Nhật thực một phần nhìn từ vũ trụ

Nhật thực một phần nhìn từ vũ trụ

MỸVệ tinh GOES-16 ghi lại khoảnh khắc Mặt Trăng che khuất một phần Mặt Trời hôm 30/4.

Nhật thực một phần đầu tiên của năm 2022 diễn ra hôm 30/4 và người yêu thiên văn ở một số khu vực thuộc Nam Mỹ, Nam Cực, có thể quan sát hiện tượng độc đáo. Vùng quan sát này khá hẹp với mọi người trên Trái Đất, nhưng ngoài không gian, vệ tinh GOES-16 của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã có góc nhìn tốt và ghi lại những hình ảnh ấn tượng.

Camera Cực tím Mặt Trời (SUVI) của GOES-16 là kính viễn vọng hướng vào Mặt Trời để theo dõi hoạt động của ngôi sao này. Nó giúp giới khoa học nghiên cứu cũng như dự báo các sự kiện thời tiết không gian có thể tác động đến Trái Đất. GOES-16 cũng có thể quan sát Mặt Trời trong nhiều bước sóng khác nhau. Luc Fontaine, chuyên gia về vệ tinh thời tiết, chia sẻ cảnh quay nhật thực của SUVI trên mạng xã hội Twitter hôm 1/5.

Có hai nhật thực diễn ra trong năm nay và đều không phải nhật thực toàn phần. Điều này đồng nghĩa Mặt Trăng không hoàn toàn che khuất Mặt Trời mà chỉ che được một phần, đồng thời đổ bóng xuống Trái Đất. Nhật thực thứ hai của năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 25/10. Người quan sát nhật thực cần đeo kính bảo vệ vì việc nhìn trực tiếp có thể gây tổn thương mắt.

Các vệ tinh và tàu vũ trụ quan sát Mặt Trời đang tiếp tục bận rộn. Ngôi sao này đang ở trong Chu kỳ Mặt Trời 25, nghĩa là chu kỳ thứ 25 kể từ khi các quan sát chính thức bắt đầu vào năm 1755. Lóa Mặt Trời mạnh nhất trong khoảng 5 năm qua xảy ra hôm 20/4.

Thu Thảo (Theo Cnet)

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây