Ba giải pháp bảo tồn biển trong phát triển kinh tế biển xanh

Ba giải pháp bảo tồn biển trong phát triển kinh tế biển xanh
Bảo tồn môi trường và sinh thái biển sẽ hỗ trợ cho phát triển bền vững các ngành kinh tế biển

Môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển tạo ra các lợi ích cho các hoạt động kinh tế trên đất liền như lọc dầu, thương mại, kết nối giao thông trên đất liền… Song hoạt động trên đất liền lại gây ra những rủi ro cho môi trường sinh thái biển. Làm thế nào đề hài hóa lợi ích giữa phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng tài nguyên biển đồng thời gìn giữ môi trường, sinh thái biển?

Các chuyên gia Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng Cơ quan Phát triển Liên hiệp quốc đã đề xuất 3 giải pháp bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học biển phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế biển xanh.

Áp dụng các công cụ kinh tế

Giải pháp đầu tiên được các chuyên gia nhắc đến là Việt Nam cần tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế, cơ chế dựa vào thị trường (MBA) trong quản lý, khai thác, sử dụng môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển.

Để có hành lang pháp lý, Việt Nam cần sớm ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn về thi hành các qui định về công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội thông qua.

Một số vấn đề cần lưu ý trong xây dựng chính sách này là xây dựng chương trình thử nghiệm về áp dụng, hoàn thiện các quy định “chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển”; xây dựng bộ tiêu chí riêng cho các dự án đầu tư kinh doanh trên biển, ven biển đáp ứng yêu cầu về sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn vốn tự nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học biển để làm căn cứ thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong pháp luật bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, cần hoàn thiện qui định về bồi thường thiệt hại về môi trường áp dụng đối với các hoạt động kinh tế biển; bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, nhất là sự cố tràn dầu và xả thải từ đất liền làm thiệt hại môi trường và hệ sinh thái biển. Đồng thời xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về lồng ghép vốn tự nhiên biển, đảo vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển ở các cấp, các ngành, nhất là đối với quy hoạch không gian biển đang được Bộ TN&MT triển khai.

Phát triển các mô hình kinh tế biển bền vững

Việc tìm ra các mô hình phát triển kinh tế biển bền vững có vai trò then chốt trong việc duy trì nền kinh tế biển xanh. Theo các chuyên gia, các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát, đánh giá và lựa chọn các mô hình kinh tế biển bền vững phù hợp với mục tiêu vừa phát triển kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, những mô hình đã được nghiên cứu và trình diễn cần được đúc rút kinh nghiệm và triển khai như mô hình kinh tế xanh, mô hình dựa vào hệ sinh thái (EbA) ở các đảo và ven biển.

Để phù hợp với xu thế chung, Việt Nam cần thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm chất ô nhiễm từ các hoạt động kinh tế trên đất liền, đặc biệt là nước thải và chất thải nhựa; Tăng cường kiểm soát và sẵn sàng ứng cứu các sự cố và thảm họa môi trường biển, các vụ tràn dầu không rõ nguồn gốc…

Trong ngành thủy sản, về lâu dài cần xây dựng lộ trình giảm số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản cỡ nhỏ, có chính sách riêng biệt với nghề cá nhỏ và nghề cá lớn, kiểm soát, ngăn chặn và loại bỏ các hình thức đánh bắt, khai thác thủy sản mang tính hủy diệt; thực hiện đồng quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng; áp dụng chứng chỉ sinh thái, phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển dịch vụ hệ sinh thái biển.

Đặc biệt, các vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học biển phải được xem xét một cách nghiêm túc. Theo đó, khai thác các giá trị của khu bảo tồn, cảnh quan thiên nhiên, kết hợp bảo tồn với phát triển du lịch sinh thái; tiếp tục mở rộng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường biển, đất ngập nước ven biển để tạo nguồn thu đầu tư bảo vệ, phục hồi, phát triển đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên.

Áp dụng các “giải pháp sẵn có ở thiên nhiên” sẽ thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học, sống hài hòa với thiên nhiên, đóng góp chung vào nỗ lực toàn cầu trong bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững; điều tra, đánh giá thực trạng và thực hiện các biện pháp cương quyết loại bỏ hình thức đánh bắt, khai thác thủy sản mang tính hủy diệt.

Việt Nam nên nghiên cứu, thử nghiệm tiếp cận chế đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, áp dụng chứng chỉ sinh thái, tiếp cận các cơ chế thị trường khác trong khai thác nguồn lợi thủy sản; Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án bảo vệ, phục hồi năng suất sinh học và khả năng cung cấp nguồn dinh dưỡng, nơi sinh sản, ươm mầm, nơi trú ngụ nguồn lợi thủy sản của các hệ sinh thái biển nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản vùng biển gần bờ.

Để có cái nhìn tổng quan cần điều tra, thống kê diện tích, đánh giá tình trạng, lập ngân hàng dữ liệu, bản đồ về các vùng đất ngập nước tự nhiên ven biển, các thảm cỏ biển, rạn san hô và các hệ sinh thái tự nhiên đặc thù khác

Đầu tư nguồn lực

Để bảo vệ vùng biển rộng lớn cũng như khai thác tài nguyên biển dọc hơn 3000 km bờ biển, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành với địa phương để hình thành nên một bộ máy tổ chức đủ mạnh để điều phối tổng thể các hoạt động trên biển.

Để tăng cường sức mạnh nguồn lực, các chuyên gia cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường nguồn nhân lực, trang thiết bị về bảo vệ môi trường cho các cấp chính quyền tỉnh, huyện và xã ven biển; đẩy mạnh sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan quản lý môi trường vùng để tăng sự cưỡng chế tuân thủ pháp luật.

Cần đầu tư từ ngân sách nhà nước, ưu tiên vay vốn hỗ trợ phát triển (ODA) thực hiện các chương trình, nghiên cứu, dự án trong và ngoài nước đặc biệt là các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường biển.

Nhà nước tiếp tục thực hiện các chương trình đầu tư, huy động nguồn vốn ODA và các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, kết hợp nâng cao khả năng chống chịu của hệ sinh thái trước tác động của biến đổi khí hậu, hình thành các cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái theo hướng thúc đẩy phục hồi, tái tạo, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên biển.

Minh Đăng

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây