Quốc hội Việt Nam tham dự lễ khai mạc IPU lần thứ 146

Tối 11/3, giờ địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự lễ khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 146 với chủ đề ‘Thúc đẩy chung sống hòa bình và các xã hội bao trùm: Chống lại sự không khoan dung’.

Pho Chu tich Thuong truc Quoc hoi Tran Thanh Man min - Quốc hội Việt Nam tham dự lễ khai mạc IPU lần thứ 146Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự lễ khai mạc Đại hội đồng IPU lần thứ 46. Ảnh: TTXVN.

Lễ khai mạc có sự tham dự của khoảng 2.000 đại biểu đến từ gần 140 quốc gia, trong đó có 44 Chủ tịch Quốc hội và gần 30 Phó Chủ tịch Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn dẫn đầu tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 46 theo lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký IPU. Đại hội đồng diễn ra từ ngày 11/3 – 15/3, tại Manama, Bahrain.

Trong các ngày tiếp theo, Đoàn sẽ tham dự các phiên họp toàn thể của Đại hội đồng, Hội đồng Điều hành, các Ủy ban Thường trực, Diễn đàn nghị sỹ trẻ và các hoạt động bên lề của hội nghị.

Các đại biểu từ các nghị viện, bao gồm các phái đoàn từ các quốc gia đang trong tình trạng xung đột, cũng sẽ tham gia một loạt phiên họp quan trọng, bao gồm phiên thỏa luận về chủ đề khẩn cấp; phiên họp đặc biệt về trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện các quyết định của IPU; phiên họp chuyên đề về các vấn đề an ninh liên quan đến chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực; phiên họp toàn thể thỏa luận dự thảo nghị quyết về những nỗ lực của nghị viện trong việc đạt được cân bằng carbon âm của rừng.

Đại hội đồng sẽ thảo luận, quyết định và thông qua dự thảo nghị quyết về “Tấn công mạng và tội phạm mạng: Những nguy cơ mới đối với an ninh toàn cầu.”

Đại hội đồng IPU-146 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những diễn biến phức tạp và khó lường. Tình trạng xung đột tiếp diễn tại nhiều khu vực trên thế giới, chỉ số Hòa bình Toàn cầu hiện đã ở mức thấp nhất trong 15 năm qua.

Các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, xung đột địa chính trị, cùng với những thách thức toàn cầu liên quan đến biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… tiếp tục diễn biến phức tạp, làm chậm quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu thúc đẩy “cùng chung sống hòa bình và các xã hội bao trùm” có ý nghĩa cấp thiết, đòi hỏi nỗ lực và sự chung tay của cộng đồng quốc tế và các cơ quan lập pháp cùng hành động nhằm hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Chiến lược hành động của IPU vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Được thành lập năm 1889 với trụ sở chính đặt tại Geneva (Thụy Sĩ), IPU là một trong những tổ chức đa phương lâu đời nhất thế giới.

IPU hiện có 179 nghị viện thành viên và 14 tổ chức nghị viện khu vực, với sứ mệnh thúc đẩy hòa bình, dân chủ và phát triển bền vững trên toàn thế giới.

Tổ chức liên nghị viện toàn cầu này còn giúp các nghị viện trở nên mạnh hơn, trẻ hơn, cân bằng giới hơn và mang tính đại diện hơn; đồng thời bảo vệ nhân quyền của các nghị sỹ.

Bình An

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây