Thúc đẩy, tạo điều kiện cho phát triển các-bon thấp, giảm phát thải

Thúc đẩy, tạo điều kiện cho phát triển các-bon thấp, giảm phát thải
Đến năm 2030, khuyến khích sử dụng điện, năng lượng xanh

Ngày 25/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Theo đó, Đề án đề ra mục tiêu chung là chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển các-bon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Khuyến khích sử dụng điện, năng lượng xanh trong giao thông vận tải

Bên cạnh mục tiêu chung, Đề án cũng đề ra các mục tiêu cụ thể như sau: Hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện cho phát triển các – bon thấp, giảm phát thải. Rà soát, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thủ tục, tạo đột phá cho thu hút các dòng vốn đầu tư, phát triển các-bon thấp của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính đầu tư vào Việt Nam thông qua đổi mới cơ chế, chính sách.

Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quốc gia, ngành và địa phương được rà soát, cập nhật và điều chỉnh phù hợp với mục tiêu cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trên cơ sở chiến lược, quy hoạch, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.

Các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải được đẩy mạnh. Đến năm 2030, khuyến khích sử dụng điện, năng lượng xanh trong giao thông vận tải, sử dụng 100% xăng E5; giảm 32,6% lượng phát thải khí nhà kính trong năng lượng, 43% trong nông nghiệp, 70% trong lâm nghiệp và sử dụng đất…

Xác định chi tiết tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam; xác định các khu vực biển thu hút các nhà đầu tư, đưa một số dự án điện gió ngoài khơi vào hoạt động ở các khu vực có tiềm năng.

Đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát; giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch; tham gia các tổ chức năng lượng quốc tế.

Bên cạnh các mục tiêu cụ thể trên, Đề án cũng đề ra mục tiêu thực hiện sáng kiến của Liên Hợp quốc về “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái”, triển khai Chương trình trồng một tỷ cây xanh vì một Việt Nam xanh…

8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Đề án đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu gồm:

Một là, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Hai là, tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng các-bon.

Ba là, thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh.

Bốn là, phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng.

Năm là, bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.

Sáu là, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai cho các khu vực dễ bị tổn thương, đặc biệt là khu vực ven biển, sông, hồ. Triển khai các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên, hệ sinh thái và cộng đồng.

Bảy là, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông. Đánh giá nhu cầu công nghệ sạch, phát thải các – bon thấp trong các ngành, lĩnh vực để thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển các – bon thấp các ngành, lĩnh vực.

Tám là, thúc đẩy ngoại giao khí hậu. Vận động thu hút nguồn lực quốc tế (các nguồn tài chính công và tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm…) thông qua trao đổi, chuyến thăm cấp cao, chương trình làm việc của các bộ, ngành địa phương với đối tác nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và thúc đẩy thiết lập các quan hệ đối tác song và đa phương với các đối tác quốc tế.

Đồng thời, tích cực tham gia các tổ chức, cơ chế, diễn đàn quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu và có đóng góp thực chất, đề xuất ý tưởng và sáng kiến mới tại các cơ chế khu vực và toàn cầu.

Hữu Nam

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây