Viết lách và nơi chốn – Tiểu luận của Abdulrazak Gurnah

Viết lách và nơi chốn – Tiểu luận của Abdulrazak Gurnah
Nhà văn Abdulrazak Gurnah đoạt giải Nobel năm 2021 về Văn học vào tháng 10. Ảnh: Matt Dunham/ AP

Abdulrazak Gurnah sinh năm 1948 ở Zanzibar và đến Anh năm 1968 như một người tị nạn. Là tác giả của mười cuốn tiểu thuyết, ông được trao giải Nobel văn chương năm 2021. Ông cũng là một nhà phê bình văn học và là giáo sư hưu trí tại Đại học Kent. Trong tiểu luận dưới đây, đăng lần đầu trên tờ Wasafiri năm 2004, Gurnah miêu tả quá trình ông trở thành nhà văn trong và sau khi thoát khỏi hỗn loạn và bạo lực ở Zanzibar sau khi chế độ thực dân chấm dứt và khám phá những mánh lới không thể đoán trước mà ký ức có thể bày trên người di dân.

Những năm đầu sống ở Anh, hồi đâu 21 tuổi, đó là khi tôi bắt đầu viết. Nói một cách nào đó nó là thứ mà tôi vấp phải hơn là sự hoàn thành một kế hoạch. Trước đó tôi có viết, khi còn là một cậu học sinh ở Zanzibar, nhưng những cố gắng tập tọe ấy là những trò đùa vui, bông phèng, để giải trí cho bạn bè và đọc trong các buổi ôn tập ở trường, làm theo ý thích, hoặc để lấp đầy những lúc rảnh rỗi hoặc để khoe khoang. Tôi chưa bao giờ nghĩ đó là mào đầu cho bất cứ điều gì, hay nghĩ về bản thân mình như một người khao khát trở thành một nhà văn.

Tiếng mẹ đẻ của tôi là Kiswahili, và không như nhiều thứ tiếng châu Phi khác, nó là một ngôn ngữ viết có trước thời thực dân châu Âu, tuy nói thế không có nghĩa đây là phương thức văn chương chủ đạo. Những ví dụ đầu tiên của loại chữ viết này có từ cuối thế kỷ 17, và hồi tôi còn thiếu niên, chữ viết ấy vẫn có ý nghĩa, vẫn được dùng làm chữ viết cũng như là một phần của ngôn ngữ truyền miệng. Song các tác phẩm đương đại viết bằng tiếng Kiswahili duy nhất mà tôi biết là những bài thơ ngắn đăng trên báo, hay các chương trình đọc truyện phổ biến trên đài phát thanh, họa hoằn lắm mới có một tập truyện. Nhiều tác phẩm trong số đó có một khía cạnh đạo đức hay hoạt kê nhằm mục đích phục vụ cho sự tiêu dùng đại chúng. Những người viết chúng cũng làm những công việc khác: họ làm giáo viên hay có lẽ công chức. Đó không phải là thứ mà tôi nghĩ mình có thể làm, hay nên làm. Từ đó trở đi đã có những bước phát triển mới trong sáng tác bằng tiếng Kiswahili, nhưng tôi đang nói về nhận thức của mình khi ấy. Tôi chỉ có thể nghĩ về việc viết như là hoạt động không thường xuyên và khô khan một cách mơ hồ này, và tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc thử sức với nó ngoài cái cách bá láp mà tôi vừa nói.

Dẫu sao, cái lúc rời bỏ quê hương, tham vọng của tôi rất đơn giản. Đó là khoảng thời gian của khó khăn và lo lắng, của sự khủng bố nhà nước và những sự sỉ nhục có tính toán, và ở tuổi 18, tất cả những gì tôi muốn là bỏ đi và tìm sự an toàn và no đủ ở một nơi khác. Tôi không thể xa rời cái ý tưởng viết lách hơn thế. Bắt đầu suy nghĩ khác đi về việc viết ở Anh mấy năm sau đó phần nào là do già đi, suy nghĩ và lo lắng về những thứ tưởng chừng như không phức tạp trước đây, nhưng phần lớn là do cảm giác xạ lạ và khác biệt choáng ngợp mà tôi cảm thấy ở đó.

Quá trình này có một cái gì đó ngần ngừ và mò mẫm. Không phải tôi nhận thức được chuyện gì đang xảy ra với mình mà quyết định viết về nó. Tôi bắt đầu viết một cách linh tinh, trong một chút khổ sở, không có tí kế hoạch nào mà bị thúc ép bởi cái ham muốn phải nói nhiều hơn. Dần dà, tôi tự hỏi cái mình đang làm là cái gì, nên tôi phải dừng lại và cân nhắc. Rồi tôi nhận ra mình đang viết từ ký ức, cái ký ức ấy mới sống động và choáng ngợp biết bao, xa rời sự tồn tại nhẹ bỗng một cách xa lạ những năm đầu tôi ở Anh biết bao. Sự xa lạ ấy càng nhấn mạnh cảm giác về một cuộc sống bị bỏ lại phía sau, về những con người bị bỏ lại một cách ngẫu nhiên và vô tâm, một nơi chốn, một cách sống bị mất đi đối với tôi mãi mãi, lúc đó nó là như thế.

Khi mới viết, cuộc sống đã mất là cái mà tôi viết về, chốn đã mất và tôi nhớ được gì về nó. Một cách nào đó, tôi cũng viết về việc sinh sống ở Anh, hay ít nhất, một nơi nào đó không có gì giống như cái nơi chốn trong ký ức của tôi, một nơi đủ an toàn và đủ xa xôi khỏi những gì tôi đã bỏ lại để lấp đầy tôi bằng những tội lỗi và những tiếc nuối không sao hiểu nổi. Viết, lần đầu tiên tôi thấy mình bị đè nặng dưới nỗi cay đắng và vô ích của những quãng thời gian gần đây mà chúng tôi đã sống qua, dưới tất cả những gì chúng tôi đã làm khiến quãng thời gian ấy đổ lên chính mình, và dưới cái mà khi ấy có vẻ là một cuộc sống phi thực một cách kỳ lạ ở Anh.

Có một logic quen thuộc trong ngã rẽ này. Đi xa nhà đem lại khoảng cách và phối cảnh, cũng như một mức độ biên độ và sự giải phóng. Nó khuếch trương hồi ức, vùng đất nội địa của nhà văn. Khoảng cách cho phép nhà văn có sự giao tiếp gọn ghẽ với cái tôi bên trong, và kết quả là một cuộc chơi tự do hơn của trí tưởng tượng. Đây là một lập luận xem nhà văn như một vũ trụ tự cung tự cấp, tốt nhất là nên được bỏ lại làm việc trong sự cô lập. Một ý tưởng lỗi thời, bạn có thể nghĩ như vậy, một sự tự cường điệu hóa, bi kịch hóa kiểu lãng mạn thế kỷ 19, nhưng nó là một ý tưởng vẫn còn sức hấp dẫn, và vẫn tồn tại theo nhiều cách khác nhau.

Nếu một cách xem khoảng cách là hữu ích cho nhà văn hình dung họ như một thế giới đóng thì một lập luận khác cho rằng sự dời chỗ là cần thiết, rằng nhà văn tạo ra tác phẩm có giá trị trong cô lập vì khi đó anh ta được giải phóng khỏi những trách nhiệm, những sự gần gũi làm câm lặng và pha loãng những gì cần nói, nhà văn như là anh hùng, như là kẻ nhìn thấu sự thật. Nếu cách nhìn thứ nhất về mối quan hệ giữa nhà văn với nơi chốn mang âm hưởng của chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ 19, thì cách thứ hai gợi nhớ các nhà hiện đại chủ nghĩa của các thập niên đầu đến giữa thế kỷ 20. Nhiều nhà văn lớn của chủ nghĩa hiện đại Anh đã viết xa nhà để viết trung thực hơn như là họ thấy, để thoát khỏi bầu không khí văn hóa mà họ xem là làm người ta u mê.

Cũng có một lập luận theo cách khác, rằng khi bị cô lập giữa những người xa lạ, nhà văn sẽ đánh mất đi cảm giác về sự cân bằng, về con người cũng như về mức độ liên quan và sức nặng trong nhận thức của nhà văn về họ. Điều này được cho là đặc biệt đúng trong thời đại hậu đế quốc của chúng ta, và đúng đối với các nhà văn từ các nước thuộc địa cũ của châu Âu. Chủ nghĩa thực dân tự hợp thức hóa bản thân bằng cách viện đến một hệ thống thứ bậc giữa các chủng tộc, vốn tìm được hình thức cho mình trong nhiều câu chuyện kể về văn hóa, kiến thức và sự tiến bộ. Nó cũng làm những gì có thể để thuyết phục người dân ở các nước thuộc địa tin vào câu chuyện ấy. Có vẻ như mối nguy đối với nhà văn hậu thuộc địa là nó có thể đã có tác dụng, hoặc có thể sẽ có tác dụng trong sự xa lánh và cô lập của cuộc sống của một người xa lạ ở châu Âu. Nhà văn đó khi ấy rất có thể sẽ trở thành một émigré đầy phẫn uất, chế giễu những kẻ bị bỏ lại phía sau, được cổ vũ bởi các nhà xuất bản và những độc giả vẫn chưa từ bỏ một thái độ thù địch không thừa nhận đối với các dân tộc thuộc địa, những người sẵn lòng tưởng thưởng và ca ngợi bất cứ tình cảnh ngặt nghèo nào ở thế giới ngoài châu Âu. Theo lập luận này, viết giữa những người xa lạ có nghĩa là phải viết một cách nghiệt ngã để có được sự tin cậy, lấy sự tự khinh miệt làm thước đo sự thật, hoặc không sẽ bị xem là một kẻ lạc quan sến súa.

Cả hai lập luận – khoảng cách là sự giải phóng, khoảng cách là sự bóp méo – đều là những sự đơn giản hóa, tuy điều đó không có nghĩa là chúng không chứa những dấu vết của sự thật. Tôi đã sống cả cuộc đời trưởng thành xa đất nước tôi sinh ra, bây giờ tôi không thể hình dung mình có thể đã có một cuộc sống khác như thế nào nữa. Có những lúc cố làm như vậy, tôi thất bại bởi không thể giải quyết các lựa chọn giả định mà tôi bày ra cho chính mình. Thành thử, viết trong lòng nền văn hóa của mình, lịch sử của mình, không phải là một khả năng, và có lẽ nó không phải là một khả năng đối với bất cứ nhà văn nào theo bất cứ ý nghĩa sâu xa nào. Tôi biết tôi đã đến với việc viết lách ở Anh, trong sự xa lánh, và giờ tôi nhận ra cái tình cảnh xa một nơi và sống ở một nơi khác chính là chủ đề của tôi trong nhiều năm, không phải như một kinh nghiệm duy nhất mà tôi đã trải qua, mà như một trong những câu chuyện của thời đại chúng ta.

Cũng chính ở Anh mà tôi có cơ hội đọc rộng. Ở Zanzibar, sách thì đắt, có rất ít hiệu sách và chúng thì cũng nghèo nàn. Các thư viện cũng rất ít, sơ sài và cũ kỹ. Trên hết, tôi không biết mình muốn đọc gì, và cứ thế đọc những gì lọt vào mắt theo cái cách lộn xộn của nó. Ở Anh, cơ hội đọc dường như là vô tận, và dần dần tiếng Anh đến với tôi như một ngôi nhà rộng rãi và nhiều phòng, chứa đựng sự viết và kiến thức với lòng vô tư hiếu khách. Đây cũng là một con đường khác đến với việc viết. Tôi tin rằng các nhà văn đến với việc viết thông qua việc đọc, rằng từ quá trình tích lũy và bồi tụ, từ những tiếng vọng và sự lặp lại, mà họ tạo nên một chất giọng. Chất giọng này là một vấn đề tế nhị và tinh tế, không phải lúc nào cũng là một phương pháp có thể miêu tả được. Phê bình văn học giáo dục chúng ta về những văn bản và những ý tưởng đằng sau đó, nhưng tôi không nghĩ rằng thông qua phê bình mà nhà văn tìm thấy cái giọng viết mà tôi đang nói. Cái đó đến từ những nguồn khác, mà trọng tâm là đọc.

Nền giáo dục mà tôi thụ hưởng ở Zanzibar là một nền giáo dục thuộc địa Anh, cho dù đến những giai đoạn cuối của nó chúng tôi đã có một thời gian ngắn là một nhà nước độc lập, thậm chí một nhà nước cách mạng. Có lẽ đúng là hầu hết những người trẻ đi học đều tiếp thu và lưu trữ những kiến thức không có ý nghĩa gì đối với họ vào thời điểm đó. Tôi nghĩ nó có lẽ còn khó hiểu hơn đối với chúng tôi. Quá nhiều điều chúng tôi được học khiến chúng tôi trông như là những người tiêu dùng ngẫu nhiên của thứ vật chất vốn dành cho người khác. Nhưng cũng như đối với những học sinh khác, từ tất tật những cái đó cũng cho ra một điều gì hữu ích. Những gì mà tôi học được từ ngôi trường này cũng là cách mà người Anh nhìn thế giới và cách họ nhìn tôi. Tôi không nhận ra được điều này ngay lập tức, mà theo thời gian và hồi ức, và dưới việc học tập khác. Nhưng đó cũng không phải là việc học tập duy nhất của tôi.

Tôi cũng học từ nhà thờ, từ kinh Koran, từ đường phố, từ nhà và từ cách đọc loạn của chính mình. Và những gì tôi học được ở những nơi khác đôi khi hoàn toàn trái ngược với những gì tôi đã học ở trường. Nghe có vẻ khập khiễng thế thôi nhưng nó không đến thế đâu, tuy đôi lúc nó cũng đầy đau đớn và tủi hổ. Theo thời gian, việc giải quyết những câu chuyện mâu thuẫn theo cách ấy đối với tôi đã trở thành một quá trình đầy động lực. Từ đó mà có năng lượng để từ chối và chối bỏ, để học cách giữ lấy sự nghi ngờ. Từ đó mà có một cách để thích nghi và tính đến sự khác biệt, một cách chứng thực cái khả năng là có những cách hiểu biết phức tạp hơn.

Vì vậy, khi đến với việc viết, tôi không thể cứ thế hòa vào đám đông và hy vọng rằng với may mắn và thời gian, giọng nói của tôi có thể sẽ được lắng nghe. Tôi phải viết với sự hiểu biết rằng đối với một số độc giả tiềm tàng, có một cách nhìn nhận về tôi mà tôi phải tính đến. Tôi nhận thức được rằng tôi sẽ bày mình ra trước những độc giả mà có lẽ coi bản thân họ là chuẩn mực, không dính dáng đến văn hóa hay sắc tộc, không có sự khác biệt. Tôi tự hỏi phải kể bao nhiêu, phải giả định bao nhiêu kiến thức, câu chuyện của tôi có thể hiểu được đến đâu nếu tôi không làm như thế. Tôi tự hỏi làm thế nào để làm tất cả những điều này và viết tiểu thuyết.

Lẽ dĩ nhiên, tôi không phải độc nhất trong cái kinh nghiệm này, dẫu những chi tiết thì luôn luôn cảm giác như là độc nhất khi bạn nghiền ngẫm chúng. Những vấn đề mà tôi nêu ra không phải những vấn đề mới. Song nếu chúng không phải là mới thì nhất định chúng đã bị ảnh hưởng bởi cái đặc thù, bởi chủ nghĩa đế quốc, bởi sự trật chỗ, bởi những thực tế của thời đại chúng ta. Và một trong những thực tế của thời đại chúng ta là sự bán xới của rất nhiều người lạ đến châu Âu. Những vấn đề ấy thành ra không chỉ là mối quan tâm của tôi. Trong khi tôi chật vật với chúng thì những người khác, cũng là những người lạ ở châu Âu, đang giải quyết những vấn đề tương tự với thành công vang dội. Thành công lớn nhất của họ là giờ đây chúng ta đã có một hiểu biết tinh tế và tế nhị hơn về câu chuyện và cách mà nó dịch chuyển và chuyển dịch, và hiểu biết ấy đã làm cho thế giới trở nên ít khó hiểu hơn, đã làm nó nhỏ bé hơn phần nào.

ABDULRAZAK GURNAH

NGUYỄN HUY HOÀNG (dịch)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây