Sử thi M’Nông: Báu vật giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ

Đồng bào M’Nông đã sáng tạo ra một kho tàng văn học độc đáo với nhiều thể loại như truyện thần thoại, cổ tích, dân ca… Trong đó, thể loại lôi cuốn nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhất là hát kể sử thi.

Tây Nguyên được biết đến như là một vùng đất huyền thoại, là nơi cư trú của những dân tộc thiểu số như M’nông, Ê-đê, Ba Na, Ja Rai… Vùng đất này còn được biết đến với những giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần vô cùng quý giá của những điệu cồng chiêng, rượu cần, đàn T’rưng… và đặc biệt là những bộ sử thi.

Đồng bào dân tộc M’ Nông gọi sử thi là “Ót N’Rông,” một hình thức chuyện kể diễn xướng bằng thơ có từ lâu đời và được truyền miệng từ này sang đời khác. Sử thi là bức họa tổng thể phản ánh những nét cơ bản trong đời sống xã hội, có nội dung phong phú, đa dạng, thể hiện khát vọng, ước mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Sử thi M’Nông rất giàu những điển tích trong truyền thống của người M’Nông. Ðó là sự xuất hiện của những biểu tượng thần thoại, truyền thuyết, mà nếu người nghe không am tường về văn học, văn hóa tộc người M’Nông thì sẽ rất khó hiểu.

Sử thi M’Nông thường được kể vào những đêm nông nhàn sau mùa làm rẫy, dịp lễ hội trong năm, hay trong lúc nghỉ ngơi trên rẫy, sau những ngày lao động vất vả. Khi màn đêm buông xuống, người M’Nông thường kéo đến nhà có người biết hát kể, thưởng thức câu chuyện xa xưa của cha ông mình. Từ đêm này qua đêm khác, bên bếp lửa, già trẻ, nam nữ ngồi kế bên nhau nghe người già hát kể sử thi – đây chính là hình thức truyền dạy gián tiếp cho các thế hệ kế cận.

Nghệ nhân kể sử thi phải là người có trí nhớ đặc biệt. Người M’ Nông cho rằng những người thuộc nhiều sử thi là do thần linh ban cho họ, bởi có sử thi dài đến hàng vạn câu kể, có khi phải mất 3-4 đêm kể mới hết. Nghệ nhân hát kể sử thi phải có đủ các yếu tố như: Thuộc hoàn chỉnh nhiều cốt truyện sử thi, không lẫn lộn sự kiện, hành động, biến cố của cốt truyện này với sự kiện, hành động, biến cố của cốt truyện khác. Người hát kể phải có giọng hát truyền cảm, biểu đạt đúng các sắc thái của truyện kể mới hấp dẫn được người nghe.

Trong xã hội ngày nay, sử thi vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người M’Nông. Sử thi giúp cho thế hệ con cháu hiểu về nguồn gốc, tự hào về truyền thống văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Chính vì vậy, việc sưu tầm gìn giữ và bảo tồn những giá trị sử thi càng thêm ý nghĩa. Cách bảo tồn sử thi tốt nhất vẫn là tạo mọi điều kiện để sử thi được nuôi dưỡng và “sống” trong không gian cộng đồng dân tộc bản địa, có như vậy sử thi M’Nông sẽ tiếp tục được giữ gìn, tồn tại với các buôn làng Tây Nguyên./.

Lâm Phan – Hoàng Đạt – Như Quỳnh

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây