Giới thiệu khái quát huyện Kông Chro

Giới thiệu khái quát huyện Kông Chro

Giới thiệu khái quát huyện Kông Chro

Huyện Kông Chro được thành lập theo Quyết định số 96-HĐBT ngày 30-5-1988 của Hội đồng Bộ trưởng trên cơ sở chia tách từ phần đất phía nam của huyện An Khê,cách trung tâm thị xã An Khê khoảng 30 km. Huyện lỵ là thị trấn Kông Chro.
    Diện tích: 143.970 ha. 
    Dân số:    50.525 người (số liệu thống kê năm 2015).
    Mật độ dân số: 35,4 người/km2
    Vị trí địa lý:
        – Bắc giáp: huyện Đăk Pơ.
        – Nam giáp: huyện Ia Pa.
        – Đông giáp: tỉnh Bình Định.
        – Tây giáp: huyện Mang Yang.
    Đơn vị hành chính cấp xã, trị trấn: 14 (1 thị trấn, 13 xã)
        – Thị trấn Kông Chro.
        – Các xã: An Trung, Chơ Long, Chư Krey, Đăk Pling, Đăk Song, Đăk Tpang, Kông Yang, Sơ Ró, Ya Ma, Yang Nam, Yang Trung, Đăk Pơ Pho, Đăk Kơ Ning.
  * Tổng quan kinh tế – văn hoá – xã hội:
    1. Về Kinh tế: 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm 2011- 2015 đạt 12,8%/năm (tính theo giá cố định năm 2010). Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 7,5 %/năm; công nghiệp – xây dựng tăng trưởng ở mức 20,5 %/ năm; ngành dịch vụ tăng bình quân 27,37 %/ năm.
    Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – dịch vụ, huy động nhiều thành phần kinh tế tham gia quá trình phát triển; Tổ chức quản lý chặt chẽ các nguồn tài nguyên, đất đai và các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội nhằm đảm bảo công bằng trong phân phối thu nhập. Trong phát triển nguồn nhân lực, huyện đã thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo chuẩn đề ra nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Công tác đào tạo nghề được chú trọng để tạo việc làm nâng cao giá trị gia tăng của nền kinh tế.
    Về xây dựng kết cấu hạ tầng: Trong nhiệm kỳ, kết cấu hạ tầng của huyện có những tiến bộ vượt bậc so với giai đoạn trước, tổng số công trình xây dựng cơ bản trong 5 năm là 251 công trình, với tổng vốn 440,605 tỷ đồng, nhiều công trình trọng điểm được đầu tư như: Đường vào xã Đăk Pling, Yang Nam, Đăk Tpang, Chư Krei, hệ thống giao thông đến trung tâm xã đều được nâng cấp. Hệ thống hạ tầng xã hội cũng được quan tâm đầu tư, các trường phổ thông trong huyện đã được tầng hóa và kiên cố hóa.        
    Thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, UBND huyện đã điều hành ngân sách một cách linh hoạt, chủ động, cắt giảm các khoản chi chưa thật sự cần thiết như: mua sắm, tiếp khách, văn phòng phẩm, điện nước…thực hiện tiết kiệm 10% chi hành chính. Quản lý chặt chẽ quy trình đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo sử dụng các nguồn vốn hiệu quả.
    Ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung tạo nguồn nguyên liệu cho Nhà máy đường An Khê, Bình Định; nhà máy chế biến Sắn An Khê. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2015 là 38.268 ha, tăng 11,03% so với năm 2011. Hệ số sử dụng đất xấp xỉ đạt 1,07 lần, đã cơ giới hóa được trên 80 % diện tích. Tập trung đầu tư hệ thống các công trình thủy lợi ở các xã, thực hiện chuyển đổi giống lúa mới có năng suất cao để đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Đàn gia súc tăng trưởng khá, tổng đàn  năm 2015 là 50.597 con tăng 14,6% so với năm 2011; công tác phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm được quan tâm.
    Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2015 là 3.698 tỷ đồng (giá cố định 2010) có mức tăng trưởng bình quân 7,57 % năm. Đã đầu tư và tập trung khai thác lợi thế của huyện. Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đã thu hút đầu tư các nhà máy khai thác, chế biến đá bazan xuất khẩu tại Thị trấn, xã Kông Yang góp phần làm tăng giá trị ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm,  nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, huyện tiếp tục kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn.
    Hàng hóa ngày càng đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ngày một tăng, năm 2015 đạt 372 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với năm 2011, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho đồng bào các dân tộc. Thực hiện tốt chương trình “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các hộ kinh doanh cá thể tăng nhanh về số lượng, quy mô hoạt động, góp phần tích cực vào việc giao lưu hàng hóa, phát triển thị trường đến các xã ở vùng sâu vùng xa.
    Hoạt động tài chính ngân hàng có nhiều tiến bộ, phục vụ hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện. Liên tục qua các năm từ 2011-2015, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đều tăng, từ 10,1 tỷ đồng năm 2011 lên 25,35 tỷ đồng năm 2015.
    Chi ngân sách năm 2015 gấp 1,84 lần so với năm 2011. Việc tăng chi ngân sách đã góp phần quan trọng cải thiện hạ tầng kinh tế – xã hội, đáp ứng các nhu cầu chi thường xuyên, bảo đảm ổn định an ninh chính trị; tăng cường các nguồn lực để thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội.
2. Văn hóa – xã hội:
    Văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Giáo dục đào tạo được quan tâm đầu tư, 14/14 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục THCS; công tác xây dựng trường đạt chuẩn, nâng cao chất lượng giáo dục được chú trọng; các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp; hệ thống truyền thanh huyện và truyền thanh không dây tại các xã được đầu tư xây dựng, chất lượng truyền thanh được nâng lên rõ rệt. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được kết quả thiết thực. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng, các chương trình y tế quốc gia được triển khai có hiệu quả, đến nay có 09 Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia.
    Công tác xoá đói giảm nghèo, chính sách người có công: Có nhiều chuyển biến, việc thực hiện chính sách xã hội được quan tâm; đã đầu tư làm tốt việc xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, cấp thẻ BHYT cho người nghèo được thực hiện kịp thời; thực hiện tốt chính sách với người có công với nước, được quan tâm và duy trì thường xuyên. Làm tốt công tác bảo trợ xã hội, nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và người tàn tật.

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây