Khởi nghĩa Bà Triệu và dấu ấn trong lịch sử dân tộc (Bài 3): Trên đỉnh Ngàn Nưa

Càng gần tới đỉnh núi, bước chân kẻ hành hương như càng thêm vững bởi ‘đất thiêng’ đã nằm dưới chân mình.

Du khach ve Am Tien nhung ngay dau xuan min - Khởi nghĩa Bà Triệu và dấu ấn trong lịch sử dân tộc (Bài 3): Trên đỉnh Ngàn NưaDu khách về Am Tiên những ngày đầu xuân. Ảnh: Trần Hằng.

Ngàn Nưa – Am Tiên một sáng mùa xuân. Chút nắng hiếm hoi khiến cảnh vật như bừng sáng lên, song không vì thế mà Am Tiên mất đi vẻ u tịch và huyền bí vốn có. Càng gần tới đỉnh núi, bước chân kẻ hành hương như càng thêm vững bởi “đất thiêng” đã nằm dưới chân mình. Ngày xuân lên đền, chùa cầu bình an, mong được vài phút “lánh” khỏi những xô bồ đời thường; để tưởng nhớ công ơn của tiền nhân hay để thực hành cái đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp… Đó không chỉ là nhu cầu của đời sống tinh thần, tâm linh người Việt, mà còn là một phong tục đẹp góp vào bức tranh văn hóa Việt Nam rực rỡ sắc màu.

Sách xưa chép lại rằng, núi Nưa (hay núi Na) được xem là dãy núi cao nhất ở vùng đồng bằng châu thổ phía Nam Thanh Hóa. Núi có chiều dài gần hai chục km, tạo nên bức trường thành Đông Nam tự nhiên với một thung lũng rộng lớn chạy suốt từ Hợp Thành, Hợp Lý đến Thọ Tiến, Thọ Tân của huyện Triệu Sơn và được khép lại ở mạn Đông Bắc bởi dãy đồi đất đỏ thấp tròn như những bát úp; về phía Đông núi Nưa là đồng bằng châu thổ, đất đai màu mỡ, từ xa xưa đã là vùng dân cư trù mật. Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, có đoạn: “Ở sở Tinh Mễ, xã Quần Ngọc, phía Tây huyện Nông Cống có tên là Khu Na Sơn (núi đuổi ma). Tương truyền núi này có rất nhiều ma quỷ, trước đây có một vị sơn tăng đến đây đọc chú, dần dần quỷ biến mất đi cho nên gọi tên như thế. Mạch núi từ huyện Lôi Dương đổ lại, từng dãy liên tiếp, dài suốt mười mấy dặm trường. Nơi đây có 4 ngọn nước đổ dồn, là một nhánh bên hữu của tỉnh này. Nhà phong thủy (nhà địa lý) nói là 7 phiến Long và 7 phiến Hổ, tức là nơi này. Trong các ngọn này có một ngọn chót vót cao nhất, trên có ngôi chùa cổ, tục gọi là Am Tiên, phía tả có một ngọn núi, trên có động, tối mà sâu, dài mà hiểm. Triều Trần có một người hái củi ẩn cư nơi đó (có người nói là Hoàng My tiên sinh). Có hôm Hồ Hán Thương đi săn, bắt gặp đương đi ở giữa đường, vừa đi vừa hát…

Còn nhớ cách đây chừng hơn chục năm, muốn lên đỉnh Ngàn Nưa, du khách phải men theo lối mòn vòng vèo, quanh co từ chân núi. Tương truyền, đây chính là con đường cổ tích của Tu Nưa huyền thoại. Dù lối đi chẳng hề dễ dàng nhưng dường như chính sự quanh co, khúc khuỷu của con đường mới khiến khách bộ hành cảm nhận được sự kỳ vĩ, huyền bí và vẻ đẹp của Ngàn Nưa, với “Núi Na đá mọc chênh vênh, cây um tùm nước long lanh khói mờ”, hay “Trập trùng núi dựng trời Tây, Na Sơn một dải xuyên mây chín tầng”… Trên đỉnh Ngàn Nưa có khu đất khá bằng phẳng chỉ độ vài mẫu, thế nhưng có cả am, chùa, miếu, rồi Giếng Tiên, Ao Hóp, vườn đào và không gian ngập sắc xanh đại ngàn. Tất cả đã tạo nên một không gian thiêng, nhờ bởi sự hòa hợp giữa Đạo Giáo, Đạo Phật và Đạo Mẫu với thiên nhiên cách biệt, thanh tịnh. Vài năm trở lại đây, một con đường mới đã được mở và du khách có thể dễ dàng lên, xuống nhờ các phương tiện ô tô, xe máy. Và Ngàn Nưa theo đó như cũng trở nên gần hơn với du khách, dẫu rằng đỉnh cao nhất của nó so với mực nước biển vẫn là trên 500m.

Du khach ve Am Tien nhung ngay dau xuan 2 min - Khởi nghĩa Bà Triệu và dấu ấn trong lịch sử dân tộc (Bài 3): Trên đỉnh Ngàn NưaDu khách về Am Tiên những ngày đầu xuân.

Ngàn Nưa gắn với nhiều câu chuyện nhuốm màu kỳ bí; song Ngàn Nưa còn là địa danh gắn với nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử lẫy lừng: Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Theo sử sách, năm 248, Triệu Thị Trinh cùng anh trai Triệu Quốc Đạt đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi ách đô hộ của nhà Ngô. Để rồi, khi đến đây vãn cảnh, dâng hương, du khách sẽ còn được biết đến nhiều truyền thuyết về các địa danh liên quan đến cuộc khởi nghĩa Bà Triệu như: hang Các Cớ tương truyền là nơi Bà Triệu cất giấu kho vàng cướp được của giặc Ngô; trang Thu tương truyền nơi tiếp nhận quân sĩ từ các nơi kéo về; làng Các (gồm các Xôi, các Sắn) tương truyền là khu vực bếp núc hậu cần của nghĩa quân; Eo Sở tương truyền là nơi nghĩa quân khai thác cây sở để ép làm dầu thấp; bùng Cổ Ngựa là nơi cho ngựa của Bà Triệu tắm và uống nước; bùng Voi Đằm là nơi tắm cho voi của Bà Triệu; Tùng Tù là nơi voi một ngà bị Bà Triệu cùng nghĩa quân đuổi xuống bị sa lầy và được Bà mang về huấn luyện thành voi chiến; Bái Áng là nơi thao diễn luyện tập của nghĩa quân; Bằng Yên Ngựa là nơi Bà Triệu dừng ngựa quan sát xung quanh; Am Tiên (trên đỉnh núi Nưa) là nơi Bà Triệu đóng đại bản doanh; Ao Hóp (trên sườn cao núi Nưa) là nơi Bà Triệu cho đào đắp để giữ nước cho nghĩa quân sinh hoạt; chùa Bích Vân (ở khu vực động Am Tiên) tương truyền là do Bà Triệu cho xây dựng để nghĩa quân cúng Phật; Khe Đá Bàn là nơi Bà Triệu và tướng lĩnh họp bàn việc đánh giặc Ngô; giếng Cô Tiên (trên đỉnh Am Tiên) nơi Bà Triệu tắm…

Nhà nghiên cứu Phạm Tấn – Phạm Tuấn trong cuốn “Thắng cảnh Ngàn Nưa với đền Nưa và Am Tiên cổ tích”, cho rằng: Từ những địa danh và truyền thuyết trên đây, ít nhiều phản ánh được những dấu ấn tinh thần của lịch sử đã từng diễn ra trên vùng đất Kẻ Nưa. Như vậy, núi Nưa của căn cứ khởi nghĩa Bà Triệu chống Ngô năm 248 sẽ còn in đậm mãi mãi trong tâm thức của lớp người hậu thế, với một niềm tự hào khôn xiết. Vì vậy mà từ nơi đền thờ, đến đỉnh Am Tiên và toàn bộ vùng núi Nưa trên đất Triệu Sơn từ lâu đã trở thành vùng đất thiêng để du khách gần xa hành hương thăm viếng tưởng nhớ đến người nữ anh hùng dân tộc hồi thế kỷ thứ III.

Đặc biệt, tương truyền trên dãy Ngàn Nưa tồn tại một huyệt đạo nằm ở đỉnh cao nhất. Đây được xem là nơi giao hòa giữa đất và trời, nên con người có thể cảm nhận được sự chuyển động của vũ trụ. Theo lệ, ngày mùng 9 (âm lịch) tháng Giêng hàng năm là ngày khai hội Am Tiên. Và, theo quan niệm dân gian đây cũng là “Ngày mở cửa Trời”. Bởi vậy, Am Tiên đang trở thành điểm hành hương của đông đảo khách thập phương mỗi độ tết đến, xuân về.

Bài và ảnh: Trần Hằng

———————

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn “Thắng cảnh Ngàn Nưa với đền Nưa và Am Tiên cổ tích”).

Khởi nghĩa Bà Triệu và dấu ấn trong lịch sử dân tộc (Bài 1)

Khởi nghĩa Bà Triệu và dấu ấn trong lịch sử dân tộc (Bài 2)

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây