Việt Nam vươn lên top 10-15 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu trong năm nay

Việt Nam vươn lên top 10-15 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu trong năm nay
Thủ tướng làm việc với các cơ quan đại diện Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh: VGP

Các tham tán, tùy viên thương mại tại 61 thương vụ, chi nhánh thương vụ phụ trách 176 thị trường nước ngoài đã đối thoại với Thủ tướng Phạm Minh Chính để thúc đẩy xuất khẩu.

Chiều tối 19-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài, do Bộ Công thương phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức.

Đánh giá kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm có sự đóng góp lớn của ngành công thương, trong đó có hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới có nhiều phức tạp, khiến thị trường lớn bị thu hẹp và nhiều nước khó khăn, lạm phát, sức tiêu thụ giảm, trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (trên 200%).

Vì vậy, đòi hỏi ngành công thương nói chung và hệ thống thương vụ phải tích cực, chủ động hơn nữa công tác nghiên cứu thị trường, tham mưu chính sách và nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam tham gia.

Gắn với thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.

“Tôi đề nghị các thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam tập trung trao đổi, phân tích tình hình, chính sách của nước sở tại, từ đó khuyến nghị các biện pháp cụ thể để mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. 

Gắn với phản ánh, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng về điều kiện sống và làm việc để có giải quyết kịp thời, tạo điều kiện cho hệ thống thương vụ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao”, Thủ tướng nêu.

Nhấn mạnh trong lúc khó khăn này cần phải phát triển, phải đi lên, không chịu “bó tay”, nên Thủ tướng yêu cầu các tham tán cần phát huy kiến thức, năng lực, trình độ, đóng góp vào việc mở rộng thị trường xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước. 

Cac tham tan tuy vien thuong mai tai 61 thuong vuchi nhanh thuong vu phu trach 176 thi truong nuoc ngoai tham du hoi nghi min - Việt Nam vươn lên top 10-15 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu trong năm nayCác tham tán, tùy viên thương mại tại 61 thương vụ/chi nhánh thương vụ phụ trách 176 thị trường nước ngoài tham dự hội nghị – Ảnh: VGP

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, hiện có 61 thương vụ và chi nhánh thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; 1 phái đoàn Việt Nam tại WTO và 3 văn phòng xúc tiến thương mại. 

Các thương vụ đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách thương mại để phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam với nước sở tại, mở rộng thị trường ngoài nước. 

Năm 2021, với những thành tích trong chống dịch, phát triển kinh tế – xã hội, kim ngạch ngoại thương của Việt Nam đạt hơn 670 tỉ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu. 

7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch ngoại thương của Việt Nam đạt hơn 433 tỉ USD. Dự báo cả năm, kim ngạch ngoại thương sẽ đạt khoảng 800 tỉ USD, đưa Việt Nam vươn lên top 10-15 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu.

Tuy vậy, nhận định bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, làm giảm sức cầu hàng hóa, để từng bước hình thành đội ngũ thương vụ chuyên nghiệp, hiệu quả, Bộ Công thương kiến nghị kéo dài nhiệm kỳ đối với cán bộ. Gắn đào tạo, bồi dưỡng động viên khuyến khích cán bộ ở nước ngoài yên tâm công tác, tăng tính tự chủ, chủ động cao hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phát triển thị trường.

NGỌC AN

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây