Phát huy trí tuệ tập thể để hoàn thành quy hoạch Thủ đô

Việc triển khai Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là vấn đề cần thiết, cấp bách. Để có một quy hoạch xứng tầm, đáp ứng được đòi hỏi về không gian cũng như nguyện vọng của đông đảo nhân dân cả nước, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đổi mới rất cần sự huy động trí tuệ tập thể vào việc quy hoạch này.

Điều chỉnh Quy hoạch phù hợp với thực tiễn

Sau hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, nhìn chung, diện mạo Thủ đô Hà Nội đã có nhiều thay đổi; đặc biệt là cảnh quan đô thị và nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại hóa, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Đồ án quy hoạch chưa phát huy được vai trò, vị thế, tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô Hà Nội trong vùng Thủ đô; quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo; tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp, chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều dẫn đến những khó khăn trong việc phân bố, điều tiết, quản lý và kiểm soát dân cư; tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm…

Theo định hướng quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 7,3 triệu đến 7,9 triệu người, nhưng thực tế đến năm 2020, quy mô dân số đã đạt 8,24 triệu người. Dự báo đến năm 2030, quy mô đạt khoảng 11,4 triệu đến 11,9 triệu người; đến năm 2045 khoảng 13,7 triệu đến 14,6 triệu người.

Ngoài ra, việc tạo lập khu vực “hành lang xanh” với tỷ lệ 70% quỹ đất toàn thành phố đã tạo nên những giới hạn của sự phát triển đô thị… Vì vậy, việc nghiên cứu, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố và định hướng phát triển kinh tế – xã hội trước mắt và lâu dài là rất cần thiết.

Ngày 7/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 313/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây chính là pháp lý quan trọng để Hà Nội triển khai lập Quy hoạch Thủ đô. Quá trình nghiên cứu và hoàn chỉnh Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải đảm bảo định hướng “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; đồng thời, phải khai thác được hiệu quả các điều kiện tự nhiên; giữ gìn bản sắc văn hóa; từng bước nâng cao chất lượng đô thị và nông thôn; đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa – xã hội…

Theo đó, TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch về việc triển khai tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội là cơ quan lập quy hoạch. chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Vừa tiếp thu ý kiến vừa tạo sự đồng thuận

Theo kế hoạch chi tiết triển khai tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 được UBND TP. Hà Nội ban hành vào cuối tháng 5/2023 từng mốc thời gian hoàn thành đã được đặt ra. Cụ thể, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội phối hợp cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện dự thảo lần 1 của quy hoạch trước ngày 30/7; hoàn thiện quy hoạch và gửi lấy ý kiến Ban Thường vụ, Thường trực và Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội trước ngày 31/8; gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước ngày 30/9. Sau đó, trình hội đồng thẩm định và hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của hội đồng trước ngày 30/11; tham mưu UBND TP. Hà Nội trình HĐND TP. Hà Nội thông qua, Quốc hội xem xét cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội trước ngày 5/12. Báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 31/12/2023.

Lập quy hoạch Thủ đô là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023

Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô là một trong ba nội dung trọng tâm trong năm 2023 của UBND TP. Hà Nội, góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, tổ chức, sắp xếp không gian nhằm huy động, thu hút ngồn vốn và sử dụng hiệu quả để xây dựng, phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo tiến độ và chất lượng trong việc điều chỉnh quy hoạch Thủ đô đòi hỏi tập trung công sức, trí tuệ sự tham gia của cả hệ thống chính trị Hà Nội cũng như của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cũng cho biết, đến nay Viện đã phối hợp với Liên danh tư vấn nghiên cứu (7 liên danh) hoàn thành dự thảo 1 quy hoạch, chuẩn bị thực hiện các bước xin ý kiến đối với quy hoạch theo quy định. Trong quá trình nghiên cứu, lập quy hoạch, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học.

“Viện đã chủ trì, phối hợp và tham mưu UBND TP. Hà Nội tổ chức gần 60 cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành về công tác lập quy hoạch… Nhất là trong tháng 7 – 8/2023, Viện phối hợp với liên danh tư vấn tổ chức một loạt buổi hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia nhà khoa học về phương án phát triển của ngành, lĩnh vực, địa bàn để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô… Đặc biệt mới đây, cuối tháng 9/2023, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp trí tuệ, sáng tạo của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, đảng viên, giảng viên để hoàn thiện Đề cương định hướng…”- ông Lê Ngọc Anh nhấn mạnh.

Xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là thành phố đáng sống

PHO CHU TICH UBND TP. HA NOI HA MINH HAI min - Phát huy trí tuệ tập thể để hoàn thành quy hoạch Thủ đôPHÓ CHỦ TỊCH UBND TP. HÀ NỘI HÀ MINH HẢI.

Trong quá trình lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội, việc xác định được chính xác những điểm nghẽn của Hà Nội và nguyên nhân sẽ góp phần đưa ra được những ý tưởng đột phá, những giải pháp cụ thể để Hà Nội có thể bứt phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/ TW của Bộ Chính trị. Từ đó, tiếp tục gợi ý định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là thành phố đáng sống.

Mong nhận nhiều ý kiến đóng góp của bạn bè quốc tế đối với Hà Nội

PHO BI THU THANH UY HA NOI NGUYEN VAN PHONG min - Phát huy trí tuệ tập thể để hoàn thành quy hoạch Thủ đôPHÓ BÍ THƯ THÀNH ỦY HÀ NỘI NGUYỄN VĂN PHONG.

Từ nay đến cuối năm 2023, khối lượng công việc để triển khai lập Quy hoạch Thủ đô rất lớn và phức tạp đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương hơn nữa của cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô. Vì thế, TP. Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, giảng viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố, cũng như ý kiến về kinh nghiệm của các tỉnh, thành trong cả nước và bạn bè quốc tế đối với Hà Nội.

Khánh Linh

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây