Phát triển kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

‘Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển’ là chủ đề của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay.

Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm rà soát những vấn đề tồn tại trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tình hình thực tiễn hiện nay.

Đa dạng hoạt động kinh tế biển

Các vùng biển, đảo Việt Nam được đánh giá là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng với hơn 120 bãi biển có thể phát triển du lịch, trong đó khoảng 20 bãi có quy mô và tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, Vịnh Hạ Long đã được UNESCO xếp hạng là Di sản thiên nhiên thế giới.

Bên cạnh đó, biển Việt Nam còn được coi là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới. Trong các vùng biển của Việt Nam, có khoảng 35 loại hình khoáng sản với quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: Nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và khoáng sản lỏng… Đây chính là nguồn tiềm năng lớn để Việt Nam đa dạng hoạt động kinh tế biển.

Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam – Cơ hội và thách thức” do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố mới đây cho thấy, hoạt động kinh tế biển ở Việt Nam đa dạng, có thể chia thành các hoạt động kinh tế đều diễn ra trên biển như: Kinh tế hàng hải, đánh bắt và nuôi trồng hải sản; khai thác dầu khí ngoài khơi; du lịch biển; làm muối; dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn… và các hoạt động kinh tế không diễn ra trên biển nhưng liên quan trực tiếp đến khai thác biển như đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; công nghiệp chế biến dầu khí; công nghiệp chế biến thủy sản; cung cấp dịch vụ biển; nghiên cứu khoa học – công nghệ biển, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển…

Ngoài ra, Việt Nam còn được đánh giá là quốc gia có nguồn điện từ gió ngoài khơi, thủy triều, sóng biển và dòng hải lưu lớn, nếu được khai thác sẽ đóng góp thiết thực cho mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh.

Hơn thế, phát triển điện gió ngoài khơi còn là lĩnh vực có thể hỗ trợ đáng kể, đóng góp tích cực trong thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cam kết đạt phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP 26.

Bà Phạm Thu Hằng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam – đánh giá: Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển bền vững kinh tế biển. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực có biển được đầu tư đã kết nối và thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.

Hướng đến phát triển kinh tế biển xanh

Với lợi thế đường bờ biển dài có nhiều tiềm năng năng lượng ngoài khơi, nếu phát triển hợp lý sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Tuy nhiên, đại dương đang phải đối mặt với những mối đe dọa và rủi ro ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và kinh tế thiếu bền vững.

Đáng lo ngại ở Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra biển. Nếu không có gì thay đổi, vào năm 2050 sẽ có nhiều nhựa hơn cá tại các đại dương.

Trước thực tế này, để tiến tới kinh tế biển xanh, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp như: Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và mở rộng các dịch vụ hệ sinh thái nâng cao tiềm năng cho hoạt động kinh tế (du lịch biển, thủy sản, năng lượng tái tạo…), xây dựng hệ sinh thái rừng ngập mặn giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Trong báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam – Cơ hội và thách thức” – nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về phát triển kinh tế biển sử dụng khái niệm kinh tế biển xanh cũng đã đưa ra các kịch bản xanh lam trong phát triển kinh tế biển cho Việt Nam, gồm 6 lĩnh vực kinh tế biển chủ chốt, gồm ngư nghiệp, năng lượng tái tạo, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, môi trường và hệ sinh thái.

Báo cáo cũng khuyến nghị thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất dầu khí, tăng cường bảo vệ môi trường, tham gia vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo trên biển mới nổi.

Với lĩnh vực thủy sản và nuôi trồng thủy sản, báo cáo khuyến nghị giảm giảm sản lượng đánh bắt thủy sản xuống mức sản lượng bền vững tối đa, khoảng 2,7 triệu tấn mỗi năm thông qua việc giảm sản lượng đánh bắt 2% mỗi năm, duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản; cải tiến quản lý đến năng suất an toàn…

Đối với lĩnh vực du lịch, khuyến nghị thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế 8 – 10%/năm và khách nội địa 5 – 6%/năm đến năm 2030; đưa tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả nước biển dâng vào quy hoạch du lịch.

Ngoài ra, báo cáo cũng khuyến nghị tăng vận tải biển lên 20,6% vào năm 2030, nâng khối lượng hàng hóa vận chuyển lên 787 triệu tấn và mở rộng vận tải nội địa lên 289 triệu tấn.

Trước đó, ngày 22/10/2018, trong Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển…

Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo chuẩn mực quốc tế, trong đó tập trung ưu tiên phát triển bền vững ngành mà Việt Nam có thế mạnh, bao gồm du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và ngành kinh tế biển mới.

Để thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết 36 đã đề ra và phát triển kinh tế biển phải gắn liền với bảo vệ môi trường biển, bà Phạm Thu Hằng cho rằng, rất cần sự chung tay của các bộ, ngành địa phương và toàn xã hội.

Theo đó, các cấp, ngành cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật quản lý Nhà nước về biển, đảo; kiện toàn tổ chức nhằm hiện thực hóa nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo.

Thực hiện tốt quy hoạch không gian biển để quản lý liên ngành, liên vùng đối với các vùng biển, đảo và vùng ven biển, nhằm bảo đảm tính liên kết trong phát triển kinh tế ngay từ giai đoạn sớm của quá trình phát triển.

Trên cơ sở quy hoạch không gian biển, sẽ tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, mức độ tuân thủ quy hoạch, tác động đến môi trường biển, tránh lãng phí tài nguyên, tác động xã hội và an ninh, quốc phòng…

Cùng với việc rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật quản lý Nhà nước về biển, đảo, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về vị thế, vai trò, tiềm năng của biển; chủ quyền, quyền và lợi ích của Việt Nam trên biển, cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với nguồn tài nguyên và nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022, diễn ra từ ngày 1- 8/6, với chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển”.

Thanh Tâm

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây