Giới thiệu khái quát huyện Tiên Lãng

Giới thiệu khái quát huyện Tiên Lãng

Giới thiệu khái quát huyện Tiên Lãng

Huyện Tiên Lãng có cảnh quan của vùng đồng bằng ven sông, ven biển của thành phố Hải Phòng, dân số 152.000 người, diện tích 189km2, ba mặt giáp sông, 1 mặt giáp Vịnh Bắc bộ. Nằm cách không xa các trung tâm kinh tế lớn của vùng đồng bằng sông Hồng, gần các khu công nghiệp tập trung và các khu di tích nổi tiếng Đồ Sơn, Cát Bà, Hạ Long. Các trục giao thông quan trọng có ý nghĩa liên vùng. Với vị trí như vậy, Tiên Lãng có thể liên kết, trao đổi và thu hút vốn đầu tư vào phát triển kinh tế xã hội, xây dựng các cụm công nghiệp, cụm cảng đường sông, đồng thời là thị trường cung cấp nguồn lao động, nông sản, thuỷ sản, hàng hoá cho khu vực nội thành và các khu công nghiệp tỉnh bạn.
Tiên Lãng có tài nguyên rừng ngập mặn gồm các loài cây: Bần chua, Trang, Sú phân bố ở cửa sông Văn úc, sông Thái Bình và trên 3.000 ha vùng bãi triều ngập mặn, có khí hậu trong lành, cảnh quan đẹp rất thuận lợi cho thăm quan, du lịch sinh thái và thu hút các dự án đầu tư nuôi trồng thuỷ sản.

Trên địa bàn của huyện có mỏ nước khoáng nóng và mỏ nước ngọt. Mỏ nước khoáng nóng nằm giáp đường 354 đang được khẩn trương xây dựng các hạng mục công trình trên diện tích 6,5 ha phục vụ cho việc nghỉ dưỡng, chữa bệnh, sản xuất nước khoáng đóng chai, khu vui chơi giải trí cho mọi lứa tuổi.

Lịch sử hình thành và phát triển của huyện Tiên Lãng đã có từ hàng ngàn năm. Theo các thư tịch cổ, huyện Tiên Lãng xưa thuộc bộ Dương Tuyền. Thời Bắc thuộc là đất huyện Câu Lậu; đời Lý – Trần thuộc Hồng lô, sau này chia làm 2 phủ thì Tiên Lãng thuộc phủ Nam Sách. Tới khi thực dân Pháp xâm lược. Tiên Lãng trực thuộc tỉnh Phủ Liễn; Năm 1945 thuộc tỉnh Kiến An; Từ khi Hải Phòng, Kiến An hợp nhất, Tiên Lãng thuộc thành phố Hải Phòng.

Ngay từ xa xưa, người dân Tiên Lãng đã có kinh nghiệm bền bỉ chống chọi với thiên nhiên, thau chua rửa mặn, khai hoang lấn biển để cấy lúa trồng hoa màu; Cùng với nghề nông, các nghề thủ công cũng hình thành như đan lát, dệt chiếu, làm mộc, đánh bắt cá.

Tự hào về truyền thống lao động cần cù, nhân dân Tiên Lãng cũng rất tự hào về truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc và địa phương của mình. Tiên Lãng đang giữ gìn, bảo tồn những ngôi đền chùa kiến trúc cổ kính, mang đậm tính dân gian, có giá trị văn hoá và mang tính nghệ thuật cao như: Đình Cựu Đôi, chùa Phú Kê (Thị trấn), đình Hà Đới (Tiên Thanh), đền đá Canh Sơn (Đoàn Lập), đền Gắm, đình Đốc Hậu (Toàn Thắng). Mỗi di tích đều có sắc thái riêng, chứng minh tài hoa của các nghệ nhân vùng ven biển,,,, Nếu chùa Phú Kê, đình Cựu Đôi, đền Gắm đã được tu sửa, tôn tạo để bảo tồn công trình, thì đền đá Canh Sơn còn giữ nguyên vẻ sơ khai, huyền bí của kiến trúc nghệ thuật bằng đá lộ thiên, tiêu biểu cho kiến trúc nghệ thuật miền duyên hải phía Bắc.

Tiên Lãng còn có di tích quê ngoại danh nhân văn hoá Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở làng An Tử Hạ xã Kiến Thiết – nơi thờ tiến sĩ Nhữ Văn Lan ông ngoại Nguyễn Bỉnh Khiêm và người mẹ Nhữ Thị Thục đã sinh thành Trạng Trình. Tại xã Đại Thắng có nhà lưu niệm Bác Tôn Đức Thắng – Chủ tịch Nước.

Cùng với việc lập đền chùa, đình miếu để thờ các vị danh tướng có công với sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc và quê hương, Tiên Lãng có nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc của văn minh sông Hồng, thu hút rất nhiều tầng lớp, lứa tuổi tham gia như Hội vật đầu xuân, lễ hội ở các đình chùa, đền, Hội bơi thuyền, Hội ném pháo đất, lễ hội Ngũ Linh Từ Hàng năm các tôn giáo, tín ngưỡng đều có những ngày lễ trọng được tổ chức lành mạnh ở các địa phương.

Hiện tại trên địa bàn huyện có 14 chợ, hàng hóa phong phú đa dạng, mỗi chợ có màu sắc riêng mang đặc trưng của từng miền quê, phục vụ tại chỗ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.  Đặc biệt là hội chợ Giải chỉ có 1 phiên vào sáng mồng 2 Tết âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân đến mua bán cầu may.

Toàn bộ các hệ thống đường trục huyện, đường liên xã đều được nhựa hoá, nhân dân các địa phương rất cố gắng xây dựng bê tông hoá đường thôn xóm; 100% số hộ trong huyện đã có huyện thắp sáng, phương tiện nghe nhìn, nước sạch, vệ sinh môi trường ngày càng được cải thiện. Từ khi Quốc lộ 10 được nâng cấp, cùng với việc xây dựng xong cầu Tiên Cựu, cầu Quý Cao, cầu Sông Mới, việc giao lưu kinh tế, đi lại và sản xuất của nhân dân trong huyện đã có rất nhiều thuận lợi, hoà nhập với tuyến du khảo đồng quê của thành phố, tạo nên các tua du lịch hấp dẫn.

Hiện nay huyện có 1 thị trấn và 22 xã; Thị trấn Tiên Lãng là trung tâm hành chính, chính trị của huyện. Trong những năm gần đây, nhờ có sự đầu tư của thành phố và tinh thần tự lực, tự cường của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, bộ mặt trung tâm Thị trấn đã ngày càng khang trang hơn, các khu trụ sở cơ quan, trung tâm văn hoá thông tin, trung tâm thể thao, trường học đã được xây mới với dáng kiến trúc hiện đại, đường trục chính thông thoáng. Các khu dân cư của 22 xã trong huyện được hình thành tự nhiên từ xa xưa, tồn tại đến ngày nay vẫn mang dáng dấp các làng xóm truyền thống của vùng đồng bằng bắc bộ, có cây ăn quả, sân vườn, ao thả cá, bể nước, không gian thoáng mát và yên tĩnh.

Gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân, Tiên Lãng vẫn giữ nguyên vẹn được một số món ăn đặc sản của địa phương như giò chả chợ Đôi, nhục khuyển (thịt chó) nổi tiếng đậm đà và có thương hiệu từ lâu đời. Hàng năm vào tháng 9 và tháng 10 âm lịch là mùa rươi – một đặc sản thiên nhiên giầu chất đạm, món ăn ngon, bổ đã thành danh tiếng không phải địa phương nào cũng có. Cây thuốc Lào còn gọi là Tương tư thảo, tuy được trồng ở nhiều địa phương, vào nước ta từ năm 1660 đời Vua Lê Thánh Tông, nhưng ưa chuộng đặc biệt, dùng để ‘tiến Vua’ được trồng ở xã Kiến Thiết của huyện.

Ngày nay trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân Tiên Lãng đang đứng trước những cơ hội mới. Phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, với tinh thần cần cù lao động, chân thành mến khách, được thành phố quan tâm đầu tư xây dựng cầu Khuể qua sông Văn úc và một số khu, cụm công nghiệp ven sông, đặc biệt là Dự án xây dựng sân bay quốc tế tại huyện sẽ là nơi thu hút nhiều nguồn lực, vật lực, tài lực để trở thành một địa phương phát triển về kinh tế, vững mạnh về an ninh trật tự an toàn xã hội và một miền đất du lịch hấp dẫn của thành phố Hải Phòng ./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây