Kinh tế biển giúp Bạc Liêu đánh thức ‘chàng lực điền say ngủ’

Bạc Liêu từng được ví von như “chàng lực điền say ngủ trên cánh đồng màu mỡ”, nhưng nay đang vươn mình thức giấc biến gió thành năng lượng để phục vụ đời sống, mang lại giá trị kinh tế. 

Nhân dịp đầu Xuân Quý Mão, có cuộc trò chuyện với ông Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu về định hướng phát triển kinh tế đưa tỉnh sớm trở thành một trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Mekong ASEAN: Ông có thể cho biết chủ trương, chính sách về định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong trung hạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 của tỉnh Bạc Liêu? Đâu là những trụ cột trong phát triển của tỉnh, thưa ông?

Ông Phạm Văn Thiều: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và UBND tỉnh Bạc Liêu đã đề ra chủ trương, định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. Cụ thể, phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp với trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm. Đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dự án xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Triển khai xây dựng “Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là phát triển nguồn năng lượng tái tạo và nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu. Đồng thời, tích cực phối hợp với ngành điện đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình đường dây và trạm biến áp cao thế phục vụ đấu nối các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí. Tạo mọi điều kiện để các dự án điện gió, điện mặt trời triển khai xây dựng và đưa vào vận hành khai thác.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, lưới điện. Phát triển du lịch Bạc Liêu trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh; chú trọng phát triển doanh nghiệp du lịch. Tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất, kinh doanh; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và công dân theo hướng tinh gọn, minh bạch, công khai.

Xây dựng mô hình y tế chất lượng cao; tập trung phát triển kỹ thuật cao cho y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện; khuyến khích xã hội hóa trong phát triển y tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh triển khai các dự án y tế chất lượng cao trên địa bàn. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo chất lượng cao. Tiến hành đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Thực hiện tốt chính sách thu hút, sử dụng, bồi dưỡng nhân tài, khuyến khích tài năng.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực. Chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện tốt chính sách xã hội, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, bảo đảm ổn định và phát triển xã hội bền vững. Gắn kết chặt chẽ các chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bảo đảm mọi người đều bình đẳng, có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bac Lieu xac dinh 5 tru cot phat trien kinh te xa hoi - Kinh tế biển giúp Bạc Liêu đánh thức ‘chàng lực điền say ngủ’

Theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2025, Bạc Liêu xác định 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội. Đầu tiên là tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; xây dựng mô hình nông nghiệp điển hình dựa trên các lợi thế, đặc thù của tỉnh.

Thứ hai là tập trung triển khai quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực, nhất là dự án về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí. Trụ cột thứ ba là đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Phấn đấu là một trong những trung tâm du lịch của vùng. Thứ tư là đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ; giáo dục, y tế chất lượng cao. Trụ cột thứ năm là tăng cường phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Mekong ASEAN: Với rất nhiều tiềm năng, lợi thế của một địa phương ven biển, Bạc Liêu nhìn nhận lợi thế này như thế nào? Tỉnh đã và đang có những chủ trương, chính sách gì nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển?

Ông Phạm Văn Thiều: Bạc Liêu là tỉnh đồng bằng ven biển thuộc vùng ĐBSCL, có địa giới hành chính tiếp giáp với các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, có bờ biển dài 56km với 4 cửa biển lớn gồm: Gành Hào, Cái Cùng, Chùa Phật, Nhà Mát, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng 20.742,4km2 và ngư trường rộng trên 40.000 km2. Tỉnh có vị trí nằm trên các trục đô thị Biển Đông, Biển Tây và trục hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), kết nối đường biển trong vùng Nam Bộ và vịnh Thái Lan.

Đây là vị trí thuận lợi để tỉnh khai thác và phát triển điện gió theo hướng phát triển năng lượng sạch, bảo vệ môi trường; nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản; phát triển du lịch biển.

Tỉnh đã xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”; toàn tỉnh đã hình thành 5 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích 3.900 ha.

Tiếp tục thực hiện chính sách phát triển mạnh đội tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển… gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng – an ninh.

Phát triển du lịch biển, thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch, resort cao cấp phù hợp đặc thù văn hóa, sinh thái, ẩm thực của địa phương, nhất là các khu, điểm du lịch ven biển gắn với rừng, khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, các dự án điện gió dọc bờ biển.

Về năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, hoàn thành đưa vào hoạt động 8 dự án điện gió, với tổng công suất là 469,2MW, về điện mặt trời mái nhà, có 1.619 hộ lắp đặt, tổng công suất 151,9 MW. Tổng sản lượng điện điện gió, điện mặt trời mái nhà đạt 693,26 triệu kWh giúp giảm phát thải khí nhà kính khoảng 586.359,31 tấn CO2/năm.

Tỉnh phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh từ biển, giàu từ biểnưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo, gắn kết với các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics; chú trọng đầu tư nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), điện khí và xây dựng các cụm kinh tế đô thị ven biển kết hợp với du lịch biển; phát triển khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển.

Tinh phan dau dua Bac Lieu tro thanh tinh manh tu bien - Kinh tế biển giúp Bạc Liêu đánh thức ‘chàng lực điền say ngủ’

2 3 - Kinh tế biển giúp Bạc Liêu đánh thức ‘chàng lực điền say ngủ’

Mekong ASEAN: Ông đề cập tới “Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước”, ông có thể chia sẻ cụ thể thêm về các kế hoạch trọng tâm thời gian tới để thực hiện thành công tầm nhìn đó?

Ông Phạm Văn Thiều: Việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu sẽ là tiền đề thúc đẩy, nhân rộng, phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao thời gian tới, sớm đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của Việt Nam.

1 3 - Kinh tế biển giúp Bạc Liêu đánh thức ‘chàng lực điền say ngủ’

Để phát triển hiệu quả, bền vững mô hình nuôi này, tỉnh đã phối hợp với Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lập Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Trong đó đặc biệt chú trọng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Xây dựng vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao, sản xuất được khoảng 40-45 tỷ con giống đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của tỉnh đồng thời xuất sang các tỉnh lân cận. Phát triển năng lực chế biến, đưa tổng công suất thiết kế đạt 160.000 tấn/năm.

Đặc biệt là tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng mạnh mẽ thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số, nhất là thương mại điện tử, bán hàng trên mạng trong nông nghiệp nói chung, nhằm mở rộng thị trường ra ngoài thị trường trong nước, quốc tế; có cơ chế, chính sách kịp thời giải quyết khó khăn trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, kiên quyết không để tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là ngành tôm.

frame - Kinh tế biển giúp Bạc Liêu đánh thức ‘chàng lực điền say ngủ’

Mekong ASEAN: Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ “Xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia trong đó trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí”. Theo ông, đâu là những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh xác định trong phát triển năng lượng?

Ông Phạm Văn Thiều: Bạc Liêu được xác định là tỉnh có tiềm năng thế mạnh về năng lượng tái tạo với bờ biển dài 56 km, vùng ven biển có gió mạnh và khá ổn định, bình quân tốc độ gió là 7m/s, càng ra khơi xa tốc độ gió càng cao. Tỉnh có nắng hầu như quanh năm, với số giờ nắng đạt khoảng 2.200-2.700 giờ/năm (giá trị bức xạ đạt trên 4,8kWh/m2/ngày), điều kiện khí hậu tốt, địa hình bằng phẳng, rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần…

Trên cơ sở lợi thế sẵn có như trên, cùng với xác định 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Bạc Liêu tập trung vào nhiệm vụ đẩy mạnh Phát triển năng lượng sạch tỉnh Bạc Liêu gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, bảo đảm cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

3 3 - Kinh tế biển giúp Bạc Liêu đánh thức ‘chàng lực điền say ngủ’

Đẩy nhanh công tác lập Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó tích hợp Phương án phát triển năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh công tác thu hút, mời gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện gió đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh và các dự án nguồn và lưới điện khác theo Quy hoạch điện VII.

Việc tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.

MekongASEAN: Ông có chia sẻ gì về những kết quả ban đầu trong phát triển năng lượng là tiền đề vững chắc để tỉnh Bạc Liêu vươn lên trở thành một trong những trung tâm về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của quốc gia?

Ông Phạm Văn Thiều: Trước đây theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tỉnh Bạc Liêu có 2 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất là 1.200 MW (thuộc Trung tâm điện lực Bạc Liêu có tổng quy mô công suất là 3.600 MW). Song vì Trung tâm Điện lực Bạc Liêu là các Nhà máy nhiệt điện than, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái khu vực biển, ven biển và định hướng phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Vì vậy, tỉnh đã mạnh dạn đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận rút Dự án Nhà máy nhiệt điện than Bạc Liêu ra khỏi Quy hoạch điện VII điều chỉnh để tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Thực tế đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 8 nhà máy điện gió đang vận hành thương mại với tổng công suất là 469,2 MW, đứng thứ nhất khu vực ĐBSCL và đứng thứ 3 trong cả nước tổng sản lượng điện gió đến tháng 10/2022 đạt trên 2 tỷ kWh, giúp giảm phát thải khoảng 1.608.200 tấn CO(hệ số phát thải là 0,8041tCO2/MWh), mang lại những hiệu quả kinh tế – xã hội – quốc phòng – an ninh rất rõ ràng.

Đặc biệt, tăng nguồn điện sạch, an toàn, thân thiện môi trường, thực hiện chủ trương tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Chính phủ, các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm thiểu khí CO2 ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh khoảng 450 tỷ đồng mỗi năm.

Đồng thời đang triển khai thực hiện 2 dự án điện gió khác với tổng công suất là 191 MW. Đáng chú ý, tỉnh đã thu hút Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.

4 3 - Kinh tế biển giúp Bạc Liêu đánh thức ‘chàng lực điền say ngủ’Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

NỘI DUNG: KIỀU CHINH THIẾT KẾ: PX NGHĨA

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây