Azit Nêxin và “Những người thích đùa”

Azit Nêxin và
Bức ảnh kỷ niệm giữa nhà văn Azit Nêxin và tác giả bài viết do nhà thơ Xuân Quỳnh thực hiện

Ông nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ này là một trong những nhà văn châm biếm đứng hàng đầu thế giới. Bốn mươi năm trước, ông đã đến Việt Nam. Sở dĩ tôi khẳng định chắc chắn như vậy, bởi tôi có trong tay dòng bút tích ghi rõ năm tháng và chữ ký của tác giả, thậm chí còn chụp ảnh kỷ niệm với ông nữa.

Tấm ảnh ấy, những dòng bút tích ấy, hiện còn lưu giữ trong cuốn truyện “Những người thích đùa”, sách do Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới của Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản lần thứ nhất. “Những người thích đùa” phát hành lần đầu tại Việt Nam, được in với số lượng lớn: 20.100 cuốn, khổ sách 13×19, in xong tháng 7/1982.

Bìa do họa sĩ Lê Huy Văn (ngày ấy đang là phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam) trình bày. Các dịch giả: Thái Hà, Đức Mẫn và Ngọc Bằng chọn dịch từ các bản tiếng Nga và tiếng Pháp. Trước khi “Những người thích đùa” sang Việt Nam đã được xuất bản và tái xuất bản đến hàng trăm lần.

Tính đến năm 1982 riêng ở nước Thổ đã có 87 lần tái xuất bản. Ở Iran 38 lần. Ở Liên Xô 10 lần… Không biết ai là người viết lời giới thiệu, thật ngắn mà hàm xúc, lại sớm có đầu óc “Makettinh” đến thế. Hơn hai vạn cuốn sách tung ra thị trường trong một thời gian ngắn đã bán hết veo! May mà tôi cũng nhanh tay “thủ” được một cuốn, hiện được lưu giữ trong Tủ sách gia đình.

Thời điểm ấy tôi đang làm phóng viên, biên tập viên của Tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), được Nhà xuất bản Tác phẩm Mới mời sang chụp ảnh cho cuộc gặp gỡ giữa tác giả Nêxin với Nhà xuất bản. Hồi đó Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam “tầm cỡ” lắm, toàn là những bậc đại gia văn sĩ.

Ông Nguyễn Đình Thi là Tổng thư ký Hội. Ban thư ký, Ban chấp hành như: Tô Hoài, Bùi Hiển, Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Bổng, Nông Quốc Chấn, Vũ Tú Nam… Nhà văn Vũ Tú Nam được cử làm Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm Mới, là người chủ trì trong cuộc tiếp hôm ấy. Cùng dự có các anh Nguyễn Kiên (Nhà văn, Phó giám đốc), nhà thơ Ngô Văn Phú (sau này là Giám đốc NXB), các biên tập viên như Xuân Tùng, Lại Nguyên Ân, Xuân Quỳnh. Dịch giả có các anh Thái Hà và Đức Mẫn.

Theo suy nghĩ của tôi: Trong sự kiện này người chụp ảnh muốn có ảnh chân dung tốt, ảnh thời sự tốt là phải ngồi im, tập trung quan sát đối tượng, sự kiện, không được rời mắt từng cử chỉ của đôi tay, ánh mắt, cái đầu đối tượng đang hoạt động. Song, muốn “bắt” được “cái thần” vào khuôn hình, đích thực chân dung của đối tượng, tôi phải đọc đi đọc lại cuốn “Những người thích đùa” để tìm chi tiết, có thể qua cuộc tiếp xúc, dù chỉ là ngoại hình nhưng cũng phải biểu hiện được ngôn ngữ nội tâm.

Với Nêxin, theo tôi đó là ánh mắt hóm hỉnh, cái chất hài hài nơi cửa miệng. Riêng điều này, nhà thơ Xuân Quỳnh có khả năng và sở trường “móc” được “gan ruột” ông Nêxin biểu hiện ra bên ngoài để tôi có cơ hội “tóm” được vào khuôn hình trong máy ảnh. Tôi đã thỏa thuận ngầm với Xuân Quỳnh từ trước khi diễn ra cuộc đón tiếp. Nhà thơ Xuân Quỳnh nhận lời nhưng với điều kiện: “Anh phải chụp cho Quỳnh một kiểu kỷ niệm với ông Nêxin đấy!”. Được lắm, điều này đâu có khó khăn gì!”.

Có người nói tôi “phong” cho ông Nêxin là nhà văn châm biếm cỡ hàng đầu thế giới là chủ quan và hơi quá! Xin thưa rằng: nhà văn, nhà thơ châm biếm có biệt tài trên thế giới cũng nhiều và cũng có những quốc gia thường xuyên đứng ra tổ chức những cuộc thi tầm cỡ thế giới, tuyển chọn ra những tác phẩm tác giả ưu tú nhất để tặng giải. Tác phẩm của Nêxin dự thi thường đạt những giải cao.

Năm 1956, tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 các nhà văn châm biếm thế giới họp tại Ý, Nêxin được tặng thưởng “Cành cọ vàng”- Giải thưởng cao nhất cho truyện ngắn “Tên Hăm đi biệt hiệu “Con voi” đã bị bắt như thế nào?”. Năm sau, ông lại được tặng “Cành cọ vàng” cho truyện ngắn “Bữa tiệc nhân dịp đặt cái chảo mới”.

Năm 1966, Hội nghị quốc tế các nhà văn châm biếm họp tại Bungari, ông cũng được tặng giải thưởng cao nhất – giải “Con nhím vàng” cho truyện ngắn “Nghĩa vụ đối với Tổ quốc”. Hai năm sau, trong cuộc thi “Nụ cười 68” tại Liên Xô cũ, Azit Nêxin lại được tặng giải thưởng quốc tế cao nhất của Tạp chí “Cá sấu”. Năm 1974, ông được tặng giải thưởng “Hoa sen” của Hội nhà văn Á Phi… đó là một thực tế. Tôi đâu có bịa!

Năng lực sáng tác trong con người Nêxin thật lỳ lạ. Cần viết nghiêm túc là nghiêm túc. Ngồi vào bàn viết với ý định làm thơ là thơ tự nhiên tuôn trào ra. Cần viết báo là lối văn viết báo tự nhiên hình thành trên trang viết. Đến năm ông bước vào tuổi “thất thập”. A. Nêxin đã viết trên 70 cuốn sách, hơn hai nghìn truyện ngắn đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

A.Nêxin nuôi sống gia đình bằng con đường văn nghiệp. Gia đình ông lại khá đông miệng ăn nên cuộc sống cũng không mấy khá giả. Để in được nhiều, tránh sự kiểm duyệt gắt gao, Nêxin đã dùng tới hơn 200 bút danh khác nhau. Tập truyện viết cho thiếu nhi, ông lấy bút danh là Ôia Achiôsơ. Tập truyện này đã được đọc thường xuyên ở các trường tiểu học vào đầu giờ buổi sáng. Có truyện cười ông ký tên tác giả là người Pháp và Pháp đã tuyển chọn in trong “Tuyển tập truyện trào phúng thế giới”, được xem như là “khuôn vàng thước ngọc” của văn chương châm biếm Pháp. Có truyện ông ký tên là tác giả Trung Quốc, lại được các nhà xuất bản ở Thổ Nhĩ Kỳ cho in và kèm theo dòng chú thích “Bản dịch từ tiếng Trung Quốc”. Có truyện ông đặt tên tác giả là người Mỹ để dự thi cũng lọt vào “mắt xanh” của Ban giám khảo cuộc thi ở Mỹ nhưng không được nhận giải với một lý do rất đơn giản: ông bị phát giác không phải là người Mỹ!

Nhà xuất bản Tác phẩm Mới tiếp nhà văn A.Nêxin chính xác là vào buổi sáng ngày 28 tháng 10 năm 1982. Trước khi kết thúc, Ban giám đốc có nhã ý mời ông dùng đặc sản “cơm tám giò chả” với rượu “quốc lủi” thượng hạng của Việt Nam tại phố Huế. Tôi tranh thủ mời ông chụp ảnh kỷ niệm với Nhà xuất bản. Sau khi nghe tiếng bấm máy, nhà thơ Xuân Quỳnh chạy ra vẫy tay: “Anh Đáng, anh Đáng! Chỉ chụp em với ông Nêxin thôi đấy nhé”. Tôi gật đầu. Chụp xong tôi nói luôn: “Xuân Quỳnh bấm hộ anh một kiểu với ông Nê xin với”. Tôi trao máy cho Xuân Quỳnh và nói:

– Thưa ông A.Nêxin, ông là Những người thích đùa; còn tôi, tôi là những người không thích đùa! Tôi rất hân hạnh được chụp ảnh kỷ niệm với ông.

Ông A.Nêxin nheo mắt cười, đưa tay ra hiệu:

– Xin mời, xin mời, rất hân hạnh!

Với tôi, ngày 28/10/1982 là một kỷ niệm đẹp, khó quên với nhà văn trào phúng bậc thầy: Azit Nêxin.

Và tôi cũng nhớ mãi chuyện ông Nêxin mất cắp tiền ở đầu phố Tràng Tiền – Đinh Tiên Hoàng. Hôm ấy bọn trẻ con thấy ông Tây này quá cao và to. Tiền để trên túi ngực áo vẫn còn nhô ra ngoài. Tức thì bọn trẻ con nổ ra cuộc ẩu đả “kịch chiến” trước mặt. Ông Nêxin cúi xuống can ngăn bọn trẻ thôi không đánh nhau nữa và ông cứ thế ra đi, không hề biết mình bị mất cắp. Lát sau có một chú Công an đem bọc tiền trả ông và ra hiệu: Ông cẩn thận với tụi trẻ đấy. Ông Nêxin lúc ấy mới vỡ lẽ: “ủa” và cười rất hóm, xin cảm ơn chú Công an và nói với chính mình: mình bị thua bọn trẻ rồi! Chúng quả là “thông minh” thật!

Ngày 6/7/1995, ông A.Nêxin đã vĩnh viễn ra đi và để lại một gia sản giàu có truyện cười mang tính dân gian ở nhiều nước trên thế giới. Thấm thoát tác giả “Những người thích đùa” đến Việt Nam đã tròn 40 năm và tác phẩm của ông vẫn sống mãi với độc giả Việt Nam.

Hoàng Kim Đáng
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây