Bố Vệ miếu – T.S Phạm Văn Tuấn

Bố Vệ miếu - T.S Phạm Văn Tuấn
Ông Nguyễn Kim Dũng, người trông coi Thái miếu giới thiệu về nghệ thuật, phong cách kiến trúc độc đáo thời hậu Lê và thời Nguyễn.

Thái miếu Bố Vệ hay còn gọi là đền Lê theo cách gọi của Nhân dân địa phương là nơi thờ tự chung của các đời vua, các vị Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu, Triệu tổ, Hiển tổ, Tuyên tổ cùng các vị vương công, đại thần triều hậu Lê.

Trước đây Bố Vệ miếu thuộc thôn Kiều Đại, xã Bố Vệ, tổng Thọ Hạc (Đông Sơn), nay là phố Kiều Đại, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa). Bố Vệ miếu được dựng lại trên cơ sở của hai miếu được lập ra dưới triều Lê: Một miếu ở Lam Sơn huyện Thụy Nguyên, trấn Thanh Hoa (nay là thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân) và một miếu ở Thăng Long (Hà Nội) gọi là điện Hoằng Đức. Đến đời Vua Gia Long thứ 4 (1805) mới dời về thôn Kiều Đại, xã Bố Vệ (Đông Sơn) và được đổi tên là miếu Bố Vệ. Trên dặm dài lịch sử hơn 200 năm, sự tồn tại của Thái miếu đã để lại cho chúng ta vừa kinh ngạc chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa, vừa băn khoăn đặt ra câu hỏi tại sao nhà Nguyễn lại chuyển Thái miếu về dựng ở đây.

Về thời gian dựng miếu, căn cứ dòng chữ ghi trên thượng lương nhà hậu điện: “Ất Sửu niên… thụ trụ thượng lương đại cát nhật”, chúng ta có thể biết niên đại xây cất điện miếu ở Bố Vệ vào năm Ất Sửu, tức là năm 1805. Niên đại này phù hợp với nguồn sử liệu được chép trong sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn.

Cuối năm 1994 đầu năm 1995, trước yêu cầu cấp thiết của sự phục hưng nền văn hóa dân tộc ở mỗi quốc gia do UNESCO phát động, di tích Bố Vệ miếu mới được ngành chủ quản là Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khảo sát, nghiên cứu và lập hồ sơ khoa học và đến tháng 9-1995, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có quyết định công nhận Thái miếu nhà hậu Lê là Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Năm 1996, di tích Thái miếu được điều tra khảo sát và lập quy hoạch tổng thể, nhằm trùng tu, tôn tạo di tích này xứng đáng với tầm giá trị. Và từ năm 1997 đến nay, Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực cho việc trùng tu, tôn tạo di tích này.

Sách từ điển di tích văn hóa Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, 1993) cho chúng ta biết thêm thông tin đây là nơi thờ 29 hoàng đế và 28 hoàng hậu. Những dòng ghi chép trong các tài liệu nêu trên, các nhà biên soạn từ điển cũng đã sử dụng từ hai nguồn sử liệu chính là sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn và sách Thanh Hóa tỉnh chí của Nhữ Bá Sỹ. Tuy nhiên, do có sự nhầm lẫn về miếu hiệu mà các tác giả sách trên đã nói đến 29 hoàng đế và 28 hoàng hậu!

Sách Niên biểu Việt Nam xuất bản năm 1970 cho biết vương triều Lê tồn tại 354 năm, thực tế chỉ có 27 đời vua; còn 28 hoàng hậu đang còn là ẩn số. Hiện nay, chúng ta chỉ mới biết được 12 hoàng hậu trong số 27 đời vua của triều Lê. Như vậy, vấn đề hoàng hậu được thờ ở Thái miếu còn phải tiếp tục nghiên cứu để bổ sung thêm. Ngoài ra, việc điện Hoằng Đức ở kinh thành Thăng Long được chuyển về Bố Vệ đã được các sách đề cập là điện gì của triều Lê đến nay vẫn là ẩn số. Bên cạnh đó, tác giả của tập sách Những người bạn cố đô lại cho biết: Trong đời Hồng Đức (1470-1497), Vua Lê Thánh tông cho cất lên tại làng Kiều Đại một nhà tranh ba gian để thờ tổ tiên của mẹ vua. Nhà này có tên là Hoằng Đức điện (có nghĩa đây là nơi phát huy đức hạnh của mẹ). Đây là vấn đề cần phải tiếp tục làm sáng tỏ hơn.

Việc Vua Gia Long cho khởi dựng Thái miếu ngay trên phần đất của nền điện Chiêu Hòa, vốn là điện thờ của Tuyên Từ Nhân ý Chiêu Túc Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh (vợ Vua Lê Thái tông, mẹ Vua Lê Nhân tông) đã bị đổ nát; đây cũng là quê hương của bà, ngoài ý nghĩa về mặt chính trị, địa điểm này còn nằm trên trục đường thiên lý Bắc – Nam thuận tiện, có nhiều cảnh quan đẹp và hùng vĩ. Đó là thắng cảnh Kỳ Lân Sơn ở phía Tây; núi Rồng, sông Mã ở phía Bắc; kênh Bố Vệ ở phía Nam cùng với Vệ Yên, Tạnh Xá, Mật Sơn là những xóm làng nông nghiệp trồng lúa nước lâu đời, vừa sầm uất vừa trữ tình.

Toàn bộ cảnh quan của Thái miếu trước đây được cấu trúc trong một tổng thể hoàn chỉnh bao gồm các hạng mục như: Nghinh môn, sân điện, nhà tả vu, hữu vu và điện thờ. Hiện nay, Thái miếu chỉ còn có 2 công trình là cổng nghinh môn và điện thờ chính.

Ngoài những đồ thờ, bài vị chính trong điện thờ, rải rác xung quanh phía ngoài điện miếu còn có một số hiện vật giá trị, như: Bệ thờ bằng đá chân quỳ; cột cờ bằng đá hình trụ (lục giác); bia công đức dựng ở hai đầu sân điện. Đặc biệt, ở ngoài hiên Tiền điện được bố trí tượng nghê chầu, linh vật đẹp và đặc biệt có giá trị của nền kiến trúc dân tộc cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn.

Do hoàn cảnh lịch sử trong những thời kỳ khác nhau, Bố Vệ miếu được sử dụng vào nhiều mục đích. Điều này có thể đã làm cho bộ mặt của điện thờ không còn giữ được diện mạo vốn có. Dưới thời vua Bảo Đại, các cột trong điện thờ (kể cả Tiền điện và Hậu điện) đã được sơn lại màu hồng và trang trí hoa văn hình rồng cuốn trong vân mây suốt chiều dài của thân cột. Dấu tích này còn thấy được ở những cây cột được dỡ bỏ trong lần trùng tu Hậu điện trong các năm 1999-2001 và hiện còn trong toàn bộ các cây cột ở Tiền điện. Sau Cách mạng Tháng 8-1945, Bố Vệ miếu lại trở thành nơi hội họp của chính quyền kháng chiến, quân đội, nội vụ của tỉnh và Trung ương. Trong kháng chiến chống Mỹ, một đơn vị hậu cần tiền phương của quân đội đã đóng quân tại đây trong nhiều năm. Từ năm 1974 đến 1982, Bố Vệ miếu lại trở thành nơi ở, làm việc của cán bộ, công nhân viên Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Từ sau năm 1982, di tích được Nhân dân địa phương và những người hảo tâm trông coi và gìn giữ. Và đến năm 1995 mới thực sự bắt đầu nằm dưới sự quản lý của UBND TP Thanh Hóa với tư cách là một di sản khi được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia.

Trải qua những đổi thay của lịch sử, sự tàn phá của thời gian và ý thức của con người đã khiến Bố Vệ miếu bị thay đổi cơ bản. Ngoài những hiện vật bị mất đi thì có một số hiện vật từ nơi khác được nhiều người hảo tâm cung tiến như: Tượng các bà phi, tượng Vua Lê Thần Tông, Lê Lai, Nguyễn Trãi… Vì thế mà việc bố trí, sắp xếp các bài vị, tượng thờ không theo đúng trật tự, điện thờ đã trở thành một phức hợp thể các tín ngưỡng của nhiều thời kỳ. Hiện trạng đó của Thái miếu cũng như nhiều di tích khác ở Thanh Hóa và nhiều vùng quê khác trên đất nước chúng ta chịu chung một số phận.

Đến Bố Vệ miếu những ngày này, sau gần 6 tháng tổ chức triển khai thực hiện thi công tu bổ, tôn tạo và xây mới nhà tả vu, hữu vu cũng đang trong quá trình hoàn tất. Ông Nguyễn Kim Dũng – người trông coi đền nhiều năm nay cho biết: “Bà con rất vui mừng vì các cấp chính quyền đã luôn quan tâm đầu tư cho di tích lịch sử này. Thái miếu nhà Lê không chỉ đáp ứng nhu cầu nhang hương mà còn là địa chỉ để Nhân dân đến tìm hiểu một cách đầy đủ, chi tiết về những giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc độc đáo của công trình”.

Hơn 200 năm qua, dù trên vùng đất TP Thanh Hóa ngày nay đã diễn ra nhiều đổi thay, thì Thái miếu cổ kính gồm điện thờ và những cây cổ thụ trong khuôn viên di tích vẫn còn được bảo tồn như nhắc lại uy linh của một thời xa vắng và hơn hết nó đã làm tròn sứ mệnh của mình trước lịch sử.

T.S Phạm Văn Tuấn

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây