Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam

Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam
Toàn cảnh hội thảo

Sáng 29.6, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ban Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp bộ ‘Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam đã tổ chức Hội thảo. Hội thảo có chủ đề ‘Một số vấn đề lý luận về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận về cơ sở lý luận, nhận thức, quan điểm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hoạt động từ thiện nhân đạo ở Việt Nam; thực trạng quy định của pháp luật về hoạt động từ thiện nhân đạo trong các văn bản pháp luật hiện nay; đề xuất các giải pháp xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo…

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí cho rằng, hoạt động từ thiện nhân đạo luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã góp phần phát huy bản chất tốt đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam. Và, cùng với sự phát triển của xã hội, hoạt động từ thiện nhân đạo ở nước ta ngày càng thay đổi về hình thức, phương pháp và cách thức tiếp cận.

Hiện nay, bên cạnh các chương trình lớn của Nhà nước thông qua các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, với nhiều chương trình tổ chức thành công và có sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội, thì đa số hoạt động từ thiện do các tổ chức, hội đoàn xã hội, tôn giáo hoặc các cá nhân (tổ chức, cá nhân) có lòng hảo tâm tổ chức. Hình thức kêu gọi từ thiện cũng đa dạng. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid – 19, các mô hình “cây ATM gạo”, các bữa ăn miễn phí, cung cấp oxy miễn phí… đã hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn, đóng góp rất lớn vào thành công của công cuộc phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động từ thiện nhân đạo còn mờ nhạt, chưa rõ ràng, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn được quy định rải rác trong nhiều văn bản luật, văn bản dưới luật gây cản trở cho hoạt động này. Đây là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng có địa phương, cá nhân được giúp nhiều, nhưng có địa phương, cá nhân lại không được trợ giúp, gây lãng phí nguồn lực, thậm chí có sự suy bì giữa các địa phương. Nghiêm trọng hơn, còn xảy ra hiện tượng quà từ thiện bị chiếm đoạt, ăn bớt, có nơi còn mang nặng tính hình thức, phô trương, lòng tin của nhà hảo tâm bị lợi dụng, hoạt động từ thiện bị bóp méo, không đúng với ý nghĩa, mục đích của hoạt động này, gây mất lòng tin của xã hội.

Chuyen gia phan tich thuc trang quy dinh phap luat ve tu thien nhan dao hien nay min - Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt NamChuyên gia phân tích thực trạng quy định pháp luật về từ thiện nhân đạo hiện nay

Từ thực tế này, các đại biểu cho rằng, cần tăng cường quản lý nhà nước với hoạt động từ thiện nhân đạo; nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động này nhằm đáp ứng tình hình mới hiện nay; cân nhắc hình thành một tổ chức để điều hành hoạt động từ thiện, cứu trợ… Qua so sánh với pháp luật về từ thiện nhân đạo của một số quốc gia, có ý kiến đề nghị, cần rà soát lại quy định cho phép cá nhân làm từ thiện, vì đa số các nước đều chỉ cho phép tổ chức thực hiện hoạt động này.

Các đại biểu cũng đánh giá cao việc Viện Nghiên cứu lập pháp lựa chọn và triển khai nghiên cứu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam”.

Lê Bình

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây