Vinh danh khoa học vì con người

Vinh danh khoa học vì con người - VSD Giới Thiệu
Các thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture giao lưu cùng khán giả. Từ trái qua: GS Đặng Văn Chí, GS Pisano, GS Nguyễn Thục Quyên và GS Friend

Vinh danh khoa học vì con người

Theo nhận định của những nhà khoa học hàng đầu thế giới, điểm khác biệt của giải thưởng VinFuture, một trong những giải thưởng khoa học công nghệ (KH&CN) thường niên giá trị nhất thế giới, là sự vinh danh những công trình khoa học vì con người, giúp thay đổi cuộc sống của hàng triệu người trên toàn cầu.

Quy tụ các công trình khoa học 6 châu lục

Tối nay (20/1) tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) sẽ diễn ra lễ trao giải VinFuture lần thứ Nhất – Giải thưởng KH&CN do Quỹ VinFuture của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng và vợ – bà Phạm Thu Hương sáng lập.

VinFuture gây ấn tượng mạnh với giới khoa học quốc tế và trong nước trước hết bởi giải thưởng chính lên tới 3 triệu USD – một trong những giải thưởng KH&CN có giá trị lớn nhất trên thế giới. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao ba Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn USD cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới.

VinFuture cũng gây chú ý bởi đội ngũ cầm cân nảy mực là những nhà khoa học hàng đầu thế giới. Chủ tịch Hội đồng giải thưởng là GS Sir Richard Henry Friend (Đại học Cambridge – Anh), một trong những nhà vật lí có ảnh hưởng nhất thế giới với hơn 20 bằng sáng chế, 164.623 trích dẫn khoa học trong các công bố khoa học uy tín trên thế giới. Giáo sư Gérard Albert Mourou, nhà khoa học Pháp, người tiên phong trong lĩnh vực Kỹ thuật điện và Laser, được trao giải Nobel Vật lí năm 2018. GS Nguyễn Thục Quyên (Đại học California, Santa Barbara (UCSB) – top 1% nhà nghiên cứu Khoa học Vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới của Thomson Reuters và Clarivate Analytics.

Ngoài ra, hội đồng giám khảo còn có nhiều tên tuổi khác như TS Padmanabhan Anandan, nhà khoa học nổi tiếng toàn cầu về Thị giác Máy tính và Trí tuệ nhân tạo. GS Đặng Văn Chí, nhà Huyết học – Ung thư học nổi tiếng toàn cầu. GS Albert P. Pisano, Đại học California, San Diego (Hoa Kỳ), nhà đồng sáng chế được liệt kê trên hơn 20 bằng sáng chế và là đồng tác giả của hơn 300 ấn phẩm lưu trữ.

Ngay mùa giải đầu tiên, VinFuture ghi nhận 599 dự án tranh giải đến từ 60 quốc gia ở sáu châu lục, trong đó số dự án đến từ Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu chiếm hơn một nửa số dự án tranh giải. Việt Nam có 17 dự án tham gia.

Theo đại diện Ban Tổ chức, trong số 599 dự án tranh giải, có gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Nhiều người trong số họ từng nhận các giải thưởng cao quý như: Nobel, Breakthrough, Tang Prize, Japan Prize…


Các nhà khoa học hàng đầu thế giới hội tụ tại Việt Nam

Lễ trao giải thưởng VinFuture tối nay sẽ được tổ chức theo nghi lễ trang trọng nhất với sự chứng kiến của lãnh đạo Nhà nước Việt Nam và các nhà khoa học kiệt xuất, là chủ nhân của những giải thưởng khoa học danh giá thế giới như Nobel, Millennium Technology, Turing…


GS Friend, thành viên Hội đồng Giải thưởng bày tỏ: “Ban đầu tôi nghĩ 200 đề cử là tốt lắm rồi. Con số 599 là một bất ngờ lớn. Ban Tổ chức đã làm quá tốt để có kết quả này”.

Giáo sư Albert P. Pisano chia sẻ: “Tôi ngạc nhiên nhưng không sốc đâu, vì giải thưởng đã lựa chọn chủ đề quá tốt”. Trong khi đó, GS Nguyễn Thục Quyên nói “Tôi vô cùng hạnh phúc vì biết cả thế giới quan tâm tới giải thưởng. Sứ mệnh giải thưởng đã chạm tới trái tim nhiều người”. GS Đặng Văn Chí thì nhận định, số lượng hồ sơ từ sáu châu lục chứng minh Việt Nam đã làm được việc thu hút sự quan tâm của bạn bè trên thế giới.

Khoa học vị nhân sinh

Nói về sứ mệnh của giải thưởng, đại diện Ban Tổ chức chia sẻ VinFuture mong muốn thúc đẩy khoa học phụng sự nhân loại, tôn vinh những công trình khoa học kiệt xuất có tính ứng dụng cao, có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.

Bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết thêm, trên toàn cầu, khoa học công nghệ là bài toán duy nhất, lâu dài nhất để tạo ra sự thay đổi cho tất cả mọi người. Việc thành lập Quỹ VinFuture là một phần trong hành trình mang lại điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống của mọi người.

Chất lượng các dự án tranh giải rất tuyệt vời

Chia sẻ về chất lượng các công trình khoa học tham gia đề cử, GS Friend nói: “Quý vị yên tâm là chất lượng quá tuyệt vời. Chúng tôi nhận được hồ sơ không chỉ tốt về số lượng mà còn tốt về chất lượng, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào”. GS Pisano kể, trong các cuộc trao đổi vòng sơ khảo, hội đồng luôn đánh giá và tìm kiếm các cơ hội để đánh giá, đo lường tác động của công trình khoa học tới cộng đồng theo đúng sứ mệnh của giải thưởng.

Đại diện Ban Tổ chức cho biết thêm, 599 dự án được đề cử năm nay được các Hội đồng đánh giá có chất lượng cao, vượt trội về tính khoa học, tiên phong về công nghệ, hứa hẹn mang lại tác động tích cực cho hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người trên thế giới. Những vấn đề mà các dự án này tập trung giải quyết bao gồm công nghệ y sinh để ứng phó với đại dịch, ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, sáng tạo vật liệu mới để lưu trữ và sản xuất năng lượng sạch và giá rẻ, nông nghiệp bền vững, công nghệ tiên tiến để tạo ra nguồn nước sạch cho các nước nghèo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị bệnh hiểm nghèo và tạo ra các cơ hội bình đẳng trong giáo dục.

Chia sẻ về sự khác biệt của VinFuture với các giải thưởng KHCN lâu đời và uy tín khác trên thế giới, GS Friend cho rằng, giải thưởng vinh danh những công trình khoa học có tác động đến con người trên toàn cầu.

Là người sinh ra ở miền quê nghèo 16 năm không có điện, GS Nguyễn Thục Quyên nhận định, sự nổi bật và khác biệt ở giải thưởng là vinh danh những công trình khoa học có tác động trực tiếp đến hàng triệu người nghèo ít có cơ hội tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ.

“Giải thưởng đã nhắc nhở những người làm khoa học rằng, chúng ta không bao giờ được quên mục tiêu chính của khoa học là phục vụ con người, đây là một cách tiếp cận rất là nhân văn”, GS Pisano chia sẻ.

Là một nhà khoa học nghiên cứu về ung thư, GS Đặng Văn Chí cho hay, giải thưởng nhắc tôi nhớ rằng, chúng ta cần tôn vinh các nhà khoa học và tôn vinh những giá trị khoa học hướng đến con người. “Giải thưởng này có một ý nghĩa rất đặc biệt khi ghi nhận những công trình khoa học tạo sự khác biệt to lớn cho hàng triệu người, cả người giàu lẫn người nghèo, đây có thể là điều trước đây chưa từng có”, GS Chí nói.

NGUYỄN HOÀI

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây