Bí ẩn chiếc mũ trên tượng Kim Cương thời Lý

Bí ẩn chiếc mũ trên tượng Kim Cương thời Lý - Lịch Sử Việt Nam

Bí ẩn chiếc mũ trên tượng Kim Cương thời Lý

Chùa Long Đọi Sơn (xã Đọi Sơn, H.Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) hiện nay còn lưu giữ 6 bức tượng Kim Cương thời Lý, được các nhà nghiên cứu đánh giá là những tác phẩm nổi tiếng về nghệ thuật điêu khắc đá của Việt Nam.

Chùa Long Đọi Sơn tọa lạc trên đỉnh núi Long Đọi thuộc xã Đọi Sơn, H.Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Theo các tài liệu nghiên cứu, chùa được xây dựng vào đầu triều Lý, do vua Lý Thánh Tông và vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng năm 1054. Hiện nay chùa còn lưu giữ 6 bức tượng Kim Cương thời Lý nằm trong hệ tượng bát bộ Kim Cương, tức là tám đại hộ pháp canh giữ nơi cửa thiền. Bộ tượng được các nhà nghiên cứu đánh giá là những tác phẩm nổi tiếng về nghệ thuật điêu khắc đá của Việt Nam.

Về trang phục, qua xem xét cho thấy các tượng đều được thể hiện có điểm chung là mặc giáp trụ giống nhau và đã được phân tích qua nhiều bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Văn hóa Phật giáo, trong đó tượng được mô tả là thân mặc kim giáp, đầu đội kim khôi (một loại mũ của võ tướng)… Thế nhưng lại chưa có một lời giải thích nào về mũ, hoặc đặt vấn đề tại sao với một tượng Kim Cương hộ pháp mặc giáp phục với những mặt hổ phù mà đầu không đội mũ Đầu hổ hoặc mũ trụ cho phù hợp, mà lại đội chiếc mũ trông thật là hiền, lại còn trang trí cả hoa nữa? Tôi cho rằng chính vấn đề “khác thường” này đã phần nào nói lên một số vấn đề trong bối cảnh văn hóa và lịch sử thời bấy giờ.

a3 sorq min - Bí ẩn chiếc mũ trên tượng Kim Cương thời LýẢnh: chụp từ cuốn Angkor cities and temples

Trên một bức tượng còn khá nguyên vẹn (ảnh 1), lướt qua phần giáp phục cho thấy có hai mặt hổ phù rất to ở hai bên vai, phần ngực, bụng và đùi trang trí rất nhiều hoa mà có lẽ là loài cúc.

Về mũ, gồm 2 phần: vòm mũ để đội vô đầu và chỏm mũ để chứa búi tóc. Phần vòm mũ được trùm xuống ngang với cằm cho thấy yếu tố che chắn bảo vệ (ảnh 2). Còn chỏm mũ, điều thú vị ở đây là có hình bán cầu trông như một búp hoa, và dưới chân nó là những cánh hoa đã nở phủ trên vòm mũ, rõ nét nhất là hai cánh cuốn xoáy đối xứng phủ xuống tới trán tượng.

Đặc biệt và ấn tượng nhất là những hoa văn tiếp nối các cánh hoa ở trên vòm mũ, chúng được thể hiện trông như những lọn dây hoa rủ dài xuống hai bên mũ rất đối xứng. Có lẽ đây chính là điểm nhấn và cũng là dấu hiệu cho biết về một loại mũ hoa mà nghệ nhân xưa thể hiện, bởi nó đã tạo nên hiệu ứng khi nhìn toàn cảnh của mũ sẽ cho thấy là một hoa cúc đại đóa, với phần chỏm mũ là khối cánh hoa bao quanh phần nhụy, phần vòm mũ là những cánh hoa đã nở và rủ xuống. Còn hai hoa ở hai bên mũ cho cho thấy thể hiện ở dạng bán khai và có lẽ cũng thuộc loài cúc, nhưng điều đáng nói là chúng nằm ở vùng tai, mà lại được thể hiện hơi vểnh ra. Điều này có thể giải thích đó là để che đi phần lỗ nghe đồng thời cũng là hình thức trang trí, bởi theo nguyên tắc thì mũ trùm kín đầu phải có lỗ thông thoáng ở hai bên tai để nghe. Như vậy phải chăng chính ở điểm này đã chỉ ra rằng, loại mũ này từng được trang bị cho những chiến binh ở triều Lý.

Cuối cùng vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao lại là mũ hoa, trong khi Kim Cương là thần bảo vệ Phật pháp thường được thể hiện mặc giáp phục như của võ tướng, và mũ thường là loại đầu hổ với mặt hổ nhe răng dữ tợn mang tính răn đe hù họa như thường thấy các tượng Kim Cương của Trung Hoa, nhưng ở đây các nghệ nhân triều Lý lại chọn một loại mũ phải nói là hoàn toàn đối lập.

Để giải thích về điều này, xét trong bối cảnh văn hóa cùng thời với nước láng giềng là Champa, đó là những chiếc mũ hoa của chiến binh thuộc quân đội của họ, được thể hiện trong những bức tranh chạm khắc diễn tả về những trận đánh giữa Champa và Khmer ở đền Angkor (thế kỷ 12) của Campuchia hiện nay (ảnh 3). Mũ cho thấy phía trên là một hình hoa sen, thân mũ là vòm hình dẻ quạt có hai lớp nối tiếp phủ trùm xuống hết gáy tượng, trông cũng khá giống với những mảng lá sen, và ở phía trước có một miếng che cằm. Nhìn chung phần thân mũ hoàn toàn mang tính che chắn bảo vệ và đây cũng có thể gọi là mũ hoa sen. Qua đối chiếu so sánh giữa mũ trên tượng Kim Cương thời Lý và mũ của chiến binh Champa nêu trên cho thấy, điều thú vị là một bên thì lấy hoa cúc làm chủ đạo, còn bên kia thì lại là hoa sen. Mặc dầu là vậy, nhưng rõ ràng ở đây đã nói lên loại mũ hoa rất được thịnh hành thời bấy giờ và đã có sự ảnh hưởng qua lại giữa vương triều Lý và Champa.

Nhân đây, tôi cũng gửi lời cảm ơn bạn Hiếu Trần đã cung cấp những bức ảnh tư liệu thật chất lượng.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây