Vị thế Việt Nam trong cục diện mới của khu vực

Vị thế Việt Nam trong cục diện mới của khu vực - vansudia.net
Việt Nam là cầu nối giữa hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của các nước Đông Nam Á và châu Á, có điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực (Trong ảnh: Bốc xếp hàng hóa tại cảng quốc tế Tân cảng - Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) _Nguồn: Tư liệu

Vị thế Việt Nam trong cục diện mới của khu vực

HOA NGUYỄN

Những năm qua, khu vực châu Á – Thái Bình Dương chứng kiến những thay đổi to lớn, mang tính bước ngoặt trong việc định hình cục diện mới. Trong bối cảnh đó, việc xác lập, nâng cao vị thế quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển của đất nước. Là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ở trung tâm Đông Nam Á, thuộc châu Á – Thái Bình Dương, khu vực phát triển năng động nhất hiện nay, Việt Nam có những lợi thế và điều kiện đặc biệt để phát huy vị thế quốc gia, góp phần vào sự ổn định, phát triển và phồn vinh trong khu vực và trên thế giới.

Nhận diện vị thế Việt Nam

Nói đến vị thế của một quốc gia là nói đến chỗ đứng và uy tín của quốc gia đó ở khu vực và thế giới. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, có năm nhân tố quyết định vị thế của một quốc gia, đó là nhân tố tự nhiên (vị trí địa lý của quốc gia đó có tầm quan trọng như thế nào đối với khu vực và thế giới); nhân tố lịch sử (dân tộc đó có những đóng góp như thế nào cho sự phát triển của xã hội loài người); nhân tố kinh tế (liên quan đến trình độ phát triển kinh tế của nước đó); sức mạnh quân sự của quốc gia đó mạnh hay yếu; đường lối chính sách đối nội và đối ngoại có hợp lòng dân và xu thế của thế giới không. Nếu xét theo những tiêu chí đó thì đất nước ta quy tụ hầu như tất cả các nhân tố nói trên.

Vị trí địa – chiến lược

Trên thế giới hiện nay, vận mệnh hay sự thăng trầm của một quốc gia, phần lớn phụ thuộc vào các nguồn lực địa chính trị và khả năng khai thác các nguồn lực của quốc gia đó. Trong bối cảnh cục diện khu vực mới hiện nay, nhất là sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, thì việc xác định đúng mức vị trí chiến lược của Việt Nam có ý nghĩa chiến lược. Xét về địa thế và hình dáng lãnh thổ đất nước, Việt Nam có nguồn tài nguyên địa – chính trị quan trọng. Trước hết, Việt Nam có vị trí địa – chiến lược trong một khu vực chiến lược trọng yếu hàng đầu trên thế giới. Đông Nam Á nằm trên trục đường giao thông quan trọng các tuyến hàng hải, thương mại vào loại nhộn nhịp nhất châu Á, là vùng đất giàu tiềm năng và là một trong những khu vực phát triển năng động nhất trên toàn cầu. Thứ hai, vị trí “cửa ngõ”, “tiền tiêu” của Việt Nam khiến nước ta từ trước đến nay luôn là địa bàn cạnh tranh địa chính trị, xác lập và mở rộng ảnh hưởng giữa các cường quốc. Trong bối cảnh mới hiện nay, giá trị và vai trò chiến lược của Việt Nam có ý nghĩa đối với các nước lớn trong việc triển khai, hiện thực hóa chiến lược của các nước này trong khu vực. Giá trị chiến lược này là lợi thế để Việt Nam phát huy thế mạnh, tiềm lực của mình, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư, đồng thời cũng là thách thức trong phát triển kinh tế đất nước và trong công cuộc giữ vững và bảo vệ chủ quyền quốc gia – dân tộc. Trong quá trình triển khai, hiện thực hóa chiến lược, sáng kiến của mình trong khu vực, các nước lớn không chỉ thông qua cửa ngõ duy nhất là Việt Nam. Vị trí “cửa ngõ” của Việt Nam cũng có thể bị “bỏ qua” nếu Việt Nam không tận dụng được lợi thế của mình để nắm bắt cơ hội. Mặt khác, lợi thế “cửa ngõ” này cũng khiến Việt Nam trở thành nơi “đầu sóng, ngọn gió”, chịu ảnh hưởng sâu sắc trong những biến chuyển tương quan quyền lực chính trị, quân sự của cả khu vực. Cục diện mới của khu vực tiềm ẩn cả cơ hội lẫn thách thức đã và đang tác động sâu sắc, đa chiều, phức tạp đến Việt Nam. 

Vị trí địa – kinh tế

Việt Nam nằm ở vị trí huyết mạch của nền kinh tế khu vực nơi có các nền kinh tế phát triển mạnh và năng động, là động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới. Là cầu nối giữa hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của các nước Đông Nam Á và châu Á, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực. Thứ nhất, với lợi thế “mặt tiền” trông ra Biển Đông, Việt Nam đóng vai trò then chốt về kinh tế và cung ứng dịch vụ logistics cho các quốc gia trong và ngoài khu vực. Thứ hai, Việt Nam nằm trên tuyến đường bộ xuyên Á trong dự án xây dựng tuyến đường cao tốc, nối liền các quốc gia khu vực Âu – Á do Ủy ban Kinh tế – Xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) khởi xướng. Việt Nam cũng nằm trong trục chính của Hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tạo ra tiềm năng to lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công và khu vực. Với lợi thế đó, Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm, đầu tư của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực.

Trong gần 35 năm qua kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt, đặc biệt là về kinh tế. Từ một nền kinh tế khép kín, tự cấp, tự túc, theo cơ chế kinh tế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp, Việt Nam đã phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, trở thành nước có thu nhập trung bình. Tạp chí The Economist (Anh) tháng 8-2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/ năm giai đoạn 2016 – 2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Mặc dù chịu ảnh hưởng tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Theo WB, GDP của Việt Nam năm 2020 ước đạt 2,8%, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khu vực và trên thế giới(1)

article 1 - Vị thế Việt Nam trong cục diện mới của khu vực

Mặc dù chịu ảnh hưởng tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức khá (Trong ảnh: Dây chuyền kiểm tra bảng mạch điện tử tại một doanh nghiệp của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) _Ảnh: TTXVN

Từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp, với GDP đầu người đạt khoảng 2.800 USD năm 2019, hơn 45 triệu người thoát nghèo; là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và năng động nhất trong khu vực. Tính theo quy mô tổng sản phẩm quốc nội, Việt Nam là nền kinh tế đứng thứ 46 trên thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam hiện nay ước đạt hơn 340 tỷ USD, vượt Singapore, Malaysia, đứng thứ tư trong khu vực(2).

Theo dự báo mới nhất của Tập đoàn Ngân hàng Hồng Công và Thượng Hải (HSBC), mặc dù chịu ảnh hưởng tác động của dịch bệnh COVID-19, Việt Nam là nền kinh tế ASEAN duy nhất đạt được mức tăng trưởng tích cực vào năm 2020 và phục hồi với tốc độ tăng trưởng 8,1% vào năm 2021 – mức cao nhất ở châu Á. Còn theo báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu 2020 của Công ty DHL và Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York (Mỹ), Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực trong thương mại hàng hóa, đứng thứ năm về dòng chảy thương mại toàn cầu(3).

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, trong số 140 quốc gia được xếp hạng năm 2018, Việt Nam là quốc gia có mức độ cạnh tranh cao nhất trên thế giới(4). Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở thuộc loại cao trên thế giới (chiếm khoảng 200% GDP). Đặc biệt, với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế có khả năng cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn. Một số chuyên gia nước ngoài cho rằng, Việt Nam có triển vọng trở thành một trong những nền kinh tế nổi bật nhất châu Á, bất chấp thách thức và khủng hoảng từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo nhà kinh tế Nhật Bản Hamada Kazuyuki, Việt Nam có khả năng trở thành một cường quốc trong tương lai(5).

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay vẫn thuộc loại trung bình thấp so với các nước trong khu vực, chỉ cao hơn các quốc gia khác như Timor Leste, Campuchia và Myanmar. So với các nước ASEAN-6, mức thu nhập này có khoảng cách khá xa, chỉ bằng 4,5% của Singapore, 8,4% của Brunei, 23% của Malaysia, 34,2% của Thái Lan, 65% của Indonesia, 79,2% của Philippines(6). Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đang có những biểu hiện “chậm chân” so với các nước trong khu vực. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước ASEAN. Nhiều mặt hàng sản xuất xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng trong nước thấp, trong đó chủ yếu thực hiện chức năng lắp ráp. Sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu chính (GVC) còn hạn chế, thay vào đó, hoạt động xuất khẩu chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam vẫn còn hiện hữu nếu Việt Nam không kịp thời đổi mới về cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng tăng trưởng trong thời gian tới.

Vị thế chính trị – ngoại giao

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, vị thế chính trị – ngoại giao Việt Nam không ngừng nâng cao.

article 2 - Vị thế Việt Nam trong cục diện mới của khu vực

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc _Nguồn: UN

Một là, Việt Nam ngày càng có vị thế quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước lớn. Tính đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần định vị vững chắc hơn vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh cục diện khu vực, thế giới có nhiều biến đổi. Việt Nam có quan hệ thương mại với 230 thị trường trên thế giới, đàm phán, ký kết nhiều FTA thế hệ mới, trở thành mắt xích quan trọng trong các liên kết khu vực. Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ thương mại tự do với gần 60 nền kinh tế (chiếm 59% dân số, 61% GDP và 68% thương mại thế giới) thông qua 16 FTA, bao gồm cả các FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hai là, tiếng nói của Việt Nam ngày càng có trọng lượng hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Năng lực chủ trì, điều hành và vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại các hội nghị, diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế ngày càng được khẳng định. Đặc biệt trong năm 2020, với việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 41 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp cùng nhiều thách thức chưa từng có, Việt Nam đã có những hình thức hoạt động phù hợp, linh hoạt, với những sáng kiến, đề xuất được bạn bè quốc tế đánh giá cao, góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Ba là, Việt Nam đã tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, hiệu quả, đa dạng về cấp độ, hình thức và phương thức, trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trên tinh thần chủ động, tích cực. Tinh thần trách nhiệm thể hiện ở chỗ, không chỉ là người tham dự, tham gia vào những chính sách đã được bàn thảo, mà còn là người tham gia đàm phán các FTA thế hệ mới, góp phần định hình luật chơi, vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn đa phương khu vực quan trọng. Tinh thần chủ động, tích cực là việc chủ động đề xuất các sáng kiến, chính sách, lựa chọn những phương thức, hành động đúng, dự báo được những tình huống thuận lợi và khó khăn, linh hoạt trong vận dụng chính sách; nắm rõ và vận dụng các “luật chơi” của các thể chế kinh tế – thương mại quốc tế một cách thích hợp trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của đất nước.

Sau gần 35 năm đổi mới, quy mô, tiềm lực, sức mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh – quốc phòng của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao. Từ thế bị bao vây, cấm vận, kinh tế Việt Nam đã từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, tham gia các thể chế, diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế.

Từ việc tự xác định là bạn, là đối tác tin cậy đến chỗ tự đặt mình vào mạng lưới sân chơi, tham gia chủ động, tích cực, phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đóng góp vào nỗ lực chung trong giải quyết các vấn đề toàn cầu là cả một chặng đường đổi mới tư duy sáng tạo. Việt Nam ngày càng thể hiện sự nâng tầm trong cách thức hội nhập quốc tế, không chỉ “ký kết, tham gia” mà còn góp phần “xây dựng, định hình các quy tắc, luật lệ mới”, từ thế “bị động”, “tuân thủ luật chơi” chuyển sang thế “chủ động, tích cực”, “góp phần đề ra luật chơi”, từ vai trò “quan sát viên” đến vai trò nòng cốt trong “dẫn dắt, hòa giải”. Bước chuyển biến đó cho thấy vị thế tự tin, độc lập của Việt Nam ngày càng được khẳng định vững chãi; các nước tiếp tục đánh giá cao và dành cho Việt Nam sự tin cậy, tín nhiệm nhờ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.

Định vị Việt Nam trong cục diện mới của khu vực

Thời gian qua, tình hình thế giới đang có những chuyển biến sâu sắc, tác động đến các khu vực trên thế giới. Các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược phát triển để phù hợp với tình hình mới. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, các điểm nóng… vẫn diễn ra ở nhiều khu vực. Các thách thức an ninh phi truyền thống, an ninh mạng… trở thành vấn đề toàn cầu, đe dọa chủ quyền quốc gia – dân tộc. Chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng gia tăng mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế. Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của dịch bệnh COVID-19. Tiến trình toàn cầu hóa vẫn tiếp diễn nhưng đứng trước nhiều khó khăn, trở ngại, có nơi bị đảo ngược. Cuộc đối đầu chiến lược toàn diện Mỹ – Trung Quốc chưa có dấu hiệu kết thúc và đại dịch COVID-19 vẫn còn có nhiều diễn biến đáng lo ngại.

Được coi là “đầu tàu” tăng trưởng kinh tế và là động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu, với các nền kinh tế phát triển năng động bậc nhất thế giới, châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng có vị trí địa kinh tế – chính trị ngày càng quan trọng trong cán cân sức mạnh toàn cầu. Bên cạnh các xu hướng co cụm, bảo hộ do tác động của đại dịch COVID-19 và sự cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc, thì hợp tác, liên kết vẫn tiếp tục là dòng chảy chủ đạo tại khu vực và thế giới. Tuy nhiên, cục diện khu vực tiềm ẩn nhiều biến động bất lường, với sự cạnh tranh của các cường quốc, dẫn đến sự tập hợp lực lượng có sự đan xen lợi ích phức tạp, nhiều tầng nấc, các tranh chấp chủ quyền biển, đảo, các cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát địa – chính trị ngày một gia tăng. Sự cạnh tranh giữa các nước không chỉ bó hẹp ở các địa bàn, lĩnh vực truyền thống trước đây mà ngày càng có xu hướng mở rộng ra các không gian ảnh hưởng… cho thấy các thách thức ngày càng gay gắt hơn; các cú sốc bên ngoài ngày càng tác động trực tiếp hơn, mạnh mẽ hơn, tính bất ổn, bất lường cũng vì thế có xu hướng gia tăng, kéo dài, thậm chí vượt khả năng dự báo, kiểm soát của con người. Các quốc gia trong khu vực ngày càng chú trọng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ đối ngoại nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia của mình.

article 3 - Vị thế Việt Nam trong cục diện mới của khu vực

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) _Ảnh: TTXVN

Giữa vô vàn thách thức và cơ hội đan xen phức hợp, Việt Nam cần định vị được vị trí tối ưu của mình, xác định rõ nước ta đang ở đâu trong bàn cờ chính trị khu vực và thế giới; xác định rõ tầm nhìn, lợi ích, mục tiêu quốc gia, cả trước mắt và lâu dài; mức độ chuẩn bị sẵn sàng đến đâu trong việc nắm bắt, dự báo, tiếp cận được những xu thế vận động, phát triển mới của thế giới, chủ động đón bắt cơ hội, chế ngự và vượt qua thách thức, để làm sao vị trí, vai trò của Việt Nam nổi bật hơn, có tiếng nói trọng lượng hơn và ngày càng thể hiện vai trò, trách nhiệm, thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Theo đó, cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển của đất nước đã được xác định rõ trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng: “… Phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển, sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, kết hợp sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chú trọng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tầm nhìn phát triển đất nước đó vừa mang những giá trị Việt Nam, vừa mang những giá trị phổ quát khu vực và toàn cầu. Các nước trong khu vực hiện nay đều đặt ra những mục tiêu khát vọng cho hành trình phát triển của mình xây dựng, phát triển quốc gia thịnh vượng trong thập niên tới, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến. Brunei đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu thế giới cả về thu nhập bình quân đầu người lẫn chất lượng sống. Các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines… đều đặt mục tiêu rõ ràng là đạt được trình độ phát triển cao trong 25 năm tới(7). Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Tầm nhìn chiến lược và mục tiêu chính sách của quốc gia trong thời gian tới thể hiện tâm thế và khát vọng tương lai của đất nước.

Thứ hai, nhận rõ thế và lực, vị trí của Việt Nam, phù hợp với những thay đổi, biến chuyển của thời cuộc, cũng như các giá trị và lợi ích của đất nước trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động. Thế giới và khu vực luôn trong trạng thái biến chuyển không ngừng, thay đổi nhanh chóng, nhiều nhân tố mới xuất hiện khiến nhiều quan niệm cũ thay đổi, không còn phù hợp, cần được xem xét, nhận thức lại. Bối cảnh mới này đòi hỏi phải có những đổi thay căn bản trong tư duy và đường hướng phát triển, song phải căn cứ vào điều kiện cụ thể và thực lực của đất nước, nhận diện đúng bối cảnh, tình hình để từ đó chủ động, sáng tạo hoạch định đường lối phát triển. Mặt khác, thế và lực mạnh lên, mới có khả năng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra một cách tự tin, chủ động. Thế và lực mạnh cũng có nghĩa là định vị chỗ đứng của mình một cách vững chãi trong bối cảnh sự đan xen lợi ích phức tạp giữa các nước có xu hướng ngày càng rõ nét. Thế và lực có quan hệ biện chứng khăng khít, tương hỗ nhau. Trong điều kiện “lực” còn hạn chế thì vị thế đối ngoại của Việt Nam ngày càng trở thành một nguồn sức mạnh quan trọng, tạo nên “thế” thuận lợi trên cơ sở phát huy “sức mạnh mềm”, truyền thống, khát vọng của dân tộc, tận dụng lợi thế vị thế địa – kinh tế; địa – chính trị đặc thù, chính sách đối ngoại khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt, bản lĩnh, độc lập, để tạo ra sức hấp dẫn riêng. Ngược lại, để tạo dựng “thế” vững chắc, phải có sự chuẩn bị từ bên trong, tức có nội lực mạnh mẽ, vừa tối ưu hóa sức mạnh tổng hợp đất nước để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Thứ ba, phát huy nguồn lực “sức mạnh mềm” của dân tộc. Duy trì, phát triển hệ giá trị văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc Việt Nam, phát huy tính độc đáo, sáng tạo của truyền thống văn hiến hàng nghìn năm lịch sử, cũng như sức mạnh tổng hợp quốc gia. Trong bối cảnh mới phức tạp của tình hình thế giới và khu vực hiện nay, cần nhận thức rõ hơn nhiệm vụ xây dựng sức mạnh tổng lực quốc gia toàn diện trên các mặt trận kinh tế, quân sự, chính trị – ngoại giao, cả sức mạnh bên trong lẫn sức mạnh bên ngoài, cả “sức mạnh cứng” cũng như “sức mạnh mềm”, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Thứ tư, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, nhất là với các nước lớn, tạo thành sức mạnh toàn diện, rộng khắp. Đưa quan hệ đối tác chiến lược với các nước lớn đi vào thực chất – yếu tố quan trọng để nâng cao vị thế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Trong quan hệ với các nước lớn, xử lý linh hoạt hai mặt giữa đối tượng và đối tác, thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới và khu vực luôn có những đột biến, cạnh tranh nước lớn và tập hợp lực lượng của các nước không ngừng biến động, cũng cần có sự xem xét, “phân tầng” trong từng cặp quan hệ, trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc.

Gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và gần 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Với vị thế địa kinh tế – chính trị quan trọng, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế đang lên, Việt Nam có cơ sở thuận lợi để định vị thế đứng của mình, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới./.

—————-

(1) https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview
(2) https://vietnambusinessinsider.vn/imf-nen-kinh-te-viet-nam-da-vuot-singapore-malaysia-13923.html
(3) https://baodautu.vn/viet-nam-nam-trong-top-5-cac-quoc-gia-ve-dong-chay-thuong-mai-quoc-te-d134271.html
(4) https://tradingeconomics.com/vietnam/competitiveness-rank
(5) Xem: Hamada Kazuyuki: Cường quốc trong tương lai: Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2020, tr. 74
(6) https://vov.vn/kinh-te/tang-truong-vung-chac-viet-nam-huong-toi-vi-the-moi-trong-asean-1076709.vov
(7) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 23-7-2020

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây