Sự giống nhau kỳ lạ giữa ngai vàng triều Nguyễn và vương quốc Lưu Cầu (Nhật Bản)

Sự giống nhau kỳ lạ giữa ngai vàng triều Nguyễn và vương quốc Lưu Cầu (Nhật Bản)
Vua Gia Long (1762 - 1820)

Lưu Cầu (Nhật Bản), một vương quốc thống trị phần lớn quần đảo Ryukyu từ thế kỷ 15, và đến năm 1879 thì được sáp nhập vào đất nước mặt trời mọc. Nhờ nguồn của bạn Hoàng Phước Lộc, phát hiện chiếc ngai vàng của triều Nguyễn (VN) và chiếc ngai vàng của vương quốc Lưu Cầu không rõ cơ duyên nào lại có sự giống nhau đến kỳ lạ.

Giống nhau cả kiểu dáng và cấu trúc

Nhân sự kiện Bảo tàng quốc gia Kyushu (TP.Saifu, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản) tuyên bố đã tìm thấy bức thư cổ nhất của vương quốc An Nam (VN) gửi đến Nhật Bản vào năm 1591, với nội dung kết nối bang giao giữa hai nước, tôi muốn đề cập đến trường hợp ngai vàng của triều Nguyễn (VN) và ngai vàng của vương quốc Lưu Cầu (Nhật Bản) từ nguồn của bạn Hoàng Phước Lộc, bởi không rõ cơ duyên nào mà lại có sự giống nhau đến kỳ lạ.

Chiếc ngai vàng ở điện Thái Hòa được các vua triều Nguyễn ngự tọa thiết triều và đón tiếp sứ giả các nước. Ngai gồm hai phần rời là ngai và đế, tất cả được chế tác bằng gỗ rồi sơn son thếp vàng.

Ngai: Phía trên là phần để tựa lưng và để tay của nhà vua mỗi khi ngự tọa, đó là một thanh tròn có hình dạng như chữ U và có hai đầu rồng ở hai đầu hai bên, liên kết giữa phần tựa lưng và bệ ngồi là một miếng gỗ hình chữ nhật theo chiều dọc ở giữa, và hai bên là hai thanh đỡ.

Chiec ngai vang cua trieu Nguyen min - Sự giống nhau kỳ lạ giữa ngai vàng triều Nguyễn và vương quốc Lưu Cầu (Nhật Bản)Chiếc ngai vàng của triều Nguyễn. NGUYỄN PHÚC BẢO MINH

Chiec ngai vang cua vuong quoc Luu Cau min - Sự giống nhau kỳ lạ giữa ngai vàng triều Nguyễn và vương quốc Lưu Cầu (Nhật Bản)Chiếc ngai vàng của vương quốc Lưu Cầu

Trên bề mặt hình chữ nhật có chạm hình rồng 5 móng, miệng ngậm chữ thọ (long hàm thọ). Đầu trên hai bên hình chữ nhật và cũng là phía dưới thanh tròn để tựa lưng, có diềm trang trí hoa văn dây lá cúc hóa dơi. Dưới phần tựa lưng là phần bệ ngồi dạng chân quỳ, xung quanh có hoa văn dây lá. Dưới nữa là phần diềm và đầu các chân quỳ có hình long phù 5 móng được phối cùng các hoa văn mây xoắn và đao lửa.

Đế: Bốn cạnh xung quanh đều trang trí giống nhau là mô típ hai rồng 5 móng triều nhật được phối cùng hoa văn mây xoắn và đao lửa.

Qua hình ảnh cho thấy chiếc ngai vàng của vương quốc Lưu Cầu cũng gồm hai phần là ngai và đế, tất cả cũng được làm bằng gỗ rồi sơn son thếp vàng ở đầu rồng, còn lại các họa tiết được sơn màu trắng.

Ngai: Phần tựa lưng và để tay ở ngai cũng là một thanh tròn với dạng hình chữ U và có hai đầu rồng, ở giữa có văn trang trí hình mặt trời, hai bên là văn mây rồi đến hai đầu rồng. Tiếp đến là liên kết giữa tựa lưng và bệ ngồi thì ở giữa cũng là miếng gỗ hình chữ nhật theo chiều dọc và hai bên là hai thanh đỡ. Trên bề mặt hình chữ nhật được chia làm ba ô, ô trên là hình hoa cúc (thẳng hàng với hình mặt trời phía trên), ô giữa là hình rồng 4 móng, ô dưới cùng là hình sóng nước. Phía trên hai bên hình chữ nhật là các họa tiết hình như là đao lửa. Phía dưới hai bên hình chữ nhật, mỗi bên có hai ô trang trí hình rồng 4 móng chầu vào hoa văn sóng nước. Tiếp nữa là phần bệ ngồi, cũng là dạng chân quỳ, xung quanh có băng hoa văn chữ công, dây hoa lá, dưới nữa là phần diềm và chân quỳ được trang trí hai rồng 4 móng chầu vào hình mặt trời và phối cùng với hoa văn mây lửa.

Đế: Bốn cạnh xung quanh là băng hoa văn chữ công, hoa dây lá cúc.

Về kiểu dáng và cấu trúc: Hai ngai đều có hai phần rời là ngai và đế. Tiếp đến phần dựa lưng thì chúng đều là hình như chữ U và có hai đầu rồng. Tiếp nữa là phần bệ ngồi cũng là kiểu chân quỳ. Còn loại hình trang trí thì hai ngai đều có rồng, mặt trời, mây lửa. Riêng về bố cục trang trí thì qua quan sát tôi còn thấy chúng đều có trục trung tâm và đối xứng ở hai bên như:

Chiếc ngai của triều Nguyễn, trục trung tâm bắt đầu từ rồng trang trí ở hình chữ nhật thuộc lưng ngai, tiếp đến là mặt long phù ở giữa diềm chân quỳ, tiếp nữa là hình mặt trời ở cạnh đế. Đối xứng ở hai bên là hoa văn dây lá cúc hóa dơi, mặt rồng ở hai bên chân quỳ, hai rồng ở cạnh đế. Chiếc ngai của vương quốc Lưu Cầu, trục trung tâm bắt đầu từ hình mặt trời ở lưng ngai, tiếp xuống dưới là hoa cúc, rồng, sóng nước, mặt trời (ở diềm chân quỳ).

Như vậy, nhìn chung thì hai ngai giống nhau cả về kiểu dáng, cấu trúc, bố cục trang trí và cả hình tượng trang trí, chỉ khác nhau một số chi tiết. Ngai triều Nguyễn, rồng 5 móng, không có hoa cúc. Ngai vương quốc Lưu Cầu, rồng 4 móng, có hoa cúc.

Những vấn đề đặt ra

Về vương quốc Lưu Cầu, theo tài liệu lịch sử, là một vương quốc thống trị phần lớn quần đảo Ryukyu từ thế kỷ 15, đến năm 1879 thì được sáp nhập vào Nhật Bản. Ở lĩnh vực giao thương, theo các tài liệu thì vương quốc Lưu Cầu có lợi thế về mặt địa lý là nằm trên thương lộ từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á, khiến xứ này là trung gian giao thương. Riêng ở những thế kỷ 16, 17, 18 vương quốc Lưu Cầu giao thương rất nhiều với Đàng Ngoài và Đàng Trong của VN, được sử sách nói đến khá nhiều. Tiếp đến thế kỷ 19 vẫn còn giao thương với vương triều Nguyễn.

Nếu xét về lịch sử mỹ thuật thì hoa cúc và mặt trời đã xuất hiện ở VN từ thời Đông Sơn, tức là trước Công nguyên. Còn mô típ lưỡng long triều nhật thì VN được biết sớm nhất từ thời Trần (1225 – 1400). Tiếp đến là nghệ thuật trang trí với quy luật là trục trung tâm và đối xứng ở hai bên thì ở VN cũng đã có từ thời Lý (1010 – 1225), trong khi vào thời gian này vương quốc Lưu Cầu chưa hình thành.

Nhìn chung, với các phân tích nêu trên mới chỉ làm rõ được phần nào. Vấn đề mấu chốt còn lại cần được làm sáng tỏ: Giữa vương triều Nguyễn và vương quốc Lưu Cầu phải chăng có con đường giao thoa dẫn đến sự kỳ lạ giữa hai chiếc ngai là sự giống nhau đến… sửng sốt như vậy?

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây