Khi Bùi Giáng song tấu cùng André Gide

Khi Bùi Giáng song tấu cùng André Gide
Bản dịch của Bùi Giáng với tên Dưỡng chất trần gian do NXB Thời Đại in lần đầu, 2014. Tại Việt Nam, tác phẩm này từng được biết đến với tên Trần gian muôn màu (Lê Thanh Hoàng Dân - Mai Vi Phúc dịch, ấn hành năm 1973) - Ảnh: L.Điền

Tác phẩm ấn hành nhân dịp kỷ niệm lần thứ 16 ngày thi sĩ họ Bùi giã biệt cõi trần (1998-2014).

Dưỡng chất trần gian – một tiểu thuyết đặc biệt của André Gide. Bởi mỗi trang viết như những dòng tâm sự tác giả gửi tới nhân vật Nathanael của mình, mà cũng chính là giãi bày chia sẻ cho người đời đang sống ở trần gian tất cả những cung bậc cảm xúc của mình trước thế giới bao la và vạn vật hữu tình sinh động.

Dưỡng chất trần gian là truyện không có truyện. Nó là một dòng tâm sự phức tạp từ tâm ý tác giả chảy tới người đọc, mà tất cả bối cảnh về những chuyến đi, khu vườn, cánh rừng, cao nguyên, con đường, sông suối… chỉ là cái cớ để ông nói về tình yêu, cả về ý niệm xa vời kiểu như thoát tục.

Và, Dưỡng chất trần gian của André Gide đến tay Bùi Giáng mới thật là một cuộc trùng phùng. Bùi Giáng dịch Les Nourritures Terrestres vào năm 1994 – một trong những dịch phẩm cuối cùng của ông. Nhưng ông không dịch André Gide bằng một thao tác thông thường. Bùi Giáng, sau khi tự thấy mình đã am tường thông thuộc từ câu chữ đến tâm hồn André Gide, đã cùng Gide song tấu về Dưỡng chất trần gian bằng một tổng phổ các thao tác quàng xiên ràng rịt nhưng rất đỗi dễ thương.

Ở đây, dường như dịch chỉ là một khái niệm tạm, Bùi Giáng đã đem văn André Gide quăng vào một trận phiêu bồng văn chương Việt Nam, bằng cách thỉnh thoảng lại trích dẫn Xuân Diệu, Quang Dũng, Nguyễn Du, và trích cả thơ Bùi Giáng. Nhưng như đã nói, cách “song tấu” như vậy hóa ra vừa rất Bùi Giáng vừa dễ thương, bởi không chỉ dịch văn André Gide, họ Bùi còn tìm thấy những gì trong văn chương Việt Nam có điểm tương đồng, có ý tưởng gặp nhau, có tâm sự đã từng nói ra, ông lập tức mở ngoặc dẫn vào.

Người không quen đọc kiểu dịch “kết nối tùy tiện” này ắt sẽ kêu trời, còn những ai chia sẻ được cung cách của Bùi Giáng sẽ thấy qua tác phẩm này, không phải mình chỉ đọc một dịch phẩm, mà mình còn đang theo dõi quá trình thăng hoa biến đổi trong cảm thức của dịch giả – người đang đối diện với trang văn nguyên tác.

Ðể rồi cuối cùng, Bùi Giáng viết mấy lời nhận định về André Gide, có đoạn như sau: “Cuốn sách nào của Gide cũng mang chất hàm hỗn dị thường… Vậy dịch Gide thật là điều đáng ngại. Ông trích dẫn lơ thơ một câu trong Kinh Thánh, một câu của Sain Paul – nhưng ông “rút một dây” mà chấn động cả một rừng…”. Nếu vậy phải nói thêm rằng: cánh rừng ấy còn chấn động dài dài bởi sau cái “rút dây” của Gide thì Bùi Giáng góp thêm phần khua khoắng lên đến mấy lượt. Bạn đọc có muốn cùng tham gia bằng cách đọc cả hai người vọng động này chăng?

LAM ÐIỀN

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây