Những vấn đề cơ bản của Triết học ngôn ngữ – GS.TS Lê Huy Bắc

Những vấn đề cơ bản của Triết học ngôn ngữ - GS.TS Lê Huy Bắc

Triết học ngôn ngữ nghiên cứu những vấn đề thuộc về bản chất ngôn ngữ và sự tác động của ngôn ngữ đến đời sống con người. Những nghiên cứu hiện đại và hậu hiện đại của nó đã đặt ngôn ngữ vào vị trí vô cùng quan trọng trong giao tiếp và tri nhận thế giới. Theo đó, các bậc thầy của triết học ngôn ngữ khẳng định ngôn ngữ có sức sống nội tại, luôn chuyển dịch nghĩa trong giao tiếp. Đặc biệt họ cũng đưa ra cảnh báo rằng trong kỉ nguyên kĩ trị, ngôn ngữ có nguy cơ biến con người thành nô lệ của nó, bởi cách sử dụng luôn tuân thủ tập quán đã được lưu giữ trong nó tự bao đời nay.

1. Đặt vấn đề

Ngôn ngữ không chỉ đóng vai trò quan trọng trong tư duy, giao tiếp, nhận thức xã hội,… mà còn là đối tượng quan trọng bậc nhất trong triết học. Trước đây, khi khoa học chuyên sâu chưa phát triển, triết học có xu hướng ôm đồm hết tất thảy. Ngôn ngữ cũng là một phân nhánh của triết học. Nhưng khi các chuyên ngành khoa học hẹp xuất hiện, ngôn ngữ trở thành đối tượng cho chính ngôn ngữ học. Dẫu thế thì ngôn ngữ vẫn không thể đoạn tuyệt với triết học. Không có triết học, đặc biệt là triết học ngôn ngữ thì không thể có những tiến bộ về mặt ngôn ngữ học. Do vậy, bài viết này, đặt ngôn ngữ trong mối quan hệ với cội nguồn triết học để cho thấy tầm quan trọng của triết học đối với sự phát triển của ngành ngôn ngữ học, cũng như sự độc lập nhất định đối với ngôn ngữ trong phạm vi ngôn ngữ học.

2. Nội dung nghiên cứu

Trong cuốn Ngôn ngữ và ý thức (Language and mind), Noam Chomsky (1928) nhận định, “Lí thuyết ngôn ngữ tốt nhất phải là một lí thuyết rất không thoả mãn nhìn từ các quan điểm khác, với một mạng lưới phức tạp các điều kiện đặc thù cho ngôn ngữ loài người, hạn chế những sự cụ thể hoá có thể”1. Tư tưởng này thì chẳng có gì mới nhưng nó lại rất đặc thù cho tư duy hậu hiện đại. Theo đó, mọi thứ đều không và không được phép “độc tôn” và “đứng yên” mà tự thân lẫn trong tương tác xã hội, đều “vận động” không ngừng.

Noam Chomsky được xếp vào nhóm triết gia của trường phái triết học ngôn ngữ. Ông là người chủ trương nhận thức “động” trong kinh nghiệm của con người. Từ vị trí của một triết gia, Noam Chomsky đề xuất một quan điểm gây nhiều tranh cãi khi ông kế thừa từ Martin Heidegger cái nhìn bản thể về ngôn ngữ rằng có những cấu trúc ngôn ngữ nào đó đã tồn tại trước ý thức của con người. Điều này giúp trẻ nhỏ có năng lực làm quen với ngôn ngữ, có thể tiếp thu ngôn ngữ rất nhanh và dễ dàng xâm nhập vào bản chất của ngôn ngữ.

Có thể nói, “tranh luận” là bản chất của tư duy triết học. Không chỉ các triết gia thuộc các trường phái khác nhau (như duy tâm, duy vật hay chiết trung, triết học chính trị hay triết học ngôn ngữ,…) tham gia mà ngay đến các triết gia trong chính trường phái mình cũng tranh luận nhau, kể cả tranh luận về những quan điểm trước đó của mình. “Tranh luận” giúp con người tìm ra chân lí, cũng như “đấu tranh” là động lực thúc đẩy sự tiến bộ xã hội lẫn tự nhiên.

Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của triết học là giúp con người tìm ra cách tối ưu để nhận thức vũ trụ, xã hội và bản thân thông qua con đường cắt nghĩa nguồn gốc, bản chất và vận động của sự vật hiện tượng… Qua đó, triết học định hướng sự tồn tại và phát triển của con người. Nếu Carl Marx xem vận động kinh tế dựa trên thực lực sản xuất là nền tảng cho mọi hình thái xã hội, thì triết học ngôn ngữ đi cắt nghĩa sự vận động tri thức (như một dạng nền tảng phát triển xã hội) dựa trên ngôn ngữ – cái được con người sinh ra tương tự như các phương tiện lao động để tạo nên sản phẩm kinh tế. Nếu Marx chủ yếu hướng đến những vấn đề thuộc về phạm vi vật chất – tạo sinh thì các nhà triết học ngôn ngữ thiên về các giá trị tinh thần – tạo sinh, nền tảng tri thức của nhân loại mà nhờ nó con người mới xác định được thái độ đúng đắn cho hành vi của mình. Họ cho rằng (có thể là chưa toàn diện) thông qua cách thức vận động và cấu trúc ngôn ngữ, con người có thể nhận biết bản thể và sự vận động xã hội trong chừng mực nhất định. Cách các nhà triết học ngôn ngữ hành động có thể xem là sự dung hoà cả hai khía cạnh vật chất và tinh thần trong cắt nghĩa và quy chiếu sự vật nhằm đưa con người đến sự nhận thức đúng hơn về sự vật hiện tồn.

A. Pablo Lannone ở công trình Từ điển triết học thế giới xác định “Triết học ngôn ngữ (Philosophy of Language) là ngành nghiên cứu ngôn ngữ dưới cái nhìn triết học: các dạng của nó, bao gồm ngôn ngữ tự nhiên (chẳng hạn tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha), ngôn ngữ nhân tạo (chẳng hạn ngôn ngữ lập trình Pascal của máy tính); các thành tố cấu thành chính của nó như dạng thức ngữ pháp, từ vựng, nghĩa, và chức năng; thực tiễn của nó như được sử dụng trong thơ, khoa học, giao dịch thương mại; mối quan hệ của nó với những ngành nghiên cứu gần như ngôn ngữ học”2.

Trang mạng philosophybasics.com cũng nêu định nghĩa tương tự: “Triết học ngôn ngữ nghiên cứu nguồn gốc ngôn ngữ, bản chất của nghĩacách dùng và sự tri nhận ngôn ngữ, cũng như mối quan hệ giữa ngôn ngữ và hiện thực. Ngành khoa học này chồng chéo ở phạm vi nào đó với Nhận thức luận (Epistemology), Logic, Triết học ý thức (Philosophy of Mind) và nhiều lĩnh vực khác, bao gồm cả Ngôn ngữ học và Tâm lí học… Tương ứng với các nhiệm vụ trên, triết học ngôn ngữ thường đặt các câu hỏi, “Nghĩa là gì?”, “Ngôn ngữ biểu thị thế giới thực ra sao?”, “Ngôn ngữ là tri thức kinh nghiệm hay bẩm sinh?”, “Nghĩa của câu được hình thành từ các thành tố của nó như thế nào?”…

Dưới đây, chúng tôi tổng thuật những nội dung cơ bản của triết học ngôn ngữ từ công trình của những nhà nghiên cứu đi trước.

Lịch sử của triết học ngôn ngữ thường được các nhà nghiên cứu tính từ năm 1500 TCN, xuất phát ở Ấn Độ, nơi ngôn ngữ được xem là phương tiện tối quan trọng để đi đến chân lí. Còn ở phương Tây thì đấy là vào thời Plato (khoảng 427 – 347 TCN), Aristotle (384 – 322 TCN) và những người theo chủ nghĩa khắc kỉ (Stoics). Xuyên suốt lịch sử nhân loại, càng ngày ngôn ngữ càng khẳng định được vị trí của mình, nhưng phải đến cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 thì nó mới trở thành trung tâm trong triết học phương tây. Tác nhân khởi xướng quá trình trung tâm hoá ngôn ngữ chính là Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (1916) của Ferdinand de Saussure. Mặc dù về sau, nhiều nhà triết học hậu hiện đại đã chỉ ra những hạn chế nhất định của tư tưởng ngôn ngữ này. Đối tượng quan tâm của triết học ngôn ngữ có nhiều, nhưng chúng tôi chỉ tập trung vào mấy phương diện cơ bản dưới đây.

1. Bàn về bản chất ngôn ngữ (nature of language), triết học ngôn ngữ luôn quan tâm đến câu hỏi cốt lõi, “Ngôn ngữ là gì?” Câu trả lời thì vô cùng đa dạng, tùy thuộc vào lĩnh vực quan tâm của mỗi triết gia. Chẳng hạn như với Kí hiệu học, một ngành khoa học nghiên cứu kí hiệu trong giao tiếp để tìm xem cách nghĩa được hình thành và được hiểu như thế nào, thì ngôn ngữ chỉ là thao tác và sử dụng biểu tượng (symbol) để thu hút sự chú ý đến nội dung được biểu đạt. Vì thế, con người không phải là kẻ sở hữu duy nhất khả năng ngôn ngữ.

2. Ngôn ngữ học (Linguistics) cũng là đối tượng được chú ý đặc biệt của triết học ngôn ngữ. Ngôn ngữ học là lĩnh vực nghiên cứu bằng cách đặt các câu hỏi như: cái gì phân biệt một ngôn ngữ đặc thù (particular language) với những ngôn ngữ đặc thù khác. Điều gì khiến “tiếng Anh” là tiếng Anh? Đâu là điểm khác giữa tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp? Những nhà ngôn ngữ học, điển hình là Noam Chomsky, người xác định rõ đặc điểm ngôn ngữ học thế kỉ 20, nhấn mạnh đến vai trò của ngữ pháp (grammar) và cú pháp (syntax), những quyền lực thống trị cấu trúc câu, như là đặc trưng của bất cứ ngôn ngữ nào. Chomsky cho rằng con người mang bản năng tri nhận về cái ông gọi là ngữ pháp phổ quát (universal grammar: một tổ hợp những nguyên tắc ngôn ngữ bên trong được chia sẻ bởi toàn nhân loại) và phản xạ của một đứa bé trước một ngôn ngữ đặc thù chỉ là cú bấm cò (trigger) cho tri thức tiền đề này.

Chomsky bắt đầu với việc nghiên cứu ngôn ngữ bên trong (internal language) của con người, (cái ông gọi là I–languages) được dựa trên những quy tắc nào đó để sản sinh ra ngữ pháp, được hỗ trợ thêm nữa bởi sự thuyết phục rằng chẳng có sự rõ ràng, phổ quát và nguyên tắc khác nhau nào giữa ngôn ngữ này với ngôn ngữ khác và tất thảy có thể áp dụng trong phạm vi của mọi ngôn ngữ. Từ góc nhìn khác, cái được ông đặt tên là Ngôn ngữ – bên ngoài (E – languages), cố giải thích một ngôn ngữ như tập quán trong một cộng đồng ngôn ngữ (speech community) đặc biệt với một tổ hợp đặc biệt về cách nói được hình thành rõ trong tư duy, trước khi con người có khả năng nhận thức.

3. Dịch thuật (translation) và giải thích (interpretation) là những khía cạnh khác được triết học ngôn ngữ quan tâm. Vào những năm 1950, W.V. Quine đã tranh luận về tính bất định (indeterminacy) của nghĩa và sự quy chiếu (reference) dựa trên nguyên tắc dịch gốc (radical translation) chẳng hạn như khi đối diện với việc dịch ngôn ngữ của những bộ lạc nguyên thủy chưa có trước hồ sơ dữ liệu. Ông cho rằng trong những trường hợp như thế ta không thể đưa quy tắc tuyệt đối về nghĩa hoặc sự quy chiếu mà người nói ngôn ngữ của bộ lạc nguyên thủy gán vào cách nói và vì thế sự tham chiếu là mập mờ, thì sẽ có rất nhiều sự giải thích khả dĩ, nhưng chẳng có sự giải thích nào trong số đó đúng hơn sự giải thích khác.

Cái nhìn quy kết (resulting) này được gọi là chính thể luận ngữ nghĩa (Semantic Holism), một dạng của chính thể luận. Những người theo thuyết này cho rằng nghĩa không chỉ là cái gì đó đến từ một từ đơn hay câu riêng biệt mà còn đến từ tổng thể ngôn ngữ. Môn đồ của Quine, Donald Davidson (1917 – 2003), mở rộng sự tranh luận này xa hơn đến khái niệm giải thích gốc (radical interpretation) rằng nghĩa mà bất cứ một cá nhân nào gán cho một câu có thể chỉ được xác quyết bởi sự đóng góp nghĩa của rất nhiều, có lẽ tất cả các cá nhân cũng như trạng thái tinh thần và thái độ của họ.

4. Bản chất của nghĩa (nature of meaning) cũng là đối tượng được triết học ngôn ngữ đặc biệt chú ý. Câu hỏi “nghĩa là gì?” đâu dễ có câu trả lời dù chúng ta hầu như luôn nghĩ mình dễ dàng đưa ra lời đáp. Nghĩa (meaning) có thể được miêu tả như là nội dung (content) được chuyển tải qua từ ngữ hoặc kí hiệu được trao đổi bởi con người khi thực hiện giao tiếp ngôn ngữ. Giới nghiên cứu cho rằng, có hai kiểu khác nhau cơ bản về nghĩa ngôn từ: nghĩa khái niệm (conceptual meaning, quy chiếu ranh giới của từ và các đặc điểm của những ranh giới đó mà có thể được xem như là sử dụng phân tích đặc điểm ngữ nghĩa) và nghĩa liên kết (associative meaning, quy chiếu cách hiểu tinh thần cá nhân của người nói, mà có thể là liên tưởng (connotative), sắp xếp (collocative), xã hội, cảm xúc, phản xạ hoặc theo chủ đề).

Có nhiều hướng tiếp cận khác nhau để giải thích nghĩa ngôn ngữ. Dưới đây là các thuyết tiêu biểu.

– Thuyết ý niệm (Idea theories) cho rằng nghĩa đơn giản chỉ là nội dung tinh thần (mental content) được đánh thức bởi kí hiệu. Hướng này chủ yếu liên quan đến các nhà triết học Anh như John Locke, George Berkeley and David Hume, mặc dù mối quan tâm này được đổi mới nhờ nhiều lí thuyết gia đương đại vận dụng thuyết nội tại ngữ nghĩa (semantic internalism).

– Thuyết điều kiện – chân trị (Truth – conditional theories) cho rằng nghĩa là những điều kiện, theo đó nghĩa của một biểu thức (expression) có thể đúng hoặc sai, là sự đóng góp của nó vào điều kiện chân trị của câu chứa nó. Truyền thống này quay ngược trở lại đến Gottlob Frege (1848 – 1925), mặc dù cũng có nhiều công trình hiện đại thuộc lĩnh vực này.

– Thuyết sử dụng (Use theories) hiểu nghĩa có mối liên quan hoặc quan hệ với hoạt động lời nói (speech act) và với phát ngôn đặc biệt (particular utterance), mà không phải là những biểu thức tự thân. Hướng tiếp cận này được tiên phong với Ludwig Wittgenstein và quan điểm ngôn ngữ cộng đoàn (Communitarian) của ông.

– Thuyết quy chiếu (Reference theories) hoặc thuyết ngoại ngữ nghĩa (semantic externalism), hay thuyết sở thị (denotational) xem nghĩa tương đương với sự vật trong thế giới mà thực sự liên thông với kí hiệu. Tyler Burge (1946 -) và Saul Kripke (1940 -) là những đại diện tiêu biểu cho hướng tiếp cận này.

– Thuyết thẩm định (Verificationist theories): kết hợp nghĩa của một câu với phương pháp thẩm định hoặc chứng minh là không có căn cứ (falsification) của nó. Hướng thẩm định này được điều chỉnh bởi các nhà logic thực chứng vào đầu thế kỉ 20.

– Thuyết dụng học (Pragmatist theories) cho rằng nghĩa hoặc sự hiểu một câu được quyết định bởi hệ quả từ việc ứng dụng của nó. Hướng tiếp cận này được C.S. Peirce khởi xướng và các nhà dụng học đầu thế kỉ 20 phát triển thêm.

5. Chủ ý (Intentionality) là một khái niệm triết học được triết học ngôn ngữ rất quan tâm. Bách khoa triết học Stanford định nghĩa “chủ ý” là “quyền lực của ý thức, để đại diện hoặc tượng trưng cho sự vật (thing), tính chất (property) và trạng thái sự việc (states of affair)”. Thuật ngữ này quy chiếu đến khả năng của ý thức (mind) để hình thành nên những hình ảnh đại diện (representation) và không được nhầm lẫn với intention (ý định). Thuật ngữ này khởi nguồn từ triết học kinh viện trung cổ, được khôi phục lại nhờ Franz Brentano (1838 – 1917), một chủ suý của Hiện tượng học (Phenomenology) và chỉnh lí bởi Edmund Husserl (1859 – 1938). Brentano tuyên bố rằng duy chỉ hiện tượng tâm thức (mental phenomena) mới có khả năng biểu lộ chủ ý.

Chủ ý trong triết học ngôn ngữ đôi khi được định nghĩa như là “tính hướng về” (aboutness). Có nghĩa: những sự vật nào đó hướng về những sự vật khác (chẳng hạn một đức tin có thể hướng về tảng băng trôi, nhưng tảng băng trôi thì chẳng hướng về cái gì cả; một cuốn sách, một bộ phim có thể nói về Paris nhưng tự thân Paris thì chẳng hướng về cái gì hết). Ở góc độ này, Chủ ý là trạng thái tinh thần, trực tiếp hướng đến khách thể và trạng thái sự việc trong thế giới thực. Vậy nên, đức tin, nỗi sợ, hi vọng, khát vọng của chúng ta đều mang tính chủ ý, ở đó chúng phải có một đối tượng.

Những nhà triết học ngôn ngữ hiện đại như J. L. Austin (1911–1960) và John Searle (1932–) đề xuất câu hỏi: Làm thế nào để ý thức và ngôn ngữ ta dùng, áp đặt chủ ý lên các đối tượng mà không phải là bản chất chủ ý? Làm thế nào để trạng thái tinh thần được hình dung (represent) và làm thế nào để chúng khiến các đối tượng được hình dung, trong thế giới thực. Giải pháp của Austin được đưa ra trong thuyết hành động ngôn từ (illocutionary act 3) và giải pháp của Searle trong lí thuyết hành động ngôn lời (speech act), theo đó, ngôn ngữ được xem như là dạng thức của hành động và hành vi con người, vậy nên bằng cách nói điều gì đó, chúng ta thực sự làm cái gì đó. Kết hợp quan điểm này với chủ ý, Searle kết luận rằng tự thân hành động đã hàm chứa một kiểu chủ ý nào đó.

6. Quy chiếu: Cách ngôn ngữ tác động qua lại với thế giới được các triết gia gọi là quy chiếu (reference). Hướng nghiên cứu này thu hút sự quan tâm của các triết gia ngôn ngữ suốt nhiều năm nay. John Stuart Mill tin rằng trong thuyết quy chiếu trực tiếp (direct reference theory), nghĩa của một biểu thức (expression) nằm trong cái nó chỉ ra trong thế giới. Ông cũng xác định hai thành tố được xem như là hai thuật ngữ cơ bản nhất của một ngôn ngữ: dấu hiệu (sở thị) (denotation: nghĩa đen của một từ hay một thuật ngữ) và nghĩa (connotation: màu sắc cảm xúc và/hoặc văn hoá chủ quan được gắn với từ hoặc thuật ngữ). Theo Mill, danh từ riêng (proper name: như người và nơi chốn) chỉ là dấu hiệu chứ không là nghĩa, và ngay cả câu nếu quy chiếu đến một nhân vật thần thoại thì chẳng có nghĩa (vì nó không đúng và cũng chẳng sai) vì nó không quy chiếu đến thế giới thật.

Gottlob Frege là một trong những người ủng hộ thuyết quy chiếu gián tiếp (mediated reference theory) thừa nhận rằng từ ngữ quy chiếu vật gì đó trong thế giới bên ngoài, nhưng nhấn mạnh rằng có nhiều hơn (more) một nghĩa đối với nghĩa của một danh từ khi nó quy chiếu đến một đối tượng.

Các mối quan tâm của triết học ngôn ngữ còn là Thành phần câu (Sentence Composition), Tri thức và tư tưởng (Learning and Thought), Tiếp cận chính thức và không chính thức (Formal and Informal Approaches)… Đến đây ta cùng bàn qua một khái niệm liên quan đến văn chương. Đấy là Triết học văn học (philosophy of literature). Theo A. Pablo Lannone, khái niệm này còn được gọi là lí thuyết văn học (literary theory), đây là sự suy ngẫm triết học hướng đến những chủ đề như bản chất của văn học; mối quan hệ của văn học với nghệ thuật; sự khác nhau giữa thơ, tự sự và các hình thức kịch như hài kịch và bi kịch; mối quan hệ giữa văn chương với cuộc đời; bản chất và nền tảng của tư tưởng triết học trong tác phẩm văn chương; vai trò của phê bình trong văn học, bản chất của việc hiểu văn chương; chủ điểm giải thích trong văn học (văn bản, tác giả, phê bình, độc giả) và đặc điểm tác phẩm văn chương”4.

A. Pablo Lannone cũng chia triết học văn học thành các mảng như; văn học trong triết học (Literature in philosophy: là cách các nhà triết học sử dụng văn học để trình bày lí thuyết của mình như Platon hay Aristotle…); triết học trong văn học (philosophy in literature: là cách nhà văn vận dụng tư tưởng triết học trong sáng tác như Nguyễn Du viết Truyện Kiều…); triết học qua văn học (philosophy through literature: là cách nhà văn đưa tư tưởng triết học của mình vào tác phẩm như Lev Tolstoi, Fyodor Dostoievski, Jorge Louis Borges…); triết học và văn học (philosophy and literature: là việc thể hiện mối quan hệ giữa hai lĩnh vực và với các đối tượng bên ngoài trong mối quan hệ văn chương và triết học).

Triết học ngôn ngữ như thế bao quát một diện rất rộng, việc nghiên cứu thấu đáo nó là hoàn toàn không dễ. Đối với ngôn ngữ văn chương, chúng tôi nhận thấy có bốn triết gia quan trọng với các lí thuyết trực tiếp bàn về ngôn ngữ hậu hiện đại trong việc thể hiện bản chất nghệ thuật ngôn từ, cũng như bản chất sinh tồn người. Đó là Ludwig Wittgenstein (1889 – 1951), Martin Heidegger (1889 – 1976), Mikhail Bakhtin (1895 – 1975), Jacques Derrida (1930 – 2004) và cả Sigmund Freud (1856 – 1939), người không được xếp vào hàng ngũ triết học nhưng tư tưởng của ông xứng đáng là triết học của mọi triết học. Điểm chung giữa bốn triết gia này là họ đều quan tâm đến ngôn ngữ với tư cách là một kí hiệu hành chức và trong chừng mực nhất định họ xem ngôn ngữ là nền tảng của mọi hiện tồn. Trong số họ, Martin Heidegger là người nêu lên những luận điểm rất quan trọng của hệ thống triết học này. Trong công trình vĩ đại của mình Tồn tại và thời gian (Being and Time, 1927) nhà triết học Đức đã phân biệt hai khái niệm: tồn tại (being: còn có thể dịch là hữu thểyếu tính – đây là một thuật ngữ đa nghĩa vừa chỉ chủ thể nghiên cứuđối tượng nghiên cứu lẫn điều kiện nghiên cứu) và hiện hữu (presence).

Trên đây là những vấn đề cốt lõi của ngôn ngữ dưới cái nhìn của các nhà triết học ngôn ngữ. Trong quá trình nghiên cứu, có thể ở họ có những khác biệt, nhưng đáng ghi nhận là họ cùng xem ngôn ngữ không đóng kín trong một dạng cấu trúc, người ta không thể đi tìm bản thể ngôn ngữ trong những mô hình cấu trúc hay tương quan logic mà bản thể ngôn ngữ được xác định trong quá trình thực hiện giao tiếp. Có nghĩa “nghĩa” của từ chỉ có được trong những ngữ cảnh sử dụng nhất định. Ngôn ngữ không phải là hiện thân của đấng tối cao toàn tri, lời của Chúa cũng chỉ có giá trị tại thời điểm Chúa nói, về sau lời Chúa dạy có giá trị hay không thì tùy thuộc vào người diễn giải và cộng đồng tín đồ tri nhận lời của Chúa. Ngôn ngữ thực chất chỉ là công cụ tùy thuộc vào cách sử dụng của con người. Không có giới hạn cuối cùng của ngôn ngữ cũng như cách sử dụng ngẫu nhiên nào đó, mà nhờ đó bản chất của ngôn ngữ phát lộ…

3. Kết luận

Từ các quan niệm và phương diện mà triết học ngôn ngữ quan tâm trên đây, chúng tôi rút ra mấy kết luận sau:

1. Ngôn ngữ có tính bản năng kì bí, nó ra đời từ một cú hích tri thức nào đó trong quá trình tiến hoá của nhân loại và nhờ nó mà con người mới thoát khỏi lốt động vật để chuyển thành người.

2. Ngôn ngữ do loài người tạo ra từ những mặc định nào đó, nhưng lại có sinh mệnh riêng, không phụ thuộc tuyệt đối vào người sinh ra nó.

3. Nghĩa của ngôn ngữ vừa có tính độc lập nội tại, vừa sinh thành trong giao tiếp, trong nhu cầu vận động, đối thoại… vì thế ngôn ngữ có nhiều “lớp nghĩa” và “nghĩa” được tạo sinh bất tận tương ứng với các cách sử dụng trong giao tiếp.

4. Ngôn ngữ được lưu truyền cả qua kênh ý thức lẫn vô thức. Nhờ thế, trong giao tiếp tự thân nó đã hình thành được “lối mòn ngôn ngữ” đối với người viết/nói và người đọc/nghe.

5. Ngôn ngữ có khả năng giã từ chức năng “phương tiện” để trở thành “chủ thể”, đe dọa quyền lực “chủ thể” của con người. Nếu con người không ý thức thoát khỏi những “ràng buộc văn hoá” từ chúng thì con người sẽ bị biến thành “nô lệ” của ngôn ngữ trước những “lối mòn” văn hoá được “tấn phong” và lưu cữu trong nó.

GS.TS Lê Huy Bắc
Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội

————–

Chú thích

1 Noam Chomsky, Ngôn ngữ và ý thức, Hoàng Văn Vân dịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013, tr. 328.

2 A. Pablo Lannone, Dictionary of world philosophy, Routledge, New York, 2001, p. 410, p. 418.

3 Từ điển MacMillan định nghĩa: “liên quan đến một hành động bạn thực hiện bằng cách nói một cái gì đó, ví dụ như khi bạn đe dọa hoặc cảnh báo một ai đó, hoặc khi bạn hứa hẹn để làm điều gì đó cho họ” (macmillandictionary.com).

4 A. Pablo Lannone, Dictionary of world philosophy, Routledge, New York, 2001, p. 410, p. 418.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây