Thượng thư Lương Hữu Khánh: Người con ‘ưu tú’ của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng

Thượng thư Lương Hữu Khánh: Người con 'ưu tú' của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng
Tượng thờ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng và Thượng thư Bộ Binh Lương Hữu Khánh tại Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Lương Đắc Bằng trên quê hương Hội Triều.

Nếu Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, vị danh sĩ xứ Thanh dốc lòng vì nước – người thầy mẫu mực được sử sách lưu danh, thì con trai ông – Thượng thư Bộ Binh Lương Hữu Khánh không chỉ kế thừa ở cha văn tài lỗi lạc mà còn là danh tướng trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê.

Sinh thời, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng vẫn được người đời nhắc nhớ với câu nói nổi tiếng: “Kẻ ra làm quan thì luôn nhớ thanh, thận, cần. Người về ẩn dạy học thì luôn nhớ an bần, lạc đạo”. Ông thi đỗ và làm quan vào thời kỳ mà nhà Hậu Lê (Lê Sơ) đã đi qua giai đoạn phát triển cực thịnh, bắt đầu bộc lộ dấu hiệu suy vi. Đó là khi, chỉ trong chưa đầy 20 năm làm việc chốn quan trường, Lương Đắc Bằng đã phụng sự bốn triều vua, trong đó, triều vua Uy Mục và Tương Dực đã đi vào sử liệu với những nỗi oan khiên, oán hận trong Nhân dân. Chứng kiến hiện tình đó, mang tấm lòng của kẻ sĩ dốc lòng vì vận nước, Lương Đắc Bằng đã dâng lên vua Lê “14 kế sách trị bình” với lời lẽ rất mực chân thành, thống thiết.

Trong buổi đất nước loạn lạc, triều chính trễ nải, nguy vong, Lại bộ thị lang kiêm Đông các học sĩ Lương Đắc Bằng đành bất lực cáo quan về quê dạy học, sống cuộc đời thanh bình, lạc đạo. Hơn 30 năm làm quan và dạy học, tài sản mà Bảng nhãn Lương Đắc Bằng để lại cho vợ con chỉ là “năm gian nhà gỗ mái lợp lá kè, vườn không rộng, ruộng đất dăm sào”. Dù là người tài đức lỗi lạc song đời tư của cụ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng lại không được thuận lợi. Khi người vợ mang thai mới được 3 tháng thì ông qua đời. Theo gia phả dòng họ Lương tại đất Hội Triều nay là xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa), trước khi mất, ông dặn vợ: “Sau này nàng sinh con trai, hãy đặt tên con là Hữu Khánh, nghĩa là có niềm vui mừng của ta vậy, nàng nên gửi con theo học Trình tiên sinh (tức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – PV) bên Vĩnh Lại, người này chính là học trò ta đó, có như vậy mới nối được chí ta”.

Cậu bé Lương Hữu Khánh sinh ra đã thừa hưởng ở cha mình thiên tư mẫn tiệp, xuất chúng hơn người lại chăm chỉ học hành. Đặc biệt, ăn rất khỏe, bằng mấy người bình thường vì thế mà có sức khỏe phi thường. Tuy nhiên, sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước loạn lạc do nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê, gia cảnh lại nghèo khó nên Lương Hữu Khánh đã sớm phải bươn chải làm thuê khắp vùng. Tương truyền, một lần qua làng Vĩnh Trị gặp bà lão đang tìm người phát rạ cho 5 mẫu ruộng, chàng trai Hữu Khánh liền nhận việc, đồng thời dặn bà lão về nhà chuẩn bị tiền công và nấu cơm đủ cho 10 người ăn. Khi bà lão về nhà, Hữu Khánh một mình phăm phăm cầm dao phát rạ, chưa đến buổi trưa đã phát quang. Khi bà lão mang cơm đến thì ăn một mạch hết cả nồi cơm. Người dân tưởng đâu là thần, khi biết là con quan Bảng nhãn làng Hội Triều lại càng thương cảm.

Sách Nam Hải dị nhân của tác giả Phan Kế Bính khi viết về Lương Hữu Khánh có kể lại giai thoại: Một lần chàng trai Lương Hữu Khánh qua bến đò Tam Kỳ, cùng sang sông còn có mấy nhà sư. Vị sư già thấy Hữu Khánh nhìn vào túi oản liền bảo chú tiểu lấy cho vài chiếc nhưng cậu lại không nhận vì ít quá, ăn không đủ no. Khi biết Hữu Khánh là học trò nghèo, nhà sư liền nói rằng, nếu đã là học trò thì hãy làm thơ vịnh cảnh “Nho tăng đồng chu”, đến bờ mà làm xong thì sẽ tặng cậu hết số oản chay. Không ngờ, đò mới qua nửa sông thơ đã làm xong, đọc lên người có mặt trên thuyền đều cảm thấy sảng khoái. Các nhà sư không chỉ tặng cho Hữu Khánh toàn bộ số oản mà còn tặng thêm cho quan tiền… Khi đò cập bến, hai bên từ giã nhau, vị sư già cầm tay chàng trai trẻ Hữu Khánh dặn dò, nếu sau này làm nên nghiệp lớn, có đánh dẹp đâu cũng xin chừa chốn chùa chiền. Có lẽ bởi vậy, nên sau này khi làm tướng xung trận, gặp chốn chùa chiền, sư tăng ông đều hết sức tránh.

Lớn lên, theo lời cha dặn, Lương Hữu Khánh ra Bắc tìm đến nhà Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dưới sự dìu dắt của thầy dạy, Lương Hữu Khánh đã nhanh chóng vượt lên các bạn đồng môn. Trong lớp có Giáp Hải là người trước đó xuất chúng hơn cả cũng không theo kịp Hữu Khánh. Tuy nhiên, khi tham gia kỳ thi do nhà Mạc mở, biết Hữu Khánh là người Thanh Hóa, lại là con trai quan đại thần nhà Lê, nên triều đình đã xếp Hữu Khánh sau Giáp Hải. Thấy bất công, Lương Hữu Khánh bỏ không thi đình, vì thế mà Giáp Hải đỗ Trạng nguyên (theo sách Việt Nam những sự kiện lịch sử). Lại nói, bạn đồng môn Giáp Hải từ khi đỗ Trạng nguyên được triều đình nhà Mạc trọng dụng tin dùng, ban cho tước Kế Khê hầu. Biết Hữu Khánh là người có tài nên đã hết sức chiêu mộ, mời ông về phủ của mình, lấy thịnh tình đón tiếp những mong Hữu Khánh thay đổi ý định, dốc lòng phụng sự cho nhà Mạc. Và theo sử liệu, đây cũng là khoảng thời gian Lương Hữu Khánh bị “giam lỏng” ở đất Thăng Long.

Khi biết tin nhà Lê đang tiến hành sự nghiệp Trung hưng, ông đã tìm cách trốn về đất Thanh Hóa. Khi về đến Yên Trường, Lương Hữu Khánh đã được vua Lê, chúa Trịnh hết sức tin dùng, ban cho chức Thị lang, cho tham tá việc quân cơ, sai cầm quân đi đánh giặc.

Trong thời gian phụng sự nhà Lê “Phù Lê diệt Mạc”, danh tướng Lương Hữu Khánh đã lập nhiều chiến công hiển hách, được sử liệu và gia phả dòng họ ghi lại. Một số sự kiện tiêu biểu như: Tháng 7 năm Đinh Tỵ (1557), đại tướng nhà Mạc là Mạc Kính Điển đem binh thuyền vào cửa Thần Phù uy hiếp Thanh Hóa. Lương Hữu Khánh giả trang làm thuyền chài dâng cá, nhân cơ hội tướng nhà Mạc sơ hở ông vung gươm chém tới khiến kẻ địch hoảng loạn. Phục binh nhà Lê theo đó mà tấn công, thu về được hơn 300 thuyền chiến. Tháng 4 năm Canh Ngọ (1570) Mạc Kính Điển lại kéo 10 vạn quân và 700 chiến thuyền vào Thanh Hóa với quyết tâm tiêu diệt căn cứ nhà Lê Trung hưng. Trưởng Quận công Trịnh Tùng mở Hội các tướng bàn kế sách. Lương Hữu Khánh cùng các tướng sĩ trên dưới một lòng thề dốc sức đánh quân Mạc. Khi quân Mạc tiến quân vào Yên Trường, ngày đêm đánh phá nhằm vây bắt vua Lê. Lương Hữu Khánh sai quân sĩ ban đêm cắm thêm tầng lũy, lấy vách ván nhà dân che kín, phía ngoài trát bùn, bên trên cắm chông, tới sáng thì xong tuyến thành giả với pháo đài, châu mai la liệt. Tướng nhà Mạc từ xa quan sát thấy bức tường thành vững chãi, nhầm tưởng quân lực nhà Lê quá mạnh nên đành rút lui, nhờ vậy mà Yên Trường qua cơn hoạn nạn. Đến năm Mậu Dần (1578), trung tuần tháng 7, quân Mạc lại tiến vào lấn chiếm các huyện ven sông xứ Thanh. Đến cửa Lạch Trào ngay sát làng Hội Triều thì Lương Hữu Khánh và tướng Trịnh Bách chỉ huy quân sĩ đón đánh tiêu diệt thủy quân nhà Mạc… Dốc sức cống hiến tài năng cho sự nghiệp Trung hưng nhà Lê, Lương Hữu Khánh đã được phong đến chức Thượng thư Bộ Binh, tước Đạt Quận công. Nhà sử học Phan Huy Chú xếp ông vào một trong 39 người tài đức có công phò tá thời Lê Trung hưng.

Là người văn võ song toàn, Thượng thư Lương Hữu Khánh không chỉ giỏi bày binh bố trận, lập nhiều công lớn mà còn có sự nghiệp văn chương để đời. Ngoài bài thơ “Nho tăng đồng chu” nổi tiếng khi còn trẻ, ông còn có tập “Sử quan” (800 câu) và “Bạch Vân am thi tập” (100 bài). Sách Nam thiên trân dị tập khi đánh giá về Lương Hữu Khánh đã viết: “Sự nghiệp kỳ diệu thường trải qua những vất vả lạ thường. Bảng nhãn Lương Đắc Bằng là thân phụ Lương Hữu Khánh tất biết trước điều đó. Hữu Khánh không làm Trạng nguyên dưới triều Mạc mà làm công thần dưới triều Lê Trung hưng. Đất nhà họ Lương được long mạch chính chăng?…”.

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Lương Đắc Bằng là nơi thờ cụ Bảng nhãn và con trai ông – Thượng thư Lương Hữu Khánh. Ngoài 2 sắc phong của triều đình phong kiến dành cho cụ Lương Hữu Khánh thì gia phả dòng họ Lương là “tài sản” giá trị được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

*Bài viết có tham khảo nội dung trong sách “Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa” và gia phả dòng họ Lương.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây