Những bảo vật quốc gia mới: Tượng thần Vishnu Bình Hòa

Những bảo vật quốc gia mới: Tượng thần Vishnu Bình Hòa
Bảo vật quốc gia tượng thần Vishnu Bình Hòa chụp từ các góc khác nhau BẢO TÀNG ĐỒNG NAI

Những bảo vật quốc gia mới: Tượng thần Vishnu Bình Hòa

Bảo vật quốc gia tượng thần Vishnu Bình Hòa cho thấy việc sùng tượng Vishnu vào thế kỷ 6 – 7.

Pho tượng được ghép lại

Bảo vật quốc gia tượng thần Vishnu Bình Hòa đã được ghép lại sau 2 lần may mắn được tìm thấy 2 phần khác nhau. Phần chân đế bằng đá có dính hai bàn chân trần của pho tượng được tìm thấy ở đoạn sông thuộc TP.Biên Hòa (Đồng Nai) hồi năm 1976. Ông Nguyễn Văn Hưng, công nhân Xí nghiệp khai thác cát Hóa An, đã múc được phần chân đế này. Tới năm 1977, cũng tại đoạn sông đó, vẫn là ông Hưng đã múc tiếp được phần thân tượng. Hai phần tượng này khi đem về gắn thì thấy khớp sát với nhau. Sau đó, tượng và đế tượng được bảo quản tại kho của xí nghiệp. Tháng 4.1977, tượng được bàn giao cho Bảo tàng Đồng Nai.

Hồ sơ bảo vật quốc gia miêu tả tượng có niên đại thế kỷ 6 – 7, được tạc bằng sa thạch, có kết cấu hạt mịn, cứng, màu xám đen. Tượng cao 167 cm, nặng 220 kg. Tượng thần Vishnu Bình Hòa được tạc trong tư thế đứng chính diện, khá cao như kích thước người thật, thể hình thanh thoát, hơi lệch hông về bên phải. Đầu đội mũ hình trụ thẳng, dưới vành mũ trước trán để lộ những lọn tóc.

Tượng thần Vishnu có khuôn mặt bầu; trán cao vừa phải; miệng rộng, hơi mỉm cười tự nhiên; cổ tròn bạnh, ngắn; vai hơi xuôi, bả vai hơi vuông tròn; ngực nở; bụng lép, lưng eo, rốn sâu. Dưới thân quấn sampot dài đến gần đầu gối, vắt từ phải sang trái, mép dưới kéo lên bụng, làm nổi rõ bắp vế hơi nở và mông đầy tròn phía sau. Chân tượng thần thẳng, hơi dạng ra và được gắn lại với hai bàn chân vốn được tạc liền với một bệ tượng hình chữ nhật.

Theo Bảo tàng Đồng Nai, pho tượng có 4 tay, các tay đã bị gãy đến phần cùi chỏ. Chân gãy mất một đoạn từ ống quyển đến mắt cá chân (trái). Hai chân tượng bị gãy rời ra khỏi bàn chân. “Dù thực tế hoàn cảnh phát hiện cho thấy hầu hết các tượng Vishnu đều trong tình trạng gãy vỡ, gây khó khăn rất nhiều cho việc phân loại, nhưng do pho tượng này có kích thước to lớn như người thật, hơn hẳn các pho tượng Vishnu khác”, Bảo tàng Đồng Nai cho biết.

Cũng theo Bảo tàng Đồng Nai, pho tượng đẹp và còn khá nguyên vẹn này được xác định là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo thuộc về Vishnu giáo. Bảo vật quốc gia tượng Vishnu Bình Hòa có thân hình mềm mại, ít cơ bắp, tạo nên vẻ hoàn mỹ đặc trưng. Nhờ đó, các nhà khảo cổ dễ dàng nhận định tượng mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật Phnom Da – Angkor Borei (Campuchia). Thậm chí, bảo vật này có thể là “anh em sinh đôi” với tượng thần Vishnu Toul Da Buon, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng quốc gia Campuchia.

Nghệ thuật tiền Angkor

Bảo vật tượng thần Vishnu Bình Hòa có giải pháp đỡ tượng không phức tạp như các tượng Phnom Da – Angkor Borei thường thấy. Tượng sử dụng 2 cây gậy vừa làm vật tùy thân của thần, vừa là cây chống đứng thẳng từ bàn tay trái xuống bệ. Có thể nói, khung giá đỡ kiểu Phnom Da đã được giản lược để làm lộ rõ hình khối tượng tròn. Đây có thể coi là một sản phẩm nghệ thuật tôn giáo vào loại đẹp và hiếm thấy trong sưu tập tượng tròn cổ ở đồng bằng Nam bộ.

Theo hồ sơ bảo vật, sự xuất hiện của tượng thần Vishnu Bình Hòa góp phần cho các nhà nghiên cứu suy đoán: vào thế kỷ 7 – 8 có 2 trung tâm chế tác tượng theo 2 phong cách khác nhau tuy giải pháp làm bộ phận đỡ tượng khá giống nhau. Một trong 2 phong cách đó là phong cách Phnom Da với không gian phân bố chủ yếu trên vùng đất đông nam Campuchia. Phong cách này tạc tượng cao lớn, mảnh mai, thân hình mềm mại, dáng đẹp. Giới khoa học Pháp gọi đó là nghệ thuật tượng tròn tiền Angkor. Nó cũng cho thấy sự sùng tượng của cư dân thời đó ở vùng Biên Hòa – Đồng Nai.

Hồ sơ cho biết tượng Vishnu này góp phần khẳng định rằng nghệ thuật điêu khắc tượng tròn vào thế kỷ 5 – 7 đã đạt đến đỉnh cao của chuẩn mực hình khối, kích thước. Các chi tiết giải phẫu được làm theo khuynh hướng hiện thực sống động và đầy sáng tạo. “Vẻ hồn hậu sinh động, mang những nét đẹp chuẩn mực và thánh thiện của các vị thần linh khiến cho tôn giáo gần gũi hơn với đời sống hằng ngày và hướng con người tới điều thiện, điều phúc. Ngược lại cũng phản ánh rằng xã hội thời bấy giờ thịnh vượng, an lành, đã tạo nên nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ điêu khắc tạo nên những tác phẩm tuyệt mỹ độc đáo này”, hồ sơ bảo vật quốc gia viết.

Cũng theo hồ sơ bảo vật quốc gia, tượng thần Vishnu Bình Hòa là hiện vật gốc mang tính độc bản, độc đáo, có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và khoa học. Tượng còn là tác phẩm nổi tiếng, được nhiều nước khác nhau trên thế giới mượn của VN để giới thiệu về văn hóa Óc Eo. “Chính vì thế mà năm 2010, tượng Vishnu đã được tổ chức Asia Society (New York) chọn đưa sang Houston và New York (Mỹ) trong trưng bày Nghệ thuật cổ VN – từ đồng bằng đến biển khơi”, hồ sơ bảo vật quốc gia viết.

(còn tiếp)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây