‘Thành phố thép’ chuyển mình mạnh mẽ

'Thành phố thép' chuyển mình mạnh mẽ
Thành phố Thái Nguyên xây dựng đô thị theo hướng thông minh

Năm 1962, từ thị xã nhỏ bé bước lên đô thị loại 3, lúc đó TP. Thái Nguyên chỉ có 6 vạn dân cư, với 4 khu phố, 2 thị trấn và 6 xã. Nhưng ngày nay, TP. Thái Nguyên đã được mở rộng nhiều lần, bứt phá vươn lên về mọi mặt, trở thành đô thị loại I, xứng tầm với trung tâm vùng trung du miền núi Bắc Bộ.

Vững vàng trong khói lửa chiến tranh

Cụ Lê Văn Lương (trú quán tại phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên) cho biết, khi thành phố mới thành lập, chỉ có vài khu phố nhỏ với những ngôi nhà xập xệ. Xung quanh những khu phố là ruộng, bãi, sình lầy, tối đến các khu phố đều tối, vắng không có đèn điện chiếu sáng như bây giờ. Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, TP. Thái Nguyên là một trong những trọng điểm bắn phá của đế quốc Mỹ. Thành phố non trẻ thành lập được vài năm phải oằn mình chống chọi với những làn bom đạn của kẻ thù.

Ngày 20.12.2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2486/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Thái Nguyên đến năm 2035 và ngày 18.8.2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 422/NQ-UBTVQH14 điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP. Thái Nguyên thêm năm xã, phường về phía Bắc và phía Đông. Hiện TP. Thái Nguyên có diện tích tự nhiên 223km2.

Trong cuốn lịch sử Đảng bộ TP. Thái Nguyên (giai đoạn 1930 – 1975) có ghi: Chỉ trong khoảng thời gian 12 ngày đêm (từ 18 – 29.12.1972), quân và dân thành phố đã “nghênh đón” 1.716 lần chiếc máy bay, trong đó có 42 lần chiếc B52, với 115 trận đánh, gần 3.000 quả bom và đạn tên lửa dội xuống đất thành phố. Vậy nhưng, quân và dân TP. Thái Nguyên không chịu khuất phục mà luôn thể hiện “chất Thép” ngời sáng, ý chí kiên cường, quật khởi. Vừa tích cực thi đua lao động sản xuất vừa tăng cường chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Chỉ tính trong 3 năm từ năm 1965 – 1968, TP. Thái Nguyên đã có 5.811 thanh niên lên đường nhập ngũ, nhiều người con đã hy sinh cho độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

thanh pho da xay dung 412 cong trinh du an ve ha tang kinh te xa hoi min - 'Thành phố thép' chuyển mình mạnh mẽ

Mạnh trong hòa bình

Thống nhất đất nước năm 1975, cũng như những địa phương khác trong cả nước, TP. Thái Nguyên bắt tay thực hiện công cuộc đổi mới và đạt nhiều thành tựu bứt phá. Ngày nay, TP. Thái Nguyên được biết đến là đô thị loại I, hội tụ nhiều cơ sở khám chữa bệnh uy tín, trung tâm tài chính, ngân hàng, đứng thứ ba của cả nước có đông cơ sở giáo dục – đào tạo… Ông Ngô Danh Thùy (Trưởng phòng Kinh tế TP. Thái Nguyên) chia sẻ, trước đây TP. Thái Nguyên được biết đến là “cái nôi của ngành luyện kim miền Bắc” thì nay thành phố phát triển đa ngành nghề, trong đó thương mại – dịch vụ giữ vai trò chủ đạo, tiếp đến là công nghiệp – xây dựng và nông nghiệp. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt hơn 102 triệu đồng.

Kinh tế phát triển, diện mạo TP. Thái Nguyên ngày càng văn minh, hiện đại, với hàng trăm khu dân cư, khu đô thị, khu phố, tuyến phố đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh. Hàng năm thành phố chủ trương thu hút mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015 – 2020, địa phương đã thu hút hơn 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng hạ tầng giao thông, thương mại, du lịch, nhà ở, khu đô thị, công trình phục vụ an sinh xã hội…

Cũng trong giai đoạn này, thành phố đã xây dựng 412 công trình, dự án về hạ tầng kinh tế, xã hội. Những công trình xây dựng có nguồn vốn lớn có thể kể đến: Dự án chương trình đô thị miền núi phía Bắc – TP. Thái Nguyên và Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên (có tổng số vốn đầu tư gần 200 triệu USD); đường Bắc Sơn kéo dài kết nối với Khu du lịch hồ Núi Cốc; Khu tổ hợp thương mại, trường học và nhà ở Gia Sàng; Tòa nhà Trung tâm Tài chính Thương mại FCC cùng hàng loạt khu đô thị, khu dân cư được xây dựng đồng bộ về hạ tầng.

Bên cạnh thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án, công trình hiện đại, thành phố luôn chú trọng bảo tồn truyền thống cách mạng. Những công trình như: Khu di tích lịch sử Đại đội Thanh niên xung phong 915, Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ được huy động từ nguồn xã hội hóa và ngân sách để tri ân những Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh. Đặc biệt Khu Di tích lịch sử Quốc gia – Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, phường Gia Sàng hiện nay thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi tháng, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Xứng tầm trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc

Có thể thấy, TP. Thái Nguyên anh hùng trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động. Ở mỗi giai đoạn lịch sử đều luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách để vươn lên. Ngày nay, thành phố đã phát triển về mọi mặt, xứng tầm là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi Bắc bộ; tiếp tục thu hút đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Ông Dương Văn Lượng – Bí thư Thành ủy Thành phố Thái Nguyên cho biết, với sự đoàn kết, thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Thái Nguyên, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của nhân dân, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Thành phố đã có bước phát triển nhanh, mạnh trong tất cả lĩnh vực. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch theo hướng thương mại – dịch vụ giữ vai trò chủ đạo. Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều đổi mới, quốc phòng – an ninh được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, năm 2016, Thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.

Thành Đồng

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây