Thung lũng Tử thần ở California, Mỹ được mệnh danh là nơi nóng nhất trên Trái Đất nhưng nếu mọi người cho rằng thung lũng này được đặt tên do cái nóng như thiêu đốt ở đây thì họ đã nhầm.
Khi các đợt nắng nóng tiếp tục bao trùm Bắc bán cầu, nhiều du khách đang kéo đến nơi được coi là nóng nhất trên Trái Đất – Thung lũng Tử thần ở California – với hy vọng trải nghiệm nhiệt độ cao kỷ lục tại đây.
Thung lũng với tên gọi chết chóc này đã giữ kỷ lục về nhiệt độ không khí nóng nhất từng được ghi nhận, lên tới hơn 56 độ C vào năm 1913.
Nhưng nếu mọi người cho rằng thung lũng này được đặt tên do cái nóng như thiêu đốt ở đây thì họ đã nhầm – bởi tên gọi này bắt nguồn từ một thảm họa xảy ra vào mùa Đông.
Nằm ở phía Đông Nam California gần biên giới bang Nevada, Thung lũng Tử thần nép mình ở phía bắc Sa mạc Mojave giữa bốn dãy núi: Dãy Panamint ở phía Tây, Dãy Amargosa ở phía Đông, Dãy núi Grapevine ở phía Bắc và Dãy núi Owlshead ở phía Nam.
Cư dân nguyên thủy ở khu vực này, những người thổ dân thuộc bộ lạc Timbisha Shoshone, đã quen với môi trường sống ở thung lũng này qua hàng nghìn năm.
Nhưng khi những người định cư từ châu Âu đến được nơi này trong quá trình di cư về phía Tây, họ đã bị địa hình nơi đây làm cho bối rối.
Mặc dù được bao quanh bởi các dãy núi, thung lũng nằm ở độ cao thấp nhất tại Mỹ. Nền sa mạc có tính kiềm khô và thiếu thảm thực vật trong khi những ngọn núi xung quanh giữ nhiệt phản xạ khiến nơi đây nóng khủng khiếp vào mùa Hè và thậm chí không thể ở được ngay cả vào mùa Đông.
Trước khi vàng được phát hiện ở đây vào năm 1849, vùng đất California đã thu hút nhiều người định cư da trắng đang tìm kiếm một cuộc sống mới giàu có.
Nhiều người trong số họ hoàn toàn không được chuẩn bị cho chuyến hành trình gian khổ băng qua núi non và sa mạc để đến vùng đất mới.
Bất chấp việc nhiều người định cư da trắng không quen thuộc với địa hình, đoàn người vẫn cố gắng tìm kiếm con đường tắt trên hành trình đến California, đặc biệt là sau khi người ta phát hiện ra vàng ở đó.
Vào tháng 10/1849, các thành viên trong đoàn người di cư do Jefferson Hunt lãnh đạo trở nên mất kiên nhẫn với tốc độ di chuyển và lo lắng họ sẽ bị mắc kẹt trên núi trong mùa Đông nếu không di chuyển nhanh hơn.
Những người này đã cố gắng thuyết phục Hunt thử một con đường khác nhưng không thành công.
Tuy nhiên, một nhóm nhỏ trong đoàn vẫn nghĩ rằng họ có thể tìm thấy một con đường tắt để băng qua Sa mạc Mojave.
Nhiều người dân di cư tới Mỹ đã mất mạng trên hành trình vươt qua Thung lũng Tử thần. (Nguồn: SFGATE).
Sau đó, họ bất ngờ gặp một nhóm khác và được cho xem một bản đồ vẽ tay về một con đường tắt được cho là do một số thợ săn và người leo núi giàu kinh nghiệm nhất trong vùng này vẽ lại.
Sau khi Hunt từ chối đi theo con đường này, được cho là sẽ giảm bớt quãng đường lên tới 800km, phần lớn người trong nhóm đã chia tay để thử con đường được cho là ngắn hơn.
Lúc đầu, có vẻ như họ đã lựa chọn đúng khi con đường mới đi lại dễ dàng hơn. Nhưng chẳng mấy chốc, họ gặp phải địa hình ngày càng hiểm trở và xảy ra nhiều tranh cãi.
Một nhóm đi về phía một ngọn núi gần đó với hy vọng tìm thấy nước. Nhóm còn lại đã tách ra và cố gắng đi về phía Tây để tìm con đường được những người leo núi vẽ ra nhưng hóa ra lại không thực sự tồn tại.
Yếu ớt và kiệt sức, vào tháng 12/1849, cả hai nhóm cuối cùng đã tiến vào một thung lũng rộng chứa đầy các bãi muối và được bao quanh bởi các ngọn núi. Nước khan hiếm trong thung lũng sa mạc và họ chỉ có thể xác định vị trí nguồn nước có tính kiềm cao.
Một nhóm đã phải giết nhiều con bò mà họ dắt theo để bổ sung nguồn thức ăn và đi bộ qua thung lũng, cuối cùng một người thổ dân đã hướng dẫn họ đến nơi an toàn.
Trong khi đó, nhóm còn lại không gặp may mắn như vậy. Trước nguy cơ bị chết khát, họ được cứu nhờ một cơn bão tuyết. Nhưng theo thời gian, những con bò chết vì khát và kiệt sức.
Nhiều người trong số họ cũng không thể chống lại cái lạnh và cơn đói. Cuối cùng, chỉ có một vài người đàn ông tìm được đường vượt qua những ngọn núi.
Sau hơn một tháng, những thành viên còn lại trong nhóm – hầu hết là phụ nữ và trẻ em – được giải cứu bởi hai thanh niên mà họ cử đi lấy đồ tiếp tế.
Khi họ vượt qua dãy núi Panamint, một thành viên trong nhóm đã quay về phía thung lũng và nói “Tạm biệt, Thung lũng Tử thần.”
Thung lũng này vẫn được biết đến là một trong những nơi cằn cỗi và nguy hiểm nhất ở Mỹ.
Năm 1913, nhiệt độ không khí ở đây được ghi nhận lên tới hơn 56 độ C, là nhiệt độ không khí cao kỷ lục thế giới.
Thung lũng Tử thần được mệnh danh là nơi nóng nhất trên Trái Đất. (Nguồn: Getty Images).
Các nhà khí tượng học đã tranh luận về con số này, chỉ ra rằng mức nhiệt tới hơn 56 độ C không phù hợp với nhiệt độ của những nơi khác gần đó và ngay cả những “điểm nóng” kỳ dị trong thung lũng cũng không thể giải thích được những biến đổi đó.
Nhà khí tượng học Christopher C. Burt đã viết trong một phân tích năm 2016: “Có thể chứng minh rằng nhiệt độ 56,67 độ C ở Thung lũng Tử thần được ghi nhận vào ngày 10/7/1913 về cơ bản là không thể xảy ra từ góc độ khí tượng học.”
Tuy nhiên, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cơ quan chuyên xác nhận về nhiệt độ thế giới, vẫn coi đây là một kỷ lục.
Thung lũng Tử thần có thể không được đặt tên theo một ngày Hè nóng thiêu đốt. Nhưng 174 năm sau khi được đặt tên, thung lũng cằn cỗi này vẫn là nơi khắc nghiệt và không phù hợp để sinh sống như thời điểm năm 1849./.