Giới thiệu khái quát tỉnh Hà Nam

Giới thiệu khái quát tỉnh Hà Nam

Giới thiệu khái quát tỉnh Hà Nam

I. Điều kiện tự nhiên

1. Vị trí địa lý

Hà Nam nằm ở Tây Nam châu thổ sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ của thủ đô Hà Nội với diện tích đất tự nhiên 86.193 ha; có thành phố Phủ Lý là trung tâm kinh tế – chính trị – văn hoá của tỉnh, cách Hà Nội 58 km, tương lai không xa sẽ trở thành phố vệ tinh của Hà Nội. Hà Nam có mạng lưới giao thông rất thuận lợi, là tỉnh nằm trên trục đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1A – huyết mạch giao thông quan trọng của cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu hợp tác kinh tế với các tỉnh, thành phố và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước cũng như từ đó tới các cảng biển, sân bay ra nước ngoài.

2. Đặc điểm địa hình

Hà Nam có địa hình đa dạng vừa có đồng bằng, có vùng bán sơn địa, vừa có vùng trũng. Vùng đồi núi phía Tây có nhiều tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đá vôi, để phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là xi măng; cũng là vùng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Vùng đồng bằng có diện tích đất đai màu mỡ, bãi bồi ven sông Hồng, sông Châu, là tiền đề để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm và du lịch sinh thái. Địa hình đó là điều kiện để phát triển kinh tế đa dạng, với hướng kết hợp kinh tế vùng đồng bằng với kinh tế vùng đồi núi.

Hà Nam là một tỉnh đồng bằng giáp núi nên địa hình có sự tương phản giữa địa hình đồng bằng và địa hình đồi núi. Mật độ và độ sâu chia cắt địa hình so với các vùng núi khác trong cả nước hầu như không đáng kể. Hướng địa hình đơn giản, duy nhất chỉ có hướng Tây Bắc – Đông nam, phù hợp với hướng phổ biến nhất của núi, sông Việt Nam. Hướng dốc của địa hình cũng là hướng Tây Bắc – Đông Nam theo thung lũng lũng sông Hồng, sông Đáy và dãy núi đá vôi Hòa BìnhNinh Bình, phản ánh tính chất đơn giản của cấu trúc địa chất.

Phía Tây của tỉnh (chiếm khoảng 10 – 15% diện tích lãnh thổ tỉnh Hà Nam) là vùng đồi núi bán sơn địa với các dãy núi đá vôi, núi đất và đồi rừng, nhiều nơi có địa hình dốc. Vùng núi đá vôi ở đây là một bộ phận của dãy núi đá vôi Hòa Bình – Ninh Bình, có mật độ chia cắt lớn tạo nên nhiều hang động có thạch nhũ hình dáng kỳ thú. Xuôi về phía Đông là những giải đồi đất thấp, xen lẫn núi đá và những thung lũng ruộng. Phần lớn đất đai trong vùng đồi núi bán sơn địa là đất nâu vàng trên phù sa cổ, đất đỏ vàng trên phiến đá sét, đất nâu đỏ trên đá bazơ và đất đỏ nâu trên đá vôi, thích hợp với các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả và cây công nghiệp. Với những hang động và các di tích lịch sử-văn hóa, vùng này còn có tiềm năng lớn để phát triển các khu du lịch.

Phía Đông là vùng đồng bằng do phù sa bồi tụ từ các dòng sông lớn (chiếm khoảng 85 – 90% lãnh thổ tỉnh Hà Nam), đất đai màu mỡ, thích hợp cho canh tác lúa nước, rau màu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, dâu, đỗ tương, lạc và một số loại cây ăn quả. Phần lớn đất đai ở vùng này bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi khá dày đặc. Vì vậy ở đây có diện tích mặt nước ao, hồ, đầm, phá, ruộng trũng và sông ngòi khá lớn thuận lợi cho việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và chăn nuôi gia cầm dưới nước.

Khí hậu, thủy văn tỉnh Hà Nam

a. Khí hậu

Hà Nam có điều kiện thời tiết, khí hậu mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm ướt.

Nhiệt độ trung bình hàng năm vào khoảng 23-24oC, số giờ nắng trung bình khoảng 1300-1500giờ/năm. Trong năm thường có 8-9 tháng có nhiệt độ trung bình trên 20oC (trong đó có 5 tháng có nhiệt độ trung bình trên 25oC) và chỉ có 3 tháng nhiệt độ trung bình dưói 20oC, nhưng không có tháng nào nhiệt độ dưới 16oC.

Hai mùa chính trong năm (mùa hạ, mùa đông) với các hướng gió thịnh hành: về mùa hạ gió nam, tây nam và đông nam; mùa đông gió bắc, đông và đông bắc.

Lượng mưa trung bình khoảng 1900mm, năm có lượng mưa cao nhất tới 3176mm (năm 1994), năm có lượng mưa thấp nhất cũng là 1265,3mm (năm 1998).

Độ ẩm trung bình hàng năm là 85%, không có tháng nào có độ ẩm trung bình dưới 77%. Tháng có độ ẩm trung bình cao nhất trong năm là tháng 3 (95,5%), tháng có độ ẩm trung bình thấp nhất trong năm là tháng 11 (82,5%).

Khí hậu có sự phân hóa theo chế độ nhiệt với hai mùa tương phản nhau là mùa hạ và mùa đông cùng với hai thời kỳ chuyển tiếp tương đối là mùa xuân và mùa thu. Mùa hạ thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, mùa đông thường kéo dài từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 3; mùa xuân thường kéo dài từ giữa tháng 3 đến hết tháng 4 và mùa thu thường kéo dài từ tháng 10 đến giữa tháng 11.

b. Thủy văn

Sông Hồng mang phù sa cho vùng bãiHà Nam có lượng mưa trung bình cho khối lượng tài nguyên nước rơi khoảng 1,602 tỷ m3. Dòng chảy mặt từ sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ hàng năm đưa vào lãnh thổ khoảng 14,050 tỷ m3 nước. Dòng chảy ngầm chuyển qua lãnh thổ cũng giúp cho Hà Nam luôn luôn được bổ sung nước ngầm từ các vùng khác. Nước ngầm ở Hà Nam tồn tại trong nhiều tầng và chất lượng tốt, đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.Chảy qua lãnh thổ Hà Nam là các sông lớn như sông Hồng, sông Đáy, sông Châu và các sông do con người đào đắp như sông Nhuệ, sông Sắt,  Nông Giang, v.v.

Sông Hồng là ranh giới phía đông của tỉnh với các tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Trên lãnh thổ tỉnh, sông có chiều dài 38,6 km. Sông Hồng có vai trò tưới tiêu quan trọng và tạo nên những bãi bồi màu mỡ với diện tích gần 10.000 ha.

Một đoạn sông Đáy

Sông Đáy là một nhánh của sông Hồng bắt nguồn từ Phú Thọ chảy vào lãnh thổ Hà Nam. Sông Đáy còn là ranh giới giữa Hà Nam và Ninh Bình. Trên lãnh thổ Hà Nam sông Đáy có chiều dài 47,6 km.Sông Nhuệ là sông đào dẫn nước sông Hồng từ Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội và đi vào Hà Nam với chiều dài 14,5 km, sau đó đổ vào sông Đáy ở Phủ Lý.

Sông Châu khởi nguồn trong lãnh thổ Hà Nam. Tại Tiên Phong (Duy Tiên) sông chia thành hai nhánh, một nhánh làm ranh giới giữa huyện Lý Nhân và Bình Lục và một nhánh làm ranh giới giữa huyện Duy Tiên và Bình Lục. Sông Sắt là chi lưu của sông Châu Giang trên lãnh thổ huyện Bình Lục.Điều kiện khí hậu, thủy văn trên đây rất thuận lợi cho phát triển một nền nông nghiệp sinh thái đa dạng, với nhiều loại động thực vật nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới. Mùa hạ có nắng và mưa nhiều, nhiệt độ và độ ẩm cao, thích hợp với các loại vật nuôi cây trồng nhiệt đới, các loại cây vụ đông có giá trị hàng hóa cao và xuất khẩu như cà chua, dưa chuột,…. Điều kiện thời tiết khí hậu cũng thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ cũng như cho các hoạt động văn hóa xã hội và đời sống sinh hoạt của dân cư. Vào mùa xuân và mùa hạ có nhiều ngày thời tiết mát mẻ, cây cối cảnh vật tốt tươi rất thích hợp cho các hoạt động lễ hội du lịch.

Tài nguyên, khoáng sản
1. Trữ lượng đá vôi xi măng: 26 mỏ (huyện Kim Bảng 16 mỏ, huyện Thanh Liêm 10 mỏ), trữ lượng đá vôi xi măng là 3.657,759 triệu tấn (1.463,104 triệu m3). Xác định mỏ đá vôi hóa chất, trữ lượng 32,866 triệu tấn (13,146 triệu m3).
2. Trữ lượng sét xi măng 22 mỏ (huyện Kim Bảng 04 mỏ, huyện Thanh Liêm 18 mỏ). Tổng trữ lượng sét xi măng là 539,640 triệu tấn (359,760 triệu m3). Sét xi măng có quy mô, trữ lượng nhỏ hơn nhiều so với đá vôi xi măng. Hầu hết các mỏ sét xi măng có quy mô lớn (chiếm 88,72% tổng tài nguyên trữ lượng sét xi măng toàn tỉnh).
3. Trữ lượng dolomit 02 mỏ tại huyện Kim Bảng. Trữ lượng dolomit là 132,600 triệu tấn (53,040 triệu m3).
4. Trữ lượng 45 mỏ đá vôi xây dựng (huyện Kim Bảng 20 mỏ, huyện Thanh Liêm 25 mỏ). Tổng trữ lượng đá vôi xây dựng là 1.666,212 triệu m3 (4.165,53 triệu tấn)./.
III. Tiềm năng kinh tế

1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế

Công nghiệp chủ đạo của tỉnh là xi măng, vật liệu xây dựng. Công nghiệp dệt may và tiểu thủ công nghiệp với làng nghề dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên chuyên dệt lụa tơ tằm, đũi, quy mô hiện tại có 500 khung dệt, công suất đạt từ 850.000 – 1.000.000 mét lụa/năm; làng nghề dệt vải xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân chuyên sản xuất vải, khăn tắm, khăn ăn các loại; làng nghề thêu ren thủ công xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm với các sản phẩm thêu chăn, ga, gối, đệm, khăn ăn, khăn trang trí,… chủ yếu xuất sang châu Âu và Bắc Á (doanh thu mỗi năm làng nghề đạt 25 -30 tỷ đồng). Mây tre giang đan ở Hoàng Đông, Duy Tiên với các sản phẩm chủ yếu là hàng mây, giang, đan thủ công, thị trường tiêu thụ là ở châu Âu, châu Mỹ và một phần Bắc Á. Nghề sừng thủ công mỹ nghệ ở xã An Lão – Bình Lục, dùng nguyên liệu sừng động vật để chế tác ra các vật dụng trang trí, đồ dùng sinh hoạt, thị trường xuất khẩu chủ yếu của sản phẩm là Đông Âu, Bắc Á, doanh thu bình quân 1 năm từ 2 – 3 tỷ đồng.

2. Tiềm năng du lịch

Hà Nam có nhiều điểm sinh thái khá hấp dẫn như khu du lịch Ngũ Động Sơn có Đền Trúc thờ Lý Thường Kiệt, vị anh hùng dân tộc thời Lý. Ngũ Động Sơn là quả núi có 5 hang động nối liền nhau tạo thành một dãy hang động liên hoàn. Trên đỉnh núi có bàn cờ thiên tạo bằng đá, trong động có nhiều nhũ đá tạo vẻ đẹp huyền bí. Nhiều thi nhân và du khách đã từng qua đây dừng chân chiêm ngưỡng. Di tích này cánh thị xã Phủ Lý 7 km nằm sát với dòng sông Đáy và lại kề bên quốc lộ 21A.

Đền Trần Thương ở huyện Lý Nhân, thờ Quốc công Tiết Chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền được xây dựng năm 1783 với diện tích 1,4 ha. Riêng nội tự rộng 0,5 ha, kiến trúc của đền mang đậm nét nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Hàng năm ở đây có lễ tưởng niệm và liên hệ mật thiết với lễ hội ở Côn Sơn – Kiếp Bạc, Bảo Lộc – Nam Định

Hồ Tam Chúc ở xã Ba Soa, huyện Kim Bảng, diện tích mặt nước hồ 585 ha, diện tích phụ cận và khu du lịch sinh thái là 600 ha. Hiện nay, Nhà nước đang thi công dự án với kinh phí 90 tỷ đồng để hoàn thiện khâu đắp đập ngăn nước và giải phóng lòng hồ; tái tạo vùng du lịch bơi thuyền trên hồ nước, du lịch sinh thái 600 ha, du lịch thắng cảnh thiên nhiên núi rừng, du lịch leo núi… Cần đầu tư thêm 120 – 150 tỷ đồng để xây dựng các nhà nghỉ, khách sạn, sân gôn, quần vợt, cầu lông. Lòng hồ đang thiết kế công viên nước, nhà thuỷ tạ; khách có thể đến bơi thuyền du ngoạn, câu cá, sinh hoạt thể thao. Nơi đây cách chùa Hương 7 km, cách Hà Nội 70 km, Nam Định 40 km, Ninh Bình 45 km, Hưng Yên 40 km. Khu sinh thái “Hồ Tam Trúc” là điểm dừng chân cho khách nhiều tỉnh, là nơi dưỡng trí vào các ngày nghỉ cuối tuần của khách thập phương.

Chùa Long Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, thường tổ chức lễ hội vào ngày 19 đến ngày 21 tháng 3 hàng năm. Lịch sử xây dựng chùa với tháp từ thế kỷ XI, tháp “sùng thiện diên linh” có nghệ thuật kiến trúc đặc trưng thời Lý, xây dựng xong vào năm 1121. Tháp cao 13 tầng, mở 40 cửa, đỉnh tháp có xá lỵ được niêm cất, toả trường quang cho đời Thịnh sau này. Di tích Long Đọi Sơn được xếp hạng từ năm 1992. Hàng năm có trùng tu, tôn tạo để gìn giữ cho muôn đời sau. Năm 2002 được Nhà nước và tỉnh quan tâm, dự án đầu tư được duyệt với mức vốn 18 tỷ đồng. Thời gian thi công đảm bảo kịp với kỷ niệm 1.000 Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.
Khu trung tâm du lịch thị xã Phủ Lý được xây dựng bên cạnh dòng sông Đáy, giáp cửa sông Châu. Tại đây có khách sạn 5 sao, 11 tầng, có khu bến thuỷ phục vụ du thuyền đi chùa Hương, Ngũ Động Sơn, chùa Bà Đanh, hang Luồn. Mỗi năm, du lịch Hà Nam đưa tiễn khách vào chùa Hương bằng đường bộ và đường thuỷ tới hàng chục nghìn du khách. Ngoài ra, đây còn là địa điểm bơi thuyền dọc sông Châu, sông Đáy vãn cảnh non nước vùng quê hương Hà Nam.

Các đơn vị hành chính

Hà Nam được tái lập năm 1997, có 6 đơn vị hành chính gồm 1 thị xã và 5 huyện.

THÀNH PHỐ PHỦ LÝ

Thành phố Phủ Lý là thủ phủ của tỉnh Hà Nam, nằm trên trục quốc lộ 1A, cách thủ đô Hà Nội 58km về phía Nam. Tạo độ địa lý ở trong khoảng 20o,30’ vĩ độ Bắc, 105o,52 kinh độ Đông.

Theo Niên giám thống kê năm 2003 của Cục Thống kê tỉnh Hà Nam: Diện tích tự nhiên 34,2km2, trong đó nội thị là 6,782km2. Dân số trung bình 75.492 người, mật độ dân số 2.207 người/km2. Trong đó có 37.432 nam, 38.060 nữ; thành thị 41.251 người, nông thôn 34.241 người.

Trung tâm của thị xã nằm gọn trong chạc ngã ba sông: Sông Đáy và sông Châu gặp sông Nhuệ; có 3 huyện của Hà Nam bao quanh: phía Đông Bắc giáp huyện Duy Tiên, phía Đông và Nam giáp huyện Thanh Liêm, phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Kim Bảng.

Thị xã có hai dạng địa hình đặc trưng của tỉnh Hà Nam: đồi núi ở phía Tây, đồng bằng ở phía Đông, trong vùng trũng thấp, độ cao trung bình từ 2 đến 5m, nên thường bị ngập úng vào mùa mưa.

Khu vực thị xã được phủ toàn bộ bởi trầm tích tuổi Đệ Tứ, có tuổi và nguồn gốc tạo thành khác nhau. Hướng dốc địa hình từ Tây sang Đông. Ba con sông Đáy, Nhuệ, Châu hợp lưu tại đây, các cửa xả nước chịu ảnh hưởng của chế độ thuỷ văn sông Đáy. Hệ thống sông tạo nên mạng giao thông đường thuỷ thuận tiện, vận chuyển hành khách và hàng hoá đi các vùng lân cận và sang các tỉnh khác.

Đường bộ có quốc lộ 1A chạy giữa thị xã từ Bắc xuống Nam, có đường 21 nối Hà Nam với tỉnh Hoà Bình và Nam Định; có nhiều tỉnh lộ đi xuống tất cả các xã của 5 huyện trong tỉnh. Có tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua.

Phủ Lý nằm trong vùng khí hậu chung của đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc trưng của vùng khí hậu gió mùa. Nhiệt độ trung bình hành năm 23,3oC, nóng nhất vào mùa hè trung bình 27,4oC, lạnh nhất vào mùa đông trung bình 19,2oC. Độ ẩm trung bình năm 84%, có năm thấp nhất 11%. Vận tốc gió trung bình 2m/s, cao nhất 36m/s. Lượng mưa trung bình năm 1989mm, lượng mưa ngày lớn nhất 333,1mm.

Về tài nguyên khoáng sản, Phủ Lý có nguồn khoáng sản phi kim rất lớn, đó là đá vôi, đá đolomit, nguyên liệu sắt, than bùn và đá mỹ nghệ. Khoáng sản phân bố tập trung ở dải phía Tây và phía Nam thị xã, tạo nên tiềm năng lớn cho sản xuất vật liệu xây dựng, chủ yếu là xi măng.

Sau khi điều chỉnh địa giới, thị xã có 12 đơn vị hành chính, gồm 6 phường nội thị và 6 xã ngoại thị, là các phường: Hai Bà Trưng (25 tổ dân phố), Lê Hồng Phong (5 thôn xóm), Lương Khánh Thiện (22 tổ dân phố), Minh Khai (24 tổ dân phố), Quang Trung (2 thôn, 13 tổ dân phố), Trần Hưng Đạo (22 tổ dân phố) và các xã: Châu Sơn (1 thôn, 7 xóm), Lam Hạ (7 thôn), Liêm Chính (3 thôn), Liêm Chung (8 xóm), Phù Vân (7 thôn), Thanh Châu (7 thôn).

Hiện nay, thị xã Phủ Lý có 38.109 người lao động làm việc trong các ngành kinh tế. Có 24 trường học phổ thông, trong đó có 10 trường tiểu học, 10 trường THCS và 4 trường THPT, với tổng số 16.056 học sinh các cấp.

Ngoài ra, còn có 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 5 trường Trung cấp chuyên nghiệp dạy nghề, thu hút hàng nghìn người theo học.

Về y tế: thị xã Phủ Lý có 15 cơ sở y tế, với 537 giường bệnh và 471 cán bộ y tế; trong đó có 219 bác sỹ.

HUYỆN THANH LIÊM

Thanh Liêm là huyện đồng chiêm trũng bán sơn địa nằm ở phía Tây Nam tỉnh Hà Nam, trên toạ độ địa lý 20o,27’ độ vĩ Bắc, 105o,75’ độ kinh Đông. Phía Tây Bắc và Bắc giáp huyện Kim Bảng, thị xã Phủ Lý và huyện Duy Tiên; phía Đông giáp huyện Bình Lục; phía Nam giáp huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; phía Tây giáp huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình.

Theo Niên giám thống kê năm 2003: Diện tích tự nhiên 175km2. Dân số trung bình 135.686 người, mật độ dân số trung bình 775 người/km2; trong đó nam 64.873 người, nữ 70.813 người; phân bố theo khu vực: thành thị 9.145 người, nông thôn 152.182 người

Đất đai chia làm hai vùng rõ rệt, phía Đông là miền đồng bằng ô trũng chiếm phần lớn. Giữa huyện có dãy núi đồi đất kéo dài hàng chục km. Phía Tây là dãy núi đá vôi 99 ngọn như bức tường thành làm ranh giới giữa Thanh Liêm – tỉnh Hà Nam với huyện Lạc Thuỷ – tỉnh Ninh Bình. Sông Đáy chạy dọc huyện từ Bắc xuống Nam, sông Liêm Phong bao phía Tây huyện và nhiều nhánh sông nhỏ chi lưu của sông Đáy chạy quanh co giữa huyện, tạo thuận lợi cho sự phát triển giao thông đường thuỷ. Là huyện có tài nguyên khoáng sản phong phú, có các mỏ đá vôi: Kiện Khê (trữ lượng 2,2 triệu tấn), Đồng Ao (12,4 triệu tấn), Thanh Tân (5,3 triệu tấn) để sản xuất xi măng, vôi, đã xây dựng, rải đường, làm hoá chất. Ngoài ra còn có mỏ đất sét, các loại đá vân hồng tím nhạt, đá vân mây, đá da báo vv….

Thanh Liêm có quốc lộ 1A chạy dọc qua huyện từ Bắc xuống Nam dài 16,5km chính giữa huyện, là con đường huyết mạch quan trọng. Quốc lộ chạy song song với đường sắt Bắc – Nam chéo ngang phía Đông Bắc huyện dài 5 km nối liền Phủ Lý với Nam Định. Địa thế này tạo cho Thanh Liêm trở thành một vị trí chiến lược.

Nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, Thanh Liêm có chung khí hậu nhiệt, đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm 23oC. Lượng mưa trung bình năm từ 1800 đến 2000mm, tập trung 70% vào mùa hạ, từ tháng 10. Lũ sông Đáy nhiều năm dâng cao làm sạt lở, vỡ đê, gây lụt nhiều năm trong lịch sử. Để hạn chế tai nạn này, Thanh Liêm đã quy hoạch vùng phân lũ ở bên hữu ngạn sông, vùng giáp dãy núi đá vôi.

Huyện Thanh Liêm có 20 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn và 19 xã là thị trấn Kiện Khê (7 thôn) và các xã: Liêm Cần (9 thôn, xóm), Liêm Phong (9 thôn), Liêm Sơn (18 thôn), Liêm Thuận (9 thôn), Liêm Tiết (7 thôn), Liêm Túc (11 thôn, xóm), Liêm Tuyền (4 thôn, xóm), Thanh Bình (9 thôn), Thanh Hà (7 thôn, xóm), Thanh Hải (9thôn, xóm), Thanh Hương (8 thôn, xóm), Thanh Lưu (10 thôn, xóm), Thanh Nghị (6 thôn), Thanh Nguyên (7 thôn), Thanh Phong (14 thôn), Thanh Tâm (12 thôn, xóm), Thanh Tân (9 thôn), Thanh Thuỷ (9 thôn), Thanh Tuyền (8 thôn, xóm).

Hiện nay, Huyện Thanh Liêm có 69.059 người lao động làm việc trong các ngành kinh tế. Toàn huyện có 49 trường học phổ thông, trong đó có 24 trường tiểu học, 22 trường THCS và 3 trường THPT, với tổng số 28.905 học sinh các cấp.

Về y tế: Thanh Liêm có 27 cơ sở y tế, với 262 giường bệnh và 192 cán bộ y tế; trong đó có 59 bác sỹ.

HUYỆN BÌNH LỤC

Nằm trên toạ độ địa lý 20o,30’ vĩ độ Bắc, 106o,02’ kinh Đông, huyện Bình Lục ở phía đông nam tỉnh Hà Nam. Phía Bắc giáp 2 huyện Duy Tiên và Lý Nhân; phía Nam giáp 3 huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên của tỉnh Nam Định; phía Đông giáp huyện Lý Nhân; phía Tây giáp huyện Thanh Liêm.

Theo Niên giám thống kê năm 2003: Diện tích tự nhiên 155,5 km2. Dân số trung bình 157.624 người, mật độ dân số trung bình 1.014 người/km2; trong đó nam 78.286 người, nữ 79.388 người; phân bố theo khu vực: thành thị 5.442 người, nông thôn 152.182 người.

Đất đai thuộc vùng chiêm trũng, từ xa xưa được coi là “cái rốn nước” của đồng bằng Bắc Bộ. Đại bộ phận diện tích ở cốt rất thấp, có nơi chỉ cao 0,3m so với mặt biển nên bị ngập úng triền miên, màu đất đen hoặc nâu nhạt, thuộc loại chua, nghèo lân. Song ngày nay đã được cải tạo ruộng đồng, làm nương máng thuỷ lợi, củng cố đê điều nên đã khắc phục được tình trạng ngập úng. Ngoài sông Châu bao bọc còn có nhiều sông nhỏ như Tắc Giang, Ninh Giang, sông Cầu Sắt, Bình Điền, Vĩnh Tứ, khe Bình Lục…chia Bình Lục ra thành nhiều ô, giúp cho việc giao lưu thuận tiện, từng là những con sông giao thông đường thuỷ huyết mạch từ Thăng Long về Thiên Trường thời Trần.

Về đường bộ: có quốc lộ 21 chạy ngang qua huyện, nối với thị xã Phủ Lý và đường quốc lộ 1A ở phía Tây. Các tỉnh lộ 62, 64, 56 và hệ thống đê điều tạo nên mạng lưới đường giao thông tới tất cả các xã trong huyện. Ngoài ra còn có đường sắt Bắc Nam chạy qua trung tâm huyện cũng tạo cho Bình Lục những thuận lợi nhất định.

Khí hậu thuỷ văn của Bình lục mang đặc điểm vùng nhiệt đới gió mùa, mùa hạ nóng ẩm nhiều mưa bão, mùa đông khô ráo, nửa đầu, nửa sau ẩm ướt. Nhiệt độ trung bình năm 23oC, độ ẩm không khí 84%, lượng mưa hàng năm 1700 – 1850mm, phần lớn tập trung vào mùa hạ.

Huyện Bình Lục hiện có 21 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn và 20 xã là: thị trấn Bình Mỹ (8 tiểu khu) và các xã: An Đổ (12 thôn, xóm), An Lão (11 thôn, xóm), An Mỹ (6 thôn), An Ninh (9 thôn, xóm), An Nội (20 thôn), Bình Nghĩa (17 thôn, xóm), Bồ Đề (11 thôn, xóm), Bối Cầu (6 thôn), Đinh Xá (12 thôn), Đồn Xá (12 thôn), Đồng Du (18 thôn, xóm), Hưng Công (10 thôn, xóm), La Sơn (13 thôn), Mỹ Thọ (5 thôn), Ngọc Lũ (12 thôn, xóm), Tiêu Động (14 thôn, xóm), Tràng An (19 xóm, đội), Trịnh Xá (8 thôn), Trung Lương (10 thôn), Vũ Bản (22 thôn, xóm).

Hiện nay, Huyện Bình Lục có 76.527 người lao động làm việc trong các ngành kinh tế. Toàn huyện có 51 trường học phổ thông, trong đó có 25 trường tiểu học, 22 trường THCS và 4 trường THPT, với tổng số 32.088 học sinh các cấp.

Về y tế: Bình Lục có 25 cơ sở y tế, với 286 giường bệnh và 172 cán bộ y tế; trong đó có 35 bác sỹ.

HUYỆN DUY TIÊN

Huyện Duy Tiên nằm ở chính giữa phía Bắc tỉnh Hà Nam. Vị trí địa lý ở vào khoảng 20o,38’vĩ Bắc, 105o,75’ độ kinh Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Hà Tây; phía Đông giáp thị xã Hưng Yên và huyện Lý Nhân, phía Nam giáp thị xã Phủ Lý và huyện Bình Lục, phía Tây giáp huyện Kim Bảng.

Theo Niên giám thống kê năm 2003: Diện tích tự nhiên 135,0 km2. Dân số trung bình 130.927 người, mật độ dân số trung bình 970 người/km2; trong đó nam 63.609 người, nữ 67.363 người; phân bố theo khu vực: thành thị 9.238 người, nông thôn 121.734 người.

Toàn bộ đất tự nhiên nằm trong vùng chiêm trũng, có đất phù sa bồi trên hữu ngạn sông Hồng màu mỡ; vùng đất không được bồi trung tính ít chau ven sông Châu, sông Nhuệ; còn lại phần lớn là đất phù sa có glây chua, ở địa hình thấp, ngập nước thường xuyên, có nơi cốt đất 1,8m. Phía Nam huyện có 2 ngọn núi, cách nhau 1,5km là Đọi Sơn và Điệp Sơn như một quả đồi giữa đồng sâu.

Khí hậu thuỷ văn của Duy Tiên mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới ,gió mùa có một mùa đông lạnh giá, đầu mùa tương đối kho, cuối mùa đông lại ẩm ướt, mùa hạ nóng ẩm nhiều mưa bão. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23oC. Tháng thấp nhất là tháng giêng, nhiệt độ trung bình khoảng 15,1oC. Tháng cao nhất là tháng 6, khoảng trung bình 29oC. Độ ẩm không khí 84%. Số giờ nắng trung bình mỗi năm từ 1.100 đến 1.200 giờ. Lượng mưa từ 1.700 đến 2000mm, phân bố không đều, tập trung 70% vào mùa hạ, từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, ít mưa, khô lạnh. Thêm vào đó là các hiện tượng thời tiết khác thường: dông, bão, mưa phùn, sương giá, gió bấc.

Duy Tiên phong phú về sông ngòi. Sông Hồng chảy bao quanh phía Đông huyện, sông Châu về phía Nam, sông Nhuệ lượn qua ba xã về phía Tây. Ngoài ra còn có sông nhỏ Hoàng Uyển và nhiều kênh, mương, máng thuỷ lợi mà nhân dân Duy Tiên đã đào đắp nửa thế kỷ qua nhằm chế ngự tác hại của thiên nhiên.

Đường bộ có đường quốc lộ 38 từ Đồng Văn qua huyện lị ở thị trấn Hoà Mạc ra sông Hồng có cầu Yên Lệnh sang thị xã Hưng Yên, tạo điều kiện thông thương giữa Duy Tiên và tỉnh Hà Nam với các tỉnh phía Đông và vùng biển Bắc Bộ. Đường 61 chạy dọc phía Đông tỉnh nối quốc lộ 38 với đường 62 qua cầu Câu Tử, giao lưu với các huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân…Duy Tiên có mỏ sét gốm ở Đồng Văn, mỏ sét gạch ngói ở Mộc Bắc, Mộc Nam, Chuyên Ngoại và Duy Hải.

Huyện Duy Tiên hiện có 21 đơn vị hành chính, gồm 2 thị trấn và 19 xã là: thị trấn Hoà Mạc (4 phố, 4 thôn), thị trấn Đồng Văn (3 phố, 2 thôn) và các xã: Bạch Thượng (6 thôn), Châu Giang (14 thôn), Châu Sơn (5 thôn), Chuyên Ngoại (5 thôn), Duy Hải (5 thôn), Duy Minh (7 thôn), Đọi Sơn (7thôn), Hoàng Đông (6 thôn), Mộc Bắc (5 thôn), Mộc Nam (5 thôn), Tiên Hải (5 thôn), Tiên Hiệp (5 thôn), Tiên Ngoại (9 thôn), Tiên Nội (9 thôn), Tiên Phong (2 thôn), Tiên Tân (7 thôn), Trác Văn (6 thôn, 11 xóm), Yên Bắc (9 thôn), Yên Nam (9 thôn).

Duy Tiên là huyện có nhiều làng nghề nổi tiếng như: làng tằm Tiên Phong, dệt lụa Nha Xá, làm trống Đọi Tam, thêu Yên Bắc, đan song mây ở Ngọc Động vv…Hiện nay, Huyện Duy Tiên có 66.079 người lao động làm việc trong các ngành kinh tế. Toàn huyện có 49 trường học phổ thông, trong đó có 24 trường tiểu học, 21 trường THCS và 4 trường THPT, với tổng số 26.261 học sinh các cấp.

Về y tế: Duy Tiên có 26 cơ sở y tế, với 306 giường bệnh và 205 cán bộ y tế; trong đó có 47 bác sỹ.

HUYỆN LÝ NHÂN

Lý Nhân nằm ở phía Đông tỉnh tỉnh Hà Nam, trong khoảng toạ độ 25o,35’ vĩ Bắc, 106o,05’ độ kinh Đông. Phía Nam giáp tỉnh Nam Định và huyện Bình Lục, phía Tây giáp hai huyện Bình Lục và Duy Tiên. Nằm trong vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ nên địa hình huyện Lý Nhân dạng lòng chảo nghiêng dần về phía Đông Nam.

Theo Niên giám thống kê năm 2003: Diện tích tự nhiên 167,1km2. Dân số trung bình 188.843 người, mật độ dân số trung bình 1.130 người/km2; trong đó nam 90.725 người, nữ 98.118 người; phân bố theo khu vực: thành thị 6.609 người, nông thôn 182.234 người.

Lý Nhân có 2 con sông bao quanh huyện là sông Hồng và sông Châu, có tổng chiều dài khoảng 78km, với diện tích lưu vực khoảng 1.084ha. Sông Hồng hàng năm bồi đắp phù sa cho vùng bãi ngoài đê bối và cho vùng lúa qua hệ thống trạm bơm tưới từ sông Hồng. Sông Châu là một nhánh của sông Hồng làm nhiệm vụ tới cho đồng ruộng và tiêu nước cho cả hai huyện bạn Bình Lục, Duy Tiên trong mùa mưa úng. Ngoài ra còn có sông Long Xuyên như con kênh tiêu chính cho toàn bộ vùng trũng của huyện.

Đất đai tương đối đồng đều, hình thành ba vùng sinh thái khác nhau: vùng bãi đất ngoài đê sông Hồng và bối sông Châu; vùng đồng chiêm trũng (chiếm 2/3 diện tích); vùng đất màu và cây công nghiệp. Vùng đồng chiêm trũng do cốt đất thấp, độ PH cao, độ phì nghèo, đất kém màu mỡ thường chỉ cấy được một vụ chiêm là chính, vụ mùa chỉ làm được một phần ở chân ruộng cao, còn phổ biến trồng ngô, khoai.

Khí hậu huyện Lý Nhân nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, thuộc tiểu vùng khí hậu đồng bằng Bắc Bộ, chịu ảnh hưởng sâu sắc của gió mùa Đông Bắc, gió mùa Đông Nam. Lượng mưa trung bình hàng năm gần 2000mm, năm mưa nhiều nhất đến 2.400mm, năm mưa ít nhất 1200mm, được chia làm 2 mùa là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa chiếm 80%, có năm 90% lượng mưa cả năm; mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Nhiệt độ trung bình năm dao động từ 23,5oC – 24oC. Mùa hè nhiệt độ trung bình 27oC. Nóng nhất là tháng 6,7, có khi lên tới 36oC-38oC. Mùa đông nhiệt độ trung bình 18,9oC. Tháng giêng, hai là lạnh nhất, có năm thấp tới 6oC-8oC. Nắng cả năm có tổng số trung bình 1.276 giờ, phụ thuộc theo mùa. Độ ẩm giữa các tháng chênh lệch nhau không lớn, giữa tháng khô nhất và tháng ẩm nhất chỉ chênh nhau 12%.

Đất đai màu mỡ, có phù sa sông Hồng bồi đắp, có thể sản xuất 2-3 vụ/năm, nguồn nước dồi dào.

Đường bộ trong huyện có đường 62, 63 chạy qua. Ngoài ra đê sông Hồng dài trên 40m, các đê bối sông Hồng, sông Châu cũng là đường giao thông vòng quanh huyện.

Huyện Lý Nhân có 23 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn và 22 xã là: thị trấn Vính Trụ (3 khu phố, 10 xóm) và các xã: Bắc Lý (14 thôn), Chân Lý (18 thôn), Chính Lý (22 xóm), Công Lý (18 xóm), Đạo Lý (7 thôn, 2 xóm), Đồng Lý (9xóm), Đức Lý (4 thôn, 11 xóm), Hoà Hậu (2 thôn, 27 xóm), Hợp Lý (8 thôn, 18 xóm), Nguyên Lý (5 thôn, 21 xóm), Nhân Bình (5 thôn, 16 xóm), Nhân Chính (2 thôn, 21 xóm), Nhân Đạo (6 thôn, 3 xóm), Nhân Hưng (7 thôn, 2 xóm), Nhân Khang (12 xóm), Nhân Nghĩa (8 thôn, 4 xóm), Nhân Thịnh (18 xóm), Phú Phúc (4 thôn, 14 xóm), Tiến Thắng (5 thôn, 21 xóm), Văn Lý (6 thôn, 2 xóm), Xuân Khê (12 xóm).

Hiện nay, Huyện lý Nhân có 93.354 người lao động làm việc trong các ngành kinh tế. Toàn huyện có 63 trường học phổ thông, trong đó có 31 trường tiểu học, 27 trường THCS và 5 trường THPT, với tổng số 37.541 học sinh các cấp.

Về y tế: Lý Nhân có 28 cơ sở y tế, với 445 giường bệnh và 293 cán bộ y tế; trong đó có 69 bác sỹ.

HUYỆN KIM BẢNG

Huyện Kim Bảng nằm ở phía Tây tỉnh Hà Nam, vị trí địa lý vào khoảng 20o,35’ vĩ độ Bắc; 105o,60’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây, phía Tây giáp huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, phía Đông giáp với huyện Duy Tiên và thị xã Phủ Lý, phía Nam giáp với huyện Thanh Liêm và huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình.

Theo Niên giám thống kê năm 2003: Diện tích tự nhiên 184,9 km2. Dân số trung bình 128.940 người, mật độ dân số trung bình 697 người/km2; trong đó nam 60.731 người, nữ 68.209 người; phân bố theo khu vực: thành thị 5.210 người, nông thôn 123.730 người. Điểm dài nhất 18,7 km, điểm rộng nhất 14,2 km nằm trong khu vực châu thổ Sông Hồng, nhưng địa hình huyện Kim Bảng rất đa dạng, bao gồm cả vùng đồi núi, vùng nửa đồi núi và vùng đồng chiêm trũng. Núi rừng hình thành một vòng cung như bức trường thành bao toàn bộ phía Tây và Tây Nam huyện, chạy dọc phía hữu ngạn sông Đáy.  Hệ thống đường bộ: có đường 21, 22, 60 chạy qua.

Thuỷ văn trong vùng mang đặc điểm chung của khu vực đồng bằng Sông Hồng: chủ yếu là chế độ nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình thấp nhất vào tháng riêng là 16oC. Mùa hạ nóng ẩm, nhiệt độ trung bình cao nhất vào tháng 7 là 29oC. Lượng mưa trung bình 1800-2000mm/năm, song phân bố không đều, tập trung 85% từ tháng 4 đến tháng 10, chỉ có 15% vào mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Huyện Kim Bảng có 19 đơn vị hành chính gồm 18 xã và 01 thị trấn là: Thị trấn Quế (1 thôn, 8 xóm) và các xã: Ba Sao (2 thôn, 7 xóm), Đại Cương (4 thôn, 10 xóm), Đồng Hoá (5 thôn, 14 xóm), Hoàng Tây (10 xóm), Khả Phong (3 thôn, 16 xóm), Kim Bình (6 thôn, 3 xóm), Liên Sơn (3 thôn), Lê Hồ (6 thôn, 17 xóm), Ngọc Sơn (4 thôn, 13 xóm), Nguyễn Uý (5 thôn, 7 xóm), Nhật Tân (15 xóm), Nhật Tựu (4 thôn), Tân Sơn (5 thôn, 11 xóm), Thanh Sơn (5 thôn, 16 xóm), Thi Sơn (2 thôn, 16 xóm), Thuỵ Lôi (3 thôn, 9 xóm), Tượng Lĩnh (7 thôn), Văn Xá (4 thôn, 9 xóm).

Hiện nay, Huyện Kim Bảng có 64.554 người lao động làm việc trong các ngành kinh tế. Toàn huyện có 47 trường học phổ thông, trong đó có 25 trường tiểu học, 19 trường THCS và 3 trường THPT, với tổng số 26.435 học sinh các cấp.

Về y tế: Kim Bảng có 24 cơ sở y tế, với 424 giường bệnh và 196 cán bộ y tế; trong đó có 53 bác sỹ.

( Sưu tầm và biên soạn: Văn phòng Tỉnh ủy)

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây