Đã qua tháng Chạp tiết trời vẫn rét mướt, cơn mưa cuối đông không nặng hạt nhưng đủ xuyên cái lạnh buốt vào da. Mãi đến bốn giờ chiều Thứ mới đến được miền quê heo hút này. Bên con dốc đổ xuống, những nếp nhà cô đơn nằm lọt thỏm giữa những khu vườn rộng. Thứ cho xe chạy nhanh hơn, đến lối rẽ xuống con đường đất anh dừng lại ngoái nhìn phía sau. Từ xa một chiếc xe máy trờ tới, tiếng phành phạch ồn ã cả con đường vắng. Trong chiếc áo khoác phong phanh đôi vai Quang so lại vì lạnh “Đi chớ! Sao dừng đây?” Quang nhìn Thứ ngạc nhiên. “Có thuốc không đốt tao điếu cho ấm?” Thứ cài thêm khuy áo cổ, xuýt xoa vì rét. “Có đây!” Quang lập cập móc gói thuốc trong túi áo rút một điếu châm lửa “Nhanh đi, còn tìm nhà chớ tối!”.
Hai chiếc xe máy rẽ xuống con đường ngoằn ngoèo, bên kia cánh đồng mùi rạ đương phơi xông lên ngai ngái, lác đác vài nếp nhà mái tôn thấp lè tè nằm im lìm trong mưa lạnh. Bóng chiều dần sẫm lại, tiếng xe máy ồn ã như đánh thức mọi thứ nơi đây, Thứ nhìn thấy sau vuông cửa căn nhà bên đường mấy cái đầu người lớn và con nít lố nhố nhô ra, tiếng chó sủa ran, tiếng trẻ con ngằn ngặt khóc, tiếng ru hời cất lên trong chiều muộn… Tất cả tạo nên một thanh âm chỉ có ở miền quê nghèo heo hút này. Cái ao giữa đồng bụi bèo dâu dạt về phủ kín, một con trâu đang ngụp lặn, ọ lên từng hồi, tiếng ọ nghe cũng buồn thiu. Nhác thấy người đàn bà đứng ôm con ở cửa, Thứ dừng lại “Chị làm ơn cho hỏi nhà ông Bốn Mành”. Người đàn bà e dè nhìn Thứ, cái nhìn không giấu giếm, dừng lâu hơn trên cái cổ xăm đầy những hình thù kỳ quái của anh: “Đi hết con mương, rẽ xuống, nhà phía trước có cái am đó chú”, người đàn bà đưa tay chỉ. Thứ cảm ơn bà, phẩy tay ra hiệu Quang tiến về phía trước. Đến căn nhà nằm trơ trọi cuối xóm, giữa vườn có đụn rơm cao ngất, anh dừng lại ngó nghiêng, căn nhà tường vôi ẩm xịt, loang lổ, trong sân mấy con vịt lạch bạch đi lại. Nghe tiếng xe chú chó từ trong nhà xồ ra gầm gừ sau cánh cổng.
Một ông cụ trong bộ đồ nâu sồng từ trong lững thững đi ra quát lên “Nô, đi vô!”. Chú chó sợ chủ cúp đuôi nem nép vào nhà. “Chú cho con hỏi nhà ông Bốn Mành?”, Thứ nhướng người qua hàng rào hỏi vọng vào. “Là tui đây!”. Ông cụ mở cổng “có chuyện chi vô đây đã chú!”. Thứ và Quang vào nhà, ông cụ thủng thẳng rót nước ra hai cái ly to mời khách. Thứ ấp bàn tay vào ly nước chè nóng hổi, nghe ấm hẳn, anh nhìn ra vườn “Nghe chú có mấy chậu mai, tụi con tới hỏi mua về bán, tết nhứt rồi”. “À… là chuyện đó” – Ông cụ trầm ngâm “Nhà có hai chậu mai trồng mấy năm ni để chưng Tết, khổ nỗi Tết tới nơi rồi mà vợ chồng tui kẹt quá”. Nói đến đây ông cười “Mà hai chú đây thiệt tài, răng biết tui có mai mà tìm tới?”. “Tụi con nghe mách miệng thôi” – Thứ hớp ngụm nước chè, nhìn hai chậu mai vừa bung nụ ngoài vườn. Trong nhà, ngọn đèn vàng chạch tù mù khiến căn nhà càng tối tăm, ẩm thấp, trước gian thờ hò hét hai đứa trẻ chạy loăng quăng, đứa lớn chừng sáu tuổi, đứa nhỏ hơn còn ngọng nghịu nói, thấy người lạ, chúng nhớn nhác nhìn ra. Thứ nhấp nhổm nhìn đồng hồ, thấy vậy ông cụ đứng lên chống cây gậy ra vườn, vừa đi vừa đấm thùm thụp vào cái lưng đau. Đến bên hai chậu mai thế uốn lượn hình chim phượng ông chỉ: “Đó, mấy chú có mua thì mua hai chậu ni, còn gốc mai kia tui không bán”.
Thứ săm se hai chậu mai vừa hé nụ, mừng rơn, thế mai đẹp quá, anh thầm nghĩ hai chậu chở về thành phố mỗi chậu bán chục triệu như chơi. “Vậy chớ chú để hai chậu cho con nhiêu đây?” Thứ hỏi. “Tui xưa chừ có bán chác chi mô, mấy chú quen mua bán rồi, liệu chừng bao nhiêu thì lấy”. Thứ lại nhìn vào nhà, dưới nền xi măng hai đứa nhỏ đang sì sụp ăn, vừa ăn chúng vừa xuýt xoa vì nóng, gương mặt trẻ thơ ngây ra, chốc chốc lại chọc ghẹo nhau cười. Thứ bỗng thấy lòng chùng lại, hai đứa nhỏ cũng trạc tuổi con anh. Thứ nhìn Quang ra ý hỏi, thấy gương mặt cậu em cũng trầm ngâm… “Thôi vầy” – Ông cụ ông lên tiếng – “Hai chậu mai ni tui để sáu triệu, mỗi chậu ba triệu, tui tính vậy hai chú thấy sao?”. Thứ mừng rơn, thiệt là không phí cái công chạy hơn tám mươi cây số về đây, hai chậu mai này mấy tay nhà giàu ở thành phố thấy là rinh liền, anh nhẩm tính, hai chậu bán lại chừng hai mươi triệu mà chỉ mua với giá sáu triệu, thiệt quá lời. Thứ quay qua nhìn Quang, bắt gặp ý nghĩ đó trên gương mặt người anh em. “Dạ, vậy giờ tụi con chở luôn còn về chớ tối!”. Nói đoạn Thứ móc bóp đếm sáu triệu đưa ông cụ.
Ông Mành cầm xấp tiền run run nhét vô túi áo. “Để tui kiếm sợi dây cho hai chú cột thêm cho chắc”, ông lúp thúp vô nhà. Quang ghé tai Thứ thầm thì “Còn gốc mai kia nữa, trả ổng sáu triệu, đang cần tiền có khi ổng bán”. Ông Mành từ trong nhà lập cập đi ra “Đây! Hai chú cột vô, tui phụ cho!”. Sau một hồi hì hục hai chậu mai cũng cột được vô hai xe máy gọn tưng. Ông Mành vào nhà rót nước đem ra “Hai chú uống ly nước cho ấm bụng, đi đường xa lạnh lắm!”. Thứ nhấp ngụm nước, đến bên ông Mành tỉ tê: “Còn gốc mai kia con ưng, hay ông để con luôn đi, con gửi ông sáu triệu, một gốc ni bằng hai chậu kia chớ con không để ông thiệt”. “Sáu triệu à?”. Ông Mành kêu lên, nhìn cây mai giữa vườn rồi chầm chậm lại gần rờ rẫm vào thân cây: “Thôi, gốc mai ni ở với gia đình tui mười mấy năm rồi, nó chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của gia đình tui, tui không nỡ”. Ông ngậm ngùi.
Có tiếng dép loẹt quẹt đi ra, cụ bà đến sau lưng ông từ lúc nào, nắm vạt áo ông khẽ giật “Ông ra đây tui nói cái ni”. Ông Mành theo bà ra vườn sau. “Bán gốc mai đi ông, để cũng có ăn được mô, nhà mình chừ cần tiền, ra Tết thằng Ri đi nhà trẻ, con Mi vô lớp một rồi mà thiếu thốn đủ thứ, còn tiền thuốc cho ông nữa, ông Ba Cử nói ông phải uống thêm hai mươi thang nữa may ra cái đầu gối mới đỡ đau”. Nói đến đây bà ôm ngực ho sù sụ “chớ thiếu thốn tội hai đứa nhỏ quá!”. Ông Mành nhìn cây mai bằng con mắt mờ đục “Ờ… bà nói cũng phải”.
Từ trong nhà hai đứa nhỏ chạy ào ra nắm vạt áo ông cười rinh rích “Mau đi nội, mau vô ăn cơm rồi chơi múa lân với con!”. Thứ ngẩn người nhìn hai đứa nhỏ lem luốc, gầy gò đến tội nghiệp. Ông Mành cúi xuống xoa đầu chúng nựng nịu: “Ờ ờ… vô nhà đi cả lạnh, rồi ông vô!”. Hai đứa chạy biến vào trong, ông lại nhúc nhắc đến bên cây mai sờ soạng thân cây hồi lâu rồi quay qua Thứ: “Tui đồng ý bán, mai chú cho người tới đào đi!” Ông nói một cách nặng nhọc rồi ôm ngực ho khan. Đợi ông ngớt cơn ho, Thứ nói luôn: “Tụi con không có nhiều thời gian đi lại, Tết nhứt rồi, còn đi nhiều nơi gom hàng về. Giờ ông cho con mượn cái xẻng, tụi con làm luôn rồi thuê xe chở trong đêm”. Lần này Thứ cũng nhanh nhảu móc bóp đếm sáu triệu đưa ông.
Đêm sập xuống nhanh, tiếng gió rít lên bẻ mái tôn kêu răng rắc. Hì hục gần hai tiếng đồng hồ cây mai cũng được bứng lên, cho vào chậu tạm, cũng vừa lúc điện thoại Thứ réo vang, xe đã đợi ngoài đường. Anh và Quang vội vã chào vợ chồng ông bà Mành rồi trở ra.
Ông Mành đưa hai chàng trai đến đầu đường, trước khi quay về, ông đến bên cây mai, chạm vào nhánh rễ vừa bị phạt đứt, bàn tay ông run rẩy như thể mình vừa bị chặt lìa ngón tay. Nhìn ông, Thứ bỗng thấy nhói lòng, anh vội quay đi giục Quang mau mau khiêng cây mai lên xe về kẻo khuya.
Chiếc xe lăn bánh đi rồi ông Mành vẫn còn đứng nhìn theo, nước mắt ông tuôn giàn giụa như vừa từ biệt đứa con. Đêm về khuya lạnh căm, gió táp vào mặt ông từng cơn bỏng rát, chiếc xe đã khuất từ bao giờ ông vẫn đứng nhìn theo. Ông khóc nấc, chẳng khác gì cái ngày ông đưa con trai và con dâu về nơi an nghỉ. Tụi nó về với đất, để lại hai đứa con thơ cho ông bà, hai năm qua rồi mà ông tưởng như mới hôm qua. Ông chầm chậm đến cây bông gòn bên đường tựa vào nấc nghẹn.
Gió vẫn rít bên tai, ông sực tỉnh quay về, chân ông nặng nhọc bước trên con đường heo hút, tối om. Đến ngõ đã thấy bà và hai đứa cháu nội đứng bên hiên ngóng ra. Lặng nhìn ông, bà hiểu hết, bà thấy mình như người có lỗi nhưng khổ nỗi cái nghèo túng cứ bám riết lấy ông bà từ ngày vợ chồng con trai ra đi, nhìn cháu người ta đủ đầy, cháu mình thiếu thốn bà lại xót xa. Tết cũng kề cận rồi, kiếm đâu ra cho hai đứa cháu một cái Tết đủ đầy như cháu người ta…
Đêm, bên trời lóng lánh mấy vì sao nhạt nhòa. Hai đứa nhỏ đã ngủ say, ông vẫn ngồi bên hiên đốt thuốc. Bà khẽ khàng vén màn, sè sẹ ra hiên, ngồi xuống bên ông “Ông buồn… tui cũng buồn theo”. Bà nâng vạt áo chấm vào mắt. “Thôi mình!” – Ông nắm tay bà – “Cho tui buồn hết đêm ni thôi…”. Ông nấc lên, loạng choạng ra vườn, đến bên cái hố sâu hoắm vừa đào xới ông ngồi thụp xuống sờ soạng. Bà lặng lẽ theo sau khoác cho ông cái áo rồi ngồi xuống bên ông. Trăng lên, treo trên tận đỉnh trời, ánh trăng vàng ruộm trải dài trên sân gạch, bóng ông tựa vào bà như tìm kiếm, ủi an. Bàn tay xương xẩu bà xoa nhè nhẹ lưng ông như vỗ về. Càng về đêm gió càng thổi mạnh, vầng trăng cũng tái mét, run rẩy. Bỗng bà ôm ngực ho sù sụ, ông giật mình đưa tay chạm vào tóc bà, mái tóc bạc đã ẩm lạnh vì sương. Ông vội vàng đứng lên kéo bà vào nhà.
Tiếng con gà trống ngoài chuồng gáy te te, ông choàng dậy. Bên bếp lửa bà đang lúi húi với nồi cơm đương sôi, khói bay lên mù mịt, hai đứa nhỏ cũng thức dậy từ lúc nào, chúng chạy đuổi nhau ngoài vườn, tiếng cười rộn lên khiến lòng ông ấm lại. Chiều nay ông sẽ chở bà lên chợ thị trấn sắm cho hai đứa bộ đồ mặc tết, nhất định ông sẽ sắm luôn cho bà bộ đồ mới, không nhớ mấy cái tết rồi bà cứ mặc đi mặc lại bộ đồ gấm hoa con dâu may hồi nó mới về nhà chồng.
Ông ra hiên, cái đầu gối hôm qua phải đi nhiều nay bắt đầu hành hạ, đau nhức. Ngoài đường làng tiếng xe máy phành phạch chạy qua rồi dừng lại trước ngõ, con Nô xồ ra sủa ăng ẳng, ông hấp háy đôi mắt mờ đục nhìn ra. Bên ngoài hàng rào là Thứ, hai tay ôm chậu mai nhỏ, trên cành những nụ mai vừa hé nụ, vàng ươm “Ông ơi! Con biếu ông cây mai nhỏ này, giờ con vô trồng cho ông luôn!”. Gương mặt Thứ hớn hở. Ông nhìn chậu mai trên tay chàng trai, không nén được nỗi vui, lập cập mở cổng. Thứ nhanh nhảu đến bên cái hố sâu đổ thêm đất, nhẹ nhàng đặt cây mai vào, anh lấp đất rồi dọn dẹp sân vườn sạch sẽ. Thứ làm xong, trời cũng vừa hửng nắng, những tia nắng sớm rải xuống khu vườn như mật ngọt.
Ông Mành ngồi bên cây mai nhỏ, khẽ khàng chạm vào từng chiếc lá non, nghe trong gió sớm mùi lúa thơm từ đồng trên thổi về, bên gốc mai cũ một sự sống khác đã được thay thế, mơn mởn, non tơ…