Người của đế chế La Mã đến Việt Nam

Người của đế chế La Mã đến Việt Nam - Trần Thanh Ái

Người của đế chế La Mã đến Việt Nam

Trần Thanh Ái

Trong một thời gian khá dài, tâm thức của người Việt đã đồng hóa “người Tây” là người “Phú lang xa”, người Pháp, chứ không còn có ý nghĩa tổng quát là “người đến từ phương Tây”. Điều đó không khó hiểu: những đau thương trong thời Pháp thuộc đã khắc sâu vào tâm não của người Việt những dấu ấn không bao giờ bị xóa nhòa, đến độ sự xuất hiện của người phương Tây thuộc các dân tộc khác rất ít được chú ý tới, kể cả trong giới nghiên cứu. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cố gắng điểm lại những dấu vết của người của đế chế La Mã trên đất Việt, mở đầu cho loạt bài lần lượt nói về những dân tộc khác từ phương Tây đến Việt Nam trước khi người Pháp xâm chiếm đất nước ta.

1. Cổ sử Trung Hoa nói v việc người của đế chế La Mã đến Việt Nam

Các tài liệu cổ của Trung Hoa đã nhắc đến việc tiếp xúc giữa hai châu lục Âu – Á qua ngã Nhật Nam, Giao Chỉ (miền Bắc Việt Nam) từ rất sớm: đầu tiên là Ngụy lược, kế đến là bộ Nhị thập tứ sử của Trung Hoa với Hậu Hán thưNgụy thưLương thư, và cả bộ Minh sử gần đây. Vì không đủ khả năng đọc tài liệu bằng tiếng Hán, nên chúng tôi đành phải dựa vào các bản dịch tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh của các tài liệu nói trên.

1.1. Ngụy lược (魏略 Weilue)

Ngụy lược được Ngư Hoạn (魚豢 Yu Huan) biên soạn trong khoảng thời gian từ năm 239 đến 265, ghi lại những biến cố trong thời Tam quốc của Trung Hoa từ năm 189 đến năm 280, là bộ sách đầu tiên có đề cập đến nước Đại Tần mà sau này người ta đã chứng minh đó là thuộc lãnh thổ của đế quốc La Mã. Bộ sách này được xác định là đã thất lạc vào đời Đường, vì trước đó, vào năm 429, Bùi Tùng Chi vẫn còn đọc được, và đã trích đăng một phần vào cuối chương 30 của quyển 1 bộ sử Tam Quốc chí khi ông được giao bổ sung. Năm 1885 Friedrich Hirth dịch một phần sang tiếng Anh rồi cho in trong quyển China and the Roman Orient: Researches into Their Ancient and Medieval Relations as Represented in Old Chinese Records. Sau đó, năm 1905, Édouard Chavannes dịch phần còn lại và đăng trong tạp chí T’oung Pao số 5 từ trang 519-571, với tựa “Les pays d’occident d’après le Wei lio”. Gần đây, J.E. Hill cũng đã dịch Ngụy lược ra tiếng Anh với tựa là The people of the West from the Weilue (2003). Trong Ngụy lược có đoạn nhắc đến con đường giao thương trên bộ và đặc biệt là con đường băng qua biển mà bến dừng chân là một nơi thuộc địa phận Giao Chỉ, để từ đó đi vào đất Trung Hoa.

“Ngoài con đường đi từ Đại Tần[1] bằng đường bộ vòng lên phía Bắc của biển, còn một con đường khác đi theo đường biển phía Nam và thông với phía Bắc của người rợ ngoại biên ở bảy quận của Giao Chỉ[2] [miền Bắc Việt Nam][3]; và cũng có đường thủy đi qua Ích Châu và Vĩnh Xương[4] [nay thuộc tỉnh Vân Nam]. Đó chính là lý do tại sao nhiều vật dụng lạ mắt từ Vĩnh Xương mà lan truyền ra khắp nơi.” (Hirth F. 1885, tr.74-75)  

Bản dịch của J. E. Hill có khác vài chỗ so với bản dịch của Hirth, như có thêm chú thích (trong ngoặc đơn) Đại Tần là lãnh thổ La Mã (Roman territory), đường thủy đến Ích Châu là Sông Hồng của Việt Nam ngày nay, tuy nhiên cơ bản vẫn là cho biết có hai lộ trình đi từ nước Đại Tần đến Trung Hoa, một bằng đường bộ ở phía Bắc và một bằng đường biển vòng xuống phía Nam để băng qua Ấn Độ dương rồi ngược lên phía Bắc đến đất Giao Chỉ:

“Cũng như đường bộ đi từ Đại Tần1 (lãnh thổ La Mã) ngang qua Hải Bắc[5] (phía Bắc của Biển – vùng đất nằm giữa Ai Cập và Parthia[6]), một con đường khác cũng men theo biển Nam dọc theo bảy quận của Giao Chỉ2 (trải dài theo bờ biển miền Bắc Việt Nam), các quận này có tiếp xúc với nhiều nước ngoài. Gần đó[7] là một đường thủy (sông Hồng) dẫn đến Vĩnh Xương ở Ích Châu3 (một quận ngày nay ở phía Nam Vân Nam). Đó là lý do tại sao nhiều mặt hàng hiếm có xuất xứ từ Vĩnh Xương”. (Hill E. J., 2004, không đánh số trang)

Khi dịch bộ Tam Quốc chí, đương nhiên là Bùi Thông cũng có dịch đoạn trích dẫn từ Ngụy lược ra tiếng Việt. Tuy nhiên, khi đối chiếu các bản dịch với nhau, người đọc cảm thấy phân vân, vì các bản tiếng Pháp và Anh đều nói về hai lộ trình từ Đại Tần đến Trung Hoa, còn bản dịch của Bùi Thông thì lại nói về “đường vào” nước Đại Tần. Người đọc càng hoang mang khi đang được hướng dẫn đến Đại Tần thì ngay lập tức lại được chuyển qua Giao Chỉ và các nước lân cận, như thể Đại Tần là nước kề cận với Giao Chỉ! Đó là chưa nói đến sự mông lung trong câu cuối nói về “vật lạ” xuất hiện ở Vĩnh Xương.

“Đường vào nước Đại Tần đã từ phía bắc biển đi bộ đã thông, lại men theo biển mà xuống phía nam mà trao đổi với các nước rợ ở ngoài bảy quận Giao Chỉ, lại có đường sông thông với quận Ích Châu, quận Vĩnh Xương, cho nên quận Vĩnh Xương xuất vật lạ.” (Bùi Thông 2016, tr.632)

Khi đọc lướt qua các đoạn dịch, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng Bùi Thông bám khá sát với nguyên văn chữ Hán, còn Hirth và Hill thì diễn giải khá chi tiết, và không ngần ngại cung cấp thêm thông tin đặt trong ngoặc vuông […] hoặc ngoặc tròn (…) để người đọc dễ hiểu. Liệu có phải các nhà nghiên cứu phương Tây đã diễn dịch quá xa so với nguyên văn chữ Hán? Hay là vì nguyên văn chữ Hán quá cô đọng nên có thể có nhiều cách hiểu khác nhau? Vì thế, khi đọc đến đây, trong đầu người đọc lởn vởn nghi vấn “Liệu Đại Tần có đúng là đế quốc La Mã không?” Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin chép nguyên văn tiếng Hán của đoạn văn này, được in lại trong quyển China and the Roman Orient của Hirth xuất bản năm 1885 để những độc giả tinh thông chữ Hán có thể kiểm chứng lại các bản dịch:

“大秦道既從海北陸通又循海而南與交趾七郡外夷北又有水道通益州永昌故永昌出異物” (Hirth F. 1885, tr. 113)

1.2. Hậu Hán thư (後漢書 Hou Hanshu)

Được biên soạn xong vào năm 445, Hậu Hán thư ghi chép giai đoạn lịch sử từ năm 25 đến năm 220. Nếu hai bộ sử đầu của Nhị thập tứ sử là Sử Ký và Hán thư chỉ đề cập đến nước 黎軒 (Lê Hiên)[8] là nước xa nhất ở Tây Vực, thì Hậu Hán thư đề cập đến nước 大秦 Đại Tần.

Visdelou đã trích dịch một số đoạn của chương 78 của bộ sử này[9] ra tiếng Pháp và công bố trong quyển IV bộ sách Bibliothèque orientale, ou Dictionnaire universel contenant tout ce qui fait connoître les peuples de l’Orient xuất bản tại La Haye (Hà Lan) năm 1779. Chương này có tên là Tây vực truyện 西域傳 nói về các nước nằm ở phía Tây Trung Hoa, trong đó có Đại Tần. Hơn một thế kỷ sau, năm 1882 A. Wylie đã dịch sang tiếng Anh một số quyển[10] của bộ Hậu Hán thư và đã đăng trên tạp chí Revue d’Extrême-Orient (số 1 năm 1882) và đặt tên cho loạt bài này là “Ethnography of the After Han Dynasty”:

– quyển 115: “History of the Eastern Barbarians” tức “Đông di liệt truyện” (tr.52-83);

– quyển 116: “History of the Southern and South-Western Barbarians” tức “Nam Man Tây Nam Di liệt truyện” (tr.198-246)

– và quyển 117: “History of the Western Keang” tức “Tây Khương liệt truyện” (tr.423-478).

Năm 1885, Friedrich Hirth dịch sang tiếng Anh một phần của chương 88 tên là Hsi-yü-chuan (Tây Vực truyện) với tiểu tựa bằng tiếng Anh “Account of the countries of T’iao-chih and An-hsi”), và cho in trong quyển China and the Roman Orient đã nói ở trên. Năm 1907, Edouard Chavannes dịch toàn bộ quyển 118 (tức chương 88 theo cách xếp của Hirth) ra tiếng Pháp với tựa đề “Les pays d’occident d’après le Heou Han chou” và đăng trên tạp chí T’oung Pao, số 8, từ trang 149 đến 244. Năm 2003, John E. Hill cũng đã dịch và chú giải chương 88 của Hậu Hán thư với tựa là “The Western Regions according to the Hou Hanshu” và công bố trên trang web của Đại học Washington. Sau đó, năm 2009 Hill xuất bản thành sách tên là Through the Jade Gate to Rome: A Study of the Silk Routes during the Later Han Dynasty 1st to 2nd Centuries CE (Nxb. BookSurge Publishing, Charleston, South Carolina, Hoa Kỳ).

Tại sao nhiều học giả phương Tây quan tâm đến các chương (quyển) này của Hậu Hán thư? Vì đó là tài liệu khá đầy đủ đầu tiên do Trung Hoa ghi lại mối bang giao sớm sủa giữa họ với các nước nằm ở phía Tây, và nhất là với đế quốc La Mã. Và đặc biệt là tài liệu này có nói về việc đoàn sứ giả của đế quốc La Mã thời bấy giờ đi qua Trung Hoa bằng đường biển sau khi cặp bến ở đất Giao Chỉ. Thật vậy, nếu phần còn sót lại của Ngụy lược chỉ nói lướt qua về hai lộ trình đi từ Đại Tần sang Trung Hoa, thì Hậu Hán thư cung cấp cho người đọc thêm một số chi tiết liên quan đến các cuộc tiếp xúc giữa đế quốc La Mã và Trung Hoa vào năm 166 bằng đường biển qua ngã miền Bắc Việt Nam:

“Vua nước này luôn muốn gửi sứ giả đến nhà Hán 漢, nhưng nước An Tức (Parthie)[11] vì muốn kiểm soát việc mua bán tơ lụa của Trung Hoa nên đã đóng cửa con đường giao thương để không cho người La Mã buôn bán trực tiếp với Trung Hoa. Nhưng rồi thì vào năm thứ 9 Diên Hi[12] (năm 166), dưới thời hoàng đế Houan 桓, Ngan-touen 安敦 (Marcus Aurelius Antoninus), đã cử các sứ giả đi qua xứ Je-nan[13]日南 (miền Bắc Việt Nam), để dâng tặng ngà voi, sừng tê giác, và vẩy đồi mồi. Đó chính là lần đầu tiên có bang giao (giữa hai đất nước). Cống phẩm mang đến không có giá trị cũng không phải vật hiếm hoi, nên đã gây nên nghi ngờ là thông tin (về Đại Tần) đã bị thổi phồng.” (Chavannes E. 1907, tr.185)

Hirth cho biết thêm là trong phần biên niên sử của Hậu Hán thư (chương 7, tr. 4) việc này xảy ra vào tháng thứ 9 của năm Diên Hi thứ 9, tức tháng 10 năm 166 (Hirth, 1885, tr. 42).

Nếu Ngụy lược chỉ nói đến hai con đường đi đến Trung Hoa, thì Hậu Hán thư cho chúng ta biết thêm nhiều chi tiết, từ lý do phải tìm con đường mới đi về phía Nam cập bến Nhật Nam (vùng Thanh Hóa của Việt Nam ngày nay), đến tên hoàng đế La Mã, thời gian đến Trung Hoa, lộ trình di chuyển, và các phẩm vật triều cống. Thậm chí, câu cuối của đoạn trích trên đây hé lộ cho người đọc biết là người Trung Hoa nghĩ rằng đế quốc La Mã rất giàu có, nên rất bất ngờ về các tặng vật quá tầm thường. Trong bản dịch của Visdelou (1779, tr. 391) và Hirth (1885, tr. 42), người đọc chỉ biết tên hoàng đế La Mã qua cách phiên chuyển Ngan-thun (Visdelou) hoặc An-tun (Hirth). Còn bản dịch của Chavannes và Hill cho người đọc biết được tên bằng chữ Hán của vị hoàng đế này là 安敦, và cả tên bằng tiếng latinh Marcus Aurelius Antoninus. Từ đó, người đọc có thể xác định đó là rể của hoàng đế Antoninus Pius, và là vị hoàng đế thứ năm trong nhóm Ngũ Đại hoàng đế theo cách gọi của Machiavelli.

1.3. Ngụy thư (魏書Wei Shu)

Do Ngụy Thâu (Wei Shou) biên soạn từ năm 554 đến 559. Quyển 102 của bộ sử này tên là Tây Vực truyện 西域傳 nói về các nước ở phía Tây Trung Hoa, trong đó có phần nói về Đại Tần Quốc 大秦国. Visdelou và Hirth đã trích dịch một số đoạn có đề cập đến đế quốc La Mã trong tài liệu này.

So với Ngụy lược và Hậu Hán thư, quyển này không cung cấp thêm cho người đọc thông tin gì mới mẻ về đế chế La Mã: sau khi giải thích tại sao nước ấy có tên Đại Tần, Ngụy thư cho người đọc thông tin về đất nước, về tài nguyên thiên nhiên, về sản vật làm ra. Ngụy thư cũng nhắc đến con đường biển mà người La Mã đi đến miền Bắc Việt Nam, rồi từ đó có đường sông đi Vân Nam (Trung Hoa).

1.4. Lương thư (梁書 Liang shu)

Lương thư do Diêu Tư Liêm biên soạn từ năm 629 đến năm 636, ghi chép giai đoạn lịch sử từ năm 502 đến năm 556. Hirth đã dịch chương 54 của bộ sách này sang tiếng Anh và xuất bản trong quyển China and the Roman Orient. Ngoài việc nhắc lại lần tiếp xúc đầu tiên năm 166 giữa La Mã và Trung Hoa, Lương thư có cung cấp thêm một số chi tiết mà Ngụy lược[14], Hậu Hán thư và Ngụy thư không đề cập đến:

“Vào năm thứ 9 Diên Hi triều Hán Hoàn đế[15] [= năm 166 Tây lịch] vua nước Đại Tần là An-tun đã gửi một đoàn sứ giả mang cống vật đến từ biên giới Nhật Nam [nước An Nam]; trong triều đại nhà Hán họ chỉ liên lạc một lần [với Trung Hoa]. Thương nhân của nước này thường xuyên đến xứ Phù Nam [Xiêm, Campuchia?], Nhật Nam [An Nam] và Giao Chỉ [miền Bắc Việt Nam]; nhưng ít người dân của các nước giáp với biên giới phương Nam đến được xứ Đại Tần.” (Hirth, tr. 47)

Có lẽ đây là lần đầu tiên sách sử Trung Hoa nói về việc thương nhân La Mã thường xuyên đến các xứ Phù Nam (nguyên văn: 扶南), Nhật Nam và Giao Chỉ, và cũng ghi nhận rằng ít người dân của các nước này đến được xứ Đại Tần. Dường như không có sách lịch sử Việt Nam nào nhắc tới sự kiện này, nhưng có lẽ các kết quả khai quật khảo cổ học trong vùng Đông Nam Á, và nhất là di chỉ Óc Eo vào thời Pháp thuộc đã gián tiếp xác nhận sự giao lưu này. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần sau của bài viết. Đặc biệt là Lương thư có ghi chuyến đi năm 226 của sứ giả La Mã ghé đất Giao Chỉ:

“Trong năm Hoàng Vũ[16] thứ 5 của Tôn Quyền[17] [= năm 226] một thương nhân xứ Đại Tần có tên là Tần Luân[18] đến đất Giao Chỉ [miền Bắc Việt Nam]; viên thái thú ở đó lúc bấy giờ là Ngô Mạc[19] đã đưa ông ta đi gặp Tôn Quyền [Ngô Đại đế], Tôn Quyền bèn bảo sứ thần tường trình về xứ sở và dân chúng ở đó.” (Hirth, tr. 47-48)

1.5. Minh sử (明史 Ming Shi)

Được biên soạn xong vào năm 1739, Minh sử vẫn còn dùng chữ “Đại Tần” để chỉ nước phương Tây này, trước khi nó được gọi là La Mã đế quốc (羅馬帝國) như ngày nay. Công việc biên soạn bộ sử này bắt đầu từ năm 1645, có nghĩa là phải mất 94 năm để hoàn thành năm, nên chúng ta có thể tin rằng các kiến thức địa lý đã được cập nhật theo sự hiểu biết của các sử quan thời bấy giờ, và các địa danh cũng được làm sáng tỏ hơn hoặc ít ra cũng đã được kiểm chứng nhiều lần. Đây là đoạn nói về Đại Tần:

“Phật Ma[20] thì cũng giống với Ta-ts’in của thời nhà Hán. Nước ấy đã liên lạc với Trung Hoa lần đầu vào thời Hán Hoàn-đế [147-168 sau CN]. Trong thời nhà Tần và Ngụy, nước ấy cũng được gọi là Ta-ts’in, và có triều cống cho Trung Hoa. Trong thời nhà Đường, nước ấy được gọi là Phật Ma. Trong thời nhà Tống cũng vẫn gọi như vậy, và họ nhiều lần gửi cống phẩm; nhưng Tống sử lại nói rằng trong suốt nhiều triều vua họ không gửi cống vật cho triều đình chúng ta, gây nghi ngờ là lai lịch của họ không phải là Ta-ts’in.” (Hirth, tr.64-65)

Tuy không nói đến việc cập bến Nhật Nam, nhưng đoạn trích trên đây tái khẳng định cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa đế quốc La Mã và Trung Hoa vào năm 166. Đặc biệt những ghi chép trên đây cho phép chúng ta đi đến kết luận như sau:

– “Ta-ts’in của thời nhà Hán”, tức là Ta-ts’in mà người thời nhà Hán đã biết, tức là từ 206 TCN đến năm 220 SCN. Khoảng thời gian đó tương ứng với đế quốc La Mã chưa bị chia đôi, và thường được gọi là đế quốc La Mã cổ đại (từ 27 TCN đến 476 SCN), kinh đô là Rome.

– “Trong thời nhà Đường, nước ấy được gọi là Phật Ma. Trong thời nhà Tống cũng vẫn gọi như vậy”: nhà Đường trị vị Trung Hoa từ năm 618 đến năm 907, và nhà Tống trị vì từ 960 đến 1279. Khoảng thời gian này nằm trong thời kỳ thịnh vượng của đế quốc La Mã phương Đông, còn được gọi là đế quốc Byzantine (từ năm 330 đến năm 1453), kinh đô là Constantinople.

Điều đó có nghĩa là Đại Tần (Ta-ts’in, Da Qin) là từ dùng để chỉ lãnh thổ của đế quốc La Mã cổ đại, và Phật Ma (Fu-lin) để chỉ lãnh thổ của đế quốc La Mã phương Đông.

1.6. Nam phương thảo mộc trạng (南方草木状)

 

aa 4 min - Người của đế chế La Mã đến Việt Nam
Người Đại Tần được vẽ vào thế kỷ XVII, trong sách Tam tài đồ hội 三才圖會 của Vương Kỳ (1529 – 1612) (from the Asian Library in the University of British Columbia, Domaine public)

Do Kê Hàm 嵇含 biên soạn năm 304 thời nhà Tấn. Đây không phải là chính sử Trung Hoa, mà chỉ là những ghi chép về các loại thực vật của các nước phương Nam. Tuy nhiên, nó góp phần xác định là các nhà buôn thuộc đế chế La Mã cổ đại đã đến Việt Nam nhiều lần chớ không phải chỉ có 2 lần như Lương thư đã viết, và không chỉ thuần túy là để quá cảnh. Tác giả cho biết:

“Năm Thái Khang thứ 5 (284), lái buôn Đại Tần (Đông La Mã) đã mua ở Giao Chỉ ba vạn tờ giấy trầm hương (…) chế bằng vỏ và lá cây gỗ trầm, rất thơm và bền, màu trắng, có vân như mắt cá lớn, bỏ xuống nước không nát, đem dâng cho vua Tấn.” (Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, 1991, tr.235).

 

 

2. Tài liệu phương Tây nói về Đại Tần và quan hệ với Trung Hoa

Quyển Những Kỳ quan thế giới của Marco Polo ra đời đã làm cho niềm khát khao hiểu biết của người dân châu Âu dâng cao. Người ta truyền cho nhau những bản chép tay quyển sách ấy bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Phương Đông trở thành một thanh nam châm hút nhiều giới người về phía nó: nhiều đoàn người ngựa đi về phương Đông để mua bán, truyền đạo, khám phá, tìm kiếm vận may… Những ghi chép và thư từ trao đổi giữa họ đã cung cấp cho châu Âu nhiều kiến thức mới mẻ về một vùng đất mà trước đây họ chỉ nghe đồn đoán. Trào lưu tìm hiểu phương Đông đã ra đời như thế, và dần trở thành những ngành khoa học, trong đó có ngành Hán học (tiếng Anh: sinology, tiếng Pháp: sinologie). Quyển sách đầu tiên trên thế giới về lịch sử Trung Hoa do người phương Tây biên soạn có lẽ là quyển Historia de las cosas mas notables ritos y costumbres del gran reyno de China của Juan González de Mendoza, một tu sĩ người Tây Ban Nha, xuất bản năm 1586, sau đó được dịch ra nhiu thứ tiếng của châu Âu. Trong quyển này, tác giả chỉ dùng chữ “Roma” và các từ phái sinh của nó khi nói v La Mã (đế chế, giáo hội, kiến trúc, v.v.), và không nói gì v mối bang giao xa xưa giữa Trung Hoa và đế quốc La Mã.

Kế đến là quyển Relação da propagação de fé no reyno da China e outros adjacentes của nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha A. Semedo biên soạn năm 1637, được dịch ra tiếng Pháp năm 1645 với tên là Histoire universelle du grand Royaume de la Chine. Trong quyển này, Semedo dịch các chữ 大秦國 ở cột 12 trên tấm bia là “Royaume de Tacin” (tr. 223, 224) nói về đạo Cảnh giáo[21] được khắc trên bia đá được phát hiện ở Trường An (Thiểm Tây) năm 1625. Tấm bia ấy có tựa là “Đại Tần Cảnh giáo lưu hành Trung Quốc bi” (大秦景教流行中國碑). Sau phát hiện này, các nhà nghiên cứu phương Tây mới bắt đầu quan tâm đến bang giao giữa nước Đại Tần và Trung Hoa thời cổ đại, và bắt đầu tìm hiểu cổ sử Trung Hoa.

bb min - Người của đế chế La Mã đến Việt NamPhần trên của tấm bia được tìm thấy ở Trường An (Thiểm Tây) năm 1625.

Có lẽ De Guignes là nhà Hán học đầu tiên đề cập đến bang giao giữa Trung Hoa và đế quốc La Mã cổ đại: năm 1756 trong quyển Histoire générale des Huns… (Tome premier, Partie première), phần biên niên về triều đại Đông Hán có đoạn viết:

“Năm 97 Pan-tchao (Ban Siêu) cử một trong số các tướng lĩnh của mình đến bờ biển Caspi, với ý định đi vào đất Ta-tsin(b), tức đế quốc La Mã.” (De Guignes, 1756, tr.30)

Trong đoạn trích trên, tác giả làm chú thích (b) có nội dung như sau:

“Một số nhà truyền giáo đã dịch không đúng chữ Ta-tsin là Judée, điều này khiến cho nhiều nhà viết sử của chúng ta cho rằng Pan-tchao đã vào được vùng Palestine, nhưng lịch sử Trung Hoa chỉ nói là ông ấy mới chỉ có ý định vào Ta-tsin, tức các xứ nằm giữa biển Caspi và Địa Trung Hải.” (De Guignes, 1756, tr.30-31)

Kế đến, tác giả nói về đoàn sứ giả đầu tiên của người La Mã đến Trung Hoa năm 166 bằng đường biển qua các cảng ở Ấn Độ:

“Năm 166(a), Gan-tun vua của Đại Tần hay của người La Mã (Marc-Aurele Antonin) phái sứ giả đi qua ngã Ấn Độ đến triều kiến Hoàng đế” (De Guignes, 1756, tr.31)

Hoặc về một đoàn sứ giả khác: “Năm 284 người La Mã hay Ta-tsin gửi cống vật cho ông” (tr.38). Tất cả các trường hợp trên đều được tác giả giải thích rõ là đế quốc La Mã. Tuy nhiên, tác giả lại lúng túng trong cách phiên chuyển sang ký tự latinh tên nhà Tần và nước được gọi là Đại Tần, khiến người đọc bối rối: ở trang 18 tác giả dùng chữ trong tựa “Dynastie des Ta-tsin, c’est-à-dire des grands Tsin” để chỉ triều đại của các vua nhà Tần khi xóa sổ các nước thời chiến quốc.

Sau De Guignes là nhiều nhà Hán học khác công bố các kết quả tìm hiểu của mình về bang giao giữa nước Đại Tần và Trung Hoa cổ đại. Năm 1779 Visdelou dùng chữ “Taçin” để chỉ nước này (tr.391). Năm 1826 Klaproth dùng chữ “Ta thsin” (tr. 68).

Sau môt thời gian tìm hiểu tài liệu cổ của người Trung Hoa, giới nghiên cứu ở châu Âu bắt đầu tranh luận về việc định vị nước Đại Tần, do các tài liệu cổ sử Trung Hoa viết quá sơ lược. Thậm chí có người còn cho rằng Đại Tần chính là nước Ba Tư, như E. Renan và S. Julien (Renan E. 1855, tr. 269-270)! Nhưng dần dần mọi người đều thống nhất rằng Đại Tần ban đầu dùng để chỉ lãnh thổ của đế quốc La Mã cổ đại, mà có thời nó trải dài đến tận vịnh Persic, và sứ giả Đại Tần không nhất thiết phải đến từ La Mã, mà hoàn toàn có thể là từ một vùng đất nào đó nằm dưới sự kiểm soát của đế quốc La Mã. Sau đó, chữ “Đại Tần” vẫn tiếp tục được sử dụng song song với địa danh “Phật Ma” để chỉ đế quốc La Mã phương Đông.

3.Bằng chứng khảo cổ

Ba năm sau khi Pháp chiếm Vĩnh Long, tạp chí chuyên về tiền cổ Revue numismatique (số 9 năm 1864) xuất bản tại Paris có đưa tin:

“Một phát hiện hơn cả phi thường vừa được ông E.Egger báo cho chúng tôi: một đồng tiền bằng đồng có hình Maximin le Goth với dòng chữ IMP. MAXIMINVS PIVS với hình bán thân đầu đội nguyệt quế. Mặt trái có dòng chữ FIDES MILITVM[22] với hình người phụ nữ cầm hai lá cờ, được tìm thấy ở một địa điểm đóng quân của Pháp gần Mỹ Tho, xứ Nam Kỳ, đã được đại úy Hải lục quân Botet báo cáo. Nhiều đồng tiền La Mã thường xuyên được phát hiện ở Ấn Độ, đôi khi với số lượng rất lớn. Nhà bác học James Prinsep đã cho biết số lượng tìm được trên tạp chí Journal de la Société asiatique de Calcutta, và một bộ sưu tập đặc biệt cũng đã được thành lập; nhưng theo chúng tôi biết, đồng tiền có hình một hoàng đế Maximin của ông Botet là đồng tiền cổ đầu tiên đã được tìm thấy ở một nơi rất xa với phương Tây.” (Revue numismatique 1864, tr. 481)

Rất tiếc là trình độ kỹ thuật vào thời đó không cho phép tạp chí giới thiệu hình ảnh đồng tiền ấy cho độc giả quan sát. Nhưng chúng tôi tin rằng các nhà bảo tàng học Pháp vẫn còn lưu giữ đồng tiền ấy ở trong một viện bảo tàng nào đó tại Paris.

Sau này, Malleret còn tìm thấy trong Văn khố Pháp Hải ngoại các giấy tờ cho biết thông tin là năm 1862, một trung sĩ Pháp bị triệu hồi về nước vì vi phạm kỹ luật, đã xác nhận là đã thu gom ở Campuchia được một bộ sưu tập gồm bình gốm và đồng tiền Hy Lạp và La Mã (Malleret L. 1957, tr. 333).

Và đặc biệt là khi khảo sát tại Óc Eo, Malleret đã tìm thấy một đồng tiền dập nổi có ghi tên hoàng đế Antonin le Pieux và năm trị vì thứ 15, tức năm 152, một đồng tiền vàng khác mờ hơn, mà người ta cho là đã đọc được tên của hoàng đế Marc Aurèle trên đó, và một đồng khác có khoen tròn dùng để đeo, có hình nổi đã mờ (Malleret 1951, tr.87), cùng với một số hạt ngọc La Mã hoặc mô phỏng theo kiểu La Mã và nhiều vật dụng khác (Coesdes, 1947, tr. 196)

dd min - Người của đế chế La Mã đến Việt Nam

Đồng tiền La Mã có dập nổi dòng chữ ANTONINVS AVG PIVS được tìm thấy ở Óc Eo, hiện được lưu giữ tại Viện Viễn Đông Bác cổ (Paris), ký hiệu EFEO-VIE01835

Những bằng chứng khảo cổ trên tuy chưa cho phép kết luận là chính người La Mã đã đặt chân đến đó, nhưng cũng cho thấy là ít nhất đã có sự giao lưu hoặc trực tiếp hoặc qua trung gian của một nhóm dân cư nào đó với danh nghĩa của các hoàng đế La Mã cổ đại, hoặc đơn giản chỉ là đối tác thương mãi của đế quốc La Mã. Lịch sử còn ghi là năm 116 hoàng đế La Mã lúc bấy giờ là Trajan đã đặt chân đến thành phố cảng Charax Spasinu bên bờ Vịnh Persic để dự lễ xuất quân của đoàn tàu thuyền đi về phương Đông bằng đường biển qua ngã Ấn Độ. Gần đây, vào năm 2013 khi khai quật phế tích của lâu đài cổ Katsuren trên đảo Okinawa (phía Nam Nhật Bản), người ta tìm thấy nhiều đồng tiền cổ La Mã bằng đồng do hoàng đế La Mã Constantin đệ Nhất phát hành (nửa đầu thế kỷ IV). Điều đó cho thấy là ngay từ đầu thế kỷ II SCN con đường biển mà người phương Tây đi về phương Đông không ngừng được sử dụng, và bán đảo Đông dương là một trong những trạm dừng chân của họ.

Những dữ liệu trên đây đã góp phần tạo nên minh chứng cho những ghi chép trong cổ sử Trung Hoa về việc người của đế chế La Mã thường xuyên đến các nước nằm trên bán đảo Đông dương: “Thương nhân của nước này thường xuyên đến xứ Phù Nam, Nhật Nam và Giao Chỉ” (Lương thư).

Thay lời kết luận

Sau các chuyến cập bến miền Bắc Việt Nam đã nêu bên trên, sử sách Trung Hoa không cho biết thêm là đế chế La Mã còn dùng đường biển để đến Trung Hoa lần nào nữa không, nhưng có điều chắn chắn là An Nam trong một thời gian dài đã trở thành đầu cầu cho các nước phương Tây đi Bắc Á qua vùng biển Đông Nam Á. Pelliot dẫn một tài liệu Trung Hoa gián tiếp cho thấy điều đó:

“Năm 792, thái thú vùng Lĩnh Nam 嶺南 (tức vùng Lưỡng Quảng) dâng một sớ cho nhà vua phàn nàn về việc tàu bè nước ngoài gần đây có thói quen dừng lại 南 An Nam (miền Bắc Việt Nam ngày nay), và xin hoàng đế Trung Hoa cử một phái viên đi cùng với một viên chức của tỉnh đến đó để cấm việc buôn bán.” (Pelliot P., 1904, tr. 133-134)

Điều đó cho thấy rằng vào thời ấy, biển Đông của Việt Nam cũng đã có nhiều tàu thuyền từ khắp nơi qua lại tấp nập. Nhưng trong nhiều thế kỷ đầu công nguyên, người Việt vẫn còn chìm đắm dưới ách đô hộ và chính sách ngu dân của Trung Hoa, nên gần như người Việt không có ghi chép nào về đất nước, con người và các hoạt động vào thời ấy, và vì thế không còn lưu giữ được ký ức nào về sự tương tác với người của đế chế La Mã cổ đại.

(Bài đã đăng trong tạp chí Xưa & Nay, số tháng 11 và 12/2020)

 


 

Tài liệu tham khảo

Bùi Thông 2016 (dịch). Tam Quốc chí, tập 1 Ngụy thư. Hà Nội: Nxb Văn Học (bản điện tử).

Chavannes E. 1905. Les pays d’occident d’après le Wei lio. Tạp chí T’oung Pao số 5 (1905)

Chavannes E. 1907. Les pays d’occident d’après le Heou Han chou. Tạp chí T’oung Pao, số 8 (1907).

Coedes G. 1947. “Fouilles de Cochinchine. Le site d’Oc-èo, ancien port du royaume de Fou-Nan”, Artibus Asiae 1947 Vol. 10 No 3.

De Guignes 1756. Histoire générale des Huns, des Turcs et des Mogols et des autres Tartares occidentaux. Paris: chez Desaint & Saillant.

Hill E. John, 2003. The Western Regions according to the Hou Hanshu. University of Washington, http://depts.washington.edu/silkroad/texts/hhshu/hou_han_shu.html, truy cập tháng 9 năm 2020.

Hill E. John 2004. The Peoples of the West from the Weilue. University of Washington, http://depts.washington.edu/silkroad/texts/weilue/weilue.html, truy cập tháng 9 năm 2020.

Hirth Fr. 1885. China and the Roman Orient: Researches Into Their Ancient and Medieval Relations as Represented in Old Chinese Records. Leipsic & Munich: Georg Hirth; Shanghai & Hongkong: Kelly & Walsh.

Klaproth J. 1826. Tableaux historiques de l’Asie. Paris: Schubart Editeurs.

Malleret L., 1951. Les fouilles d’Oc-èo (1944). Rapport préliminaire. Tạp chí BEFEO XLV 1951 (1), 75-88.

Malleret L. 1957. Traces de Rome en Indochine, in Proceedings of the Twenty-second Congress of Orientalists, Istanbul 15/9-22/9/1951, Tome 2 (Communications). Leiden Brill, 1957.

Mendoza Juan González, 1586. Historia de las cosas mas notables ritos y costumbres del gran reyno de China. Barcelona: Joan Pablo Manescal.

Semedo A. 1645. Histoire universelle du grand Royaume de la Chine. Paris: Chez Sebastien & Gabriel CRAMOISY.

Pelliot P. 1904: Deux itinéraires de Chine en Inde à la fin du VIIIe siècle. Tạp chí  BEFEO, số 4.

Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, 1991. Lịch sử Việt Nam, tập 1 (in lần thứ ba). Hà Nội: Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp.

Renan E. 1855. Histoire générale et système comparé des langues sémitiques. Paris: Imprimerie Impériale.

Visdelou C., 1779. Bibliothèque orientale, ou Dictionnaire universel contenant tout ce qui fait connoître les peuples de l’Orient, Tome IV. La Haye: J. NEAULME & N. van DAALEN.

Wylie A. 1882. Ethnography of the After Han Dynasty. Trong tạp chí Revue d’Extrême-Orient, số 1. Paris: Ernest Leroux.


[1] Nguyên văn chữ Hán là 大秦. Hirth viết là Ta-tsin, còn Hill viết là Da Qin và kèm thêm chữ Hán.

[2] Nguyên văn chữ Hán là 校趾. Hirth viết là T’iao-chih, còn Hill viết là Tiaozhi.

[3] Trong bài viết này, tất cả các chú thích đặt trong ngoặc vuông […] hoặc ngoặc tròn (…) ở những đoạn trích dẫn đều là của các dịch giả.

[4] Hirth viết là Yi-chou và Yung-ch’ang, còn Hill viết là Yizhou 益州 và Yongchang 永昌, ngày nay là thị trấn Bảo Sơn (Bǎoshān 保山).

[5] Bảng tiếng Anh của Hill là Haibei, sau đó có chú thích trong ngoặc đơn ‘North of the Sea’.

[6] Là vùng Parthava ở Đông Bắc Iran ngày nay.

[7] Hill chú thích là ông dựa theo bản in năm 1975 của China Library Edition ghi là 比, còn Hirth ghi là 北 (phía Bắc).

[8] F. Hirth phiên chuyển là Li-kan.

[9] Đối chiếu văn bản, chúng ta có thể nhận ra là phần trích dịch này nằm trong liệt truyện thứ 78, tức là quyển 88 (vì phần Liệt truyện 列傳 được xếp sau 10 quyển của phần Kỷ 紀.

[10] Wylie thì dịch 卷 là book, còn các dịch giả khác thì dịch là chapter hoặc chapitre (chương). Theo cách sắp xếp phổ biến hiện nay thì đó là các quyển 85, 86 và 87. Sự khác biệt này có lẽ xuất phát từ việc Wylie đặt 30 quyển của phần Chí 志 đứng trước phần Liệt truyện, nên số thứ tự của các liệt truyện tăng lên cao.

[11] Chavannes phiên chuyển là Ngan-xi. Parthie (tiếng Anh là Parthia), là một vùng đất nằm ở phía Đông Bắc cao nguyên Iran, là cái nôi của đế quốc Parthie vào các thế kỷ thứ 2 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 3 sau công nguyên.

[12] Nguyên văn chữ Hán là 延熹, Chavannes phiên chuyển là yenhi, còn Hirth viết là yen-hsi và Hill viết là yanxi.

[13] Nhiều tài liệu phương Tây phiên chuyển từ 日南 là Jy nan (Klaproth 1826) hoặc Jih-nan (Hirth), hay Je-nan (Visdelou), hoặc Rinan (Hill) tức Nhật Nam, là vùng đất từ Hoành Sơn đến Quảng Nam (Lịch sử Việt Nam, tập 1, tr.208).

[14] Một vài tài liệu nói là Nguỵ lược và Lương thư có nói đến đoàn sứ giả La Mã đến Trung Hoa qua ngã Việt Nam, nhưng chúng tôi chỉ tìm thấy chi tiết này trong Lương thư mà thôi.

[15] Chữ Hán là 漢桓帝, Hirth viết là Huan-ti of the Han dynasty.

[16] Chữ Hán là 黄武, Hirth phiên chuyển là Huang-wu.

[17] Chữ Hán là 孫權, Hirth phiên chuyển là Sun-ch’uan.

[18] Chữ Hán là 秦論, Hirth phiên chuyển là Ts’in-lun.

[19] Hirth dịch chức vụ và họ tên của vị quan này ra tiếng Anh là “the prefect [t’ai-shou] of Chiao-chih, Wu Miao”, còn nguyên văn tiếng Hán là 太守吳邈 (thái thú Ngô Mạc). Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên và Việt Nam sử lược ghi tên viên thái thú là Trần Thì: “Năm bính-ngọ (226) là năm Hoàng-vũ黄武 thứ 5 nhà Ngô, Sĩ Nhiếp mất, con là Sĩ Huy士徽 tự xưng làm Thái-thú. Ngô-chủ là Tôn quyền 孫權 bèn chia đất Giao-châu, từ Hợp phố về bắc gọi là Quảng-châu 廣州, từ Hợp phố về nam gọi là Giao-châu 交州. Sai Lữ Đại 吕岱 làm Quảng Châu thứ sử, Đái Lương 戴良 làm Giao-châu thứ sử, và sai Trần Thì 陳時 sang thay Sĩ Nhiếp làm thái-thú quận Giao-chỉ.” (Trần Trọng Kim, 1971, tr.44)

[20] Nguyên văn chữ Hán là 拂菻, từ điển Hán Nôm https://hvdic.thivien.net phiên âm Hán Việt là Phật Ma, Hirth phiên chuyển là Fu-lin. Một số tài liệu trên mạng phiên là Phật Lâm, Phất Lâm, Phất Lẫm

[21] Một nhánh đạo Thiên chúa hội phương Đông được truyền bá ở Trung Hoa vào các thế kỷ VII-X và XIII-XIV. Tiếng Anh là Nestorian Church.

[22] – IMP. MAXIMINVS PIVS: viết đầy đủ là Imperator Maximinus Pius (hoàng đế La Mã 138-161).

– FIDES MILITVM: nghĩa là “lòng trung thành của quân đội”

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây