Dự báo mực nước biển trung bình sẽ tăng 1m vào cuối thế kỷ này, nhưng các chuyên gia cho rằng tác động có thể sẽ trầm trọng hơn do thay đổi lượng mưa, thủy triều cao hơn và nước dâng do bão dữ dội hơn.
Ngày 7/9, Singapore đã khai trương Viện Bảo vệ bờ biển và chống lũ lụt mới (CFI Singapore) để tìm các giải pháp lâu dài nhằm bảo vệ nước này khỏi tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu, có thể khiến những vùng đất trũng bị ngập lụt.
Trung tâm nghiên cứu trên sẽ áp dụng chuyên môn và đổi mới sáng tạo để ngăn chặn “mối đe dọa hiện hữu” do mực nước biển dâng cao.
Phát biểu tại lễ khai trương CFI Singapore, Bộ trưởng Môi trường Grace Fu nhấn mạnh: “Nếu không làm tốt điều này, cuộc sống của chúng ta sẽ bị đe dọa.”
Giới chức nước này cho biết hiện nước biển đang tăng với tốc độ khoảng 3-4 mm mỗi năm. Gần 1/3 lãnh thổ của Indonesia chỉ cao hơn mực nước biển từ 5m trở xuống, và với lượng mưa trung bình năm khoảng 2.500 mm, đảo quốc này dễ bị lũ lụt.
Dự báo mực nước biển trung bình sẽ tăng 1m vào cuối thế kỷ này, nhưng các chuyên gia cho rằng tác động có thể sẽ trầm trọng hơn do thay đổi lượng mưa, thủy triều cao hơn và nước dâng do bão dữ dội hơn.
Singapore đã đầu tư rất nhiều để cải thiện hệ thống thoát nước và xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống lũ lụt, bao gồm đê biển, cửa ngăn thủy triều và kè bảo vệ chống xói mòn. Nước này cũng ra mắt quỹ bảo vệ lũ lụt và ven biển trị giá 5 tỷ SUD (3,66 tỷ USD) vào năm 2020.
CFI Singapore là sáng kiến chung của Cơ quan quản lý nước quốc gia của Singapore (PUB) và Đại học Quốc gia Singapore. Viện đã triển khai các dự án nghiên cứu xem xét các khả năng kỹ thuật mới như tường chắn sóng linh hoạt, và các giải pháp dựa vào thiên nhiên như sử dụng rừng ngập mặn hoặc cỏ biển để bảo vệ bờ biển.
Các chuyên gia cho biết điểm mấu chốt của Singapore là đảm bảo không có vùng đất nào của nước này biến mất do mực nước biển dâng cao. Các dự án cải tạo đất trong tương lai cũng sẽ được thiết kế để bảo vệ chống lại sự xâm lấn của biển./.