Giới thiệu sách: “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật”

Thực tiễn về kiến trúc, quy hoạch đô thị và bảo tồn di sản ở nước ta hiện nay đã và đang diễn ra vô cùng phức tạp. Trong khi đó, những nghiên cứu về lịch sử, lý luận, mỹ học kiến trúc dường như vẫn còn thiếu vắng ở nhiều mảng quan trọng khiến nền tảng, cơ sở cho thực tiễn cũng như những tranh luận xã hội trong lĩnh vực kiến trúc rất dễ rơi vào trạng thái cảm tính, kinh nghiệm chủ nghĩa và dễ bị các nhóm lợi ích chi phối. Trong không ít hội thảo chuyên ngành của giới nghiên cứu, đã xuất hiện tiếng nói về tình trạng không tương xứng giữa lý luận, phê bình nghệ thuật và thực tiễn sinh động. Đó là một khoảng trống mà xã hội đang đòi hỏi phải được lấp đầy.

Su kien tao cac nen nghe thuat min - Giới thiệu sách: “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật”

Sách của KTS Vũ Hiệp được định vị chính trong khoảng trống đó của đời sống nghệ thuật. “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật” của KTS Vũ Hiệp là sự tiếp nối các cuốn sách đã được xuất bản trước đó: “Tinh thần khai phóng của nghệ thuật” (2015), “Đô thị Việt Nam – góc nhìn từ những nơi chốn” (2016), “Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật” (2018) và “Nghệ thuật dưới góc độ di truyền” (2019). Phần lớn những cuốn sách này đã nhận được những giải thưởng uy tín nhất của giới chuyên môn. “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật” là sự tiếp tục mạch lao động vô cùng nhọc nhằn mà anh đã đi trong gần chục năm qua, là sự kết hợp giữa lịch sử nghệ thuật và lý luận nghệ thuật.

Ở “công trình” mới nhất này của KTS Vũ Hiệp, người đọc sẽ gặp lại những gì làm nên phong cách tư duy và phong cách viết của tác giả: Cái nhìn mang tính lịch sử và liên ngành, tiếp cận nghệ thuật trong tính tổng thể; khả năng khái quát và tư duy trừu tượng; sự kết hợp giữa vẻ đẹp và sự tinh tế của ngôn ngữ phê bình và sự khúc chiết của tư duy lý luận; tinh thần khai phóng không bị lệ thuộc vào những định kiến về các nền nghệ thuật và các loại hình nghệ thuật. Dẫu vậy, trong cuốn sách này, KTS Vũ Hiệp đang kiến tạo một dự án tham vọng nhất trong những nghiên cứu của mình. Đó là tìm kiếm những quy luật khái quát nhất của một nền nghệ thuật mà trong đó kiến trúc chỉ là các bộ phận hài hòa trong một tổng thể. Hiệp gói gọn những suy tư đó trong một câu hỏi mà anh buộc mình phải đối diện: “Một nền nghệ thuật, trong đó có kiến trúc, được xác định như thế nào?” – Đó là một câu hỏi mang tính bản thể mà đối diện với nó là một cuộc hành trình tinh thần kiểu Sisyphus.

Trong cuốn sách “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật”, KTS Vũ Hiệp đã phát huy ở mức cao nhất khả năng kết hợp tri thức chuyên ngành của mình trong lĩnh vực kiến trúc – đô thị với những tri thức đương đại của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Phân tâm học cá nhân và cộng đồng, kiến tạo luận về căn tính dân tộc, huyền thoại luận và xã hội học tri thức đã được tác giả vận dụng để xây dựng mô hình của mình về sự kiến tạo các nền nghệ thuật – kiến trúc với công thức nòng cốt là sự kết hợp của Cá tính tập thể, Tự sự cộng đồng và Huyền thoại, được triển khai trên hai khái niệm đã được hình thành từ hai công trình trước của anh: Trường và Mạch, tương ứng với hai trục Không gian và Thời gian. Bản thân việc sử dụng khái niệm Trường và Mạch thay thế cho Không gian và Thời gian cho thấy tinh thần biện chứng trong tư duy của tác giả khi anh luôn nhấn mạnh tính tiếp nối và lan tỏa, những mối liên hệ tác động và tiếp biến của các hiện tượng nghệ thuật trong không – thời gian.

Với hướng tiếp cận liên ngành, KTS Vũ Hiệp dường như đã đưa ra một lời giải của riêng mình cho câu hỏi vốn gây trăn trở đối với giới KTS nước ta hiện nay: “Bản sắc kiến trúc Việt Nam là gì?” Lời giải đó liệu đã thỏa mãn hay chưa, độc giả sẽ tìm thấy kết luận cho riêng mình sau khi đọc xong cuốn sách – Ngay cả khi nó chưa thể giải đáp trọn vẹn cho tất cả, chắc chắn quan niệm về bản sắc kiến trúc của Hiệp sẽ gợi mở ít nhiều cho những suy tư, những sáng tạo của mỗi độc giả dù là KTS hay người yêu mến kiến trúc.

Phạm Xuân Thạch
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2022)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây