Văn học mạng trong thời đại hôm nay

Ngày nay, trong xu thế phát triển chung, văn học cũng có nhiều cơ hội hơn để đến với công chúng. Một trong những bộ phận văn học được hình thành và phát triển trong thời đại hôm nay là văn học mạng (Electronic literature), còn gọi là văn học điện tử, văn học số, văn học kỹ thuật số…

Quan sát chung tình hình văn học mạng, có thể thấy bộ phận văn học đó diễn ra rầm rộ, ồ ạt và sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội. Nếu như trước đây, để trở thành một tác giả (chuyên hoặc không chuyên), thậm chí một nhà văn, là điều vô cùng khó khăn. Chưa nói đến chất lượng tác phẩm, có người đã phải vấn vả gần nửa đời người mới có thể đưa được “đứa con tinh thần” của mình đến với công chúng. Tuy nhiên, khi mạng xã hội phát triển, nhiều người nhanh chóng trở thành tác giả, nhà văn. Tác phẩm của họ không cánh mà bay đến muôn nơi, được nhiều người tiếp nhận, có lượt xem (view) khủng – đôi khi là con số mơ ước của một số nhà văn đã thành danh.

Đã có một thời, trên internet xuất hiện những tên tuổi đình đám làm xôn xao “thế giới văn chương mạng”. Từ những người thuộc những ngành nghề khác nhau trong xã hội đã nhanh chóng trở thành các tác giả mà mạng xã hội chính là “công cụ” để tác phẩm của họ đến với công chúng. Đó là những cái tên như Nguyễn Ngọc Thạch, Hamlet Trương, Anh Khang, Hồng Sakura, Trang Hạ, Trần Thu Trang, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Gào, Kawi Hồng Phương, Born… Tuy nhiên, với những lý do khác nhau, chẳng hạn như tác giả có điều kiện kinh tế hoặc sáng tác có giá trị nghệ thuật lẫn “giá trị kinh tế”, tác phẩm của họ được in thành sách, phát hành rộng rãi trên thị trường văn học trong nước. Giờ đây, những tác giả đó dường như đã có chỗ đứng nhất định trên văn đàn, “đứa con tinh thần” của họ cũng có mặt trên các kệ sách, thu hút một lực lượng độc giả nhất định (nhất là độc giả trẻ). Hồng Sakura có Lãng tử gióXu xu đừng khócNếu em ở đâyBạch Mã hoàng tử (Sbooks và NXB Văn học)…; Nguyễn Ngọc Thạch có bộ tiểu thuyết Khóc giữa Sài GònNgười cũ còn thương (Skybooks và NXB Phụ nữ), Chênh vênh 25 (Người trẻ Việt và NXB Văn học”…; Trang Hạ có Chồng xứ lạ (NXB Phụ nữ), Giang hồ chỉ vừa đủ xài (CTCP Mỹ thuật & Truyền thông và NXB Trẻ)…; Anh Khang với Ngày trôi về phía cũ (Phương Nam Books và NXB Hội Nhà văn), Thương mấy cũng là người dưng (Phương Nam Books và NXB Văn hóa Văn nghệ), Thả thính chân kinh (NXB Trẻ)…

Vấn đề nan giải hiện nay là nên xếp sáng tác của các tác giả nói trên vào dòng/ nhánh/ bộ phận văn học nào trong bức tranh chung của văn học nước nhà. Việc xếp những tác phẩm đó vào bộ phận “văn học mạng” chắc chắn không thể bởi các sáng tác đã thoát khỏi “thế giới mạng”, được in thành sách và phát hành với số lượng bản in khủng, có hiện tượng “cháy hàng” (best seller)… Đôi khi số lượng bản in và độ “hot” của mảng sách nói trên lấn át cả sách của những tác giả gạo cội trong dòng “văn học chính thống”. Đã có giai đoạn một vài nhà nghiên cứu văn học, nhà văn trong dòng văn học chính thống đề xuất tên gọi cho mảng văn học nói trên là “văn học thị trường”. Về tên gọi “văn học thị trường”, thoạt nhìn đã nhận ra tính chất đặc trưng của những tác phẩm thuộc dòng văn học đó: tính thị trường. Vì phần lớn nội dung của những sáng tác đó tập trung vào đời sống, những cung bậc tình cảm, những băn khoăn của giới trẻ, nhất là trong tình yêu nên đối tượng tiếp nhận chủ yếu là giới trẻ. Một số tác phẩm còn mang bóng dáng của văn chương ngôn tình (ảnh hưởng từ tiểu thuyết ngôn tình Trung Hoa), thậm chí dày đặc yếu tố “sex” thuần túy (khác với nghệ thuật đích thực). Những tác phẩm như thế đủ sức khơi gợi sự tò mò, gây hấp dẫn độc giả trẻ, nhanh chóng nằm trong nhóm sách “best seller” dù một số trường hợp nhất định được viết hời hợt, dễ dãi, thiếu tính nghệ thuật, chủ yếu chiều chuộng thị hiếu người trẻ. Tuy nhiên, tên gọi ấy có vẻ “không được lòng” một số tác giả trong mảng văn học nói trên. Nhiều tác giả đã “bảo vệ” những sáng của mình bằng lý lẽ: đích đến cuối cùng của văn học cũng là độc giả, được tiếp nhận là đáng quý, nếu không có giá trị thì tác phẩm của họ đã “chết” từ khi mới ra đời. Thực chất vẫn chưa có một khái niệm hay quy chuẩn nhất định cho “văn học chính thống”, “văn học thị trường”… nên vấn đề tên gọi vẫn còn là nỗi băn khoăn của rất nhiều người. Song, một điều đáng nói là thời gian gần đây người ta hạn chế sử dụng tên gọi “văn học thị trường”.

Ngoài những tác giả đã thành danh mà khởi điểm của họ là “văn học mạng”, ngày hôm nay, trên mạng xã hội có sự xuất hiện của nhiều gương mặt tác giả thường xuyên đăng tải các sáng tác của mình, ít nhiều thu hút độc giả mạng. Một điều đáng nói là việc xuất bản sách trong thời điểm hiện tại không còn là vấn đề quá khó khăn. Xuất bản sách đã trở thành dịch dụ để hỗ trợ các tác giả có tác phẩm văn muốn lan tỏa đến độc giả. Mạng xã hội trở thành điểm xuất phát để khi các tác giả có được một lực lượng độc giả nhất định, họ sẽ chuyển những tác phẩm mạng thành sách, tài khoản mạng xã hội trở thành nơi quảng bá, giới thiệu tác phẩm của họ. Không thể không nhắc đến Song Hà – chủ nhân của Blog Boy Gia’s – cõi bình yên cho những tâm hồn mệt mỏi, với văn phong táo bạo, thoát khỏi những thi pháp truyền thống. Tác giả Xanh Lam – chủ nhân của Fanpage Xanh lam thu hút gần 143.567 người theo dõi, hiện Xanh Lam đã xuất bản thành sách với tên gọi Những ngày vỡ đôi (Sbooks và NXB Thế giới), nằm trong dự án sách Chill cho người Việt. Tác giả Raxu Nguyễn – chủ nhân Fanpage Nỗi buồn xanh lá với hơn 1 triệu lượt theo dõi trên mạng Facebook, hiện cũng xuất bản một số quyển sách như Nỗi buồn màu xanh lá (Yolo Books và NXB Lao động), Dành cả thanh xuân để yêu một người vô tâm (Người trẻ Việt và NXB Văn học). Tác giả Bùi Hoàng Long – chủ nhân Fanpage Chàng trai áo trái thu hút hơn 213.000 người theo dõi, hiện cũng đã xuất bản tác phẩm Gói chữ thành thư (Booklife và NXB Hội Nhà văn)… Hầu như trước khi xuất bản sách, những tên tuổi ấy đều có một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để đăng tải tác phẩm.

Từ góc nhìn mang tính khách quan, có thể nhận ra những ưu điểm cũng như hạn chế của hiện tượng “văn học mạng” theo hai cách hiểu khái niệm đã luận giải ở trên. Về ưu điểm, “văn học mạng” có ưu thế trong thời đại công nghệ 4.0, tác giả dễ dàng công bố tác phẩm của mình mà không phải trải qua nhiều khâu như trước đây; tác giả có thể quảng bá tác phẩm, lan tỏa sáng tác đến với bạn đọc bởi mạng xã hội không còn xa lạ trong thời hiện đại; không cần mất chi phí để in sách (khi không được Nhà xuất bản đầu tư, mua bản quyền tác phẩm); chủ động trong việc đưa tác phẩm vào “đời sống mạng”; một vài website còn có chế độ nhuận bút cho tác giả đăng tải sáng tác có chất lượng lên mạng. Tuy nhiên, bất kỳ dòng văn học nào cũng có những hạn chế nhất định, và “văn học mạng” cũng thế. Vì tác giả dễ dàng, chủ động công bố tác phẩm nên việc kiểm duyệt từ bên thứ ba không xảy ra, nhiều tác phẩm xáo rỗng, thậm chí có nội dung không mấy tốt đẹp cũng hòa vào đời sống mạng, đời sống văn chương. Nhiều trường hợp tác giả quảng bá quá đà tác phẩm của mình, thực tế nó chỉ là những câu từ lộn xộn, vô nghĩa, không có giá trị văn học. Khi “văn học mạng” áp đảo văn học chính thống, những sáng tác có giá trị, là nghệ thuật đích thực, chân chính… sẽ có nguy cơ “lép vế”, mờ nhạt, văn học nước nhà có sẽ xu hướng tuột dốc nếu không có sự kiểm soát và cân bằng lại.

Bên cạnh văn học chính thống, “văn học mạng” cũng có những đóng góp, dù nhỏ nhoi, cho nền văn học Việt Nam hôm nay. Điều quan trọng là các tác giả ý thức được sứ mệnh, trách nhiệm của người cầm bút cũng như sức nặng của con chữ để sáng tác của mình có giá trị, góp phần hình thành diện mạo độc đáo của văn học Việt Nam, đưa văn học Việt Nam vào quỹ đạo văn học thế giới nhưng đồng thời cũng giữ những bản sắc riêng vốn có.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây