Phải chăng là… dấu ấn của nguyên lý âm dương? – Tác giả: Nguyễn Quốc Dũng

Tin Xuân - Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng

dau an cua nguyen ly am duong min - Phải chăng là... dấu ấn của nguyên lý âm dương? - Tác giả: Nguyễn Quốc Dũng

Âm dương [ÂD] khai mở đất trời, một mùa xuân mới sắp trở về trên non sông Việt Nam. Một vận hội mới sẽ mở ra, đại dịch Covid 19 sẽ tàn lụi theo quy luật chung ngàn đời: “âm cực dương hồi”.Trong nhận thức văn hóa cổ đại của cư dân Nam Á nói chung, dân tộc Việt nói riêng, ÂD là hai khái niệm thô sơ dùng để chỉ các sự vật hiện tượng có tính đối lập, tương phản như Trời Đất, Cha Mẹ, Nam Nữ, Đực Cái… Do đặc trưng văn hóa nông nghiệp lúa nước, với mong ước vụ mùa được bội thu, người phương Nam luôn cầu mong cho thiên nhiên vận động hài hòa thuận lợi. Nguyên lý vận động phát triển ấy cốt lõi nằm ở hai nguyên tố ÂD mà với cái nhìn trừu tượng, khái quát về sau đã xây dựng nên triết lý cùng tên, triết lý ÂD. Ngôn ngữ là phương tiện được con người tạo ra để nhận thức và phản ánh thế giới khách quan, trong đó có sự vận động phát triển của vạn vật. Đặt dưới cái nhìn của cư dân nông nghiệp lúa nước, những cặp từ ngữ đối lập âm nghĩa như trai gái, đực cái, ngày đêm, sáng tối, tốt xấu, v.v… có chăng dấu ấn của nguyên lý ÂD để lại trong ngôn ngữ Việt?

a) Triết lý ÂD: được hình thành nhằm giải thích bản chất và quy luật vận hành của vũ trụ, vạn vật. Hai yếu tố ÂD có quan hệ đối lập, tương phản (động – tĩnh, tích cực – tiêu cực…), tương sinh tương thành1, tồn tại gắn bó hài hòa, không tách rời nhau và hàm chứa nhau (trong dương có âm, trong âm có dương). Từ những nhận thức cặp đôi thô sơ như Trời Đất, Cha Mẹ, Trai Gái, Đực Cái…, triết lý ÂD mở rộng dần khái niệm đến các cặp đôi trừu tượng như: ngày đêm, trên dưới, sáng tối, đúng sai, phải trái, lành dữ, tốt xấu, có không, may rủi v.vĐối với những cặp đôi thô sơ, việc xác định thuộc tính ÂD rõ ràng ai cũng làm được (chẳng hạn cha: dương, mẹ: âm, đực: dương, cái: âm); nhưng đối với những cặp đôi trừu tượng thì việc xác định không phải dễ. Bởi vậy, để xác định được các cặp đối lập ÂD như thế, cần đối chiếu một cách linh hoạt, biện chứng dựa trên những tiêu chí nhất định, rút ra từ trải nghiệm thực tế và tư duy ngôn ngữ. Chẳng hạn, dựa trên tiêu chí cao thấp thì tự cao (cao: dương) đối lập tự ty (ty: thấp, âm), nhưng xét theo tiêu chí phẩm chất đạo đức thì tự cao (xấu, âm) đối lập với khiêm nhường (tốt, dương). Về mặt ngữ học, các cặp từ trái nghĩa trên không có gì đáng nói. Điều thú vị hơn, đó là về mặt triết học, có chăng sự tác động của các quy luật ÂD trong cách diễn đạt của người Việt? Ở đây, chỉ xin dừng lại ở hai loại từ phức song tiết thuần Việt2 (từ ghép và từ láy), những kiểu cấu tạo hài hòa cân đối mà người Việt vô cùng ưa thích.

b)Cấu trúc dương tính: Theo các nhà nghiên cứu triết lý ÂD, phương Nam là xứ nóng, thiên nhiên dương tính nên sinh ra nền văn hóa nông nghiệp âm tính (trọng tĩnh). Nền văn hóa nông nghiệp âm tính, đến lượt mình, đã dẫn đến phong cách ứng xử năng động, linh hoạt của lối tư duy tổng hợp và biện chứng, nói cách khác là tư duy dương tính 3. Ngôn ngữ là phương tiện đồng thời là kết quả của tư duy nhận thức, mà tư duy mang tính tổng hợp biện chứng, tức dương tính, thì lẽ tất nhiên ngôn ngữ cũng vậy, dương tính 4. Trong từ ghép (TG) thuần Việt, điều ta thấy rất rõ là, dù đẳng lập (ĐL) hay chính phụ (CP), các thành tố cấu tạo chủ yếu được sắp xếp theo trật tự dương trước âm sau (tạm gọi: trật tự / cấu trúc dương tính). Chắc không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt TGĐL danh từ như trời đất, ông bà, cha mẹ, anh chị, trai gái, chú thím, cậu mợ... hoặc tính từ như đực cái, trống mái, cao thấp, trên dưới, nông sâu, phải trái, trước sau… lại có cấu tạo theo trật tự dương tính, khi nói năng nghe rất quen thuộc, thuận tai. Và, chắc cũng không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt TGĐL kiểu như nhà cửa, mặt mũi, tóc tai, bếp núc, xe cộ, tre pheo, áo xống… lại có từ tố thứ hai bị nhược hóa về nghĩa: hoặc phai nghĩa (cửa, mũi, tai), hoặc mất nghĩa (núc, cộ, pheo, xống).

Cách nói chỉ quan hệ gia đình theo trật tự âm tính như vợ chồng, dì dượng, cô chú xem ra quá hiếm hoi, nhưng thiết nghĩ đây không phải là một phản chứng không thể lý giải được. Cấu tạo của các TG này có lẽ là do hệ quả sâu xa của chế độ mẫu hệ nữ quyền từ ngàn xưa, mà trong xã hội thời ấy, người phụ nữ là trụ cột của gia đình. Phụ nữ vốn âm tính, nhưng là trụ cột của gia đình (tính động)  nên họ trở nên dương tính, đối lập với nam giới vốn dương tính (tính động), nhưng vì sống dưới nữ quyền nên bị chuyển hóa thành âm tính. Như vậy, trật tự cấu tạo hình thức của các từ này là âm tính, nhưng thực chất nội hàm là dương tính! Xem ra điều này thật khá thú vị vì thuộc tính ÂD hai thành tố cấu tạo của mỗi từ đã chuyển hóa cho nhau!

Ở TGCP, mô hình có mức độ sản sinh vượt trội là Chính trước Phụ sau (CP): từ tố chính (có nghĩa) đứng trước, từ tố phụ đứng sau (không nhất thiết có nghĩa), ví dụ: xe đạp, cà chua, đỏ au, trắng toát…, cho nên trật tự dương tính là quá rõ ràng và chiếm ưu thế. Cấu trúc phụ trước chính sau (PC) chủ yếu xuất hiện ở TG Hán Việt (học sinh, giáo viên, công nhân…) nên không được xem xét ở đây. Trong tiếng Việt, thực ra, cũng có một số từ mô phỏng kiểu cấu trúc này, nhưng rất ít (ví dụ: học trò…).

Ở phạm trù từ láy (TL), phát triển mạnh và phổ biến nhất là TL đôi có từ tố gốc đứng trước (sáng sủa, nghỉ ngơi, buồn bã…). Từ tố gốc luôn tính dương nên cấu trúc của nó dương tính. Như vậy, tương tự  ở TG, cấu trúc dương tính cũng là khuôn mẫu điển hình, tiêu biểu nhất ở TL.

Nhìn chung, cấu trúc dương tính đã chiếm giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành từ phức tiếng Việt.

c)Quan hệ âm dương tương tác:

Với phần nhận xét trên, có thể nói, từ phức tiếng Việt là những cấu trúc ÂD hoàn chỉnh, hai thành tố cấu thành có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Theo cách nhìn và miêu tả của Việt ngữ học, từ phức tiếng Việt là một đơn vị ngôn ngữ có cấu trúc tĩnh (ổn định), nhưng dưới cái nhìn biện chứng của triết lý ÂD, đó là một cấu trúc động, nghĩa là giữa hai từ tố có sự tương tác lẫn nhau. Điều ấy có thể thấy trên bề mặt hình thức cũng như ở chiều sâu ngữ nghĩa. Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, người Việt có thể đảo trật tự các thành tố ở một số TGĐL (như trời đất/đất trời, cha mẹ/mẹ cha, trai gái/gái trai, cao thấp/thấp cao…), hay ở một số TL (ví dụ: thờ thẫn/thẫn thờ, ao ước/ ước ao, riết ráo/ráo riết, tha thiết/thiết tha…). Hiện tượng đảo ấy có  thể lý giải là do quan hệ ĐL của ngôn ngữ chi phối, nhưng cũng có thể là do tính năng linh hoạt biện chứng của tư duy người Việt tác động lên cơ chế ngôn ngữ cho phép hai thành tố cấu tạo vận động chuyển hóa theo nguyên lý ÂD (dương sinh âm, âm sinh dương). Ở TL, hiện tượng điệp và đối thể hiện cao độ mối quan hệ tương tác âm nghĩa giữa hai từ tố: điệp âm thì đối vần (xanh xao, đẹp đẽ), hoặc điệp vần thì đối âm (lơ thơ, hấp tấp). Chính mối quan hệ tương  tác hài hoà ấy đã hình thành ở TL một loại ý nghĩa đặc biệt. Đó là ý nghĩa biểu trưng hoá ngữ âm có tính gợi hình, biểu cảm một cách tinh tế mà không TG nào có thể có được.

Hiện tượng phai nghĩa, mất nghĩa ở từ tố thứ hai của hai loại TGĐL (mặt mũi, bếp núc…) và CP (áo dài, đỏ au), thiết nghĩ, cũng là kết quả của sự tương tác nêu trên. Sự tương tác này càng thấy rõ hơn ở mặt ngữ âm khi xem xét về trọng âm1 của từ. Ở TG, từ tố mang trọng âm luôn dương tính. Khi thể hiện bằng lời nói, ở TGĐL, từ tố hai dù có nghĩa, phai nghĩa hoặc mất nghĩa, vẫn giữ trọng âm như từ tố một (áo quần, áo xống). Như vậy, từ tố hai vốn âm nhưng lại chứa dương (dương trong âm). Đặc biệt, ở TGCP (nhà văn, xanh lè…), từ tố một dù dương tính (mang nghĩa), nhưng trong quan hệ ÂD tương tác với từ tố hai, nó đã mất đi trọng âm và chuyển giao vai trò ấy cho từ tố hai đứng sau (0-1)2. Sự chuyển giao ấy đúng cho cả trường hợp từ tố hai của TGCP là từ tố thực (có nghĩa). Ví dụ: nhà văn, thầy giáoVăn giáo ở đây là những từ tố âm có chứa dương. Đây quả là một điều khá thú vị và xem ra không kém phần bất ngờ!

Cuối cùng, có lẽ cũng cần nói thêm một chút nữa về TL. Và đây cũng có thể là một điều thú vị khác về tác động của tư duy dương tính trên cấu tạo từ tiếng Việt. TL có hai cách cấu tạo nghịch chiều nhau: Từ tố láy (L) âm tính có thể phát triển về phía trước hoặc phía sau  từ tố gốc (G) dương tính. Như vậy, ta có hai loại từ láy: GL (vd. đẹp đẽ) và LG (vd. đèm đẹp). Loại 1 có cấu trúc dương tính vì G có nghĩa đứng đầu từ; loại 2 có cấu trúc âm tính vì G đứng sau. Hệ quả rút ra khá lý thú là: Vì mang tính dương, từ láy GL có khả năng sản sinh rất cao và mang nghĩa tăng cường hoặc khái quát. Còn từ láy LG mang tính âm nên khả năng sản sinh thấp và thường mang nghĩa giảm nhẹ.

Tóm lại, tiếng Việt rất coi trọng trật tự diễn đạt trong từ ngữ câu kéo, thường tuân theo trật tự dương tính, nhưng đồng thời cũng khá linh hoạt và biện chứng trong cách sắp xếp từ ngữ. Cách diễn đạt sắp xếp ấy, theo nguyên lý ÂD, là biểu hiện của tính động trong lời ăn tiếng nói của người Việt, phản ánh tư duy dương tính không những của cha ông ta mà có lẽ còn của cả các cư dân nông nghiệp lúa nước nói chung. Theo phong tục dân gian cổ truyền, tháng Giêng được xem là tháng ăn chơi và lễ hội, các tính toán làm ăn may rủi đều quy chiếu theo hệ thống âm lịch, cũng như các nguyên lý ÂD ngũ hành. Qua bài viết này, người viết thử mấy lời lạm bàn đầu năm, mong nhận được những trao đổi, góp ý từ các bậc thức giả. Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, kính chúc muôn nhà tràn đầy phúc lộc, vận quẻ hanh thông, đất nước an lạc, trọn niềm vui. 

N.Q.D

———————

1. Chuyển hóa cho nhau (âm cực sinh dương, dương cực sinh âm)
2. Ở đây không xem xét hệ thống từ Hán Việt, vì vốn từ thuần Việt mới phản ánh đúng tư duy Việt.
3. Theo Cơ sở văn hóa Việt Nam của GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐHTH TP HCM, 1996), tr.65.
4. Cũng trong công trình nêu trên, GS Trần ngọc Thêm lại cho rẳng ngôn ngữ Việt mang tính âm “bởi lẽ bản thân nền văn hóa nông nghiệp trọng tĩnh đã mang âm tính rồi” (xem tr. 64). Lập luận của GS Thêm ở hai trích dẫn trên (tr. 64 và 65) không thống nhất mà mâu thuẫn nhau.
5.Thành tố được phát âm dài và mạnh hơn
6. Theo Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt, mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb GD, 1999, tr. 153. Số 0 tượng trưng cho “không có trọng âm”; số 1, “có trọng âm”

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây