Lê Thiết Cương – con đường hội họa từ biểu hình, biểu ý đến biểu tâm

Lê Thiết Cương - con đường hội họa từ biểu hình, biểu ý đến biểu tâm

Chơi với họa sĩ Lê Thiết Cương, được ông thương quý, coi như người em nhỏ, thỉnh thoảng tôi được mời qua căn nhà nghệ sĩ của ông ở 39A phố Lý Quốc Sư (Hà Nội) – nơi đã trở thành một địa chỉ văn hóa nổi tiếng hội tụ biết bao gương mặt văn nghệ sĩ, đã trở thành một salon art sang cả (của cá nhân họa sĩ). Vừa nhâm nhi chút rượu Whisky vừa trò chuyện, xem ông vẽ, gặp gỡ anh em, bạn bè trong và ngoài giới là một trải nghiệm tuyệt vời, rất khác với kiểu xem tại triển lãm hay bảo tàng khi tác phẩm đã xong. Việc xem tranh trong quá trình thực hiện tác phẩm của họa sĩ như một chu trình chuyển hóa, như một tham dự đồng điệu khi tranh dần thành hình là trải nghiệm vô giá để hiểu rõ về nội tâm và hóa cảnh của người họa sĩ…

Từ năm 2019 đến nay, nhất là hai năm 2020 và 2021, là thời điểm hoành hành dữ dội của đại dịch Covid-19, có lúc Hà Nội phải phong thành, đóng cửa nhưng tôi vẫn qua lại căn nhà của họa sĩ Lê Thiết Cương. Năm 2020, kỉ niệm 200 năm mất của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, Lê Thiết Cương âm thầm khởi động dự án Vẽ Kiều ở tuổi gần 60, độ tuổi chín của đời người, tròn một vòng hoa giáp. Ông đọc, nghiên cứu tư liệu, nhập vào Truyện Kiều, nhập vào thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du, nhập vào tâm sự các nhân vật và từng bức, từng bức minh họa Truyện Kiều ra đời. Trong những ngày phong tỏa do đại dịch Covid, ông miệt mài vẽ, say sưa như chưa bao giờ được như thế, nhập tâm, nhập Kiều cao độ…

Lê Thiết Cương vẽ trên một loại chất liệu do ông sáng tạo ra và xiển dương nó suốt ba chục năm ròng là bột màu trên giấy dó bồi vải màn. Cả trăm năm nay nhân loại mới sáng tạo ra sơn dầu, sơn mài… và vẫn vẽ trên đó, bởi vậy tạo ra một chất liệu mới cho hội họa là một việc khó vô cùng. Vậy mà ông đã sáng tạo một chất liệu rất dân tộc, dân dã, truyền thống Việt Nam là bột màu vẽ trên giấy dó bồi vải màn, đó là loại toan vẽ đặc chủng, độc đáo mang dấu ấn của riêng ông. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha theo lời họa sĩ kể mà ghi lại: Đầu tiên là ngâm giấy dó vào nước cho giãn đều. Khi giấy dó vớt ra gần ráo nước, họa sĩ bôi keo vào bốn mép giấy dán trên một bản gỗ dày. Dán xong để khô, họa sĩ phác thảo bằng chì. Xong xuôi mới bắt đầu công đoạn bồi tấm vải màn trên mặt giấy dó. Cương bảo công đoạn này có gì đó tương tự như nghệ nhân sơn mài bọc vải màn vào tấm gỗ để làm vóc, nhưng lại được gọi bằng cái tên rất hay là “đánh vải”. Động từ “đánh” trong tiếng Việt được làm mềm trở lại. Đáng yêu quá, tiếng ta! Cương bảo thuở hàn vi, thân mẫu phải làm bánh nướng, bánh dẻo, bánh khảo, oản bột… để đưa bán cho các cửa hàng chè chén. Vì sẵn có bột nếp ở nhà nên đã nghĩ ra chất liệu này. Triển lãm cá nhân đầu tiên của Lê Thiết Cương ở Đồng Dao (Hà Nội) cũng là triển lãm trình làng chất liệu bột màu/ vải màn (5/1991).

Trien lam ca nhan dau tien cua Le Thiet Cuong o Dong Dao Ha Noi min - Lê Thiết Cương - con đường hội họa từ biểu hình, biểu ý đến biểu tâm

Được trò chuyện, trao đổi với họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha về Truyện Kiều, về văn thơ của Tố Như… khiến một người sưu tầm tư liệu về Nguyễn Du và Kiều như tôi ngộ ra nhiều điều về cái hay, cái đẹp, cái độc đáo trong nghệ thuật thi ca của cụ Nguyễn và về hội họa của chính Lê Thiết Cương. Từng bức tranh hiện ra, tình ý mênh mông, thơ mộng… Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nổi tiếng với thi pháp đồng hiện chợt cao hứng vịnh mỗi bức tranh một bài thơ ba câu rất đặc sắc, tôi đùa ông đấy là thơ vụt hiện, mà đều rất hay, rất đúng với ý tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương. Có thể nói, đó là cuộc song tấu giữa thi ca và hội họa, giữa thi ca của Nguyễn Du và tranh Lê Thiết Cương, giữa thơ của Nguyễn Thụy Kha và hội họa của Lê Thiết Cương… để một ngày Lê Thiết Cương chốt lại con số 23 bức vẽ Kiều cùng một bức minh họa câu thơ chữ Hán của Nguyễn DuChung tri vô tự thị chân kinh (kinh không bằng chữ – tâm kinh, kinh trong lòng mới là kinh thực).

Là một kẻ rong chơi lang thang giang hồ, đọc sách, làm thơ, chơi sách mấy chục năm, trước đây tôi có để ý đến hội họa nhưng chưa hiểu biết sâu lắm, qua tiếp xúc với Lê Thiết Cương tôi mới trân trọng, tự tìm học thêm và cũng học lỏm được ở ông thêm rất nhiều để có thể sưu tập, trao đổi một số bức tranh tôi thích. Biết tôi thích sưu tập tư liệu, sách về Nguyễn Du và Truyện Kiều, ông gom những cuốn sách, ít bức tranh Kiều (bản in từ tranh ông vẽ) dành tặng lại tôi như một trao gửi tri âm.

Qua những gì tôi biết, tôi hiểu, thì hội họa – mà người ta hay phức tạp hóa lên bởi đủ thứ chủ nghĩa, phong cách, trường phái, tức là các ism nọ ism kia – tựu trung có hai con đường mà thôi: biểu hình và biểu ý. Hai con đường này cuối cùng dẫn đến con đường biểu tâm là cái đỉnh mà bất cứ họa sĩ nào cũng mong muốn đạt tới trong nghề, trong đời.

Hội họa biểu hình là dùng nét, màu vẽ ra những gì anh thấy, phản ánh thực tại khách quan, hiện thực thế nào vẽ thế ấy với bố cục, đường nét chặt chẽ, họa hình hình họa, dùng hình soi hình… Hội họa biểu ý là dùng nét, màu vẽ ra những gì trong tâm trí anh, vẽ điều anh nghĩ, anh cảm, dùng hình soi ý, mổ xẻ tiếng lòng của người nghệ sĩ với tự nhiên và nhân sinh. Hai con đường này, khi họa sĩ đạt đến cảnh giới đỉnh cao, thì đều dẫn đến biểu tâm – tranh là người, người là tranh, hội họa là nhân học, là đốn ngộ.

Trước đây, rất nhiều họa sĩ, trong đó có các bậc thầy, đã thử sức minh họa Truyện Kiều, từ minh họa đầu tiên do một họa sĩ vô danh thực hiện trên bản Kiều Nôm hoàng gia triều Nguyễn lưu tại Thư viện Anh quốc đến sau này đều chỉ dựa trên cái nhìn biểu hình, do vậy chỉ câu nào có mô tả hình ảnh, phong cảnh, con người… thì các cụ minh họa thành công. Còn với họa sĩ Lê Thiết Cương, xuất phát từ hội họa biểu ý, tối giản nên có thể phổ họa những câu hiểm hóc, chỉ có ý không có hình trong Kiều như: Phận sao bạc chẳng vừa thôi/ Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan; Thương thay cũng một kiếp người/ Hại thay mang lấy sắc tài làm chi; Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần… Không biểu ý, không tối giản thì sẽ không thể minh họa được những câu thơ như vậy.

Quá trình vẽ Kiều, họa sĩ Lê Thiết Cương ngộ ra rằng Truyện Kiều là tiếng lòng, là triết lí chữ tơ và chữ lòng nên những màu, những sắc, những mảng maché, những nét đan thanh, những vô lí thơ mộng… trong tranh của ông đã đạt được hiệu quả biểu ý. Tranh là ý, là người, là diễn dịch, diễn giải riêng của Lê Thiết Cương với thế giới nghệ thuật, thế giới nhân vật của Nguyễn Du. Lê Thiết Cương đọc Kiều qua tranh từ thi ca đến hội họa, do vậy đã biểu hiện được tác phẩm của đại thi hào qua tâm, đó là biểu tâm, là vẽ Kiều Tâm. Tôi hiểu, với ông vẽ như là “mĩ học của cái khác”; không khác, lặp lại, ông sẽ không làm, như thế mới thách thức bản lĩnh sáng tạo của người nghệ sĩ nơi ông. Ông tâm sự, khi mới bắt đầu con đường hội họa, bản thân cũng đi vào con đường biểu hình. Qua nhiều vấp váp, thử thách, ông hiểu mình phải làm khác đi. Quá trình đó lại hữu duyên được nhạc sĩ, thi sĩ Đặng Đình Hưng điểm hóa. Ông đã rẽ sang ngả tối giản, biểu ý và định hình được một phong cách riêng giữa muôn vàn khuôn mặt hội họa Việt Nam hiện đại. Vốn là người yêu thi ca, văn học, lại tiếp xúc nhiều, yêu quý trân trọng các nhà thơ, văn nghệ sĩ (và hình như ông cũng bí mật làm thơ nữa) hay có thể nói là sống trong trí quyển của thi ca và văn học nên hội họa của ông biểu ý mà vẫn mênh mông thơ mộng, vừa bố cục chặt chẽ vừa khoáng đạt thênh thang…

Với họa sĩ Lê Thiết Cương, vẽ là kinh nghiệm sống với chủ đề “Kiều”, như họa sĩ tâm tình: “Đó là 24 bức tranh bột màu trên vải màn, được bồi trên giấy dó, cộng thêm 20 lọ gốm Bát Tràng, với những câu thơ khá quen thuộc như Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường, hay Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen được viết trên lọ gốm kèm theo hình vẽ minh họa. Đó cũng là hình ảnh nàng Kiều chơi đàn: lần đầu tiên cho Kim Trọng, lần thứ hai phải chơi cho vợ chồng Thúc Sinh – Hoạn Thư, lần thứ ba phải chơi theo sự ép buộc của Hồ Tôn Hiến với câu thơ đoạn trường Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay… Vẽ được những hình ảnh đó lên lọ gốm cũng là một quá trình thú vị. Muốn vẽ Kiều, tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần Truyện Kiều, đọc cả những bình luận về Kiều của các nhà nghiên cứu tên tuổi… Tôi cũng phải đến các đình, chùa xem hoa văn, họa tiết, các nét chạm khắc… để phổ vào tranh Kiều những tình tự dân tộc, những dấu ấn văn hóa mà như học giả Phạm Quỳnh đã ca ngợi: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn…”

Ở tuổi 60, có một sự nghiệp thành đạt, danh tiếng đã được khẳng định (30 năm luôn nằm trong số ít họa sĩ có tác phẩm bán rất tốt), lẽ ra Lê Thiết Cương có thể sống cuộc sống an nhàn và an toàn, nhưng không, trong con người ông vẫn tràn đầy năng lực sáng tạo, vẫn muốn thử thách bản thân qua vẽ Kiều, con đường mà bao danh gia hội họa đã đi qua và có thành tựu không nhỏ. Đặt mình trước bức tường thử thách sừng sững – hoặc là bại hoặc là vượt qua – dồn lại 2 tháng vẽ miệt mài qua nhiều năm say Kiều, ngấm Kiều, tôi tin Lê Thiết Cương đã thành công và đánh dấu một cột mốc mới trong việc minh họa kiệt tác thiên cổ của Nguyễn Du.

THÁI HOÀNG DUY

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây