nam, là một huyện miền núi nằm về phía cực Tây – Nam của tỉnh Bình Thuận. Trong tỉnh Bình Thuận, Đức Linh chỉ giáp với huyện Tánh Linh về phía Đông và Đông Nam. Đức Linh nằm tại ngã ba ranh giới giữa Bình Thuận với hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai. Phía Bắc giáp huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng; Phía Tây và Tây Nam giáp các huyện của tỉnh Đồng Nai: Tân Phú (phía Tây Bắc), Định Quán (phía Tây) và Xuân Lộc (phía Tây Nam).

Đức Linh có tổng diện tích đất tự nhiên là 534,912 km²; trong đó, đất nông nghiệp là 45.697 ha, đất phi nông nghiệp là 7.513ha và đất chưa sử dụng là 281ha.

  1. Địa hình

Địa hình Đức Linh chia thành ba vùng chính: rừng núi, đồi gò và đồng bằng.

Vùng rừng núi từ Đông Bắc xuống Tây Nam độ cao từ 800m đến 1.000m, chiếm khoảng 15% diện tích. Đây là chân núi cuối cùng của dãy Trường Sơn, giáp với rừng Cát Tiên. Núi Dinh là một điểm cao trong huyện. Trước năm 1975, rừng nguyên sinh ở Đức Linh có nhiều loại gỗ quý. Động, thực vật vùng rừng núi Đức Linh rất phong phú, đa dạng. Cho nên trong kháng chiến chống Mỹ, các cơ quan khu, tỉnh, huyện, lực lượng vũ trang miền, các đội công tác thường đóng ở Đức Linh.

Vùng đồi gò cao từ 120 đến 150m, nằm ở phía Tây Nam, chiếm 59% diện tích. Với loại đất nâu tím trên đá bazan, đồi gò rất thích hợp cho phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả. Hiện nay, vùng đất này đang được phủ xanh bởi những rừng cây công nghiệp như cao su, cà phê, điều, tiêu. Cây tiêu là đặc sản của Đức Linh.

Vùng đồng bằng và thung lũng sông La Ngà chiến 25% diện tích. Sông La Ngà mang phù sa bồi đắp nên đất đai rất màu mỡ. Đức Linh là vựa lúa của tỉnh Bình Thuận. Bên cạnh cây lúa còn có cây công nghiệp ngắn ngày như đậu, mè, mía…

  1. Khí hậu

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu Đức Linh cũng chia làm hai mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa thường đến sớm hơn, từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch. Gió nồm nam thường mang hơi nước từ biển vào bị các dãy núi phía Bắc của huyện chặn lại, gây mưa nhiều và thường kéo dài hơn, nên hàng năm có thể sản xuất được 2 đến 3 vụ lúa ngắn ngày. Mùa khô chịu ảnh hưởng gió bấc thổi từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch năm sau, khí hậu lục địa khô hanh, thỉnh thoảng có mây mù, gió lốc và mưa. Nhờ hệ thống nước ngầm dồi dào, dễ khai thác, nên nước đủ cho sản xuất, sinh hoạt.

Đức Linh còn là vùng khá nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết ở các nơi khác, nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, nên thường có lũ lụt trong mùa mưa. Nhiệt độ trung bình trong năm 25,40C, có 1.124 giờ nắng. Mỗi năm có khoảng 148 ngày mưa, lượng mưa trung bình: 2.165mm; không có bão. Khí hậu nơi đây rất thích hơp cho nhiều loại cây trồng, nhưng khắc nghiệt với sinh hoạt của con người như bệnh tật, sốt rét.

  1. Sông hồ

Do tác động của địa hình và khí hậu nên sông, suối, ao, hồ của Đức Linh (trừ sông La Ngà) phần nhiều là ngắn, lệ thuộc rõ rệt vào thời tiết; mùa mưa nhiều nước, chảy xiết, xói mòn; mùa khô thì cạn nhanh. Cả huyện có 27 suối và 30 ao hồ. Sông La Ngà bắt nguồn từ Lâm Đồng, chảy qua huyện rồi đổ vào sông Đồng Nai, đoạn chảy qua huyện dài 74km, lưu lượng trung bình hằng năm là 97,25m3/giây. Mùa mưa nước sông dâng cao, đổi dòng mạnh, lưu lượng lên tới 190m3/giây. Mùa khô lưu lượng 12,7m3/giây, tuy cạn nhưng không bị đứt dòng. Sự thất thường đó làm hạn chế giao thông trên sông La Ngà. Sông La Ngà uốn khúc quanh co, cuộn mình qua rừng núi, đồng ruộng tạo cho Đức Linh một bức tranh sơn thủy hữu tình, với nhiều cảnh đẹp: Thác Reo (Đức Tín), thác Mai (Đức Hạnh), hồ Trà Tân (Tân Hà). Suối nước nóng ở Rô Mô (Đa Kai) tuy chưa được khai thác, nhưng là nơi chữa bệnh, an dưỡng và là điểm du lịch rất lý thú.

anh - Giới thiệu khái quát huyện Đức Linh
Bản đồ địa giới hành chính

Địa lý

Huyện Đức Linh thuộc tỉnh Bình Thuận (trước đây là quận Hoài Đức thuộc tỉnh Bình Tuy) được thành lập khá muộn so với lịch sử phát triển chung của đất nước, nhưng đây lại là mảnh đất hội tụ nhân dân từ nhiều vùng trong cả nước. Diện tích: 534,912 km2. Dân số: 133.587 người/32.639 hộ (số liệu thông kê đến tháng 6/2017). Huyện Đức Linh có 11 xã (Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà, Đức Hạnh, Đức Tín, Đức Chính, Nam Chính, Vũ Hòa, Mê Pu, Sùng Nhơn, Đa Kai), 2 thị trấn (Đức Tài và Võ Xu)

Đức Linh nằm trên ranh giới vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ của Việt Nam, là một huyện miền núi nằm về phía cực Tây – Nam của tỉnh Bình Thuận. Trong tỉnh Bình Thuận, Đức Linh chỉ giáp với huyện Tánh Linh về phía Đông và Đông Nam. Đức Linh nằm tại ngã ba ranh giới giữa Bình Thuận với hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai. Phía Bắc giáp huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng; Phía Tây và Tây Nam giáp các huyện của tỉnh Đồng Nai: Tân Phú (phía Tây Bắc), Định Quán (phía Tây) và Xuân Lộc (phía Tây Nam).

Cùng với những người dân tộc thiểu số (K’ho, Châu ro) sinh sống lâu đời tại địa phương, còn có đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số Khơ me, Chăm, Mường, Nùng, Rục, Sán chỉ, Sán dìu, Tày Thái, Thổ, Hoa đến từ các tỉnh thành khác. Trước năm 1975, đa phần là nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, một số ít từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,… Sau năm 1975, theo yêu cầu phát triển đất nước, nhân dân trong tỉnh và nhiều tỉnh từ miền Trung, miền Bắc đến xây dựng kinh tế mới làm ăn sinh sống. Dù từ đâu đến, mọi người đều đoàn kết, chung sức chung lòng góp phần tích cực vào công cuộc kháng chiến cứu nước và phát triển kinh tế – xã hội, làm cho quê hương Đức Linh ngày càng văn minh, giàu đẹp, khẳng định truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, nhân dân Đức Linh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã vượt qua muôn ngàn gian khổ hy sinh đứng lên giải phóng quê hương, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miến Nam, thống nhất đất nước, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Đình làng Võ Đắt Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh

Đình làng Võ Đắt tại thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh, được xây dựng từ năm 1966, đến tháng 8/1968 khánh thành và Lễ an vị thần được tổ chức vào ngày mùng 2 tháng 9 năm Mậu Thân (1968). Ngôi Đình được xây dựng xuất phát từ ý nguyện của người dân nơi đây, muốn có một nơi để thờ Thành hoàng Bổn xứ Võ Đắt, các vị vì nước vong thân, các Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ, là những người cưu mang độ trì cho nhân dân trăm họ sống bằng các nghề sĩ – nông – công – thương, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xã hội, địa phương. Do chiến tranh ác liệt, ngôi Đình Võ Đắt bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn. Kết thúc chiến tranh, chính quyền địa phương cho phép trùng tu khôi phục lại, để làm nơi cho bà con nhân dân sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh. Hơn 35 năm sau ngày giải phóng đất nước, với sự đóng góp của nhân dân trong và ngoài địa phương, cùng sự quyết tâm của Ban vận động, ngôi Đình được xây dựng mới trên nền móng cũ trước đây. Lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 27/3/2013 (nhằm ngày 16 tháng 2 năm Qúy Tỵ).

Đình làng Võ Đắt, còn là nơi tổ chức lễ hội truyền thống dân gian của dân tộc; là nơi giáo dục thế hệ trẻ bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; khơi dậy lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc; phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và cùng chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, văn minh hơn.

Với giá trị đó, ngày 04/9/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định xếp hạng Di tích cấp tỉnh – Di tích lịch sử – văn hóa Đình làng Võ Đắt. Đây là Di tích lịch sử – văn hóa đầu tiên trên địa bàn huyện Đức Linh được công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh.

anh1 - Giới thiệu khái quát huyện Đức Linh
Đình làng Võ Đắt Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc sự quan tâm đặc biệt. Nhiều di tích lịch sử – văn hóa ở huyện Đức Linh, đã được xây dựng, tu bổ, tôn tạo, khai thác hiệu quả trong giáo dục truyền thống, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở địa phương. Trong đó có Di tích lịch sử – văn hóa Đình làng Võ Đắt và đã được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào của toàn thể nhân dân thị trấn Đức Tài (Võ Đắt trước đây) nói riêng và Đức Linh nói chung.

Để Đình làng Võ Đắt xứng tầm với vị thế Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy, sử dụng một cách hiệu quả nhất; phối hợp với các cơ quan chức năng để quản lý, bảo tồn bền vững và phát huy toàn diện các giá trị của Di tích; tiếp tục vận động các nguồn lực về vật chất và tinh thần trong việc bảo vệ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội theo hướng xã hội hóa để Di tích lịch sử – văn hóa Đình làng Võ Đắt vẫn giữ nguyên được giá trị lịch sử vốn có. Đồng thời, kêu gọi nhân dân bảo vệ, giữ gìn giá trị Di tích lịch sử – văn hóa Đình làng Võ Đắt, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân  tộc Việt Nam.

Thác K’Reo – Huyền ảo và thơ mộng

Dòng La Ngà – khúc thượng nguồn lững lờ trôi xuôi giữa rừng già, đến Đức Linh đoạn chảy qua bãi đá tảng ở Đức Tín, bỗng vụt buông mình tạo thành dòng thác thật quyến rũ, làm say lòng du khách thập phương.

Từ thành phố Phan Thiết, đi trên quốc lộ 1, rẽ phải ở ngã ba Căn cứ 6 vào khoảng hơn 40 km hoặc ngã ba Ông Đồn đi vào hơn 25 km sẽ đến xã Đức Tín. Xe bon bon trên con đường nhựa phẳng lì, men theo con đường đất giữa những rẫy điều, cà phê xanh mướt, du khách sẽ ngạc nhiên bắt gặp dòng thác rì rầm mời gọi. Đó là thác K’Reo, với vẻ đẹp vừa huyền bí vừa thơ mộng. Ai đã một lần đến, chắc sẽ khó quên được những ấn tượng, cũng như vẻ đẹp hoang dã của thác K’Reo.

Từ những tảng đá to, dòng nước đổ thẳng xuống vực sâu, những tia nước đuổi nhau, phóng nhanh như tên bắn, bụi nước bốc mù mịt cả một vùng thật là huyền ảo. Ở xa vài cây số, ta cũng nghe thấy tiếng thác nước réo vang dội cả một vùng rừng rộng lớn. Tiếng ầm ào của dòng thác trong mùa mưa, trở thành tiếng nước reo trong mùa khô. Chính tiếng nước đổ, nước reo được người dân địa phương gọi mãi rồi thành tên thác Reo. Một số người còn gọi là thác K’Reo, bởi cho rằng đó là tên gọi quen thuộc mà đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng vẫn thường gọi dòng thác hùng vĩ này. Và cho đến bây giờ, vẫn chưa ai biết tên thác Reo (hay K’Reo) có tự lúc nào, chỉ biết rằng đây là một dòng thác đẹp lạ thường.

Thác K’Reo được tạo thành bởi dòng chảy sông La Ngà, qua bãi đá rộng và dài hàng cây số, nhiều tảng đá chồng lên nhau, vì thế nước chảy qua nhiều tầng ở độ cao khác nhau. Nước chia ra nhiều dòng, theo những vết mòn của đá từ ngàn đời nay. Nơi dồn dập tuôn đổ, nơi hiền hoà tràn qua các bậc đá thoai thoải. Về mùa mưa, nước đổ xiết trượt qua các tầng đá, tung bụi nước thành làn sương mỏng, trông xa thác nước giống như chiếc áo choàng của nàng tiên nữ bỏ quên giữa chốn thiên thai. Nhiều tảng đá lớn, là nơi dừng chân lý tưởng của du khách.

anh2 - Giới thiệu khái quát huyện Đức Linh
Thác K’Reo – Huyền ảo và thơ mộng

Thác K’Reo, là nơi hò hẹn của đôi lứa yêu nhau vào những ngày đẹp trời, chủ nhật hoặc dịp lễ tết. Du khách, thì thường đến đây vào dịp đầu xuân. Những ngày nắng đẹp, khoảng 9 – 10 giờ, ánh sáng chiếu qua những hạt nước bắn lên tạo thành cây cầu vồng, ánh sáng đủ màu lung linh, du khách say sưa ngắm nhìn bảy sắc cầu vồng ẩn hiện hoặc ngước nhìn dòng nước đổ xuống đang sôi réo bên mình, căng ngực hít thở không khí mát lành, khiến tâm hồn sảng khoái lâng lâng. Lắng nghe nước đổ giữa rừng, cùng bạn bè ngồi nhâm nhi ly rượu thơm nồng với món cá nướng trui vừa câu được ở thác, rồi hoà mình vào thiên nhiên, thưởng ngoạn cảnh đẹp, làm thơ, ngâm vịnh,… bao mệt nhọc, lo toan sau những ngày lao động, học tập vất vả như tan biến đi.

Tương phản với sự mạnh mẽ của dòng thác, cảnh vật ven bờ rất nên thơ. Cây si già buông những cánh tay dài, như thể đang đùa vui với dòng nước, rồi những cành dây leo mềm mại bò trên vách đá, đây đó thấp thoáng những bông hoa rừng khoe sắc toả hương. Cảnh đẹp của thác K’Reo, đã tạo nguồn cảm hứng sáng tác cho các nhà thơ, nhạc sĩ khi đặt chân đến đây.

Có thể nói, thác K’Reo là thắng cảnh số một của Đức Linh, sánh với bất cứ nơi đâu. Thác K’Reo đẹp tự nhiên, vì chưa có bàn tay con người tô vẽ cho nó. Đây là thắng cảnh còn giữ được nhiều vẻ đẹp hoang sơ và là nơi hứa hẹn một tiềm năng du lịch của Đức Linh.

Một lần ghé thăm thác K’Reo. Tiếng thác réo rắt suốt ngày đêm, tiếng gió rừng xào xạc, cùng vẻ đẹp huyền ảo của dòng thác sẽ ghi dấu ấn và còn vương vấn mãi trong lòng du khách, để hoài nhớ về Đức Linh – một vùng đất tươi đẹp đang chuyển mình hoà nhịp vươn lên.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây