Nhà nho thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh văn hóa dân tộc thế kỷ XIX

Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của danh sĩ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) có nhiều điều thật độc đáo, sinh động và thú vị. Ông sinh ở Gia Định nhưng quê cha ở Thừa Thiên Huế.

Do những biến động của đất nước, thời cuộc và số phận, ông có tuổi thơ gắn bó với Gia Định và nhiều năm trở về xứ Huế, sau này lấy vợ, sinh sống ở cả miền Đông và Tây Nam Bộ. Nghiệm sinh 66 năm trên cõi đời, Nguyễn Đình Chiểu có gần 30 năm theo đuổi con đường khoa cử Nho học và quá nửa phần đời còn lại bị mù, sống trong cảnh loạn lạc, nước mất nhà tan. Nguyễn Đình Chiểu là nhà Nho yêu nước, lại có người em út là Nguyễn Đình Huân tham gia chống Pháp và hy sinh ở Cần Giuộc, cùng việc chứng kiến nhiều tấm gương anh hùng, nghĩa sĩ như: Trương Định, Phan Thanh Giản, Phan Ngọc Tòng nên đã trở thành đối tượng viếng tế trong nhiều tác phẩm của ông. Về cơ bản, Nguyễn Đình Chiểu thuộc kiểu tác giả nhà Nho cuối mùa phong kiến tự chủ và dòng văn học bi hùng yêu nước chống Pháp xâm lược. Thêm nữa, do điều kiện và hoàn cảnh đặc biệt, nội dung thơ văn Nguyễn Đình Chiểu cũng có phần khác biệt so với các nhà Nho canh tân đương thời như kiểu Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), Nguyễn Lộ Trạch (1853-1895)…

Trên thực tế, các vấn đề thuộc về tiểu sử tác giả, nội dung hiện thực cuộc sống đương thời thường có mối liên hệ chặt chẽ với tác phẩm văn học. Với trường hợp Nguyễn Đình Chiểu, điều này càng trở nên sâu sắc, rõ ràng hơn. Xét trên phương diện chủ đề, Nguyễn Đình Chiểu quan tâm phản ánh và khẳng định cả những nội dung thuộc về nghĩa khí con người và phẩm chất đạo đức Nho giáo truyền thống, cũng như những vấn đề in đậm chất thế sự, thời sự. Cần thấy rõ sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu thực sự đa dạng, phong phú, chuyên về chữ Nôm, bao gồm cả dòng cảm hứng lịch sử và hiện thực, cả tác phẩm trường thiên và thơ đoản thiên, cả truyện thơ và loại văn học chức năng (hịch, văn tế), cả các thể Đường luật, phú lục và thơ lục bát truyền thống, dân dã…

Với những đề tài hướng về các giá trị truyền thống, ông đề cao lý tưởng Nho giáo, tư tưởng nhân nghĩa, tập trung xây dựng thế giới nhân vật tuân thủ theo khuôn mẫu “trung, hiếu, tiết, nghĩa”, “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. Xuyên suốt quá trình sáng tác, Nguyễn Đình Chiểu nhấn mạnh những giá trị đạo đức truyền thống: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình” (Lục Vân Tiên); “Xưa nay đều chọn đường trung hiếu/ Sách vở còn ghi lẽ chánh tà” (Đạo trời)… Ông đặc biệt đề cao chí khí và sức mạnh của văn chương: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (Than đạo)…

Với loại đề tài thế sự, Nguyễn Đình Chiểu bắt nhịp với đời sống của nhân dân và số phận của dân tộc, đất nước. Nguyễn Đình Chiểu sống và sáng tác vào đúng giai đoạn chuyển giao thời đại, giữa lúc thực dân Pháp từng bước xâm chiếm và thống trị toàn cõi Việt Nam. Ông lại là người con của Nam Bộ, đứng đầu trận tuyến, cảm nhận rõ việc giặc Pháp đánh chiếm miền Đông, miền Tây rồi cả nước. Bản thân ông là người tài giỏi, có chí, yêu nước nhưng không may bị mù nên càng dốc hết tâm trí vào sự nghiệp văn chương với những tác phẩm xuất sắc: “Chạy giặc” (1859), “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” (1861)… góp thêm tiếng nói vào cuộc đấu tranh chống xâm lược. Ông đề cao tư tưởng nhân nghĩa, đức hy sinh vì quê hương, đất nước: “Làm người trung nghĩa đáng bia son” (Điếu Phan Công Tòng, bài 9); “Vì nước tấm thân đã gửi, còn mất cũng cam/ Giúp đời cái nghĩa đáng làm, nên hư nào nại” (Điếu Trương Định)…

Nha ly luan phe binh Nguyen Huu Son va nha tho Phan Hoang chup anh luu niem voi nhung nu le tan xu dua tai Hoi thao Khoa hoc quoc te min - Nhà nho thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh văn hóa dân tộc thế kỷ XIXNhà lý luận phê bình Nguyễn Hữu Sơn và nhà thơ Phan Hoàng chụp ảnh lưu niệm với những nữ lễ tân xứ dừa tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”

Trong khi thi phẩm “Lục Vân Tiên” có ý nghĩa nối dài sức sống thể loại truyện thơ (kết hợp nhuần nhuyễn tinh thần treo gương đạo lý với điệu thơ lục bát bình dân, ít điển tích, dễ hiểu và hóa thân trong phong cách kể thơ, diễn thơ, đồng thời văn bản sớm được khắc in, phiên âm, dịch sang tiếng Pháp và tái bản nhiều lần giúp cho tác phẩm càng có sức lan tỏa sâu rộng) thì “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” lại vươn tới giá trị tinh kết, đỉnh cao của dòng văn học yêu nước chống xâm lược giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19. Qua bài văn tế, Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng được hình tượng người nghĩa binh nông dân thực sự sinh động, thân thuộc, xuất thân nơi làng quê “toan lo nghèo khó”, “chỉ biết ruộng trâu”, “việc bừa, việc cấy tay vốn quen làm” và tập trung nói về sự hy sinh, mất mát, phản ánh chân thực trang sử bi hùng của các nghĩa binh nông dân đã bỏ mình vì nước.

Ông xác định sự hy sinh cao cả nhưng trước sau vẫn xót xa bởi cái chết vẫn là cái chết, mất mát vẫn là mất mát, một đi không trở lại, không gì có thể thay thế được: “Đâu biết xác phàm vội bỏ”, “nào hay da ngựa bọc thây”, “tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm”… Nỗi đau ấy giăng mắc cả không gian, đất trời và lòng người: “Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng/ Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ”… Điều cần chú ý là tiếng nói khóc thương của Nguyễn Đình Chiểu có buồn thương nhưng không bi lụy. Đoạn kết của bài văn tế trở nên trầm hùng, nỗi đau xót cá nhân nhường chỗ cho tiếng nói ngợi ca và tinh thần trường tồn cùng sử xanh: “Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen/ Thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ…”. Trên tất cả, tinh thần “sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc” tạo nên ý nghĩa thanh lọc sâu lắng, càng khẳng định niềm tin vào sức mạnh dân tộc, giá trị nhân văn và sức mạnh của tinh thần yêu nước.

Văn chương Nguyễn Đình Chiểu đặc biệt phù hợp với người dân vùng đất mở Nam Bộ. Nhắc đến Nguyễn Đình Chiểu là nhớ đến vùng quê sáng tác Nam Bộ. Nhà thơ đã xây dựng được hệ thống nhân vật giàu nhân nghĩa, trung thực, dũng cảm, kết tinh đầy đủ tâm hồn và khí phách người dân phương Nam phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài (tiền). Bằng việc sử dụng ngôn từ chân chất, giàu tính khẩu ngữ, gần với lời ăn tiếng nói thường ngày, Nguyễn Đình Chiểu có được hình thức diễn đạt thực sự đại chúng, dễ hiểu, dễ nhớ. Điều đó phù hợp với đời sống văn hóa, lối cảm, lối nghĩ bình dị của người dân Nam Bộ. Chính nhờ gắn bó với số phận nhân dân, đất nước mà cả hai dòng tác phẩm hướng tâm đạo lý cũng như in đậm chất thời sự chống xâm lăng của Nguyễn Đình Chiểu đều chuyển tải được không khí thời đại, có được khả năng lan tỏa sâu rộng và sức sống vượt thời gian.

PGS-TS NGUYỄN HỮU SƠN

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây