Việt Nam – Campuchia nhất trí hoàn thành đàm phán phân giới cắm mốc

Việt Nam - Campuchia nhất trí hoàn thành đàm phán phân giới cắm mốc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong cuộc hội kiến. Ảnh: TTXVN

Việt Nam – Campuchia nhất trí hoàn thành đàm phán phân giới cắm mốc

Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục đàm phán 16% khối lượng công tác phân giới cắm mốc còn lại trên toàn tuyến biên giới đất liền.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong cuộc hội kiến hôm nay nhất trí thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các hiệp ước, hiệp định và thoả thuận liên quan đến biên giới hai nước.

Năm 2019, hai nước đã ký hai văn kiện pháp lý là Hiệp ước và Nghị định thư sau khi hoàn thành 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia.

Hai lãnh đạo hôm nay nhất trí Việt Nam – Campuchia sẽ tiếp tục triển đàm phán 16% còn lại, đồng thời phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, góp phần tiếp tục xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định và hợp tác giữa hai nước.

Theo Bộ Ngoại giao, từ năm 2006 tới 2019, Việt Nam và Campuchia đã hoàn thành phân giới khoảng 1.045 km đường biên, xây dựng 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng hai nước đã phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ ASEAN. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ ủng hộ mạnh mẽ Campuchia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2022, đóng góp tích cực vào hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp, đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, tăng cường xây dựng lòng tin, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Ông cũng đề nghị hai nước ủng hộ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như thúc đẩy hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế.

Trong hợp tác kinh tế, Việt Nam có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Campuchia, với tổng vốn đăng ký 2,85 tỷ USD, cao nhất trong số các nước ASEAN. Trong 11 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt hơn 8,6 tỷ USD, tăng gần 84% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam có thêm 4 dự án mới tại Campuchia với vốn đăng ký gần 90 triệu USD, gấp 4,6 lần cùng kỳ năm trước.

Hai lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, bao gồm cả kết nối cứng và kết nối mềm, nhất là giao thông vận tải, viễn thông, thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, hợp tác giữa các địa phương, đặc biệt là các tỉnh giáp biên.

Sau cuộc gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen đã cùng chứng kiến lễ ký kết và trao 7 văn kiện hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biên giới, thương mại, giáo dục và tư pháp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đang thăm chính thức Campuchia theo lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, từ 21 đến 22/12. Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam tới Campuchia kể từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hoàng Thùy

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây