Giới thiệu khái quát huyện Hải Hà

Giới thiệu khái quát huyện Hải Hà

Giới thiệu khái quát huyện Hải Hà

1- Vị trí địa lý:

Huyện Hải Hà là huyện miền núi biên giới giáp biển về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long 150km, cách cửa khẩu Quốc tế Móng Cái 40km. Có tọa độ địa lý ở 21o12’46” đến 21o38’27” vĩ độ Bắc và từ 107o30’54” đến 107o51’49” kinh độ Đông.

Phía Bắc giáp Trung Quốc, với đường biên giới dài 22,8km. Phía Đông giáp thành phố Móng Cái. Phía Nam giáp Biển Đông với chiều dài bờ biển khoảng 35km, nằm trong vành đai Vịnh Bắc Bộ. Phía Tây giáp huyện Đầm Hà và huyện Bình Liêu. Huyện Hải Hà nằm trên Quốc lộ 18 nối cửa khẩu Móng Cái với thành phố Hạ Long, có 35km bờ biển và nhiều cửa sông, có cửa khẩu Bắc Phong Sinh với Trung Quốc.

2- Địa hình, địa chất:

Hải Hà là huyện có địa hình miền núi, trung du ven biển, nằm trong hệ thống cánh cung Đông Triều – Móng Cái. Phía Tây Bắc Hải Hà là vùng đồi núi thấp, phía Nam là vùng phù sa ven biển tiếp giáp dãy núi đá vôi chắn sóng gió cho vùng đất liền. Địa hình được chia thành 2 dạng địa hình chính:

Vùng đồi núi cao phía Tây Bắc: Độ cao từ 200 – 1.500m so với mặt nước biền gồm các dãy núi cao, dạng bán bình nguyên. Địa hình chia cắt nhiều tạo thành các thung lũng hẹp, chân đồi là những ruộng bậc thang. Cấu tạo địa chất của vùng chủ yếu là đá sa phiến thạch, khi phong hóa chia ra đất đỏ vàng hoặc vàng đỏ, thanh phần cơ giới trung bình. Dưới tầng đất mịn thường gặp lớp đá mẹ phong hóa mềm (vụn bở). Tùy theo địa hình mà tầng đất hình thành dày hay mỏng tập trung chính ở các xã Quảng Sơn, Quảng Đức, Quảng Thành.

Vùng trung du ven biển: Vừa có địa hình đồi núi thấp, vừa có đồng bằng xen kẽ, tập trung ở các xã ven biển như: Quảng Thắng, Quảng Minh, Quảng Trung, Quảng Điền và Quảng Phong. Địa hình vùng này thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.

Vùng đảo: Huyện Hải Hà có một xã đảo Cái Chiên với diện tích 2.549,95ha, địa hình phức tạp, giao thông gặp nhiều khó khăn, việc giao lưu với bên ngoài chủ yếu là đường thủy.

3- Khí hậu, thời tiết:

Do ảnh hưởng của vị trí địa lý và cấu trúc địa hình nên đặc trưng của khí hậu Hải Hà là khí hậu nhiệt đới duyên hải, trong năm trường chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều từ tháng 4 đến tháng 10; mùa đông khô lạnh, có gió Đông Bắc kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

Nhiệt độ trung bình năm 22,4 – 23,3oC, nhiệt độ trung bình cao nhất từ 30 – 34oC, nhiệt độ trung bình thấp nhất vào mùa đông xuống đến 5 – 15oC. Biên độ nhiệt độ ngày đêm tương đối lớn từ 10 – 12oC.

Lượng mưa hàng năm khá cao nhưng không đều, mưa trung bình 3.120mm/năm; năm có lượng mưa lớn nhất đạt 3.830mm, năm có lượng mưa nhỏ nhất 3.015mm.

Huyện Hải Hà có 2 hướng gió chính là gió Đông – Bắc và Đông – Nam: Gió mùa Đông Bắc: Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, thịnh hành là gió Bắc và gió Đông Bắc, tốc độ gió từ 2 – 4m/s. Gió mùa Đông Bắc tràn về theo đợt, mỗi đợt kéo dài từ 3 – 5 ngày, tốc độ gió trong những đợt gió mùa đạt tới cấp 5, cấp 6, gió mùa tràn về thường lạnh, giá rét; gió Đông Nam: Thịnh hành từ tháng 5 đến tháng 9 là gió Nam và Đông Nam, gió thổi từ biển vào mang theo hơi nước tạo nên không khí mát mẻ, tốc độ gió trung bình từ 2 – 4m/s.

Huyện Hải Hà là huyện ven biển nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ từ biển vào. Bão thường xuất hiện vào tháng 6 đến tháng 10, tốc độ gió từ 20 – 40m/s, bão thường kèm theo mưa nhiều. Về mùa đông ở những vùng núi cao khi nhiệt độ xuống quá thấp sẽ xuất hiện sương muối, thường xuất hiện vào tháng 2, tháng 11 và kéo dài mỗi đợt 1 – 3 ngày.

4- Thủy văn, thủy triều:

Huyện Hải Hà có 2 con sông lớn chảy qua: Sông Hà Cối bắt nguồn từ vùng núi cao trên 500m, có chiều dài 28km, diện tích lưu vực khoảng 118,4km2, lưu lượng dòng chảy lớn nhất 1.190m3/s, lưu lượng nhỏ nhất 2,69m3/s; sông Tài Chi bắt nguồn từ vùng núi phía Bắc, có chiều dài 24,4km, diện tích lưu vực sông 82,4 km2, lưu lượng dòng chảy lớn nhất 1.490m3/s, lưu lượng nhỏ nhất 2,72m3/s.

Huyện Hải Hà có 3 hồ chứa nước ngọt: Hồ Trúc Bài Sơn nằm trên địa bàn xã Quảng Sơn, có diện tích 110ha, với dung tích thường xuyên đạt 15 triệu m3 nước; Hồ Khe Dầu thuộc xã đảo Cái Chiên, có diện tích 18ha, đây là hồ chứa nước ngọt lớn nhất trên đảo; Hồ Khe Đình – Cái Chiên có diện tích 15ha, độ sâu trung bình 4 – 6m, có hệ thống mương bê tông dẫn nước. Thủy chế các sông, suối trong vùng khá phức tạp, mà sự tương phản chính là sự phân phối dòng chảy không đều trong năm. Mùa mưa lượng nước dồn nhanh về sông chính tạo nên dòng chảy lớn và xiết. Về mùa khô, dòng chảy cạn kiệt, mực nước dòng sông rất thấp. Thủy triều vùng biển Hải Hà theo chế độ nhật triều (1 ngày, 1 đêm có lần nước triều lên xuống), biên độ triều lớn, thủy triều mạnh trong năm vào các tháng 1, 2, 6, 7, 8, 10. Sóng biển tương ứng với chế độ gió: Sóng mùa hè thường hướng Đông và Nam; mùa đông thường có hướng Bắc và Đông Bắc. Độ cao trung bình của sóng là 0,5m; bước sóng trung bình thường 30 – 40m. Nồng độ muối thay đổi theo mùa, mùa mưa từ 15 – 18%, mùa khô từ 22 – 25%.

5- Diện tích: 512,5 km2

6- Dân số:

Năm 200152.061 người; Mật độ dân cư: 102 người/km2.

Năm 1010: 52.900 người

Năm 2015: 56.700 người

Năm 2016: 57.500 người

Năm 2017: 59.400 người, mật độ dân số trung bình là 116,1 người/km2

7- Các đơn vị hành chính: Gồm 1 thị trấn và 15 xã.

– Thị trấn Quảng Hà.

– Các xã: Cái Chiên, Đường Hoa, Phú Hải, Quảng Chính, Quảng Điền, Quảng Đức, Quảng Long, Quảng Minh, Quảng Phong, Quảng Sơn, Quảng Thành, Quảng Thắng, Quảng Thịnh, Quảng Trung, Tiến Tới.

8- Điểm du lịch và đặc sản của huyện:

– Xã đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà) được mọi người biết đến bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, yên bình, với những cánh rừng nguyên sinh, bãi biển trải dài, những bãi cát trắng mịn, nước biển trong xanh cùng với hàng phi lao thẳng tắp chạy dọc bãi biển.

– Đặc sản chè Đường Hoa, quế Quảng Sơn; mía tím (đóng túi hút chân không) Quảng Chính, khau nhục, ốc hương, lợn rừng, ngan Pháp, cá rô… Với những bãi triều, mặt nước biển mênh mông, Cái Chiên còn là nơi sinh sống của nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao tôm he, tôm hùm, cá song, sá sùng, ngọc trai…

9- Thành tựu kinh tế- xã hội nổi bật.

+ Năm 2017: Kinh tế phát triển với tốc độ cao (23,9%) theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Thu hút đầu tư có sự bứt phá, đặc biệt là khu công nghiệp- Cảng biển Hải Hà. Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu xuất- nhập khẩu hàng hóa qua khu vực. Nông- lâm- ngư nghiệp có nhiều sản phẩm mới tham gia chương tình OCOP; hoạt động liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả; Du lịch xã đảo Cái Chiên có nhiều khởi sắc, daonh nghiệp và người dân phối hợp cùng nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch. (Theo: Quảng Ninh toàn cảnh 2017).

+ Năm 2018: Kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ cao (31,95%, vượt 11,25% KH, vượt 8,05% cùng kỳ); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tăng dần tỷ công công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông- lâm- ngư nghiệp. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 10.315,2 tỷ đồng (tăng 3,6% KH, tăng 29,8% CK). Chỉ số cải cách hành chính của huyện xếp thứ 5/14 địa phương trong tỉnh.Đời sống nhân dân được cải thiện: toàn huyện còn 899 hộ cận nghèo (giảm 221 hộ, vượt 30% KH), đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,55% xuống còn 5,0650. CÓ 2.347 lao động được giải quyết việc làm (vượt 11,75 KH), trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 56,4% (Vượt 2% KH và tăng 6% CK). Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học tham gia và hoàn thành chương trình học đạt trên 98%, 38/47 trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia. (Theo Quảng Ninh toàn cảnh 2018).

Lịch sử – văn hoá – xã hội

Cư dân sớm nhất ở Hải Hà là những người Kinh sống bằng khai thác hải sản ven biển sau đó là người các tỉnh đồng bằng ra mở đất canh tác lập nên các làng ở vùng thấp. ở vùng núi và trung du sớm nhất là người Tày, sau đó là các dân tộc thiểu số từ vùng Thập Vạn Đại Sơn bên kia biên giới sang, sau cùng là người Hoa. 
Đầu thế kỷ XIX vùng đất này là tổng Hà Môn thuộc châu Vạn Ninh. Tháng 6-1888, tổng Hà Môn tách khỏi châu Vạn Ninh thành lập châu Hà Cối (chữ Hán Việt: Hà là con sông, Cối là nơi cây cỏ rậm rạp. Tiếng Việt có từ cây cối. Hà Cối là vùng đất nhiều cây cỏ bên sông). Châu Hà Cối chia làm 3 tổng: Đầm Hà, Hà Cối và Mã Tế. Năm 1937 thêm tổng Thanh Mòi (Tấn Mài) sau tại tách thêm tổng Hà Cối Nùng. Sau Cách mạng, châu Hà Cối chia làm hai huyện là Đầm Hà và Hà Cối. Ngày 4-6-1969, hai huyện hợp nhất thành huyện Quảng Hà. Ngày 10-8-1981 cắt xã Quảng Nghĩa về huyện Hải Ninh nhưng lại nhập một phần xã Pò Hèn của huyện Hải Ninh về xã Quảng Đức.Vừa qua, ngày 29-8-2001, Chính phủ, ban hành Nghị định số 59/2001/NĐ-CP chia huyện Quảng Hà thành hai huyện: Hải Hà và Đầm Hà. Hải Hà nguyên là huyện Hà Cối xưa. 
Hải Hà nằm ở vùng địa đầu đông bắc, nhiều cuộc chống xâm lăng còn ghi dấu trong các truyền thuyết lịch sử. Khi Pháp xâm lược, vùng rừng núi phía bắc gắn liền với vùng núi Cao Ba Lanh của Bình Liêu ở phía tây, và vùng núi PanNai của Móng Cái ở phía đông đã là căn cứ lợi hại của nghĩa quân chống Pháp. Hồi đầu thế kỷ, nghĩa quân gồm người Kinh và người các dân tộc có lúc đông đến gần nghìn người đã nhiều lần tập kích vào châu lỵ Hà Cối giết quan quân Pháp. Trong Cách mạng tháng Tám, Hà Cối vẫn bị bọn Việt Cách núp bên quân Tưởng chiếm giữ. Sau đó bước vào cuộc kháng chiến 9 năm, Hà Cối nằm trong “Xứ Nùng tự trị Hải Ninh”, cán bộvà bộ đội tỉnh Hải Ninh phải mở hai cuộc Đông Tiến, gây dựng cơ sở kháng chiến trong vô vàn hy sinh, gian khổ và đã có những đợt trừ gian, diệt tề chấn động trong vùng địch. Kết thúc kháng chiến, ngày 30-7-1954 Hà Cối lần đầu tiên được giải phóng. Sau hoà bình, Hà Cối còn vất vả đấu tranh chống bọn phản động, truy quét bọn thổ phỉ và vây bắt nhiều toán biệt kích Mỹ nguỵ và Mỹ Tưởng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hải Hà góp nhiều sức người sức của cho tiền tuyến. Nhiều con em Hải Hà lập công xuất sắc, tiêu biểu là Anh hùng Đỗ Viết Cường, đặc công nước, đánh những trận lẫy lừng ở cảng Cửa Việt. 
Về văn hoá, Hải Hà có vốn văn hoá dân gian nhiều sắc thái riêng. Toàn huyện gần như không theo tôn giáo nào. Tín ngưỡng dân gian với tục thờ cúng tổ tiên là phổ biến. Các xã người Kinh cũ ở đây cũng có thầy mo và có nhiều phong tục khác người Kinh vùng đồng bằng. Đám chay xưa, đốt nhiều vàng mã, cúng lễ cầu kỳ, ăn uống tốn kém. Đám cưới có hát đối giao duyên, có tục giăng ngõ. Các dân tộc thiểu số cũng có nhiều phong tục riêng. 
Từ năm 1978 Hải Hà có đông người từ đồng bằng đến thế chỗ người Hoa đã đem theo phong tục và tập quán của vùng xuôi và trở thành ‘’đất chèo’’. 
Hải Hà đáng chú ý nâng cao dân trí, vừa phát triển giáo dục phổ thông vừa chú ý giáo dục thường xuyên. Huyện có một trường phổ thông trung học và một trường phổ thông dân tộc nội trú. Nhiều bác sĩ, kỹ sư, giáo viên trung học đã là người địa phương.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây