Bí thư Hà Nội: Văn hóa là động lực, nguồn lực phát triển Thủ đô

Mỗi người dân Hà Nội luôn tự hào về Thủ đô yêu dấu, luôn ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô ‘Văn hiến – Văn minh – Hiện đại’.

Sáng 21/3, UBND Tp.Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội phối hợp với Sở VH&TT Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, hội thảo là một trong những bước cụ thể hóa Nghị quyết số 15 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó là cụ thể những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đặc biệt là của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc “Văn hóa thực sự là nền tảng, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác của đất nước”; tiếp tục triển khai các nội dung được thảo luận tại các Hội thảo khoa học do Trung ương tổ chức về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa tại Bắc Ninh và 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, Thủ đô Hà Nội luôn phát huy vai trò là trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất của đất nước.

Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 01 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội có những di sản văn hóa vật thể vô giá, đó là những dấu tích của thành quách nguy nga, công trình kiến trúc tâm linh, tượng đài, công viên, vườn hoa, sông hồ…

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho hay, trên thế giới, hiếm có Thủ đô nào có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi (tính từ kinh đô của Nhà nước Âu Lạc vào đầu thế kỷ thứ III trước công nguyên) như Thủ đô Hà Nội.

“Mỗi người dân Hà Nội và chúng ta luôn tự hào về Thủ đô yêu dấu, luôn ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”, Bí thư Hà Nội nêu rõ.

Bi thu Thanh uy Ha Noi Dinh Tien Dung phat bieu tai hoi thao min - Bí thư Hà Nội: Văn hóa là động lực, nguồn lực phát triển Thủ đôBí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo.

Ông Dũng cho biết, cùng với cả nước, Hà Nội đang quyết liệt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tp.Hà Nội lần thứ XVII.

Mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động tiêu cực của tình hình thế giới, biến đổi khí hậu và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với tinh thần đổi mới quyết liệt, sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Đặc biệt năm 2022, Thành ủy đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội, chỉ đạo thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2022 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và đã đạt được những kết quả nổi bật.

“Hội thảo là sự tiếp nối, kế thừa và vận dụng những kết quả của các hội nghị, hội thảo khoa học vào thực tiễn cuộc sống đang diễn ra hết sức sôi động trên địa bàn Thành phố. Để tiếp tục làm rõ tư tưởng chỉ đạo coi văn hóa là động lực, là nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại””, ông Dũng nhấn mạnh.

Nhận diện các nguồn lực văn hóa

Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, hội thảo sẽ tập trung, xác định 4 nội dung lớn.

Thứ nhất, luận cứ khoa học về đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại; Vị trí, vai trò đặc biệt của văn hóa Thăng Long – Hà Nội, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Pho Chu tich UBND Tp.Ha Noi Ha Minh Ha min - Bí thư Hà Nội: Văn hóa là động lực, nguồn lực phát triển Thủ đôPhó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Hà Minh Hải.

Thứ hai, nhận diện các nguồn lực văn hóa. Luận cứ khoa học và thực tiễn, các giải pháp để phát huy nguồn lực văn hóa Thăng Long – Hà Nội, chuyển hóa nguồn tài nguyên nhân văn, nguồn vốn văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa , du lịch văn hóa và công nghiệp sáng tạo.

Kiểm đếm, đánh giá, số hóa di sản văn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu số, hình thành nguồn tài nguyên nhân văn, để cùng với nguồn tài nguyên số là những nguồn tài nguyên của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có giá trị và quan trọng nhất cho phát triển xanh, phát triển bền vững.

Thứ ba, các giải pháp bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị của Thủ đô di sản, đặc biệt phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực.

Phát triển Hà Nội thành Thủ đô thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước, trở thành một trong những điểm đến của tri thức và sáng tạo trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư, các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện. Trong đó đặc biệt là Các giải pháp về cơ chế, chính sách, về phân cấp phân quyền, cơ chế hợp tác công tư, cơ chế xã hội hóa, cơ chế liên kết hợp tác cả trong và ngoài nước.

Nguyễn Hữu Thắng

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây